Những ấn tượng người Hà Nội:

Làng Ngọc Hà - tên gọi của ký ức

Chủ Nhật, 26/09/2004, 15:33

Có lẽ cái cổng số 56 trên con đường dẫn vào làng Ngọc Hà là cái cổng cổ xưa nhất, một trong những nơi hy hữu còn giữ lại được chút bóng dáng đã qua đi trong ký ức xa xăm về một làng hoa Hà Thành. Bên trong cái cổng đá với những hoa văn họa tiết cầu kỳ xưa cổ ấy là một quần thể độ trên dưới chục ngôi nhà.

Nhà cụ Trần Minh, năm nay trên 80 tuổi, nguyên là Cục trưởng Cục Công tác chính trị của Bộ Công an, nằm ở sâu cuối của cái quần thể nhà đó. Cụ Trần Minh không phải là người Hà Nội, càng không phải là dân làng hoa. Cụ là rể của dân gốc làng hoa Ngọc Hà. Vợ cụ là bà Nguyệt Tú - người con gái gốc làng hoa, sinh ra trong một gia đình đời này qua đời khác sinh sống bằng cái nghề công phu nỗi nhọc nhằn nhưng không kém phần thanh tao và đài các, ấy là nghề trồng hoa.

Tôi tìm đến cụ vào một ngày đầu thu, những mong gợi lại trong ký ức xa xăm của cụ những hình ảnh chân thực nhất về một làng hoa Ngọc Hà, và cuộc sống của những người suốt đời vun trồng cho cái đẹp. Cụ Trần Minh đã già lắm, mái tóc bạc trắng như cước đợi sẵn chúng tôi ở cổng. Bên cái cổng rêu phong cổ kính ấy, cụ già râu tóc trắng phau như ông tiên giáng trần hiện ra làm cho tôi cứ ngỡ như ảo ảnh của một làng hoa và những bậc tiên cổ trồng hoa, chơi hoa khi xưa đang vụt ùa về.

Ông Trần Minh kể: “Ngọc Hà vốn là một vùng đất của Thủ đô Hà Nội, có cư dân từ thời các vua Hùng, với chứng tích đào được rìu đá ở Quần Ngựa, rìu đồng ở Cống Vị. Từ lâu đời các thôn trại ở Ngọc Hà đã sinh sống bằng nghề trồng hoa. Nghề trồng hoa ở Ngọc Hà, Hữu Tiệp đã phát triển từ thời Trần. Có sử sách ghi lại, năm 1526, Trần Châu đóng quân ở Hoàng Hoa Thị (chợ hoa vàng)”. Phải chăng chợ Ngọc Hà ngày nay là dấu vết của Hoàng Hoa Thị ngày xưa? Và phải chăng thời đó dân Ngọc Hà trồng nhiều hoa cúc màu vàng nên có tên là Hoàng Hoa Thị?

Từ cuối thế kỷ XIX, Pháp xâm lược thì hai làng Ngọc Hà, Hữu Tiệp có tên chung là Trại Hàng Hoa. Người dân Ngọc Hà năm xưa trồng đủ các loại hoa tươi đẹp cung cấp cho những người sành chơi ở đất Kinh kỳ. Ông Trần Minh còn nhớ ngày ông vừa mới về làm rể nhập cư dân Ngọc Hà, đã thấy người dân nơi đây thiếu vườn còn đi mua đất, thuê đất ở Nghĩa Đô, An Phú Mai Dịch để trồng hoa.

Ông Trần Minh nhớ lại, xưa, qua khỏi đình Ngọc Hà là hai bên bờ dậu nhà nào nhà nấy đã chi chít hoa tươi. Dân Ngọc Hà khắt khe trong chọn giống hoa. Hoa trà, hoa địa lan là hoa quý, cũng có nhiều loại làm cây cảnh. Có gia đình có hàng trăm chậu trà, địa lan. Chỉ những người biết thưởng thức và có điều kiện chơi mới mua các thứ hoa này với giá khá đắt. Có gia đình lại chỉ chuyên trồng và bán độc cây cảnh.

Trước năm 1945, Ngọc Hà và Hữu Tiệp đã tổ chức hai cuộc triển lãm hoa tại đình hai làng để thi hoa đẹp, thi cắm hoa đẹp và thi cây cảnh. Người dân làm cổng chào kết bằng lá dừa, hoành phi lá dừa, chữ dán bằng cánh hoa hồng. Các cụ nghệ nhân còn trưng bày long đình làm bằng đu đủ xanh, tỉa những chuông khánh, hoa văn rất kỳ công.

Hoa Ngọc Hà phục vụ cho cuộc sống của người dân đất kinh kỳ từ lễ hội, ma chay, cưới hỏi, cúng lễ. Những ngày giáp tết, người Hà Nội đổ xô lên Ngọc Hà ngắm hoa và mua hoa. Nhưng thói quen của người Hà Nội là mua hoa ở các gánh hàng hoa của người Ngọc Hà mang đi bán rong trên đường phố. Gánh hàng hoa đi đến đâu thơm lừng đến đó. Hoa cúng phải tươi, phải thơm như hoa lý, hoa hồng, hoa bưởi, hoa ngọc lan, hoa sói, hoa móng rồng. Hoa thơm còn dùng để ướp chè như hoa sen, hoa sói, hoa ngâu.

Thời đó người Hà Nội có câu:

Ngày rằm đi chợ mua hoa.
Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua”.

Hoa Ngọc Hà đã đẹp, người Ngọc Hà đi bán hoa cũng thật tao nhã duyên dáng với áo tứ thân màu nâu tươi, chít khăn đen mỏ quạ thắt lưng bao nhiêu màu, trông thật duyên dáng nền nã thanh lịch. Sự thẩm mỹ tương quan giữa người và hoa đã là nguồn cảm hứng cho biết bao chàng trai Hà Nội:

Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát
Vườn Ngọc Hà thơm ngát gần xa
Hỡi người gánh nước tưới hoa
Có cho ai được vào ra chốn này”.

Còn nhiều những ký ức về làng hoa Ngọc Hà và con người Ngọc Hà vất vả cực nhọc dày công với nghề trồng hoa. Nhưng với cụ Trần Minh, đó cũng chỉ là những câu chuyện xa lắm của ký ức, xa đến độ bây giờ có đến đây, ngay tại làng hoa Ngọc Hà mà hỏi thì người dân sinh sống ở Ngọc Hà bây giờ cũng hiếm có ai biết về Ngọc Hà khi xưa. Họ chủ yếu là dân tứ xứ về đây sinh cơ lập nghiệp. Đời ông đời cha, đời con đời cháu của họ nào có biết làng hoa Ngọc Hà năm xưa ra sao.

Cái tên Ngọc Hà chỉ là tên gọi của ký ức, có mấy ai còn sống ở thời đó đâu nữa để mà kể. Ngay cả khi cụ Trần Minh về sống ở Ngọc Hà thì làng hoa Ngọc Hà cũng đang trên đường tan rã và suy vong. Ngày trước, cụ kỵ của cụ Minh là ông Huyện Thiều để lại cho con cháu hơn 4 mẫu đất vườn trồng hoa. Đến cụ Thừa Đại là bố đẻ của bà Nguyệt Tú vợ ông, đi kháng chiến rồi mất ở Thái Nguyên. Khi con cháu về lại mảnh đất hương hỏa xa xưa thì đất đã được cải cách ruộng đất đem chia hết cho dân ở. Cụ Minh về đòi lại được hơn 1.000m2 ở ngõ 56 để con cháu cụ Thừa Đại ở. Rồi con cháu cụ Thừa Đại kẻ ở người đi, chuyển nhượng đất đai, bây giờ chỉ còn lại mảnh đất 100m2 cụ Trần Minh và vợ chồng cô con gái út là nhà văn Thùy Linh ở.

Ngay đến những năm cuối của thập kỷ 70, đầu 80, làng hoa đã không còn. Người dân không thể sinh sống bằng nghề hoa nữa nên đã đổi qua nghề khác, hoặc phiêu bạt tứ xứ kiếm sống. Dù vậy những ai còn bám trụ lại làng hoa vẫn nhớ tiếcnghề cũ bằng cách trồng hoa để tiêu sầu. Nhà cụ Minh còn hai bà cô ở bên vợ vẫn bám víu với nghề trồng hoa đến khi không còn sức để theo nghề nữa. Nhưng bây giờ, một cụ bà đã mất, cụ bà còn lại nay đã trên 100 tuổi, đã lẫn cõi âm với cõi dương thành ra chẳng nhớ gì để kể.

Xưa, cụ Minh cũng là người chơi hoa lan sành điệu của xóm Ngọc Hà. Có đến vài chục giống lan, cụ Minh chăm sóc để chơi và biếu người thân. Thứ Lan đặc biệt nhất mà gia đình cụ chơi trong mấy chục năm liền là Mạc lan, Trần mộng, thủy tiên. Nhưng có đến hơn chục năm nay, cụ già yếu rồi, không còn tiêu sầu với thú chơi kỳ công và tao nhã kia được nữa.

Bây giờ có hỏi cụ về làng hoa, về Ngọc Hà, cụ chỉ cười mà rằng: “Ngọc Hà chỉ là tên gọi của ký ức. Giờ ở Ngọc Hà, có ai biết về lịch sử làng hoa năm xưa đâu để mà nói. Người Ngọc Hà cũng đi đâu hết cả rồi, có tìm được mấy ai là dân gốc Ngọc Hà nữa đâu”. Vừa nói, cụ vừa lần ra cổng, chỉ cho tôi những ký ức về làng hoa Ngọc Hà năm xưa mà bây giờ trên đó là những ngôi nhà xây cao tầng chen nhau mọc lên san sát. Tôi nhìn mái tóc bạc phất phơ trong chiều cả gió của Hà Nội sang thu, nhìn vóc dáng mảnh dẻ và tiên cổ của cụ bên chiếc cổng cổ xưa mà nao nao lòng. Một mai cả chiếc cổng này, và cụ cũng sẽ đi vào cõi thiên thu của thời gian, rồi Ngọc Hà còn ai nhớ về làng hoa nữa để mà kể cho con cháu đời sau

Khanh Như
.
.