Gian lận khoa cử và quyền lực chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX

Thứ Hai, 30/09/2019, 09:00
184 năm trước khi những người chấm thi sửa đáp án trên các phiếu trả lời trắc nghiệm, trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La, viên chức thân cận đứng đầu nội các của vua Minh Mệnh là Hà Tông Quyền cũng đã có một động thái tương tự khi mang bài thi đã chấm của trường thi hương Hà Nội và Nam Định vào nội các ở Huế để “duyệt lại” (1834).


Hành động này ngay lập tức không qua khỏi mắt của các viên khoa đạo. Tố cáo của họ gửi lên vua Minh Mệnh nhắm đến là một viên đại thần được ưu ái khác, Phan Huy Thực (Thượng thư Lễ Bộ, tương đương Bộ Trưởng Bộ Văn hóa - Giáo dục).

Khoa thi năm đó, Phan Huy Thực có cháu họ (Phan Huy Xán) và cháu gọi bằng cậu (Hoàng Đình Tá) tham dự. Bài thi của Xán đã bị chấm liệt, sau khi duyệt lại với “nhiều vết tích đáng ngờ”, thì trở thành thứ. Theo đó, Xán đậu tú tài còn Hoàng Đình Tá đậu cử nhân (Đại Nam Thực Lục). Phan Huy Thực bị tố cáo là đã sắp đặt quan trường ở Hà Nội với phần nhiều là cấp dưới, sau đó đi lại riêng với Hà Tông Quyền để đưa bài vào nội các chấm lại. 

Mặc dù vậy, khác với những người sửa điểm ở Sơn La đã phải cho tay vào còng số 8, câu chuyện của Hà Tông Quyền và Phan Huy Thực cho thấy một góc nhìn khác của truyền thống khoa cử và quyền lực chính trị ở Việt Nam, đặc biệt là gắn liền với các quan chức quyền lực và những dòng họ khoa bảng. Phan Huy Thực bị giáng 1 cấp và Hà Tông Quyền phạt 3 tháng lương với lí do “không biết xa tránh hiềm nghi”.

“Tỉ lệ chọi” của các khoa thi hội đầu thế kỷ XIX. (Khâm Định Hội Điển).

Đây là câu chuyện về khoa cử, gian lận khoa cử và quyền lực chính trị ở Việt Nam đầu thế kỷ XIX. Câu chuyện này là một phần của những liên hệ quyền lực và bảo trợ phức tạp mà thông qua đó giới tinh hoa/trí thức triều Nguyễn tìm cách xây dựng mạng lưới, đồng minh cũng như đưa người thân vào hệ thống hành chính.

Khoa cử đóng vai trò đặc biệt đối với vương triều Nguyễn. Không chỉ từ góc độ giáo dục, giáo hóa mà còn là thực hành chính trị, tạo ra các thế hệ quan liêu tiếp theo. Phần lớn chúng ta tin vào hình ảnh đáng ngưỡng mộ: các chàng trai nghèo, mồ côi hiếu học được phú ông, thầy giáo làng, các vị quan thanh liêm giúp đỡ, đưa về nhà nuôi ăn học, gả con gái và kết thúc bằng giấc mơ mang màu sắc cổ tích: “ngựa anh đi trước võng nàng theo sau”.

Thực tế của nền khoa cử đầu thế kỷ XIX vẽ ra bức tranh không phải lúc nào cũng tươi đẹp như thế, mặc dù hệ thống luật lệ và quy chế trường thi nghiêm ngặt, tưởng như không thể vượt qua. Các quan chủ khảo do chính nhà vua chọn lựa, binh lính tuốt gươm canh gác ngày đêm, đốc học và quan địa phương bị cách ly khỏi trường thi. Thí sinh được phân ra các vi, có đánh số báo danh.

Thời Gia Long, họ sẽ ngồi theo quê quán; tới thời Minh Mệnh thì tráo số báo danh, không còn phụ thuộc vào phủ, huyện... Quyển thi được đóng dấu lúc phát và lúc thu, do thư lại sao chép hay cắt phách để bảo mật. Các quan giám khảo không được liên hệ với nhau và với thí sinh. Quá trình chấm thi hương được tiến hành 4 vòng độc lập: quan sơ khảo, quan giám khảo, quan phúc khảo và cuối cùng là quan chánh, phó chủ khảo. Đồng thời, nhà vua có thể yêu cầu được xem lại các quyển thi bất cứ lúc nào.

Mặc dù vậy, 3 vụ gian lận thi cử ở nửa đầu thế kỷ XIX dưới đây cho thấy góc khuất của hệ thống này. Không phải các quy tắc, hay luật lệ nghiêm khắc có thể giúp ngăn ngừa gian lận mà chính là vai trò của khoa cử trong việc xây dựng các mạng lưới chính trị, gia nhập nền hành chính của các gia đình quan chức đã quyết định việc chúng bị lũng đoạn.

Tầm quan trọng của khoa cử không cần phải bàn cãi. Chỉ riêng việc tiến hành các kỳ thi, triều đình nhà Nguyễn dành ra 9 quyển trong bộ Đại Nam Hội Điển (262 quyển) để chỉ dẫn cách thức và luật lệ. Tỷ lệ chọi của khoa cử đầu thế kỷ XIX cũng là một nỗi ám ảnh của những người tham gia.

Các khoa thi vì thế trở nên khốc liệt và đặt sức ép lên các gia đình danh gia vọng tộc, những người vấp phải chịu áp lực đưa con cháu mình tiến thân vào bộ máy. 

Họ có thể lách bằng con đường tiến cử.

Vua Minh Mệnh thường yêu cầu quan chức tiến cử người tài. Việc viên chức này tiến cử con cháu của viên chức khác là không hiếm. Điều rủi ro là ngay lập tức nó tạo ra sự chú ý của các quan chức cũng như nhà vua về nguy cơ phe cánh. Năm 1823, viên sủng thần của Minh Mệnh ở Văn Thư Phòng là Hoàng Quýnh tiến cử Nguyễn Đăng Giai (con Nguyễn Đăng Tuân - Cần chính điện Học sĩ, quản lí Binh Bộ, hàm chánh tam phẩm-3A, bạn của Hoàng Quýnh).

Giai đã phải thanh minh: “Cha là Nguyễn Đăng Tuân, nhờ ơn nước quan đến tam phẩm, nay mình tài mọn, bỗng được ứng cử, tai mắt người ta ai cho là vô tâm; vả lại cùng Hoàng Quýnh quen biết nhau đã lâu, dẫu sự đề cử không phải là tư tình nhưng quen biết dắt díu nhau cũng khó lòng tránh khỏi lời bình phẩm của sĩ phu” (2 năm sau, Giai đỗ hương cống tại trường Thừa Thiên).

Vi phạm khoa cử năm 1842.

Khoa cử vì thế vẫn là con đường vẻ vang và minh bạch đối với con cháu của các quan chức. Đó cũng là nơi mà các quan giám khảo thiết lập mạng lưới thông qua việc can thiệp để tạo ra các hương cống và tiến sĩ. 2 vụ gian lận trường thi năm 1825 và 1841 cho thấy quy mô của sự can thiệp của các giám thí và giám khảo vào quá trình này.

Mùa thu năm 1825, Tham tri Hình Bộ Nguyễn Hữu Nghi và Hoàng Quýnh được cử giám sát việc thi cử ở trường Nghệ An. Khi thấy đốc học Nghệ An nộp quyển thi phần nhiều có tỳ vết sót mất, lại cho riêng học trò thi ăn mặc giả làm người hầu đi lẫn vào, hai người này tức thì đuổi ra, sai người mang bài “phụng chỉ” gọi là vương mệnh bài. Họ lại triệu Phan Bảo Đĩnh là Tư nghiệp hưu trí làm thay công việc ấy. Tới kỳ đệ nhất, học trò hơn một trăm người mất quyển kêu van ở ngoài cửa trường, Quýnh cho đến sớm mai tục thi rồi làm sớ tâu lên”.

Tố cáo của các quan lại sau đó cho thấy câu chuyện không đơn giản như thế. Khi Nghi và Quýnh tới Nghệ An, hai viên chức này tập hợp “Đốc học và các phủ huyện thuộc trấn ở công quán, sai cử những học trò họ biết, ghi lấy họ tên và khi điểm duyệt nhận những mảnh giấy ghi tên, đưa biên hiệu vào nội trường, phê lấy đỗ những người hỏng. (Kỳ đệ nhất đã hỏng mà lại lấy đỗ là 36 người, nhân đó, mà đỗ sinh đồ 6 người. Kỳ đệ nhị, đã hỏng mà lại lấy đỗ là 21 người, nhân đó mà lấy đỗ hương cống 10 người). Lại ngày ra trường hát xướng uống rượu lan man, họp các hương cống mới đỗ đánh bạc chơi bời” (Đại Nam Thực Lục).

Vụ vi phạm khoa cử năm 1842 liên quan tới Nguyễn Văn Siêu và Cao Bá Quát tại trường thi Thừa Thiên:

Rõ ràng các gian lận khoa cử này đã trở thành một phần của đời sống chính trị và quan hệ xã hội ở Việt Nam. Ngay năm sau vụ Cao Bá Quát chữa 24 bài thi, viên giám khảo tại trường thi Hà Nội là Nguyễn Ngọc phê lấy 2 quyển vào ưu hạng, “lại lấy bút tẩm muội đèn đổi thêm 3 chữ [vào quyển thi đó]. Viên sơ khảo Ngô Khắc Cung trong khi đương chấm 1 quyển thi, mơ ngủ, duỗi tay để rơi vào trong lửa đèn”. Kết quả là Ngọc bị phát đi sung quân còn Cung bị giáng, lưu.

Mặc dù vậy, bản thân các ông vua như Minh Mệnh hay Thiệu Trị dường như cũng phải tìm cách sống chung với thực tế này, nhất là việc gian lận liên quan tới các viên cận thần. Khi quyển văn của cháu Trương Đăng Quế là Trương Đăng Trinh dâng lên, vua Thiệu Trị kết luận: “Quyển văn của Trương Đăng Trinh tuy có sự quan ngại nhưng văn khá thông, cũng để vào hạng lấy đỗ”.

Giống như việc Minh Mệnh bỏ qua sai phạm của Hà Tông Quyền và Phan Huy Thực năm 1834, các vua Nguyễn có vẻ đã không quyết liệt ngăn ngừa các viên sủng thần tìm cách can thiệp để con cháu mình tham gia vào hệ thống quan liêu. Họ cũng không dám thách thức mạnh tay giới trí thức. Phản ứng với sự gian lận của Cao Bá Quát, Đại học sĩ Vũ Xuân Cẩn đề xuất: “Phép trường rất nghiêm, mà bọn Quát lại dám tự tiện làm việc tư túi, ngầm chữa quyển văn, nguyên là bản tâm chỉ cốt lấy đỗ có mấy tên, nhân thể làm tràn cả sang các quyển khác, làm cho lờ mờ lẫn lộn để che giấu cái gian của mình... Các tên ấy, xin đều cách bỏ cử nhân đi, để cho nghiêm quy luật của trường thi”. Thiệu Trị trả lời: “Đại học sĩ nói phải lắm. Song ân điển buổi ban đầu, đã cho tăng thêm số lấy đỗ, không nỡ khắc nghiệt quá lắm. Gia ơn cho bọn học trò, là ý của ta, đặc cách khoan rộng cho họ”.

Tình thế tiến thoái lưỡng nan của các vua Nguyễn trong việc quản lí khoa cử, đối đãi với lớp trí thức và đặc biệt là xử lí các quan chức, các viên đại thần - những người tìm cách đưa con cháu mình vào hệ thống quan liêu, cho thấy các thách thức khoa cử và gian lận khoa cử trở thành một phần của nền văn hóa chính trị thời đại. Câu chuyện này chắc chắn đã không dừng lại ở triều Nguyễn.

Vũ Đức Liêm
.
.