Giàu nghèo xa cách

Thứ Ba, 01/07/2008, 15:00
Hiện nay tại các nước công nghiệp phát triển đang cư trú khoảng 15% dân số thế giới nhưng sản xuất ra tới 74,8 số hàng hoá và dịch vụ xuất khẩu toàn cầu. Đồng thời, 15% dân số thế giới này cũng tiêu thụ tới 86% hàng hóa và dịch vụ được làm ra. Như vậy, 75% dân số thế giới chỉ được sử dụng 24% lượng hàng hóa và dịch vụ toàn cầu. Có lẽ chưa bao giờ khoảng cách giàu nghèo lại trở nên mênh mông như hiện nay.

Văn minh kém tiến bộ

Trong lịch sử của mình, chưa bao giờ nhân loại đạt được một sự bình đẳng dù ở bất cứ một mức độ tương đối nào, nhưng những gì đang tồn tại hiện nay thực sự gây nên những mối lo ngại lớn. Đó là kết luận theo nhà sử học Angus Maddison trong cuốn sách "Kinh tế Thế giới: Thống kê lịch sử" (The World Economy: Historical Statistics) dẫn ra những chỉ số kinh tế chủ yếu trong hai nghìn năm qua.

Một điều rất dễ nhận thấy rằng, mặc dù trình độ phát triển của thế giới ngày càng cao và những thành tựu kinh tế gặt hái được rất không nhỏ nhưng xem ra, phương thức phân chia các phúc lợi vật chất thời nay cũng không tiến bộ gì hơn ngày trước.

Ở năm đầu tiên sau Công nguyên, trên thế giới mới chỉ có khoảng 230 triệu người và đã sản xuất ra một lượng hàng hóa và dịch vụ ước tính khoảng 105 tỉ USD (tức là tương đương với GDP của nước Malaysia hiện nay). Một nghìn năm sau đó, tổng thu nhập kinh tế quốc dân của cả thế giới cũng chỉ tăng lên một cách không đáng kể - khoảng 121 tỉ USD.

Như vậy là trong thiên niên kỷ đầu tiên sau Công nguyên, tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới đã ở mức rất thấp: không vượt quá 0,01% một năm. Tới năm 1500 (GDP ở mức 246 tỉ USD), tốc độ tăng trưởng kinh tế mới vượt qua ngưỡng 1% mỗi năm và tới năm 1820 đã đạt được tỉ lệ 4% (694 tỉ USD).

Cũng theo ông Maddison, năm 1820, nền kinh tế lớn nhất thế giới nằm trong quyền sở hữu của người Trung Quốc (33% khối lượng toàn cầu). Tiếp theo là các nước Tây Âu (27%) và Ấn Độ (16%). Tỉ phần của nước Mỹ lúc đó chỉ ở mức 2%. Tuy nhiên, tới năm 1975, Washington đã giữ 22% GDP của toàn thế giới. Tây Âu khi đó giữ 23%, châu Mỹ Latinh - 7%, Trung Quốc - 5%... Tới năm 2004, châu Âu làm ra 23% GDP toàn cầu; chỉ số này ở Mỹ là 21%, ở Trung Quốc là 13%.

Vực thẳm phân hóa

Theo số liệu của LHQ, càng ngày khoảng cách giữa các nước phát triển nhất và các nước kém phát triển càng gia tăng. Nếu năm 1820, khoảng cách này được xác định theo tỉ lệ 3:1 thì tới năm 1913, nó đã tăng tới 11:1; năm 1950 - 35:1; năm 1973 - 44:1; năm 1992 - 72:1; năm 2002 - 75:1!

Nhóm các nước đang phát triển hiện bao gồm 125 quốc gia với số dân chiếm 78,2% dân số thế giới. Ngay từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, tổng số nợ nước ngoài của nhóm quốc gia đang phát triển đã lên tới khoảng 70,2 tỉ USD. Tới giữa những năm 80, chỉ số này tăng lên mức 580 tỉ USD. Năm 1996, nó đã vượt qua ngưỡng 2.000 tỉ USD. Tới năm 2006, tổng số nợ nước ngoài của các nước đang phát triển đã là 2,7 nghìn tỉ USD.

Theo tính toán của Viện Kinh tế Quốc tế (Institute for International Economics), cũng trong năm 2006, từ các tổ chức tài chính quốc tế và các nước tài trợ, các quốc gia đang phát triển đã nhận được sự viện trợ tổng cộng là 106 tỉ USD. Nhưng oái oăm là ở chỗ, để có được một USD tiền viện trợ, các quốc gia đang phát triển phải bỏ ra tới 25 USD để thanh toán nợ nần cả gốc lẫn lãi. Đất nước càng nghèo thì càng có nguy cơ cao rằng, những rắc rối đoạn trường liên quan tới việc thanh toán nợ nước ngoài càng đè nặng lên vai những tầng lớp cùng đinh nhất trong xã hội.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới (WB), ở thời điểm đầu năm 2008, tổng GDP của 41 quốc gia "đội sổ" trong bảng xếp hạng phồn vinh quốc tế và đang phải è cổ nhất với gánh nặng nợ nước ngoài, còn ít hơn tổng gia sản của 7 người giàu nhất thế giới có tên trong danh sách mà Tạp chí Forbes đã công bố.

Các nước gọi là giàu thực ra cũng phải nợ nần không kém gì… chúa Chổm. Thí dụ, tổng số nợ nhà nước của Mỹ cũng ở mức 9,4 nghìn tỉ USD (năm 2007, GDP của Mỹ là 13,8 nghìn tỉ USD). Tổng nợ nhà nước của Nhật Bản cũng là 5,3 nghìn tỉ (năm 2007, GDP của "hòn đảo Mặt trời mọc" là 4,3 nghìn tỉ USD).

Trung tâm Kinh tế Chính trị và Nghiên cứu (Center for Economic Policy and Research) đã đi tới kết luận, đối với nhân loại thì hai thập niên cuối cùng của thế kỷ XX đã là một bước lùi so với giai đoạn từ năm1960 tới năm 1980. Vì sao? Vì tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1980-2000 thấp hơn hẳn so với giai đoạn 1960-1980. Tại đại bộ phận các quốc gia trên thế giới đều bị rút gọn lại tuổi thọ con người, tỉ lệ trẻ em bị chết yểu cũng bị ngưng tốc độ suy giảm và lĩnh vực giáo dục đã bị kém phát triển hơn trước.

Theo WB, năm 1970, nền kinh tế thế giới đã ở mức 17,9 nghìn tỉ USD, còn năm 1980 - 26,6 nghìn tỉ; năm1990 - 36,7 nghìn tỉ; năm  2000 - 49,9 nghìn tỉ. Tới năm 2007, nền kinh tế thế giới ở mức 54,3 nghìn tỉ USD (năm 2006, 48,2 nghìn tỉ). Trong danh sách top-ten các nền kinh tế lớn trên thế giới có Mỹ, Nhật Bản, Đức, Trung Quốc, Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha, Canada và Brazil, nước Nga chỉ được xếp ở vị trí 11. Tiếp theo là Ấn Độ…

Tại các nước giàu nhất thế giới hiện đang cư trú 1 tỉ người dân và ở đó có tổng thu nhập kinh tế quốc dân chiếm 76% GDP toàn cầu. Những quốc gia có mức thu nhập trung bình (3 tỉ dân) chiếm 20,7% GDP toàn cầu; còn các nước nghèo (2,4 tỉ dân) chỉ giữ 3,3% GDP toàn cầu. Từ những con số này có thể hình dung ra khoảng cách trong mức sống giữa các nước giàu nhất và các nước nghèo nhất thế giới. --PageBreak--

Theo số liệu của Tạp chí Forbes, năm 2007, 497 nhà tỉ phú USD trên thế giới (tức là khoảng 0.000008% dân số toàn cầu) sở hữu một lượng gia sản trị giá 3,5 nghìn tỉ USD (tức là hơn 7% GDP toàn cầu).

Một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính trị (Institute for Policy Studies) cho thấy, chỉ có khoảng 5% thu nhập toàn cầu được dành cho 40% số người nghèo nhất thế giới. Còn 20% số người giàu hơn cả đang sở hữu tới 75% thu nhập toàn cầu.

Theo đánh giá của Chương trình Phát triển LHQ (United Nations Development Program, viết tắt là UNDP), hiện đang có khoảng 1 tỉ người phải sống bằng số tiền ít hơn 1 USD một ngày (đây là ngưỡng cửa nghèo khó theo định nghĩa của WB). 3 tỉ người (tức là một nửa nhân loại) phải sống mỗi ngày bằng 2 USD.

Theo dự đoán của LHQ, tới năm 2010, dân số toàn cầu sẽ đạt mức 8,5 tỉ người, trong đó vẫn sẽ có khoảng 1 tỉ người sống với 1 USD một ngày, còn con số sống bằng 2 USD một ngày sẽ giảm xuống còn 2 tỉ người. Một viễn cảnh vẫn không tươi sáng gì!

Ba phần tư số người sống dưới 1 USD một ngày hiện đang cư trú ở các vùng nông thôn. Dòng di cư những người nghèo khổ về các đô thị đã không cải thiện được tình hình một cách đáng kể. Năm 2005 tại các thành phố có khoảng một nửa dân số toàn cầu, nhưng cứ ba người dân đô thị (tức là khoảng 1 tỉ người) thì có một người phải tá túc trong những căn nhà ổ chuột.

Theo số liệu của Tạp chí Fortune, 200 công ty xuyên quốc gia trong năm 2007 đã sản xuất một lượng hàng hóa và dịch vụ lên tới 30 nghìn tỉ USD. Quy mô của toàn bộ các nền kinh tế châu Phi vẫn nhỏ hơn tiềm lực kinh tế của bốn tập đoàn lớn nhất trong danh sách trên (tại "lục địa Đen", một nửa GDP là do hai quốc gia Nam Phi và Nigeria làm ra!).

Theo số liệu của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), những nước nghèo nhất thế giới (tính theo tỉ lệ GDP trên đầu người) là Malawi, Somalie, quần đảo Comores, quần đảo Solomon và Congo. Những quốc gia giàu nhất là Luxembourg, Guinea Xích đạo, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Na Uy và Ireland…

Tình trạng bất công và nghèo đói đang gây nên những ảnh hưởng cực xấu đối với trẻ em. Các số liệu của Tổ chức Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho thấy, mỗi ngày có khoảng từ 26,5 tới 30 nghìn trẻ em bị chết vì các nguyên nhân liên quan tới nghèo đói. 27-28% số trẻ em hiện đang sống tại các nước đang phát triển  bị mắc bệnh suy dinh dưỡng. Năm 2005 đã có khoảng 72 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 tới 9 sống ở các nước đang phát triển không được đến trường…

Cho tới những năm đầu của thế kỷ XXI vẫn có tới 1 tỉ người đọc không thông và viết không thạo ngay cả tên họ của mình. Trong khi đó, thống kê của tạp chí theo khuynh hướng tự do New Internationalist, chỉ cần dành lại 1% chi phí quân sự toàn cầu ở mức độ hiện nay là đủ để tất cả trẻ em trên thế giới được đến trường vui vẻ.

Bài học phồn vinh

Một nhóm các nhà kinh tế học nổi tiếng làm việc trong thành phần tổ công tác "Ủy ban nghiên cứu tăng trưởng và phát triển" (Commission for Growth and Development) đã đưa ra kết luận: từ năm 1950, kinh tế của 13 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tăng với tốc độ 7% mỗi năm trong một giai đoạn ít nhất là 25 năm liền.

Trong số này có Botswana, Brazil, Trung Quốc, Hồng Công, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Malta, Oman, Đài Loan và Thái Lan. Tại tất cả những nơi này, mức sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt.

Theo Ủy ban trên, trong những nguyên nhân chính góp phần tạo nên các kết quả khả quan có sự cởi mở đối với cộng đồng quốc tế và khao khát thu hút đầu tư từ nước ngoài; sự ổn định chính trị và hiệu quả trong công tác điều hành của chính phủ, không nhất thiết phải được thành lập theo mô hình của phương Tây; mức độ tiết kiệm cao (không dưới 25% tổng thu nhập quốc dân); sự ổn định trong ngân sách và tỉ lệ lạm phát cũng như sự tách biệt hoàn toàn của nhà nước trong lĩnh vực kinh tế (ở đại bộ phận các quốc gia trên, các viên chức nhà nước đương nhiệm không được làm thêm việc quản lý các cơ sở kinh tế mang tính thương mại)

Hoàng Trần
.
.