Lebanon - Đâu là quả bom đích thực?
Khủng bố? Không!
“Nước Mỹ sẵn sàng ở đó để giúp đỡ các nạn nhân. Vụ nổ này giống như một cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng!” - những dòng tweet có thể đoán trước từ đương kim chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump.
Tuy nhiên, vấn đề là gần như cùng lúc, Thủ tướng Lebanon Hassan Diab cũng khẳng định một cách chắc chắn trên các kênh thông tin của mình: “Thật không thể chấp nhận được việc lô hàng 2.750 tấn amonium nitrate được lưu giữ tới 6 năm trong các nhà kho tại cảng Beirut mà không có bất cứ biện pháp kiểm tra hay bảo vệ nào. Chúng ta không thể yên lặng. Tôi sẽ không ngơi nghỉ cho đến khi chắc chắn được rằng những kẻ có trách nhiệm liên đới sẽ phải nhận những hình phạt nghiêm khắc nhất. Sự thật về những nhà kho nguy hiểm đó, suốt 6 năm trời, sẽ được công bố rõ ràng”.
Nghĩa là, một cách gián tiếp, Thủ tướng Hassan Diab phủ định mọi nghi ngờ, mọi hướng suy diễn về nguyên nhân vụ nổ đã được khơi lên ngay sau khi thảm kịch diễn ra. Có những cáo buộc đã lập tức được đưa ra, hướng về phía tổ chức vũ trang - chính trị Hezbollah, song họ lập tức phủ nhận trách nhiệm.
Và rồi, hướng điều tra duy nhất được lựa chọn: Vào năm 2014, khối hàng 2.750 tấn amonium nitrate (NH4NO3, hợp chất được sử dụng nhiều trong sản xuất phân bón cũng như chế tạo thuốc nổ khai khoáng) đó đã cập cảng Beirut. Chúng được mang tới bởi con tàu mang tên MV Rhosus, mang cờ Moldova. Hành trình được dự định của MV Rhosus là từ Gruzia đến Mozambique, song tới Lebanon thì nó bị hỏng động cơ và buộc phải neo đậu tại cảng Beirut.
Thêm rất nhiều người Lebanon trở nên trắng tay sau thảm kịch này. |
Sau đó, cả chủ lô hàng lẫn đơn vị vận chuyển đều biến mất, bỏ lại con tàu hỏng. Số lượng hóa chất khổng lồ ấy được bốc dỡ lên bờ và lưu giữ trong kho. Chúng cứ ở nguyên đó, suốt 6 năm, cho đến ngày 4-8 định mệnh.
Thực tế, theo một số chuyên gia khoa học, như giáo sư Gabriel da Silva của Đại học Melbourne (Australia), NH4NO3 là một hợp chất oxy hóa chứ không phải là chất nổ. Bởi vậy, để chúng phát nổ, cần những thao tác và điều kiện nhất định. Và, lời tuyên bố chính thức của Thủ tướng Lebanon Hassan Diab về nguyên nhân vụ nổ cùng dòng tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi đặt cạnh nhau, lại càng dễ làm trỗi dậy những suy diễn.
Dù sao, quân đội Lebanon đã vào cuộc. Hội đồng Quốc phòng tối cao quốc gia Lebanon đã lập tức ban bố tình trạng khẩn cấp, trao quyền bảo đảm và duy trì an ninh cho quân đội, đồng thời đề nghị gấp rút thành lập ủy ban điều tra về nguyên nhân vụ nổ. Một vụ nổ tự phát do bất cẩn hay một cuộc tấn công có chủ đích, thời gian sẽ đưa ra câu trả lời (dù có thể câu trả lời ấy chưa chắc đã được công bố rộng rãi).
Vấn đề là, hiện tại, Lebanon không xác định cơn chấn động tương đương với sức công phá của 240 tấn thuốc nổ TNT (nghĩa là bằng khoảng 1/5 một quả bom nguyên tử) ấy là kết quả của một hành động khủng bố.
Quốc gia này còn nhiều việc khác phải lo.
Mười mặt mai phục
Hàng nghìn người thương vong. Hàng chục dãy phố bị hư hại. Hàng trăm cửa hàng bị phá hủy. Không khí hoảng loạn và nghi ngờ bao trùm lên toàn đất nước. Một gói cứu trợ 100 tỷ đồng bảng Lebanon (tương đương khoảng 66 triệu USD) đã được Tổng thống Lebanon Michel Aoun duyệt chi trong chớp mắt nhưng có lẽ số tiền đó mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình tái thiết.
Thực trạng ấy sẽ càng trở nên u tối, nếu chúng ta đặt vụ nổ kinh hoàng này vào bối cảnh rộng hơn, với những vấn đề ngoại giao cũng như nội trị mà Lebanon đang phải đối diện.
Một ngày trước vụ nổ, ngày 3-8, Ngoại trưởng Lebanon Nassif Hitti tuyên bố từ chức. Lý do từ chức được ông đưa ra một cách rõ ràng: Chính phủ Lebanon đã không sẵn sàng thay đổi để đáp ứng các yêu cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF); và ông nhấn mạnh rằng nếu chính phủ Beirut không sớm cải cách, Lebanon sẽ phải đón nhận những hậu quả nghiêm trọng.
Lebanon, nói một cách chính xác, đang rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ năm 1990. Tháng 3 vừa qua, Lebanon mất khả năng thanh toán nợ quốc gia. 2 tháng trước, Lebanon bắt đầu đàm phán với IMF và đưa ra các cam kết cải tổ. Song, tốc độ cải tổ quá chậm chạp đã bắt đầu mang lại những hệ lụy không như ý, mà việc Ngoại trưởng Nassif Hitti từ chức là một ví dụ. Đất nước ấy cần tới 20 tỷ USD hỗ trợ để vượt qua khó khăn, song chưa nhà tài trợ, tổ chức, thiết chế tài chính hay cường quốc cho vay nào muốn giải ngân, cũng chính bởi sự ỳ trệ đó.
Những đoàn xe cứu thương hoạt động hết công suất. |
Bây giờ, sau thảm kịch này, Lebanon lại càng chìm sâu vào nghịch cảnh. Tâm trạng xã hội chấn động cũng như những tổn hại kinh tế có thể khiến thêm nhiều mâu thuẫn nảy sinh và có lẽ đó chính là lý do mà Beirut muốn quân đội vào cuộc nhằm bảo vệ sự tôn nghiêm của chính thể. Bất cứ ai cũng hiểu, tình trạng khó khăn luôn là mảnh đất màu mỡ cho những phe nhóm hay lực lượng đối lập mưu đồ lợi ích chính trị và từ đó, hình thành những dạng thức cát cứ.
Những dạng thức đó hoàn toàn có thể dễ dàng được hậu thuẫn (hoặc bị thao túng) bởi những toan tính từ bên ngoài lãnh thổ. Lebanon, trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông, là một mắt xích quan trọng trong mối hiềm khích nghìn năm Do Thái - Arab. Hay đúng hơn, mối thù hận Palestine - Israel.
Để nhìn nhận rõ hơn về điểm này, chỉ cần hiểu về Hezbollah. Đó là một tổ chức chính trị - vũ trang người Lebanon theo Hồi giáo dòng Shia, được thành lập từ năm 1982, nhằm chiến đấu chống lại việc Israel đưa quân vào Lebanon truy kích Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) của cố Tổng thống Palestine Yasser Arafat. Với xuất phát điểm ấy và tôn chỉ ấy, Hezbollah trở thành cái gai trong mắt Israel và Mỹ, đồng thời bị cho là nhận được rất nhiều tài trợ từ Iran hay Syria - những kẻ thù không đội trời chung khác của Israel.
Hiện tại, khi đã sẵn sàng cho tiến trình sáp nhập các khu vực Bờ Tây thuộc chủ quyền lãnh thổ Palestine vào địa giới hành chính Israel, Tel Aviv chắc chắn cũng phải tính đến việc đàn áp sức phản kháng của Hezbollah, như cách đối xử với phong trào Hamas ở Bờ Tây.
Hiện tại, khi càng lúc càng gia tăng sức ép cùng những đòn trừng phạt lên Iran, nước Mỹ cũng có đầy đủ lý do để “mạnh tay” với Hezbollah - vốn đã bị họ xem là một tổ chức khủng bố. Lebanon là một “trọng địa” ở khu vực, còn Hezbollah - tổ chức chính trị có tầm ảnh hưởng hàng đầu đất nước ấy - là một thứ chướng ngại vật.
Chừng ấy khía cạnh, từ kinh tế tới địa chính trị, tạo cho cái thảm kịch mà thế giới vừa chứng kiến dáng vóc của một thứ công cụ mà rất nhiều thế lực sẽ cố gắng nắm bắt để sử dụng. Rất nhiều bàn tay chìa ra đề nghị được giúp đỡ nhưng không phải bàn tay nào cũng có thể nắm lấy, nếu chính phủ Beirut chưa làm được một việc mang tính cốt lõi: Khẳng định khả năng kiểm soát tình hình của mình.
Không phải ngẫu nhiên mà chỉ vài tiếng sau vụ nổ, dường như truyền thông phương Tây đã kịp “ra chiêu”. Trên Sky.com, chuyên gia phân tích chất nổ Chris Hunter chỉ ra 5 điểm bất hợp lý trong các clip quay được về thảm họa, từ đó tiếp tục gợi lên thêm những nghi ngờ về nguyên nhân đích thực.
Đối với một đất nước đang vật lộn trong khốn khó, chính những cảm giác nghi ngờ và chia rẽ ấy mới thực sự là những quả bom.