Lạm dụng vị thế

Thứ Bảy, 05/06/2021, 15:26
Lạm dụng vị thế thường khiến chúng ta nghĩ ngay đến những người có chức có quyền. Nhưng thực tế, chúng ta cần nhìn rộng hơn, để nhận thấy rằng thói lạm dụng vị thế khá phổ biến trong cộng đồng. Chỉ cần có một chút uy tín, một chút ưu thế trong xã hội, con người đã có một vị thế để lạm dụng...


Thỏa hiệp với sự lạm dụng

Suy ngẫm hôm nay: Nếu như bạn là một cán bộ trật tự địa phương và trước mắt bạn là một quán cháo lòng bày bàn ghế tưng bừng trên vỉa hè, thực khách đang nâng ly hối hả tay gắp mồm nhai, giữa lệnh giãn cách vì bùng dịch COVID, bạn sẽ làm gì? Câu trả lời nhiều khả năng sẽ là một sự can thiệp quyết liệt, tay lập biên bản, miệng gọi điện thoại và bằng mọi giá bạn sẽ dẹp cái quán đó trong vài phút.

Tiếp suy ngẫm hôm nay: Cũng vẫn trong vai một người thực thi pháp luật và trước mắt bạn là một hành vi xâm phạm luật pháp khác nhưng lần này là một đứa trẻ bị cha mẹ đẩy ra đường ăn xin giữa cái lạnh gần 0 độ C, bạn sẽ làm gì? Câu trả lời trong tình huống này, nhiều khả năng sẽ là bạn... kêu gọi người qua đường đừng cho tiền đứa trẻ ăn xin đó nữa. Đó là lựa chọn của chính quyền nhiều địa phương trong cả nước.

Nghịch lý xuất hiện, khi mà chẳng có ai lại đi kêu gọi thực khách “đừng tiếp tay” cho các quán ăn vi phạm trật tự đô thị (và để cái quán đó nhơn nhơn) nhưng lại dùng biện pháp đó cho tình trạng trẻ em ăn xin.

Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ ăn xin trên phố, nhiều khả năng nó là nạn nhân của một sự lạm dụng quyền lực. Nhiều cuộc điều tra của công an và phỏng vấn trên báo đã chỉ ra một “tập quán” trong việc sử dụng trẻ em cho các hoạt động ăn xin.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Trung tâm bảo trợ xã hội 1 hai năm trước, chúng tôi gặp một đứa trẻ 6 tuổi. Nó chưa từng được đến trường, không biết chữ và trong đầu chỉ có một chuỗi các nguyên tắc cơ bản để phục vụ cho việc ăn xin - thứ mà mẹ nó đã nhồi vào đầu con mình. Ví dụ: các phép nhân, “hai tờ 50 nghìn với một tờ 100 nghìn là 200 nghìn”. Một đứa trẻ mới học lớp 2 có thể không nhân nhanh được như thế). Nó nắm vững định luật sinh tồn số 1: nếu không xin được tiền, “người ta sẽ không đưa tiền cho mẹ và mẹ sẽ đánh em”.

Nếu bạn nhìn thấy một đứa trẻ không thể đoán được tuổi ở quán ăn, nhiều khả năng nó cũng là nạn nhân của một sự lạm dụng quyền lực. Nó có thể mới hơn 10 tuổi và đã bị đẩy vào thị trường lao động, có thể không bao giờ nhìn thấy đồng lương của mình (trả thẳng cho bố mẹ) hoặc thật ra cũng chẳng có lương, chỉ có sự sỉ nhục hoặc thậm chí những trận đòn, nếu gặp phải nhà chủ bạc ác.

Nếu bạn tưởng rằng “lạm dụng quyền lực” chỉ dành cho những cán bộ có chức tước, có quyền tiếp cận nguồn lực công, đơn sơ như chị thủ kho đứng trước một núi hàng và tiện tay cầm chút ít về bán lại, hãy nghĩ về những đứa trẻ như thế. Chúng là nạn nhân cho sự lạm dụng quyền lực của cha mẹ mình.

Và, nếu nhìn vào những đứa trẻ như thế, bạn sẽ tưởng tượng rõ hơn về cơ chế của lạm dụng quyền lực. Câu chuyện của những đứa trẻ nói lên 2 đặc tính: sự lạm dụng quyền lực rất khó chống lại và sự lạm dụng quyền lực thường xuyên nhận được sự thỏa hiệp của công chúng.

Đầu tiên, lạm dụng quyền lực là thứ rất khó chống lại. Không có cơ sở để lạm dụng thì nó đã chẳng gọi là “quyền lực”. Món hàng đó nằm trong kho và chỉ có mình chị thủ kho, ông giám đốc và một nhóm nhỏ được sờ vào sổ sách. Loại giấy tờ này chỉ có một số cán bộ có thẩm quyền phê duyệt. Đứa trẻ kia chẳng may sinh ra trong một gia đình có cha mẹ nhẫn tâm và tham lam. Bản thân món hàng, con dấu và đứa trẻ không có khả năng phản kháng. Nếu như hành vi lạm dụng vị trí, lạm dụng quyền lực này không ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của những người khác - nó sẽ bị bỏ qua.

“Chuyện nhà người ta nó thế” - ai đó sẽ nói. Đúng, ai đó bắt một đứa trẻ ra đường ăn xin là chuyện của gia đình nhà người ta, mình dây vào làm gì cho phiền hà. Anh kia làm giám đốc thì “chắc là có cửa gì đó” nên anh ấy giàu lên. Và, một văn bản nếu bị ách tắc nhiều năm trời, cũng có khi gây thiệt hại cho lợi ích công, khiến cho kinh tế không phát triển chứ không làm mất tiền trong túi ai nên nó dễ nhận được sự thỏa hiệp.

Bạn có tự dưng túm lấy một cặp mẹ con ăn xin trên phố và nói với chị ta rằng: “Chị đang vi phạm Luật Bảo vệ trẻ em”, kêu gọi những người xung quanh cùng tạm giữ người có dấu hiệu tội phạm này và trình báo cơ quan chức năng không?

Nhiều khả năng là không. Sự thỏa hiệp cao tới mức, bản thân chính quyền nhiều lúc cũng có vẻ... quên mất là những bậc cha mẹ kia đang vi phạm pháp luật. Trong thời tiết Sapa lạnh như cắt, có lúc xuống đến gần 0 độ, những đứa trẻ 7-8 tuổi vẫn địu em, da mặt tím tái đi “bán hàng” - hay một hình thức ăn xin trá hình. Và đại diện của chính quyền, ở ngay cạnh đó, bắc loa kêu gọi “Khách du lịch không nên tiếp tay bằng việc cho tiền trẻ em”.

Sao có thể ứng xử với một hành vi vi phạm pháp luật như vậy?

Những sự thỏa hiệp với lạm dụng quyền lực có vẻ như đến từ chỗ: trong tư cách người quan sát, ta không cảm nhận được tác hại trực tiếp lên cuộc đời mình, để có đủ động lực hành động. Nếu ai đó tham nhũng thì chắc là cái công ty đó thiệt chứ liên quan gì đến mình; nếu ai đó lạm dụng trẻ em thì mình cũng chỉ... thương thương thôi chứ bản thân có làm sao đâu.

Và, nếu nghĩ thêm về số phận của những đứa trẻ, ta sẽ nhận ra rằng thật ra không có cách nào để tình trạng lạm dụng quyền lực chấm dứt, trừ khi những người quan sát đủ dũng cảm để hành động. Chỉ có cơ chế giám sát đủ mạnh mới ngăn được lạm dụng quyền lực.

Mới đây, trên mặt báo rúng động chuyện một thiếu tá công an đã bước chân ra khỏi ngành, chỉ để quay lại tố cáo những đồng nghiệp cũ đã vì nghe một vài cuộc điện thoại mà thả các đối tượng liên quan đến ma túy.

Xã hội cần thêm những sự dũng cảm như thế. Hay đơn giản hơn, là ai đó gọi đến đường dây nóng và thông báo về một đứa trẻ có dấu hiệu bị chăn dắt, bắt đi ăn xin mình vô tình gặp trên phố.

Đức Hoàng

Những dấu hỏi từ sự thờ ơ

Lạm dụng vị thế thường bắt đầu như một cách phổ biến để giải quyết nhu cầu thể hiện cái tôi, cho đến khi biến thành một thái độ ứng xử.

Tại cổng của cơ quan nọ. Một bà cụ mặt khắc khổ bước vào, tay cầm lá đơn. Bảo vệ quát to:

- Đi đâu đấy? Giấy tờ đâu? Không biết đây là chỗ nào hay sao?

Bà cụ run run lần giở tìm chứng minh thư. Mãi chưa tìm thấy. Bảo vệ sốt ruột:

- Thời giờ đâu mà chờ bà lần mò. Thôi, không có việc gì thì đi ra đi!

Đúng lúc đó thì một chiếc ô tô rẽ vào. Người đàn ông từ trên xe bước xuống, nhìn thấy bà cụ bỗng kêu khẽ: “Con chào mẹ”. Bảo vệ vội chạy ra, cười xí xóa, lật đật dắt bà cụ vào, luôn miệng kêu “sao bác không nói sớm là mẹ của giám đốc”.

Đấy là cảnh trong một bộ phim truyền hình từ những năm 2000, tất nhiên là chỉ mang tính ước lệ. Nhưng, bạn đọc có lẽ ít nhiều cảm nhận được tính thực tế của câu chuyện hư cấu này, nếu từng phải đi gõ cửa một cơ quan tiếng tăm nào đó.

Chúng ta thấy dáng dấp của thái độ này trong nhiều sự việc, từ cấp độ nhỏ cho đến lớn. Một lái xe tự gắn biển ra vào cổng trụ sở một Bộ nọ, đỗ sai nhưng còn lớn tiếng thách thức “biết xe của ai không mà phạt?”. Một nhân viên hợp đồng của Bộ Giao thông - Vận tải hồn nhiên dán tờ giấy ghi “Bộ trưởng Bộ GT-VT” lên hàng chục thùng rượu trên băng chuyền hành lý ở sân bay. Một công dân vi phạm luật giao thông, thay vì chấp hành và đóng phạt thì bắt đầu... gọi điện thoại tứ tung cầu cứu hoặc đơn giản là cố tìm ra một tấm thẻ “phép màu” nào đó để xí xóa lỗi. Trong số các trường hợp trên thì sự ra oai của một bảo vệ thật sự vô hại, thậm chí rất khó để tìm ra động cơ. Nhưng, cũng có một lý thuyết dường như hợp lý để giải thích cho sự gồng mình thái quá này: cơ chế “tôm hùm”.

Jordan Peterson, một giáo sư tâm lý ở Đại học Toronto (Canada) đã sử dụng ví dụ về tôm hùm, một loài được cho là có cùng tổ tiên tiến hóa với con người, để giải thích cho hành vi ra oai của một người. Peterson lập luận rằng giống như con người, “xã hội” tôm hùm có phân cấp và một hệ thống thần kinh phù hợp theo kèm, “chạy” bằng serotonin, một chất trong não liên quan đến cảm giác hạnh phúc. Tôm hùm càng leo lên thứ bậc cao, cơ chế não này giúp tạo ra càng nhiều seretonin và ngược lại, càng thất bại nhiều, nguồn cung cấp seretonin càng hạn chế. Seretonin thấp liên quan đến cảm xúc tiêu cực, một trong những yếu tố khiến cho việc leo lên thứ bậc cao trở nên khó khăn hơn. Theo Peterson, hệ thống phân cấp ở con người hoạt động theo cách tương tự như vậy và nhiều khi việc cố gắng lấn át người khác chỉ xuất phát từ việc tìm kiếm thêm serotonin. Ngay cả trong những hành vi trục lợi cá nhân, kiểu như được bỏ qua một lỗi giao thông, cũng bao hàm mục tiêu này: ai cũng cần được thừa nhận rằng mình có một vị trí đáng kể trong xã hội.

Cách “diễn đạt” vị trí của bản thân một cách thái quá này, từ chỗ để thỏa mãn cái tôi, đã dần trở thành một thái độ sống, được cổ vũ bằng sự ngầm hiểu của chúng ta trong giao tiếp xã hội. Nhiều người đã thật sự lạm dụng vị thế và quyền lực của họ ở những nấc thang cao hơn và gây thiệt hại nhiều hơn.

Hãy nghĩ đến các quan chức tham nhũng và việc lạm dụng các chữ ký của họ: cho đến khi ra vành móng ngựa, không ít người vẫn giải thích cho việc phạm tội bằng cách viện ra những lý do liên quan nhiệt tình công việc thái quá, đến mức không tránh khỏi lỗi. Họ nghĩ sai lầm của mình xuất phát từ nỗ lực, có làm có sai. Nghĩ về vị thế của mình như một thứ bất khả xâm phạm, ngay cả khi đã sắp vào tù vì lạm dụng nó, đã trở thành thái độ sống của họ. Đấy có lẽ là cách nghĩ của những người đã được hưởng nhiều đặc quyền và xã hội biết điều này.

Để biến lạm dụng vị thế thành một thái độ sống hiển nhiên như thế thì lỗi không chỉ nằm ở những người đã sa ngã trong hệ thống. Tất cả chúng ta đôi khi cũng cổ vũ cho cách sống này, bằng một sự thờ ơ cũng hiển nhiên không kém.

Phạm An

Đừng sợ một vị thế

Không ít người sau khi xem các cuốn phim điện ảnh, các series phim truyền hình dựa trên cuộc đời thật và câu chuyện có thật của những trùm ma túy lừng danh như Pablo Escobar (Medellin Cartel), Miguel Angel Felix Gallardo (Guadalajara Cartel), Joaquin El Chapo Guzman (Sinaloa Cartel)... sẽ có chung nhận xét về các ông trùm này gói gọn trong hai tiếng “quá giỏi”. Đúng, họ rất giỏi, rất đầu óc, rất tinh khôn. Nhưng, cái giỏi ấy, cái tinh khôn ấy có thể phát huy hay không nếu như trong xã hội mà họ sống không tồn tại tầng tầng lớp lớp những cá nhân lạm dụng vị thế của mình để mở rộng đường cho họ làm ăn phi pháp? Câu hỏi này, thiết nghĩ, không cần một câu trả lời bởi mọi sự đã quá rõ ràng.

Ở bất kỳ xã hội nào, dù có tiên tiến hay văn minh đến mấy, cũng tồn tại đầy rẫy những cá thể lạm dụng vị thế của mình. Đây là một tập quán xấu rất chung của loài người chứ không chỉ của một dân tộc riêng biệt, cụ thể nào. Việt Nam cũng vậy thôi, sự lạm dụng vị thế cũng đã góp phần tạo ra rất nhiều những “quái vật” đúng nghĩa. Đặc biệt là khi hệ thống kiểm soát tài sản, cơ chế công khai thu nhập hợp pháp vẫn chưa hoàn thiện, khó có thể nhận diện được ai giàu chính đáng và ai giàu nhờ vào sự hỗ trợ của những cỗ máy lạm quyền.

Quay lại với một nhân vật được kể tên ở trên là Pablo Escobar. Ông này có một nhân tình là nữ ký giả, MC thời sự kênh truyền hình RT có tên Virginia Vallejo. Bà đẹp xuất sắc, thuộc diện ngang hàng với các hoa hậu. Có một câu hỏi rất nhiều người đặt ra là tại sao bà lại “cặp” với Escobar, một người không phải thuộc diện điển trai. Chính bà từng nói với Escobar rằng bà dư sức có thể yêu và cưới một người giàu có bậc nhất và điển trai bậc nhất. Vậy thì bà chọn làm “phòng nhì” không danh chính ngôn thuận với một trùm ma túy vì lẽ gì?

Không phải khối tải sản 30 tỷ USD của Escobar hấp dẫn bà. Có một thứ khác đã khiến bà bị chìm đắm vào mối quan hệ này. Đó là việc bà cảm nhận được vị thế của mình mạnh mẽ hơn rất nhiều khi bà ở bên cạnh Escobar trong tư cách một ký giả có thể can thiệp vào kha khá đường đi nước bước của ông ta trong thời gian ngắn ngủi ông ta tham gia chính trường Colombia. Cái vị thế quyền lực của một người tuy không có chức vụ nào trong bộ máy công quyền nhưng lại có khả năng điều khiển một phần cuộc chơi chính trị mới là thứ hấp dẫn Vallejo. Và, đó cũng chính là một thứ lạm dụng vị thế của nữ ký giả này. Vị thế ấy không phải là sắc đẹp mà là khả năng dẫn dắt công luận từ cái nghề mà bà ta đang làm.

Ở Việt Nam, kể từ khi mạng xã hội trở thành một kênh thông tin rộng mở, không ít nhà báo đã sử dụng tài khoản cá nhân của mình để lên tiếng trước những cái sai phát sinh đó đây ở nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương. Không ít lần họ nhận được các cuộc điện thoại của đồng nghiệp nhờ “gỡ bài đăng” để “bỏ qua” cho một nhân vật, một tổ chức nào đó. Rõ ràng, đã có rất nhiều Vallejo Việt Nam đang tồn tại trong giới làm báo hôm nay. Chỉ có điều, họ không đẹp như bà và chưa thấy ai cặp với một trùm ma túy mà thôi. Còn lại, khả năng lạm dụng vị thế cầm bút của họ có khi còn hơn hẳn, thậm chí ăn đứt Vallejo.

Một điều rất rõ mà chúng ta có thể nhận thấy là một cá nhân càng có khả năng tác động, dẫn dắt quần chúng thì họ càng có “tiềm năng” để lạm dụng vị thế của mình. Một danh ca tuyên bố mình là “vùng cấm”, một MC kiêm diễn viên hài với bộ máy giúp việc sẵn sàng giật dây đám đông hâm mộ “phang” bất kỳ ai phê bình mình, một ngôi sao trẻ điển trai tận dụng sự yêu mến của khán giả để đưa nhiều nữ hâm mộ trẻ dại lên giường..., tất cả họ đều là những người lạm dụng vị thế của mình đến mức triệt để. Chợt nhớ, có một thi hào từng nói “Với nghệ sĩ, công chúng luôn cấp cho họ một biên độ hành xử rộng rãi, thoải mái hơn người thường. Bởi vậy, đừng bao giờ nên lạm dụng nó để đi quá xa khỏi chuẩn mực đạo lý và luân thường”.

Có một câu chuyện tiếu lâm khá hay về cái nạn lạm dụng vị thế này. Đó là chuyện kể về các ông bảo vệ hách dịch của các cơ quan. Đại khái, câu chuyện ấy đưa ra một bí kíp để lọt vào các cơ quan đó mà không bị hoạch họe gì. Đơn giản, cứ nhè lúc cái cổng đông người nhất, chen người vào đó. Và khi bảo vệ quát “Thằng kia, đi đâu? Giấy tờ đâu” thì hãy nói “Em xin ra ngoài một chút”. Chắc chắn, tay bảo vệ sẽ rít lên: “Vào ngay. Giờ làm việc ra ngoài làm gì?”. Thế là “a lê”, chỉ cần cúi đầu “thấm nhuần tư tưởng” là lọt vào ngon ơ.

Chuyện tiếu lâm dĩ nhiên không có thật nhưng sự hách dịch là có thật. Đó là một loại lạm dụng vị thế. Và con người ta thường có xu hướng lạm dụng vị thế bởi nó mang lại cho người ta cảm giác mình có giá trị trong xã hội. Nếu hơn thế nữa, tức là có thể trục lợi, họ càng lạm dụng hơn nữa.

Đó là còn chưa kể đến vị thế có được từ những kẻ có tiền. Không khác gì Borja của thời Trung cổ, với đội ngũ côn đồ sẵn sàng cắt lưỡi ai nói xấu gia tộc nhà mình, có rất nhiều doanh nghiệp lớn hiện thời dùng tiền để bịt những phát ngôn chính trực nhưng có hại với họ dưới cái mác mà Facebook hay gắn là “vi phạm quy tắc cộng đồng”. Trước thứ lạm dụng vị thế ấy, nhiều khi chúng ta có cảm giác bất lực thực sự.

Nhưng, nói vậy không có nghĩa là “lạm dụng vị thế” là một thứ bất khả chiến bại, bất khả chống lại. Khi một cá nhân, tổ chức lạm dụng vị thế thành công, họ xác lập luôn cho kẻ đối diện một tư thế mạnh mẽ hơn của cái vị thế họ đang có. Nó gần như một dạng trấn áp khiến người khác sợ không dám chống lại. Chính nỗi sợ ấy mới khiến họ chiến thắng. Song, thực chất, họ luôn sợ hãi nếu số lượng người chống lại cái vị thế phi lý kia ngày càng đông và thống nhất. Bởi vì thế, chỉ có việc tất cả cùng lên tiếng, cùng không biết sợ trước một kẻ lạm dụng vị thế thì mới có thể khiến cho kẻ ấy mất đi cái sức mạnh vị thế vốn có và dẫn tới việc không thể lạm dụng nó nữa.

Hà Quang Minh

Đức Hoàng - Phạm An - Hà Quang Minh
.
.