Hồ sơ hóc búa

Thứ Hai, 14/12/2020, 07:58
Cử tri Mỹ đã chọn ông Biden làm người dẫn dắt nước Mỹ trong 4 năm tiếp theo. Trên cương vị lãnh đạo nước Mỹ, ngoài những vấn đề khẩn thiết như xử lý dịch bệnh COVID-19 đang tấn công khốc liệt nước Mỹ với số lượng người thiệt mạng có ngày lên tới trên 2.000 người, ông Biden hầu như ngay lập tức phải đối diện với một hồ sơ hóc búa trong chính sách đối ngoại, không dễ gì có thể giải quyết được trong một sớm một chiều: quan hệ Mỹ-Trung.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ, cung cách ứng xử ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng trong khu vực, đặc biệt là ở Biển Đông, những bất bình đối với các hành vi thương mại mà Mỹ cho rằng không công bằng (đối với lợi ích của Mỹ) đã dẫn tới những hành động cạnh tranh quyết liệt kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng 4 năm trước đây.

Nhưng, những hành động mang tính trừng phạt của Mỹ nhằm vào Trung Quốc không phải đột nhiên xuất hiện từ khi ông Trump vào Nhà Trắng. Nó đã manh nha từ trước đó, dưới thời chính quyền Tổng thống Barack Obama. Trọng tâm của phương hướng này chính là chiến lược “xoay trục” sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương và tiến trình thúc đẩy Hiệp định Đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP, một văn kiện mà chính quyền Tổng thống Obama đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết để đạt được.

Ông Joe Biden và phu nhân.

Đến khi ông Trump vào Nhà Trắng sau cuộc bầu cử 2016, nhà tỷ phú trở thành chính trị gia dường như đã từ bỏ cả hai đường hướng chính này bằng cách xây dựng chiến lược về một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời gần như ngay lập tức rút Mỹ ra khỏi TPP!

Cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc của ông Trump thẳng thừng và trực diện. Mỹ phát động cuộc chiến thương mại, tiếp đó là cuộc chiến công nghệ, rồi khi dịch bệnh COVID-19 xuất phát từ Trung Quốc lan rộng ra toàn thế giới, đã có một cuộc chiến địa chính trị, làm tổn hại hình ảnh của Trung Quốc trên khắp thế giới, tìm cách hạn chế “sức mạnh mềm” của Trung Quốc.

Cạnh tranh Trung-Mỹ không chỉ là “cái bẫy Thucydides” giữa cường quốc số 1 đang suy yếu với cường quốc số 2 đang nổi lên nữa; nó là một cuộc đọ sức toàn diện về kinh tế, chính trị, ngoại giao, quân sự giữa hai cường quốc, một cuộc “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới.

Trung Quốc bị tổn hại ít nhiều

Để có thể quyết định được đường hướng quan hệ với Trung Quốc trong 4 năm sắp tới, ông Biden phải điểm lại xem vậy thì trong 4 năm vừa qua, dưới chính quyền của Tổng thống Trump, khi mà Washington đã huy động toàn lực vào cuộc cạnh tranh với Trung Quốc (có lẽ chỉ trừ việc xóa bỏ hoàn toàn quan hệ tài chính-tiền tệ, thiết lập quan hệ ngoại giao với Đài Loan hay xung đột quân sự), Mỹ đã đạt được những kết quả như thế nào?

Rõ ràng là những đòn đánh của Mỹ nhằm vào Trung Quốc trong thời gian qua đã làm môi trường phát triển bên ngoài của Trung Quốc xấu đi, buộc Bắc Kinh phải thu hẹp chiến lược mở rộng mô hình phát triển ra khắp thế giới.

Những khó khăn chồng chất do các biện pháp trừng phạt của Mỹ (cả về thuế, công nghệ hay các biện pháp hành chính) đã khiến cho một bộ phận trong xã hội Trung Quốc, đặc biệt là giới doanh nghiệp, cảm thấy bi quan, từ đó kìm hãm sự phát triển của Trung Quốc.

Cuộc chiến thương mại và tiếp đó là cuộc chiến công nghệ do Mỹ phát động đã tác động mạnh đến các doanh nghiệp ngoại thương, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, khiến một lượng lớn đồng vốn nước ngoài rút khỏi thị trường Trung Quốc, tác động xấu đến nền kinh tế nước này.

Sự “cách ly” một phần về khoa học công nghệ giữa hai cường quốc do Mỹ chủ động tạo ra đã tác động tiêu cực đến toàn bộ ngành công nghệ cao của Trung Quốc, đặc biệt là công nghiệp vi mạch và mạng 5G, đe dọa lợi thế toàn bộ chuỗi sản xuất của Trung Quốc...

Tuy nhiên, cuộc chiến công nghệ của Mỹ nhằm vào Huawei có đe dọa sự tồn vong của doanh nghiệp này nhưng hầu hết các doanh nghiệp nhà nước trụ cột của Trung Quốc bị ảnh hưởng rất ít.

Mỹ cũng không đạt được mục tiêu

Đó là những “thiệt hại” mà Mỹ đã gây cho Trung Quốc bằng các hành động cạnh tranh quyết liệt trong hơn 2 năm qua, kể từ khi ông Trump khởi phát cuộc chiến bằng các quyết định áp thuế hàng hóa, chứ không phải là những mục tiêu mà Mỹ hướng tới. Bởi, với cách tiếp cận mang tính trừng phạt, hầu hết các mục tiêu mà Mỹ đặt ra đều không đạt được!

Có thể thấy rõ điều đó qua cuộc chiến thương mại. Khi khởi phát thương chiến, mục tiêu của Mỹ là nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt cán cân thương mại với Trung Quốc và đưa công ăn việc làm về lại nước Mỹ.

Những con số không biết nói dối. Nếu như năm 2017, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc là 375,6 tỷ USD thì 1 năm sau khi ông Trump vào Nhà Trắng (năm 2018), con số này đã tăng lên 419 tỷ USD. Sang năm 2019, khoản thâm hụt thương mại giảm xuống còn 346 tỷ USD (có nghĩa là vẫn gần tương đương với mức cũ) nhưng sang năm 2020, nó lại tăng trở lại! Có nghĩa là những biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ hầu như chẳng có tác dụng gì.

Thêm vào đó, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc đã khiến những nông dân vùng Trung Tây nước Mỹ phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do các biện pháp áp thuế trả đũa của Trung Quốc nhằm vào nông sản nhập khẩu từ Mỹ. Chính phủ Mỹ đã phải bỏ ra nhiều tỷ USD trợ cấp nhằm làm giảm bớt các tác động do những biện pháp trả đũa của Trung Quốc gây ra.

Việc chuyển công ăn việc làm từ thị trường Trung Quốc trở về cho người lao động Mỹ cũng không diễn ra như tính toán. Thay vì chuyển về Mỹ, các công ty Mỹ di chuyển chuỗi cung ứng sang các nước Đông Nam Á hay Mexico!

Cuộc chiến công nghệ của Mỹ nhằm vào Huawei đe dọa sự tồn vong của doanh nghiệp này. Ảnh: L.G.

Một lộ trình cứng rắn của tân Tổng thống Mỹ

Mới nhất, chính quyền Tổng thống Trump đã đưa Tổng Công ty Dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) - chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 từng xâm phạm vùng biển Việt Nam vào năm 2014 - vào danh sách các thực thể "thuộc sở hữu hoặc bị kiểm soát" bởi quân đội Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là các cá nhân cũng như doanh nghiệp Mỹ sẽ bị cấm đầu tư vào những doanh nghiệp nằm trong danh sách này.

Trước đó, chính quyền ông Trump ban hành quy định mới về thị thực, rút ngắn thị thực nhập cảnh của các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc từ tối đa 10 năm còn 1 tháng. Có thể thấy, trong những ngày cuối cùng ở Nhà Trắng, ông Trump sẵn sàng có những biện pháp cứng rắn với Trung Quốc, đặt chính quyền của ông Biden vào thế khó khi kế thừa chính sách ngoại giao đối với Bắc Kinh.

Đương nhiên, chính quyền ông Biden sẽ không vội vã thay đổi những biện pháp ứng xử đối với Trung Quốc của ông Trump bởi như thế có thể bị quy kết rằng “mềm yếu” với Bắc Kinh, điều mà phía ông Trump luôn cáo buộc ông Biden trong suốt chiến dịch tranh cử.

Đúng vào thời điểm đại dịch COVID-19 bùng nổ hồi đầu năm, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, có hiệu lực từ ngày 15-2-2020. Thỏa thuận giai đoạn 1 bao gồm các điều khoản liên quan tới sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ và cam kết của Trung Quốc trong việc mua 200 tỉ USD hàng hóa Mỹ, bao gồm các mặt hàng sản xuất, nông sản, năng lượng và dịch vụ trong 2 năm tới.

Tuyên bố trên tờ New York Times, ông Biden nói sẽ không vội vàng thay đổi thỏa thuận giai đoạn 1 mà ông Trump đã ký với Trung Quốc nhưng sẽ chống lại thủ đoạn “lợi dụng thương mại” của Bắc Kinh.

Việc tiếp tục thực hiện thỏa thuận này có lợi cho Mỹ nhằm hướng tới mục tiêu giảm thâm hụt thương mại với Trung Quốc. Khi đã có thỏa thuận giai đoạn 1 thì đương nhiên cả hai phía đều có lý do để tiếp tục đàm phán và tiến tới thỏa thuận giai đoạn 2 có lợi cho cả đôi bên: Mỹ giảm thâm hụt thương mại, trong khi Trung Quốc sẽ được nới lỏng các biện pháp áp thuế hay trừng phạt nhằm vào các cá nhân hay tổ chức mà Mỹ đánh giá là phải chịu trách nhiệm về an ninh (khoa học, công nghệ) hoặc can dự vào việc gây bất ổn trong khu vực (điển hình như việc Mỹ trừng phạt các cá nhân, tổ chức liên quan đến việc hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo tại Biển Đông).

Về phần Trung Quốc, ngay sau khi đã xác định được người đứng đầu Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo là ông Biden, nhiều khả năng vẫn phải khôn khéo tránh đối đầu trực diện với Mỹ, câu giờ để xây dựng một mô hình kinh tế tập trung vào vòng tuần hoàn trong nước, tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ về chuỗi cung ứng, công nghệ, tài chính...

Cuộc bầu cử ngày 3-11 là phép thử khắc nghiệt trả lời câu hỏi mang tính then chốt: cuộc đọ sức đó là nhu cầu tự thân của nước Mỹ trước nguy cơ đánh mất vai trò siêu cường thế giới, hay chỉ là chiến thuật để kiếm phiếu bầu?

Nếu chỉ là chiến thuật phục vụ bầu cử, những động thái đó sẽ nhanh chóng tắt ngúm như ánh nến trước gió. Nhưng, nếu đó là chiến lược để đảm bảo nước Mỹ tiếp tục giành giật vai trò là một siêu cường dẫn dắt thế giới, có thể thấy cuộc “Chiến tranh Lạnh” kiểu mới giữa Mỹ với Trung Quốc sẽ không nhanh chóng chấm dứt.

Một lộ trình chính sách cứng rắn với Trung Quốc đã được xác lập từ thời ông Trump và giờ đây, ông Biden tiếp tục dấn bước trên con đường đó.

Yên Ba
.
.