Học giả An Chi: “Nên nhớ, ngôn ngữ có tính kế thừa”
- Thưa học giả An Chi, ông có quan tâm đến hiện tượng “thành ngữ” sành điệu trong cuốn sách ảnh “Sát thủ đầu mưng mủ” vừa bị Cục Quản lý xuất bản thổi còi không ạ?
- Tôi có thấy, nhưng không theo dõi. Cho đến khi có bài của một nhà phê bình văn học in trên một tờ báo lớn thì tôi mới đọc. Tôi không hoàn toàn tán thành bài viết đó.
Nhà phê bình cũng mặc nhận rằng những “thành ngữ” sành điệu đó không có bao nhiêu giá trị, thời gian sẽ xoá chúng đi. Ngôn ngữ chỉ sàng lọc lấy những gì tinh tuý. Nhưng mà, tôi thấy rằng trong toàn bài viết, nhà phê bình này cũng “khoái” xu hướng sử dụng “thành ngữ” sành điệu của tuổi teen. Chẳng thế mà ông ta khuyến cáo “cứ tê tê mà phê”!
- Với tư cách là người nghiên cứu ngôn ngữ, theo ông, ngôn ngữ có tự vận động hay không?
- Ngôn ngữ thường xuyên thay đổi với thời gian. Yếu tố chuyển biến chậm và ít nhất là ngữ pháp. Cái chuyển biến nhiều và gần như là thường xuyên là từ vựng. Nhưng chuyển biến theo hướng nào cho tích cực hoặc xây dựng cho ngôn ngữ trở thành một phương tiện giao tiếp có hiệu lực thì mới hay, chứ thay đổi theo kiểu “Chuyện nhỏ như con thỏ” hay “Cướp trên giàn mướp”… thì hoàn toàn vô bổ.
Cũng có những trường hợp, ban đầu người ta đặt ra thì mình thấy hơi kỳ nhưng thực chất lại có duyên. Thí dụ cái tên mục “Hai Cù Nèo gỡ rối tơ lòng… thòng” của báo Tuổi Trẻ Cười. Nhưng đây là trường hợp đặc biệt vì nó là tên một chuyên mục của riêng tờ báo. Đây là một phạm trù có khác so với những “chất liệu” của ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay “sáng tạo”.
- Liệu chúng ta có quá khắt khe với “thành ngữ” sành điệu lắm không, thưa học giả An Chi? Bởi theo quan điểm của tôi, thì trong một độ tuổi nhất định, người ta sử dụng một loại hình ngôn ngữ đặc biệt và cảm thấy vui. Thế nhưng, khi đến một độ tuổi khác, chính bản thân họ sẽ tự loại bỏ loại hình ngôn ngữ mà mình từng sử dụng ấy, vì nó không phù hợp?
- Tôi cho rằng nên phân biệt hai vấn đề. Vấn đề thứ nhất liên quan tới những người đang tạo ra những lối nói “sành điệu” hiện nay. Họ sẽ lớn lên, và đến giai đoạn trung niên hay lão niên thì họ sẽ nhìn lại và có thể thấy nó khác. Họ thấy ngày đó mình tạo ra lối nói này thì cũng không lấy gì làm có duyên. Rồi chính họ cũng không tiếp tục sử dụng.
Nhưng, ngôn ngữ chính là sự kế thừa, sự tồn tại liên tục. Những người kia thì đã lớn lên nhưng kiểu ngôn ngữ “sành điệu” theo sở thích của họ lại tiếp tục được các thế hệ teen kế tiếp phát triển. Thành ra vấn đề thứ hai chính là, người làm ngôn ngữ có ý thức và có trách nhiệm về sự trong sáng của tiếng mẹ đẻ phải có thái độ thật sự nghiêm khắc trước những hiện tượng này.
Một mặt, mình thông cảm với tuổi teen. Nhưng sự thông cảm phải có giới hạn, cho nên, mặt khác, mình phải tạo được một rào cản thật chặt, thật kín để những yếu tố rởm đời vô bổ đó không thể lọt qua một cách dễ dàng mà đi vào từ vựng của tiếng Việt. Và đặc biệt là kho thành ngữ, tục ngữ.
Đương nhiên, điều này không có nghĩa là mình cấm đoán những người trong lứa tuổi teen tự chứng tỏ họ qua việc sử dụng ngôn ngữ “sành điệu”. Họ có quyền đó chứ… Cái chính, mà tôi muốn nói đến là, vai trò “đối trọng” của những nhà làm ngôn ngữ và những người có trách nhiệm khác.
- Thưa học giả An Chi, thật ra việc giữ gìn ngôn ngữ chúng ta cũng đã bàn nhiều, nếu không muốn nói là rất nhiều. Nhưng rồi thì, đâu lại vào đó. Theo quan điểm riêng của cá nhân mình, ông có nghĩ rằng chúng ta cần phải làm gì để giữ gìn sự trong sáng của ngôn ngữ không chỉ là khẩu hiệu?
- Tôi nhớ là thời kỳ đầu thập kỷ 1950, văn giới, báo giới cả nước đã có bàn về ngôn ngữ như một vấn đề xã hội rộng lớn là “Điển chế tiếng Việt”. Tôi nghĩ không biết bây giờ mình đặt vấn đề này ra thì có lớn quá không. Nhưng mà, có lẽ cũng phải có một cơ quan nào đó có quyền hạn được Quốc hội cấp cho để quy định những vấn đề liên quan đến ngôn ngữ chứ. Cũng đã có ý kiến đề nghị phải có Luật Ngôn ngữ rồi đấy