Nhân tài thời @:

Huỳnh Minh Việt: Đền đáp tiếp nối

Thứ Tư, 26/04/2006, 15:00

Có một chuyện như huyền thoại tại Điện Bàn, Quảng Nam, người cha cứ đến mùa tựu trường lại dắt cậu con trai tên Huỳnh Minh Việt đến nhà người quen ở gần trường để mong con mình có chỗ ở và được đi học. Học hết lớp 9, cậu bé ấy nhận được học bổng của Chính phủ Singapore, bắt đầu hành trình chinh phục thế giới tri thức của mình.

Từ chối học bổng đại học của Chính phủ Singapore vì không muốn đổi quốc tịch, Huỳnh Minh Việt đã tìm được học bổng toàn phần của Đại học Stanford (California, Hoa Kỳ). Tại đây, Việt tham gia khá nhiều hoạt động của du học sinh và đều hướng về Việt Nam. Như một người có tố chất lãnh đạo thiên bẩm, Việt là tác giả của "Vietnam Medical Project" - dự án tổ chức cho các bác sĩ và sinh viên y khoa quốc tế tình nguyện sang Việt Nam chữa bệnh miễn phí cho người nghèo tại 2 huyện Nho Quan và Gia Viễn (Ninh Bình) trong 2 năm qua. Đồng thời, Huỳnh Minh Việt còn là thủ lĩnh của nhóm sinh viên Đại học Stanford mang tên Sealnet nghiên cứu về mối quan hệ giữa doanh nghiệp với môi trường. Anh cũng là thành viên trong ban lãnh đạo VietAbroader của nhóm sinh viên Việt Nam đang du học tại Mỹ nhằm giúp đỡ những sinh viên Việt Nam có ý định du học tại Mỹ nói riêng và nước ngoài nói chung.

Năm 2005, ở tuổi 22, Việt đại diện cho sinh viên toàn nước Mỹ lọt vào danh sách 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới để dự chương trình lãnh đạo toàn cầu do Quỹ Goldman Sachs và Viện Giáo dục quốc tế (IIE) tổ chức tại New York. Việt cũng là trường hợp duy nhất được Ngân hàng thế giới nhận làm thực tập sinh tại chi nhánh Việt Nam. Anh còn là sáng lập viên kiêm Chủ nhiệm Tổ chức các nhà lãnh đạo tương lai Đông Nam Á của Mỹ và đại diện của chương trình chăm sóc sức khỏe cộng đồng Mỹ tại Việt Nam.

Đi từ luống cày của ba mẹ nơi đồng đất Quảng Nam, dường như Huỳnh Minh Việt đã biết cách để thích ứng nhanh nhất với môi trường xung quanh mình và từ đó vươn lên thể hiện tài năng và nghị lực phi thường của một người Việt trẻ. Anh tâm sự, vì đã mắc nợ quá nhiều người bởi lòng tốt và sự giúp đỡ, anh muốn toàn bộ thời gian sống sau này của mình để làm những công việc giúp đỡ cho sự phát triển của cộng đồng, đúng như tinh thần "pay it forward - đền đáp tiếp nối"...

Anh là người may mắn vì đã tiếp cận được những kiến thức mới tại các trường danh tiếng thế giới. Nhưng để có được nó quả là một quá trình phấn đấu và nỗ lực không ngừng. Những năm tháng tuổi thơ của anh ở Quảng Nam có gì đáng nhớ?

Tôi có một tuổi thơ giàu có, dù có thể nói gia đình tôi không khá giả gì. Thậm chí, 5 tuổi tôi đã xa gia đình để lên sống với ông bà và để được đi học. Năm học lớp 4, khi tôi được gọi vào đội tuyển học sinh giỏi Toán của huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ một cách nghiêm túc về con đường học vấn của mình. Ba mẹ tôi dù chỉ học hết lớp 7, nhưng họ là người thầy quý giá nhất trong đời tôi. Từ đó tôi luôn có một quyết tâm: phải thành công để làm điều gì đó có ích cho xã hội. Ước mơ đó luôn sống với tôi đến hôm nay.

Hành trình đến hôm nay của anh bắt đầu như thế nào?

Cuối năm 1997, khi học hết lớp 9, tôi nhận được học bổng ASEAN của Chính phủ Singapore dành cho 21 học sinh Việt Nam. Nhà nước Singapore và Việt Nam đến chọn học sinh từ các tỉnh. Có tất cả hơn 100 thí sinh từ các tỉnh trên toàn quốc dự thi. Sau khi thi Toán, tiếng Anh và kiểm tra chỉ số thông minh (IQ), khoảng 60 học sinh được vào vòng 2. Vòng này là một cuộc phỏng vấn với người Singapore bằng tiếng Anh. Tôi khi đó chỉ biết vài từ tiếng Anh, nên phải nói cực kỳ may mắn mà nhận được học bổng này. Tôi học tại Singapore từ năm 1998 đến 2002 và may mắn nhận được học bổng toàn phần để đi học ở Mỹ. Còn hiện tại, tôi đã học sắp xong chương trình ở Đại học Stanford và đang thực tập tại Ngân hàng thế giới.

Xa nhà và sống ở một nơi lạ lẫm như thế, ban đầu anh có thấy vất vả không? Tôi đọc báo thấy người ta thường kể, du học sinh Việt Nam đi học bên ngoài làm thêm cực khổ lắm...

Tôi đã sống xa nhà từ nhỏ nên thấy mọi việc cũng bình thường. 5 tuổi thì ở với ông bà, năm lớp 4 thì rời gia đình để đi trọ học, tuần mới về nhà một lần, thành thử đến giờ tôi không còn cảm giác nhớ nhà cho lắm. Còn thời gian học tại Đại học Stanford tôi cũng không phải làm nhiều. Đại học Stanford đã cung cấp đầy đủ những chi phí, chứ ba mẹ tôi đều là nông dân, làm gì có tiền để mà gửi qua Mỹ cho con. Hồi đó, mỗi tuần tôi chỉ làm khoảng 5 giờ để có thêm tiền tiêu vặt mà thôi, nói chung là làm việc nhẹ nhàng, thích làm gì cũng được, đơn giản lắm mà lương lại cao (10 USD/giờ).

Khi bắt đầu sang Stanford, có khi nào anh nghĩ mình sẽ là một trong 50 sinh viên xuất sắc nhất thế giới được dự chương trình lãnh đạo toàn cầu?

Tôi không nghĩ đến điều đó nhiều lắm. Ban đầu tôi nghĩ mình sẽ làm kỹ sư, nhưng dần dần ước mơ của tôi thay đổi. Tôi định sẽ học kinh tế để sau này giúp đỡ nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tôi luôn mong ước sẽ học tốt và có việc làm ở World Bank, IMF hoặc những tổ chức lớn khác để giúp đỡ những nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam.

Tôi biết, vì không muốn làm Việt kiều, cũng không muốn mang quốc tịch Singapore nên anh đã từ chối học bổng của Chính phủ nước này. Cảm giác của anh khi đó thế nào? Còn tôi, nói thật tôi thấy anh là một người dũng cảm...

Thật ra, đó là quyết định rất lớn trong đời tôi. Lúc đó tôi rất muốn học ở Mỹ hoặc ở Anh nhưng mà không có tiền. Có một người bạn của tôi đã nhận được học bổng của Singapore và phải đổi quốc tịch sau khi tốt nghiệp. Chưa khi nào tôi muốn như vậy hết. Tôi biết ơn những người Singapore đã giúp đỡ tôi trưởng thành và tôi nghĩ nếu sau này có cơ hội sẽ làm một việc gì đó cho đất nước này. Nhưng tôi nghĩ, đổi quốc tịch là một điều quá quan trọng. Tôi sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, ba mẹ tôi là những người nông dân chân vẫn còn dính phèn. Thế thì tôi phải là một người Việt Nam chứ. Tôi muốn sau này về giúp đỡ đất nước với tư cách một con dân nước Việt, không phải là Việt kiều mang quốc tịch khác. Nếu không được sinh ra và nuôi nấng tại Việt Nam, tôi không bao giờ có ngày hôm nay.

Những dự định sắp tới của anh? Anh có ý định về nước làm việc không?

Tôi phải học cho xong đã và cố gắng làm cho một số tổ chức lớn như Ngân hàng thế giới (WB), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), rồi vài năm sau có thể học thêm bằng thạc sỹ MBA hoặc bằng luật rồi về nước mở một tổ chức từ thiện hoặc mở một công ty.

Anh sẽ làm gì nếu được chọn một điều gì đó để Việt Nam phát triển hơn?

Có nhiều điều tôi muốn làm. Đầu tiên tôi muốn đổi thay là nền giáo dục, tôi muốn học sinh Việt Nam được hưởng một nền giáo dục tốt hơn. Nhiều học sinh Việt Nam rất thông minh và chịu khó, nhưng không thể nào thi vào đại học vì không có tiền đi học thêm, vì gia đình khó khăn, vì... quá nhiều lý do không chính đáng. Quá nhiều học sinh phải nghỉ học sớm để giúp gia đình. Tôi hy vọng tất cả học sinh Việt Nam không phải nộp tiền học phí và thi vào đại học dễ dàng hơn. Những môn học ở Việt Nam quá căng thẳng, đôi khi không thích hợp cho việc phát triển trí tuệ của học sinh. Việt nghĩ học sinh ở Việt Nam nên đọc sách báo nhiều hơn, thảo luận nhiều hơn về những vấn đề đương thời. Còn nếu không chọn giáo dục thì Việt sẽ chọn du lịch để phát triển kinh tế, vì đây là một ngành công nghiệp giàu tiềm năng...

Ân Nam
.
.