Kỳ vọng Tân Sửu

Thứ Tư, 03/02/2021, 10:20
Chúng ta kỳ vọng gì trong năm Tân Sửu này? Dưới đây là những lựa chọn của các cây bút quen thuộc trong Chuyên đề ANTG tháng. Và, bản thân mỗi bạn đọc cũng có thể lựa chọn riêng mình về một “điểm kỳ vọng” cho năm Tân Sửu.

5G và cuộc tái định nghĩa xã hội

Một khi để nói về kỳ vọng Tân Sửu thì tôi sẽ chọn sự kiện các nhà mạng Việt Nam liên tiếp thử nghiệm kỹ thuật thành công mạng 5G. Mẩu tin bé nhỏ hôm nay có thể là tiền đề cho một xã hội mới mà ban đầu, nó chỉ đóng vai trò là phương tiện truyền tải.

Khi phương tiện chính là thông điệp

Mùa hè 2004, lần đầu tiên tôi có thể tải tài liệu trực tiếp kèm ảnh trên mạng về từ một máy tính kết nối ADSL mà không phải chờ đợi quá lâu, cũng như bắt đầu trò chuyện trên mạng và dùng webcam được. Đó hẳn là một cuộc cách mạng, với sự thay đổi kiểu “bàn tay vô hình”.

Trước đó là vài năm dùng Internet theo dạng quay số (dial-up): bạn không bao giờ có thể truy cập mạng một cách liên tục được vì khi vào Internet là điện thoại bàn sẽ không thể sử dụng được và nhà mạng tính tiền truy cập theo giây. Băng thông kém cũng là một vấn đề lớn. Các trang web hiển thị ưu tiên text (ký tự) và hầu như mọi người rất ít khi xem clip hoặc nghe nhạc một cách trọn vẹn. Chỉ có khoảng hơn 200 người dùng Internet ở Việt Nam trong giai đoạn này.

Năm 2003, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hội Internet Việt Nam, nguyên Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC), trở thành một trong những người đầu tiên khi mang Internet băng thông rộng ADSL về Việt Nam. Chỉ một năm sau, số người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt khoảng 6,2 triệu, tức là tăng gần gấp đôi so với số lượng người dùng Internet vào cuối năm 2003 (3,2 triệu), theo báo cáo thương mại điện tử 2004.

82,9% doanh nghiệp được hỏi có kết nối Internet và 70% trong số này có website. Chưa có một nghiên cứu nào cho thấy mối quan hệ nhân quả trực tiếp của việc phổ cập mạng băng thông rộng và sự phát triển kinh tế nhưng đó cũng có thể là một phần lý do thúc đẩy các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài và xuất khẩu: tổng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) của năm 2004 đạt trên 4 tỷ USD, tăng 35% so với năm trước đó và là con số kỷ lục trong vòng 7 năm. Số dự án đưa vào thực hiện cũng đạt mức kỷ lục và xuất khẩu tăng đến gần 30% chỉ sau một năm (26 tỷ USD so với 20 tỷ).

Không cần quá nhiều hô hào, chỉ cần một “động tác” thôi là số lượng người dân lẫn doanh nghiệp kết nối mạng đều đạt con số bằng vài năm xài mạng quay số cộng lại, trở thành tiền đề cho một loạt thay đổi lớn: mở rộng băng thông.

Đề án 112, nhắm đến mục tiêu xây dựng chính phủ điện tử, được xúc tiến từ rất sớm vào năm 2001 nhưng bị quyết định dừng vào năm 2007. Ngoài lý do là những sai phạm trong tiến hành thì “chiếc áo” Internet vẫn còn chật có thể được xem như một nguyên nhân. 6 năm sau ngày ADSL vào Việt Nam, Vinaphone mới chính thức triển khai mạng 3G, cùng với sự bùng nổ của thị trường thiết bị di động và máy tính bảng. Và chúng ta bắt đầu có thể trở lại nói về những khái niệm to lớn như chuyển đổi số hay chính phủ điện tử một cách “chính danh” hơn.

Lý thuyết “phương tiện là thông điệp” (the medium is the message) được tiến sĩ gốc Canada Marshall McLuhan đưa ra năm 1960 hoàn toàn đúng trong trường hợp này. Ông cho rằng phương tiện truyền tải thông điệp cũng chính là thông điệp, vì một phương tiện có thể tái cấu trúc lại tất cả, từ hành vi, cách thức chúng ta tư duy lẫn các vấn đề chính trị - xã hội xung quanh nó. Phương tiện không chỉ đơn thuần là cách thức mà nó có thể tác động rất sâu sắc đến “nội dung” mà nó có nghĩa vụ truyền tải.

Ảnh: LG.

Không chỉ là dịch vụ

Sự mở rộng băng thông cũng vậy: nó không chỉ đơn thuần là sự nâng cấp một dịch vụ, tăng tốc độ truy cập lẫn dung lượng Internet. Nó không chỉ gia tăng số lượng thuê bao, giúp chúng ta xem clip trên mạng với nội dung nhanh hơn, mà quan trọng hơn, giúp cho toàn xã hội nhanh chóng sở hữu một “diện mạo số”: danh tính của một người sẽ không thể tách khỏi danh tính của họ trên mạng, hình thành từ các thông tin và dữ liệu họ đưa lên đó, ngày một nhiều hơn theo tốc độ và băng thông mở rộng.

Tất nhiên là thời điểm hiện tại, hầu hết chúng ta sẽ suy nghĩ về sự xuất hiện của một phương thức truyền tin hay vận tải đơn thuần dưới khía cạnh nâng cấp một dịch vụ. Cũng như khi đưa Internet ADSL vào Việt Nam năm 2003, ông Vũ Hồng Liên đã thừa nhận rằng không bao giờ có thể tưởng tượng được sự bùng nổ của Internet hiện tại. Ông đã đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng thông tin bùng nổ ấy với tư cách rất cá nhân: một người yêu mến Internet và muốn nhiều người cũng được sử dụng nó với tốc độ tốt hơn. Nhưng, ảnh hưởng của nó với tổng thể xã hội là một thay đổi phi thường.

Chính vì thế, một khi để nói về kỳ vọng Tân Sửu, thì tôi sẽ chọn sự kiện các nhà mạng Việt Nam liên tiếp thử nghiệm kỹ thuật thành công mạng 5G. Nếu nghĩ về nó với tư cách một dịch vụ cá nhân, ta sẽ chỉ nhìn nhận nó như một giao thức có thể nhanh gấp hàng chục lần mạng 4G, với độ trễ gần như bằng 0 (theo như quảng cáo), giúp việc xem clip và chat hình ảnh tiện lợi hơn bao giờ hết.

Nhưng, nếu nghĩ về nó dưới góc độ một “phương tiện xã hội” thì mẩu tin về thử nghiệm 5G này có thể là viên gạch đặt nền móng cho một tương lai mới, được tái cấu trúc lại bởi giao thức thông tin này. Mẩu tin bé nhỏ hôm nay có thể là tiền đề cho một xã hội mới mà ban đầu, nó chỉ đóng vai trò là phương tiện truyền tải.

Mà thực ra thì tương lai ấy đã manh nha bắt đầu ngay từ khi 4G phổ biến rồi. Trong 9 tháng Cổng dịch vụ công quốc gia đi vào hoạt động, nó đã được truy cập 60 triệu lần, cung cấp được 1.000 dịch vụ công trực tuyến và giúp tiết kiệm chi phí lên đến 6.700 tỷ đồng. Trung bình hiện tại, mỗi ngày Cổng tiếp nhận, xử lý khoảng 4.000 hồ sơ trực tuyến, 23.000 cuộc gọi tới tổng đài và hơn 7.600 phản ánh, kiến nghị của người dân lẫn doanh nghiệp. Tháng 5-2020, lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến.

Hãy quan sát những thay đổi nhỏ trong hành vi đời sống để nhìn thấy những giao thức thông tin có thể thay đổi chúng ta nhanh đến thế nào: 20 năm trước, chúng ta ngồi chat trong những quán net tập trung, với những tai nghe úp vào đầu. 10 năm trước, chúng ta ngồi tách ra ở những địa điểm công cộng với những “máy tính” nhỏ là smartphone hay tablet. 10 năm sắp tới, nếu 5G được phổ biến, chúng ta có thể sẽ lại nhìn thấy một thế giới xung quanh diễn ra rất khác. Thay đổi như thế nào thì chưa thể biết nhưng rất đáng để hy vọng. Theo sự nở ra của công nghệ.

Tất nhiên là trong tương lai vẫn có thể chứa đựng những thách thức, giống như sự phổ cập Internet hiện tại có thể dẫn đến những phiền toái liên quan đến việc quản lý thông tin, dữ liệu, cũng như các chứng bệnh phổ biến trong thời đại mới (chứng nghiện Internet cũng là một vấn đề). Nhưng, dù sao đó vẫn là cách thức phát triển và tiến hóa của con người trong hàng triệu năm: dấn thân ra ngoài vùng thoải mái, chấp nhận thách thức và tiến lên.

Một giao thức thông tin mới, như đã nói, có thể là tiền đề cho một xã hội hoàn toàn khác.

Phạm An

Thêm những người kể chuyện

Năm 2009, Joshua Glenn và Rob Ưalker, hai nhà nghiên cứu xã hội, đề xuất một sáng kiến: sử dụng văn học bán đồng nát.

Chúng ta kỳ vọng gì trong năm Tân Sửu này? Dưới đây là những lựa chọn của các cây bút quen thuộc trong Chuyên đề ANTG tháng. Và, bản thân mỗi bạn đọc cũng có thể lựa chọn riêng mình về một “điểm kỳ vọng” cho năm Tân Sửu.

Năm 2009, Joshua Glenn và Rob Ưalker, hai nhà nghiên cứu xã hội, đề xuất một sáng kiến: sử dụng văn học bán đồng nát.

Họ mua hơn 200 đô tiền đồng nát trên eBay. Đó là một con lợn tiết kiệm, một cục chặn giấy, một món đồ lưu niệm nhỏ, một cái đập vỏ hạt óc chó, một cái xiên nướng thịt..., hầu hết đều là những thứ “vứt đi không ai thèm”. Giá mua là vài chục cent cho đến hơn 1 đô la. Rồi hai nhà nghiên cứu đề nghị 200 nhà văn nổi tiếng của nước Mỹ - trong số đó có rất nhiều người là “New York Times bestseller”, chủ nhân của giải Pulitzer, chủ nhân của giải Arthur - viết lời rao cho từng món.

Những món đồ được rao bán ngược lại trên eBay. Kết quả: họ thu về 8.000 USD. Có những thứ giá mua lúc đầu chỉ 75 cents,nhưng bán được hơn 100 đô. Đó là một con thú gỗ lưu niệm nhỏ xíu, sứt sẹo. Nhưng, lời rao của nó được viết bởi Meg Cabot, tác giả của “Nhật ký tiểu thư Jones”. Bà đã đính kèm vào món lưu niệm đồng nát một câu chuyện tình, biến nó thành chứng nhân của một trái tim tan vỡ.

Thí nghiệm đó nhằm chứng minh một điều đã được truyền tụng từ lâu. Đó là những câu chuyện, nếu được kể đúng cách, sẽ tạo ra một sức thuyết phục phi thường.

Thí nghiệm của Joshua Glenn và Rob Walker đã được truyền tụng như Kinh Thánh của những người làm truyền thông và bán hàng suốt một thập kỷ qua. Các nghiên cứu điện não đồ thực sự chỉ ra rằng những câu chuyện có một tác động thần kinh mạnh, thúc đẩy một quá trình sinh hóa khiến người ta ra quyết định nhanh chóng hơn. Nếu họ đã rút tiền ra khỏi túi thì còn cái gì thuyết phục hơn thế?

Nhưng, thí nghiệm đó cũng hàm chứa một vấn đề: đó là nó khiến người ta nhận ra những câu chuyện thực tế là thứ rất đắt tiền. Không phải ai cũng biết kể chuyện. Trong cuộc bán hàng thần kỳ đó là những gương mặt sáng giá nhất của giới văn chương thế giới. Khuôn khổ bài viết này không đủ để kể lại 200 câu chuyện và phân tích chúng, độc giả có thể tìm đọc các lời rao với từ khóa “Significant Objects” (tên dự án) để hiểu rằng các nhà văn lớn có lý do để là... nhà văn lớn.

Ảnh: LG.

Không phải ai cũng biết kể chuyện. Và những câu chuyện trở thành một loại tài nguyên được giành giật. Các chuyên gia truyền thông được trả lương rất cao; giới báo chí, các nhà văn giỏi được xã hội tôn trọng. Ngay cả ở một thị trường mới nổi như Việt Nam, nếu bạn là một người kể chuyện giỏi, bạn cũng không hết việc để làm. Và bạn sẽ được trả một mức lương hời. Các doanh nghiệp lớn sẽ tự tìm đến, trả cho bạn hàng chục triệu đồng để viết chân dung vị tổng giám đốc của họ.

Năm 2020, các thành viên của Trung tâm Thông tin UNESCO hỏi nhau: Thế còn các doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp của người khuyết tật, doanh nghiệp yếu thế thì sao? Họ chẳng bao giờ có nổi mấy chục triệu chỉ để trả cho một bài viết.

Ở số 7 đường Bờ sông Sét, Tân Mai, Hà Nội, có một tiệm giặt nhỏ. Nó được vận hành bởi 3 cô gái. Một người khiếm thính, hai người điếc. Họ đã vay vốn để thành lập tiệm giặt này; mỗi người chỉ nhận lương 4 triệu đồng/tháng để duy trì. Mơ ước của họ rất đẹp: họ muốn tiệm giặt của mình có lãi và sẽ sử dụng lợi nhuận đó để mở các lớp học kỹ năng sống cho người điếc.

3 cô gái sáng lập tiệm giặt cũng đã trải qua những khó khăn, thiệt thòi và hiểu rõ sự kỳ thị của xã hội, sự yếu thế của những người điếc. Họ muốn sử dụng một mô hình kinh doanh để giúp đỡ những người điếc khác, không được học hành như mình, những người không biết chữ, dễ bị tổn thương hơn.

Nhưng, một nhà văn lớn hay một ký giả nổi danh sẽ đi ngang qua tiệm giặt này mà không hề chú ý đến nó. Chủ nhân của tiệm có biết kể chuyện đâu. Họ chỉ trưng lên những tấm biển đơn sơ: “Tiệm giặt là Người điếc” (không thể đoán được câu chuyện đằng sau cái tên đó); ở đây có giặt giày và giặt là lấy ngay.

Tiệm giặt đó nếu không kể được câu chuyện của mình sẽ chìm khuất trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, giữa những công ty giặt là có thể thuê ký giả đến mấy chục triệu kể ra câu chuyện về sự tận tâm, chất lượng xịn của họ.

Đó chỉ là một ví dụ tiêu biểu cho những câu-chuyện-thiếu-vắng-người-kể-chuyện. Một cơ sở đồ thủ công của người khuyết tật vận động, một cơ sở giấy mỹ nghệ của người bị xương thủy tinh, một nhóm tình nguyện cho vay vốn để hỗ trợ đồng bào phục hồi vườn rau, chuồng gà sau cơn lũ lịch sử miền Trung... Họ có tấm lòng, họ mong muốn tạo ra một mô hình bền vững, không ngửa tay ra xin tiền ai. Họ muốn mô hình của mình tự vận hành, mang lại giá trị lâu dài. Tất cả những gì họ cần là được biết đến. Và, cái họ thiếu là một câu chuyện được kể chỉn chu - khiến cho mọi người bị thuyết phục và hành động cùng mình.

Năm 2020, Trung tâm Thông tin UNESCO thành lập “Mạng lưới Sáng kiến phát triển vì cộng đồng” (Network of Initiatives for Community Empowerment - NICE). Và lần đầu tiên, thứ được tài trợ cho các dự án xã hội, sẽ không phải là tiền. NICE huy động các chuyên gia truyền thông, các nhà báo, nghệ sĩ tên tuổi trong xã hội tài trợ cho các dự án như “Tiệm giặt là Người điếc” kia, sức mạnh truyền thông. Hay nói ngắn gọn, viết câu chuyện của họ và tìm cách kể nó cho càng nhiều người càng tốt.

Một khách hàng lớn nghe được câu chuyện và tiệm giặt có một hợp đồng lâu dài. Không ai xin ai cho ai, đôi bên cùng có lợi. Những cô gái vẫn cặm cụi giặt thật sạch những tấm drap giường khách hàng gửi đến. Nhiều khách hàng lẻ nghe được câu chuyện và tiệm giặt làm cả ngày không hết việc. Giá trị thương hiệu tiệm giặt tăng lên và họ đến gần hơn với giấc mơ hòa vốn, có lãi để mở lớp cho người điếc.

Đó là câu chuyện trong mùa xuân này. Về một sáng kiến “tài trợ” các câu chuyện cho những người yếu thế. Người yếu thế không xin tiền, họ muốn bán hàng hóa, muốn mang lại giá trị cho cộng đồng nhưng họ không tự kể được câu chuyện của mình.

Nếu mùa xuân này, bạn nghe được một câu chuyện về một doanh nghiệp xã hội như thế, hãy trở thành một nhà tài trợ. Đơn giản lắm, chỉ cần kể lại nó cho một người nào khác và lan truyền điều tử tế.

Đức Hoàng

Minh bạch trong đầu tư công

Năm Tý qua đi, Tân Sửu đến cũng là thời điểm khép lại một nhiệm kỳ với rất nhiều điểm nổi bật. Một trong những điểm nổi bật nhất chính là công tác chống tham nhũng.

Chúng ta kỳ vọng gì trong năm Tân Sửu này? Dưới đây là những lựa chọn của các cây bút quen thuộc trong Chuyên đề ANTG tháng. Và, bản thân mỗi bạn đọc cũng có thể lựa chọn riêng mình về một “điểm kỳ vọng” cho năm Tân Sửu.

Năm Tý qua đi, Tân Sửu đến cũng là thời điểm khép lại một nhiệm kỳ với rất nhiều điểm nổi bật. Một trong những điểm nổi bật nhất chính là công tác chống tham nhũng. Hàng loạt đại án đã được xét xử và rất nhiều đại án ấy cùng chung một điểm nổ: những khuất tất trong đấu thầu và đầu tư công.

Năm 2020 cũng chứng kiến 3 dấu mốc rất quan trọng đối với Việt Nam. Những ngày tháng 21-1-2020, 30-3-2020 và 8-6-2020 có thể sẽ không làm chúng ta nhớ đến điều gì khi chúng cũng bình thường như mọi ngày bình thường khác. Nhưng, chính sự kiện liên quan đến 3 ngày ấy lại có tính quyết định rất lớn, cho phép ta đặt ra một kỳ vọng thực sự vào sự chuyển đổi bắt đầu từ năm 2021 này. Đó là những ngày đi đến “chung kết” của hai hiệp định EVFTA và EVIPA giữa Việt Nam và EU.

Sẽ nhiều người nghĩ ngay đến thương mại hàng hóa và những hàng rào được gỡ bỏ dần giữa đôi bên để tiến tới một sự hợp tác toàn diện hơn nữa, mang lại sự thịnh vượng chung cho cả hai phía, nhất là khi kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam - EU lên đến con số hàng chục tỷ USD (56,45 tỷ USD vào năm 2019). Nhưng, thực tế, câu chuyện của thương mại hàng hóa còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của từng doanh nghiệp, từng ngành hàng tham gia trong chuỗi giá trị. Còn lợi ích lớn hơn nữa mà Việt Nam có được nằm ở một điểm quan trọng khác. Do thỏa thuận bảo hộ đầu tư hai phía mà hiệp định bao trùm. Chúng ta sẽ bước vào một kỷ nguyên đầu tư công và đấu thầu đầu tư công phải thay đổi, theo hướng minh bạch hơn, có lợi ích cụ thể hơn, chú trọng vào chất lượng đầu tư hơn...

Có một thực tế không ai có thể phủ nhận chính là EU gần như đã không còn dư địa đầu tư cơ sở hạ tầng khi sự phát triển của họ đã đến ngưỡng. Vì thế, các nhà thầu EU buộc phải kiếm tìm cơ hội ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, nơi mà các dự án đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ. Đơn cử, việc xây mới một tuyến đường cao tốc hàng trăm km ở EU có thể không còn cơ hội nào trong vài thập niên tới nhưng riêng ở Việt Nam, nó vẫn là nhu cầu của nhiều vùng, miền. Một lực lượng nhà thầu EU với những ưu đãi và bảo hộ nhận được từ hai hiệp định kể trên chắc chắn sẽ không bỏ qua cơ hội tham gia cuộc chơi. Và một khi họ đã tham gia, dưới sự bảo hộ kể trên, chắc chắn chúng ta phải minh bạch trong công tác mở thầu, chấm thầu. Đơn giản, chúng ta không thể mở ra một cuộc chơi mà một mình mình có quyền quyết định tất cả. Những giám sát từ phía EU sẽ có, theo đúng những cam kết của tinh thần hiệp định. Từ đó, câu chuyện sân sau quen thuộc của những đại án gần như sẽ bị triệt tiêu khi ta thuận theo một cơ chế chung, trên tư cách một người chơi công bằng.

Ảnh: LG.

Bao năm qua, câu chuyện doanh nghiệp sân sau, câu chuyện chi phối thầu do cầm nắm nguồn đầu tư đã là nan đề thực sự nhức nhối và gây thất thoát, đem lại những thua thiệt cho Việt Nam và khiến dư luận bức xúc nhiều. Đó là còn chưa kể tới việc quá nhiều nhà thầu đến từ cùng một quốc gia và tham dự vào các công trình trọng điểm cũng gây ra những lo âu thực sự về an ninh quốc gia. Có thể nói, có những lúc chúng ta bị ép thực sự bởi bên cho vay muốn tạo điều kiện cho chính các nhà thầu cùng quốc tịch với họ. Đó là một cuộc chơi không sòng phẳng, khiến chúng ta rơi vào thế yếu thực sự. Nhưng, bắt đầu kể từ thời điểm EVFTA và EVIPA đi vào hiệu lực, cán cân cuộc chơi sẽ buộc phải thay đổi khi tiếng nói của EU sẽ đòi hỏi sự minh bạch ở mức độ cao nhất, tính công bằng một cách tuyệt đối nhất ở mọi mặt. Việt Nam, trong vai trò cầm cân nảy mực một cuộc mở thầu đầu tư công, sẽ được tạo ưu thế riêng dựa trên các cam kết quốc tế để tránh khỏi mọi phương thức áp đặt nào.

Các tiến trình minh bạch hóa đầu tư công này chắc chắn sẽ tập thành một thói quen hành xử về các minh bạch khác trong hoạt động kinh tế, thương mại trong nước và nó chắc chắn sẽ thành một nền tảng để xã hội trở nên tiến bộ hơn. Nói thẳng, cuộc chơi nào cũng có luật chơi của nó và luật chơi mới này sẽ thay đổi gần như toàn bộ quan niệm và hành vi của nhiều doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam, đặc biệt là khi một thế hệ mới, trẻ, văn minh tiếp nhận và làm chủ thời đại.

Một trong những điểm cần lưu tâm chính là Điều 9.4 của Hiệp định EVFTA. Trong Điều này, ở mục 9.4.4.b quy định rất rõ về tránh xung đột lợi ích và ngăn chặn hành vi tham nhũng, theo quy định của pháp luật trong nước. Rõ ràng, luật chơi này là một công cụ hữu hiệu hơn nữa để công tác phòng, chống tham nhũng phát huy hết sức mạnh của mình. Chưa hết, ở mục 9.4.6 quy định “Các bên có nghĩa vụ nỗ lực tổ chức lựa chọn nhà thầu đôi với các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh thông qua phương tiện điện tử, bao gồm công bố thông tin gói thầu, các thông báo và hồ sơ mời thầu, cũng như tiếp nhận hồ sơ dự thầu và áp dụng đấu giá điện tử nếu phù hợp”. Và quy định này cũng là thứ thúc đẩy chúng ta phải hoàn thiện hơn nữa các nền tảng của chính phủ điện tử, số hóa và công khai hóa trên các nền tảng điện toán. Nó hoàn toàn phù hợp với các quyết sách, các chỉ đạo thực tiễn gần đây của Chính phủ trong việc công nghệ hóa và hiện đại hóa ở thời đại kỹ thuật số.

Tất nhiên, thay đổi nào cũng phải dựa trên ý thức của người tham gia thực hiện. Nhưng, kỳ vọng là thứ chúng ta hoàn toàn có quyền được đặt ra, nhất là khi hành vi của con người sẽ bị chi phối bởi các ràng buộc từ nguyên tắc tới chi tiết trong một sân chơi mang tính quốc tế và phổ quát. Chính các nguyên tắc này sẽ ép con người phải thay đổi tư duy và hành vi theo hướng tiến bộ nhất. Và, khi sự thay đổi ấy được thực hiện, những người quen với sự tiến bộ sẽ tạo ra một xã hội tiến bộ.

Kỳ vọng ấy, cho Tân Sửu này, xứng đáng không?

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.