Hành trình tìm lại những người bạn cũ

Thứ Tư, 14/07/2021, 15:58
Sau 4 năm đầy sóng gió, mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương đang có dấu hiệu phục hồi. Nhưng, để có thể trở lại được như xưa, rõ ràng sự cố gắng từ một phía là không đủ.


Ôm chầm lấy đồng minh

Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ là tới châu Âu. Đây là lần đầu tiên sau hơn 4 thập niên, một Tổng thống Mỹ lại chọn lục địa già làm điểm đến đầu tiên của mình. Lần gần nhất là năm 1977. Khi đó, người bước xuống từ chiếc "Chuyên cơ số 1" là Jimmy Carter, vị tổng thống thứ 39 của nước Mỹ.

Có thể nhiều người sẽ bất ngờ khi biết điều này nếu xét đến mối quan hệ thân thiết xuyên bờ Đại Tây Dương suốt thế kỷ qua. Nhưng, thực tế, phần lớn các Tổng thống Mỹ sẽ chọn Canada hoặc Mexico, hai nước láng giềng gần nhất cho chuyến công du đầu tiên của mình. Ông George Bush và ông Bill Clinton chỉ chọn đến châu Âu cho chuyến đi đầu trong nhiệm kỳ thứ 2. Thậm chí, cũng chỉ có 2 trong 6 vị Tổng thống Mỹ gần nhất chọn châu Âu là điểm đến thứ 2 trong lịch trình của mình, bằng đúng số vị đã chọn đến Nhật Bản.

Tổng thống Joe Biden đã thể hiện lòng nhiệt thành trong chuyến đi tới châu Âu của mình.

Riêng với ông Donald Trump, điểm đến đầu tiên của vị tổng thống thứ 45 này lại là Trung Đông, khi ông đang muốn đưa nước Mỹ rút khỏi vũng lầy, đồng thời bất ngờ tới Jerusalem, nơi ông bắt đầu bày tỏ sự thiên vị rõ ràng của mình dành cho Israel trong suốt nhiệm kỳ.

Đối với nước Mỹ, ở vị thế siêu cường lớn nhất thế giới trong suốt 4 thập niên qua, rõ ràng điểm đến đầu tiên trong hành trình của người đứng đầu đất nước không thể là lựa chọn ngẫu nhiên. Nó thể hiện nhiều toan tính trong những ưu tiên về chính sách an ninh và đối ngoại của họ, ít nhất là trong 4 năm tiếp theo. Và lần này, ưu tiên đó là dành cho châu Âu, nơi những người đồng minh truyền thống đang dần rời xa khỏi vòng tay của họ. Để kéo lại những đồng minh đó, ông Joe Biden đã thể hiện một sự nồng nhiệt "bất thường" với những đối tác của mình trong chuyến đi này, theo đúng nghĩa đen của từ đó.

Với nụ cười thân thiện, thái độ niềm nở nhưng khiêm nhường, những cái bắt tay thật chặt, thậm chí là cả những cái ôm, ông Biden đem đến cảm giác gần gũi giữa ông và các nhà lãnh đạo châu Âu, như cuộc gặp của những người bạn. Chỉ trong vòng 8 ngày, ông Joe Biden đã lần lượt gặp gỡ hơn 50 nhà lãnh đạo của châu Âu từ tổng thống, thủ tướng, lãnh đạo EU đến những vị quốc vương. Tất cả những cuộc gặp đó đều nồng nhiệt, thân thiện với rất nhiều mỹ từ, những lời ca ngợi dành cho nhau.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G7, ông Biden ca ngợi mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu là một “liên minh các nền dân chủ". Ông khẳng định EU "đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục trật tự thế giới đa phương". Còn tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, ông tuyên bố "khôi phục các cam kết của Mỹ với châu Âu", ở đây là sự bảo vệ, tôn trọng và cùng hành động. Tất cả như những món quà mà ông Biden hào phóng đưa đến cho những đối tác của mình để hy vọng có thể đón họ trở lại trong vòng tay, một nỗ lực kết thúc 4 năm đen tối trong mối quan hệ giữa hai bờ Bắc Đại Tây Dương.

Những việc làm cụ thể

"Nước Mỹ đã trở lại", đó chính là thông điệp mà Tổng thống Joe Biden muốn gửi tới tất cả những nhà lãnh đạo châu Âu vào lúc này. Thực tế, những việc làm cụ thể để hàn gắn mối quan hệ giữa Mỹ với EU đã được tiến hành ngay từ ngày ông Biden chính thức bước vào Nhà Trắng.

Thỏa thuận để dừng áp thuế trừng phạt lẫn nhau của hai bên liên quan đến xung đột lợi ích giữa Boeing và Airbus đã đạt được vào tháng 3 vừa qua, chỉ hơn 1 tháng sau ngày ông Biden nhậm chức. Nhiều khoản thuế đánh vào các mặt hàng xuất khẩu cũng được dừng lại. Trong chuyến thăm tới trụ sở EU tại Brussels vừa qua, ông Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen đã đạt được thỏa thuận để hướng tới chấm dứt 17 năm xung đột lợi ích giữa hai tập đoàn hàng không lớn của hai bên, đồng thời ít nhất ngưng mọi biện pháp trừng phạt trong 5 năm tới. Một hội đồng về thương mại và công nghệ cũng được hai bên thành lập để hướng tới giải quyết những tranh chấp còn nảy sinh. Cuộc tranh chấp thương mại xuyên Đại Tây Dương đang được giải quyết.

Trong khi đó, vấn đề an ninh và đối ngoại nhạy cảm cũng đã được làm mềm đi trông thấy. Thay bằng thái độ "trịch thượng" của chính quyền tiền nhiệm, ông Biden đã liên tục tham vấn những đối tác của mình trong thời gian qua. Kế hoạch rút 12.000 quân Mỹ ở Đức đã được dừng lại từ hồi tháng 2. Ông Biden đang "lờ đi" yêu cầu nâng mức 2%GDP cho hoạt động quốc phòng của các nước châu Âu. Tất cả đều hướng tới mục tiêu chung làm giảm đi những tranh cãi.

Không những thế, ông Biden còn tỏ ra "táo bạo" khi đưa ra những đề xuất mới. Đó là những tuyên bố ủng hộ cải cách kinh tế và chính trị toàn cầu một cách rất cấp tiến. Ông chủ động đề xuất Nhóm G7 thông qua kế hoạch áp thuế doanh nghiệp tối thiểu hỗ trợ phục hồi kinh tế, bỏ quyền sở hữu vaccine COVID-19 và nâng cao vai trò của EU trong NATO. Dường như thấy 8 ngày chạy khắp châu Âu vẫn chưa đủ, ngay sau khi ông Biden về nước, ngày 22-6 vừa qua, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken lại lập tức có mặt ở châu Âu trong một hành trình 6 ngày với những nỗ lực tương tự. Mật độ hiện diện dày đặc ấy cho thấy Washington đang nỗ lực đẩy nhanh việc hàn gắn mối quan hệ này hết mức có thể.

Vẫn còn nhiều khác biệt về tầm nhìn giữa Mỹ và EU không dễ giải quyết.

Những quyết sách đó đã đem lại hiệu quả. Kết quả một cuộc thăm dò dư luận tại châu Âu cho thấy tỷ lệ người dân châu Âu có quan điểm ủng hộ Mỹ đã tăng lên gấp đôi so với thời tiền nhiệm. Một kết quả rất đáng mừng.

Những nghi ngờ

Thái độ thiện chí của chính quyền Tổng thống Joe Biden là rất tích cực. Thế nhưng, không phải lúc nào mọi thứ cũng theo đúng những gì họ dự tính. Bởi châu Âu, đặc biệt là những nước trong khối EU vẫn giữ thái độ tương đối dè dặt của mình.

Đầu tiên là "kinh nghiệm" đến từ 4 năm sóng gió bất thường với chính quyền ông Donald Trump đã khiến cho họ dè chừng. Không có gì đảm bảo mọi chuyện sẽ không một lần nữa rối tung lên, nhất là khi nhìn vào những hỗn loạn ở chính trưởng Mỹ ngày ông Biden nhậm chức. Bản thân ông Biden và đảng Dân chủ cũng không nắm chắc được lưỡng viện Mỹ, nó khiến cho "tấm lòng" của ông luôn chịu thử thách từ phía đối lập. Thêm vào đó, sự hồ hởi của ông Biden cũng không phải không đi kèm những điều kiện.

Tranh chấp thương mại Mỹ-EU tạm thời được giải quyết bằng một thỏa thuận nhỏ. Nhưng, cơ chế để giải quyết tận gốc vấn đề là ở Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vẫn chưa được phục hồi. Trong khi đó Mỹ lại chủ động lôi kéo EU vào một cuộc chiến thương mại mới với Trung Quốc.

Nước Mỹ muốn "trở lại" nhưng cái họ cần lại là đồng minh để cho một cuộc đối đầu với Trung Quốc và Nga. Nỗ lực lôi kéo EU của Mỹ vì thế cũng mang đậm tính toán, khi mà họ biết không thể một mình lãnh đạo thế giới như trước nữa. Thậm chí, trong thời gian qua, quan hệ Nga - EU ấm dần lên trở thành mối lo ngại cho họ. Với Trung Quốc, tình hình còn căng thẳng hơn khi ông Biden đã sử dụng diễn đàn G7 và NATO để chỉ trích nước này. Điều đó thực sự làm EU “phiền lòng”, bởi họ cũng có những toan tính riêng của mình.

Nước Mỹ muốn lôi kéo EU trở lại nhưng cũng cũng có những động thái can thiệp vào công việc của các nước này. Việc Mỹ phản đối dự án Dòng chảy phương Bắc khiến người Đức bực mình. Cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ giữa lòng châu Âu trong lúc căng thẳng Ukraine bùng phát cũng trở thành một điểm gợn. Trong khi đó, EU sau giai đoạn sóng gió với Brexit thì đang rất quyết tâm trên con đường xây dựng một khối liên kết độc lập hơn, để có thể tự đương đầu với những thách thức. Điều đó khiến cho những lời mời chào ngọt ngào của vị Tổng thống Mỹ thứ 46 cũng chỉ được đáp lại ở mức vừa phải. Bởi, tất cả còn cần được xem xét.

Nước Mỹ luôn muốn rất nhiều, mà châu Âu thì không còn như trước. 4 năm dưới nhiệm kỳ của ông Donald Trump đẩy EU đi xa Mỹ hơn bao giờ hết. Giữa hai bờ Đại Tây Dương, khoảng cách địa lý thì không gia tăng nhưng khoảng cách về lòng tin thì đã xa hơn rất nhiều. Để hàn gắn sự rạn vỡ đó, có lẽ 4 năm nhiệm kỳ của ông Biden vẫn sẽ là không đủ.

Tử Uyên
.
.