Khi "hòa bình" lại bắt đầu "chiến tranh"

Thứ Ba, 23/03/2021, 12:59
Ngày 5-3-1946, có một bài diễn văn mang tên "The sinews of peace" (Tạm dịch: Những nguồn lực tiếp cho hòa bình) vang lên trên toàn thế giới. Song, cũng chính bài diễn văn đó lại được rất nhiều nhà nghiên cứu lịch sử cũng như giới quan sát quốc tế đánh giá là sự khởi đầu của Chiến tranh Lạnh.

Bởi vì, ngay dưới tiêu đề đầy tính "hòa bình" ấy, chính khách nổi tiếng của nước Anh - Winston Churchill - đã chính thức đưa một cụm từ lên vũ đài lịch sử, và trở thành một thuật ngữ chuyên dụng: Bức màn Sắt (Iron Curtain).

"Từ Baltic tới Adriatic"

Chính xác thì Winston Churchill tuyên bố: "Từ Stettin ở bờ biển Baltic tới Trieste trên duyên hải Adriatic, một bức màn sắt đã buông xuống trên khắp lục địa (châu Âu)". Nói một cách rõ hơn, với Churchill: "Đằng sau khái niệm này là tất cả các thủ đô của các quốc gia cổ đại Trung và Đông Âu. Warsaw (thủ đô Ba Lan), Berlin (thủ đô của CHDC Đức lúc đó), Prague (thủ đô Tiệp Khắc), Vienna (thủ đô Áo), Budapest (thủ đô Hungary), Belgrade (thủ đô Nam Tư), Bucharest (thủ đô Romania) và Sofia (thủ đô Bulgaria), tất cả những thành phố nổi tiếng này và những người dân xung quanh chúng nằm trong cái mà tôi phải gọi là khu vực của Liên Xô, và tất cả đều chịu ảnh hưởng của Liên Xô nhưng ở mức rất cao. Và trong nhiều trường hợp, các biện pháp kiểm soát ngày càng tăng từ Moskva".

Bởi vì bài diễn văn đó của Churchill được đọc ở Đại học Westminster, tại Fulton, bang Missouri - Mỹ. Tổng thống Mỹ khi đó - Harry S. Truman - cũng tham dự sự kiện và chăm chú lắng nghe bài phát biểu của Churchill. Thế nên, bài diễn văn cũng có đoạn:

"Thời điểm này, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ đang đứng trên đỉnh cao quyền lực thế giới. Đây là một thời khắc trang trọng đối với nền dân chủ Mỹ. Tuy nhiên, quyền lực tối cao cũng đi kèm một trách nhiệm giải trình đầy cảm hứng về tương lai. Nếu bạn nhìn xung quanh mình, bạn không chỉ phải cảm thấy ý thức về nhiệm vụ đã hoàn thành, mà còn phải cảm thấy lo lắng vì sợ rằng bạn sẽ chậm lại. Cơ hội bây giờ là ở đây, rõ ràng và tỏa sáng cho cả hai quốc gia của chúng ta. Từ chối nó hoặc phớt lờ nó, hoặc chê bai nó sẽ khiến chúng ta phải chấp nhận tất cả những lời trách móc lâu dài về sau. Điều cần thiết là sự kiên định trong tâm trí, kiên định mục đích. Và rồi, sự đơn giản tuyệt đối của quyết định sẽ hướng dẫn cũng như quy định hành vi của các dân tộc nói tiếng Anh trong hòa bình, như họ đã làm trong chiến tranh. Chúng ta phải, và tôi tin rằng chúng ta sẽ chứng minh mình ngang bằng với yêu cầu khắc nghiệt ấy".

Và dĩ nhiên, những lời lẽ cay độc được Churchill sử dụng, để hướng mũi dùi công kích về phía Liên Xô, như một lẽ tất yếu. Bất chấp việc vẫn thừa nhận rằng: "Nước Anh chúng tôi đã ký một hiệp ước hợp tác và tương trợ trong thời gian 20 năm với nước Nga Xô-viết", Churchill vẫn nhấn mạnh: "Một bóng đen đã phủ xuống những khung cảnh vừa được thắp sáng bởi chiến thắng của Đồng minh (trong Đệ nhị Thế chiến). Không ai biết Liên Xô và Quốc tế Cộng sản dự định thực hiện tới giới hạn nào, nếu có giới hạn ấy, đối với xu hướng mở rộng đang trở nên cực kỳ thuận lợi của họ".

Bài diễn văn làm thay đổi thế giới được phát biểu bởi một chính khách thất cử, tại một đại học nhỏ không mấy danh tiếng.

Đoạn này, cùng những đoạn mang màu sắc tương tự làm tôn bật lên thêm tính "đãi bôi" của những lời có cánh ít ỏi trong bài diễn văn đó: "Tôi vô cùng ngưỡng mộ và kính trọng những người dân Nga anh dũng, cũng như người đồng đội thời chiến của tôi - Nguyên soái Stalin. Ở Anh có sự đồng cảm và thiện chí sâu sắc - và tôi nghi ngờ là không có ở đây - đối với các dân tộc của toàn Nga. Chúng tôi hiểu rằng Liên Xô cần phải đảm bảo an toàn ở biên giới phía tây của mình, bằng cách loại bỏ mọi khả năng gây hấn của Đức. Chúng tôi hoan nghênh họ đến đúng vị trí của mình trong số các quốc gia hàng đầu trên thế giới. Chúng tôi chào đón lá cờ của họ trên biển. Trên tất cả, chúng tôi hoan nghênh các cuộc tiếp xúc thường xuyên và ngày càng tăng giữa nhân dân Nga và nhân dân chúng ta, ở cả hai bờ Đại Tây Dương".

Nó chỉ càng tô đậm thêm điểm mấu chốt: "Tôi bác bỏ ý tưởng rằng một cuộc chiến mới là không thể tránh khỏi. Và hơn thế, tôi tin rằng nó có thể xảy ra".

Sự định hình những cấu trúc cơ bản

Winston Churchill, như tính cách của ông, có thể tin rằng đã hoàn toàn thành thực phô bày những quan điểm được nung nấu kỹ lưỡng của mình trong bài diễn văn đó, và với thuật ngữ "Bức màn sắt" đó. Cũng chính vì vậy, những gì mà cựu thủ tướng Anh nói tại Đại học Wesminster hôm đó, dù cố ý hay vô tình, cũng là sự phác thảo những đường nét chính của cấu trúc trật tự quốc tế trong những năm tiếp theo.

Một cách ngắn gọn, trước hết, Churchill đề nghị thắt chặt "tình huynh đệ của các dân tộc nói tiếng Anh", nhằm "chắc chắn ngăn chặn được chiến tranh", thông qua công cụ đầu tiên là những hiệp ước hợp tác quân sự giữa Mỹ với các quốc gia - vùng lãnh thổ thành viên của Khối thịnh vượng chung mà Vương quốc Liên hiệp Anh là hạt nhân. Ông khẳng định rằng mối quan hệ ấy chính là cốt lõi để bảo đảm vị thế của Liên Hiệp Quốc - tổ chức toàn cầu vừa xuất hiện để thay thế Hội Quốc Liên, mà ông ủng hộ phải được trao quyền lực cũng như phải có quân đội riêng, không phục vụ bất cứ quốc gia đơn lẻ nào.

Mở rộng hơn, Churchill phác thảo việc "mở rộng vòng tay" với tất cả các quốc gia khác, nhằm ngăn cản "làn sóng đỏ" mà ông căm ghét và lo ngại. Không chỉ vậy, Churchill cũng chính là người đầu tiên đặt cơ sở cho việc kiểm soát vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới, theo một cách gần như vẫn được duy trì trọn vẹn trong hiện tại: "Sẽ là sai lầm và thiếu thận trọng khi giao phó kiến thức hoặc kinh nghiệm bí mật về bom nguyên tử mà Hoa Kỳ, Anh và Canada hiện đang chia sẻ cho Liên Hiệp Quốc, khi nó vẫn còn sơ khai. Sẽ là tội phạm điên rồ nếu để điều này diễn ra, trong thế giới vẫn còn kích động và không đoàn kết này".

Bằng ngôn ngữ, vị cựu thủ tướng Anh khét tiếng chống cộng ấy đã kẻ xong một đường ranh giới chia đôi châu Âu thành hai nửa Đông - Tây. Điều đó cũng có nghĩa là người hùng của nước Anh trong Đệ nhị Thế chiến chống lại Đức Quốc xã đồng thời chia đôi cả thế giới thành hai khối lớn: XHCN và TBCN.

"Bức màn Sắt" ở cựu lục địa, theo mô tả của Churchill (ngoại trừ điểm nhầm lẫn là nước Áo)

Giới nghiên cứu lịch sử quốc tế cận đại không ai quên, rằng trong những năm Nội chiến Nga sau Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, chính Churchill là tác giả của câu nói nổi tiếng sắt máu: "Phải bóp nát mầm mống cộng sản từ trong trứng". Sự thù địch của ông đối với Liên bang Xô-viết cũng thể hiện rõ ở đoạn cuối Đệ nhị Thế chiến, khi ông là Thủ tướng Anh, bất kể việc Anh, Mỹ và Liên Xô là những cường quốc hạt nhân của khối Đồng minh chống phát-xít. Thậm chí, theo một số nghiên cứu, Churchill từng bí mật đề nghị Mỹ sẵn sàng "động binh" với Liên Xô, nhưng đó là một câu chuyện khác.

 Và sau bài diễn văn "Những nguồn lực của hòa bình" (nhưng hàm ý thực tế là Xác nhận một Bức màn Sắt), châu Âu nói riêng cũng như thế giới nói chung bị phân cách thành hai mảng tách biệt, về ý thức hệ, quân sự, hình thái kinh tế - xã hội. Ở Mỹ, chủ nghĩa chống cộng cực đoan kiểu Mc Carthy cũng từ đó mà nảy mầm. Ở những quốc gia "trẻ" hoặc mới giành lại được độc lập, chủ nghĩa tư bản phương Tây ra sức dựng lên những chính quyền phản động, mà chính quyền Bảo Đại hay Ngô Đình Diệm ở Việt Nam/Miền nam Việt Nam là thí dụ. "Bức màn Sắt" ấy chỉ được coi là đã hạ xuống, cùng lúc với sự khép lại của Chiến tranh Lạnh, cuối thế kỷ XX.

Phải thừa nhận rằng, tầm ảnh hưởng của bài diễn văn ấy cũng như cụm từ ấy thật đáng kinh ngạc. Nó được phát biểu bởi một người vừa không thể tái cử vị trí Thủ tướng Anh, nhưng nó vẫn tác động sâu sắc tới tình hình thế giới. Có thể nói, chỉ bằng ngôn từ, Churchill đã khiến quan điểm của toàn bộ phương Tây trở nên cực đoan hơn. Và điều đáng sợ là thế giới khi ấy có lẽ vẫn còn ít chia rẽ và ít mâu thuẫn lợi ích hơn nhiều, so với thế kỷ XXI này. 

* Churchill không phải là cha đẻ của thuật ngữ "Bức màn Sắt". Ông chỉ là người khiến cho nó được nhắc đến rộng rãi trên toàn cầu. Trước ông, thuật ngữ này đã từng được sử dụng bởi trùm truyền thông Đức Quốc xã Josef Goebbels, và xa hơn nữa, có những nguồn tài liệu cho rằng có lẽ lần đầu tiên được sử dụng liên quan đến Nga bởi Vassily Rozanov vào năm 1918 khi ông viết: "Một bức màn sắt đang phủ xuống lịch sử Nga".

* Cho dù Truman và nhiều quan chức cấp cao của Mỹ nhiệt liệt đón nhận bài phát biểu này, khi nhất trí rằng Liên Xô đang chủ trương bành trướng và chỉ có một lập trường cứng rắn mới khiến người Nga chùn bước, thì vẫn có những tầng lớp ít nhiệt tình hơn với lời kêu gọi của Churchill về "mối quan hệ đặc biệt" giữa Mỹ và Anh. Họ nhận thức được rằng quyền lực của Anh đã suy yếu và không có ý định trở thành con tốt thí hỗ trợ đế chế Anh đang đổ nát.

Còn từ Liên Xô, Joseph Stalin lên án bài phát biểu là "kêu gọi chiến tranh", và coi lời nhận xét của Churchill về "thế giới nói tiếng Anh" là "chủ nghĩa phân biệt chủng tộc kiểu đế quốc".

Thiên Thư
.
.