Loại bỏ tư tưởng bàn lùi

Thứ Tư, 12/02/2020, 09:19
“Chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ điều này trong phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ, triển khai công tác năm 2020.

Hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đang thực sự trở thành xu thế với sự lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội. Giờ đây, khi theo dõi việc xử lý kỷ luật cũng như xử lý hình sự các cựu quan chức “dính chàm” tại tòa, chúng ta thấy rõ câu trả lời “xử nghiêm, không có vùng cấm” được thực thi như thế nào. Rõ ràng, thực tiễn sinh động là câu trả lời rõ nhất, cụ thể nhất cho những vấn đề được nêu trong văn bản, nghị quyết, đó như những “số hạng” để đem đến tổng là lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước pháp quyền XHCN.

Lòng tin ấy chỉ có thể được minh chứng và vun đắp theo thời gian. Một nghị quyết, chỉ thị khi mới ban hành chưa thể có ngay lòng tin ấy. Chúng ta hãy nhớ lại thời điểm khi Đảng mới ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, năm 2016. Thời điểm ấy, không ít cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hoài nghi, đặt những dấu hỏi “liệu rồi thế nào” hay “để xem lần này ra sao”...

Hiểu rõ những tâm tư, băn khoăn đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có những chỉ đạo, khẳng định sự quyết tâm chính trị mạnh mẽ. Ngày 24-2-2017, tại Hà Nội, Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác kiểm tra, giám sát của Đảng năm 2016, triển khai nhiệm vụ công tác năm 2017, Tổng Bí thư đã nêu thông điệp “xử một số người để cứu muôn người”.

Tại hội nghị đó, Tổng Bí thư thẳng thắn: “Tôi muốn lưu ý thêm các đồng chí là hiện nay, cán bộ, đảng viên và nhân dân vui mừng, ủng hộ, hy vọng vì có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nhưng cũng còn băn khoăn, lo rằng không biết Nghị quyết có được thực hiện đến nơi đến chốn không, vẫn bức xúc về những yếu kém, tiêu cực trong Đảng, nhất là tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống, tệ quan liêu, tham nhũng, “lợi ích nhóm” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa được ngăn chặn, đẩy lùi. Trong bối cảnh đó, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, ủy ban kiểm tra và cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng ở các cấp là hết sức quan trọng”.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp Chính phủ trực tuyến, triển khai công tác năm 2020.

Nói về việc kiểm tra, làm rõ, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Chúng ta rất nhân văn, nhân đạo, nhân ái, nhân tình; không thích thú gì khi phải kỷ luật đồng chí, đồng đội của mình; trái lại, rất khổ tâm, đau xót. Nhưng, vì sự tiến bộ chung, vì để mong nhiều người không mắc sai phạm, chúng ta phải kỷ luật; kỷ luật một vài người để cứu muôn người!”.

Hôm nay, sau 2 năm kể từ hội nghị đó và cũng gần 3 năm kể từ khi Đảng ta ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, câu trả lời về hiệu lực nghị quyết đã được minh chứng bằng thực tiễn sinh động. Đó là việc xử lý nghiêm minh, công tâm, đúng người, đúng tội với tinh thần “không vùng cấm” nhưng không oan sai. Nghiêm minh theo pháp luật nhưng vẫn thể hiển rõ tính nhân văn; những ai ăn năn, hối cải, tham ô, tham nhũng nhưng thành khẩn và nỗ lực khắc phục hậu quả thì được hưởng những tình tiết giảm nhẹ theo luật định. Cùng với đó, thể chế luật pháp về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được bổ sung, mới nhất là việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thật sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì nước, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn. Phát huy dân chủ, nâng cao ý thức trách nhiệm, nêu gương, tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

Đồng thời, có cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực thi công vụ; nâng cao đạo đức, văn hóa, tính chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức. Kiên trì, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gắn với đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách để không thể, không dám, không muốn tham nhũng.

“Đồng thời, chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí, làm “cầm chừng”, “phòng thủ”, “che chắn”, giữ “an toàn” trong một bộ phận cán bộ, công chức nào đó, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Tôi đã nhiều lần nói rồi, nay xin nhắc lại: Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm!” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Qua việc điều tra, truy tố, xét xử những vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, điển hình như vụ đại án AVG cho thấy dấu ấn đặc biệt của công tác điều tra. Với số tiền đưa và nhận hối lộ lên đến hàng triệu USD, nó thực sự lập kỷ lục, dấu mốc trong ngành tố tụng. Nhà nước ta coi tội tham ô, nhận hối lộ là hai tội danh nặng nhất trong nhóm tội về tham nhũng. Tuy nhiên, trước vụ AVG, việc nhận hối lộ lên đến tỉ đồng dù có “xì xào” trong dư luận nhưng về mặt tố tụng thì chưa được làm rõ.

Giải trình tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp về tội phạm tham nhũng, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, yêu cầu số một mà Trung ương đặt ra là phải thu hồi tài sản, hai là phát hiện hành vi tham nhũng. Tham nhũng thường lẩn vào quản lý kinh tế, vi phạm về quản lý kinh tế thì mới có hành vi tham nhũng được. Do đó, tội phạm tham nhũng và tội phạm kinh tế thường gắn với nhau.

Theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, trong các vụ án tham nhũng thường rất khó điều tra hành vi đưa, nhận hối lộ. “Tham ô dễ làm bởi còn có sổ sách, các đối tượng lấy tiền để chia nhau. Nhưng, việc đưa hối lộ và nhận hối lộ rất khó điều tra. Báo chí đưa tin kết thúc điều tra vụ Mobifone/AVG, lực lượng điều tra hết sức cố gắng mới tra ra được. Vì xung quanh chuyện đưa tiền, chỉ có người đưa, người nhận, chỉ anh biết, tôi biết, trời biết, ngoài ra không ai biết cả, nên rất khó... Đây là yêu cầu mà tới đây trong công tác điều tra chúng tôi sẽ cố gắng” - Thứ trưởng Lê Quý Vương cho hay.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thì cho rằng, việc đưa nhận hối lộ chỉ có hai người, chứng cứ chủ yếu từ lời khai nên đấu tranh để họ thừa nhận đã nhận hối lộ triệu đô như vậy là không đơn giản. Theo ông Trí, chất lượng điều tra án tham nhũng đang có nhiều khởi sắc. Bằng chứng là trong vụ đại án xảy ra tại Mobifone, cựu Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã phải thừa nhận hành vi nhận hối lộ 3 triệu USD, cựu Chủ tịch Mobifone Lê Nam Trà khai nhận hối lộ 2,5 triệu USD... Kết quả này là chưa từng có trong điều tra các vụ án tham nhũng. Đây là nỗ lực lớn, các lực lượng đang cố gắng làm tốt hơn trong điều kiện còn nhiều hạn chế.

Điều này tiếp tục được chứng minh qua phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án hồi cuối tháng 12 vừa qua, các bị cáo dù có những lúc quanh co nhưng sau cùng đã phải thừa nhận sự thật, thừa nhận hành vi nhận hối lộ của mình và khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản cho Nhà nước.

Từ vụ án như AVG, chúng ta cũng cần có cách nhìn khách quan, đầy đủ, tránh suy diễn lệch lạc, vơ đũa cả nắm. Việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án AVG thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp, theo nguyên tắc “không có vùng cấm”. Người từng có công danh như thế, vị trí như thế, nay phải bước ra tòa chịu sự xử lý của pháp luật, đó là hai mặt của vấn đề: công danh và tội trạng không đánh đồng, hai mảng sáng tối là phân biệt. Thành tích, công trạng không “khấu trừ” vào tội trạng mà chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi tòa xem xét, lượng hình.

Thứ hai, cần thấy rằng, việc cán bộ từng phấn đấu, rèn giũa, kinh qua các chức vụ như ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, nay phạm vào lằn ranh luật pháp cấm, phải ra tòa hình sự, đó là một tổn thất. Tổn thất nhưng phải làm, điều đó thể hiện tinh thần của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay: “Xử một số người để cứu muôn người”. Đó là sự cảnh tỉnh, răn đe với những ai đang nắm giữ quyền lực, nắm giữ địa vị, phải biết lằn ranh hay giới hạn mang tính nguyên tắc. Chúng ta chịu tổn thất nhưng là việc phải làm để cứu muôn người, để giữ lấy niềm tin trong nhân dân và vì sự tiến bộ, phát triển của Đảng.

An Nhi
.
.