Giải bài toán “lạm phát điểm” cách nào?

Thứ Tư, 01/07/2020, 11:28
Đến hẹn lại lên, cứ vào mùa tuyển sinh lớp 6 mấy năm nay, xã hội lại xôn xao chia sẻ nhau học bạ của các ứng viên vào trường Hà Nội - Amsterdam với điểm số toàn 10 trong mọi môn học, bất kể nó là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ hay Khoa học. Tôi gọi đó là hiện tượng “lạm phát điểm”.

Và thực tế, hiện tượng này không phải chỉ xảy ra với việc tuyển sinh của duy nhất một trường, ở một bậc học, mà nó đã tồn tại ở trong cả nền giáo dục nhiều năm nay. Trong bài này, tôi xin thử đưa ra các lý giải về hiện tượng “lạm phát” kể trên, cũng như đưa ra một số đề xuất về việc chấm điểm sao cho hợp lý.

Cách đây vài năm, khi nhận lời tham gia hội đồng chấm luận văn tốt nghiệp tại một chương trình đào tạo đại học, tôi cũng được trải nghiệm trực tiếp hiện tượng “lạm phát điểm” tương tự. Khi tôi chuẩn bị hạ bút cho điểm 8 với một em sinh viên có bài trình bày tương đối khá, GS - chủ tịch hội đồng đã ngăn tôi lại và nói riêng để chia sẻ về “ba-rem thông lệ” cho điểm tại đây: “Vì đây là chương trình chất lượng cao, các em làm bằng tiếng Anh hoàn toàn nên mong thầy rộng rãi cho điểm 10 với các bạn làm tốt, điểm 9.5 với các bạn khá, với các bạn làm trung bình, mong thầy giơ cao đánh khẽ cho điểm 9. Các bạn cũng cần bảng điểm đẹp để đi xin việc nữa”.

Tôn trọng “ba-rem thông lệ” của nhà trường, tôi sửa điểm từ 8 thành 9.5, mặc dù trong lòng vẫn còn một số băn khoăn. Về sau tìm hiểu, tôi mới biết “ba-rem thông lệ” trên là khá phổ biến ở nhiều trường đại học trong cả nước. Lý do quan trọng nhất, cũng đã được GS - chủ tịch hội đồng giải thích, là vì người học, để sinh viên có bảng điểm đẹp đi xin việc, có vẻ là lý do quan trọng nhất. Các lý do khác có thể bao gồm thuộc tính của chương trình học (ví dụ chương trình chất lượng cao như trường hợp kể trên) hoặc vị thế của người hướng dẫn (ví dụ người hướng dẫn là giáo sư có tiếng thì điểm học trò rất khó cho thấp).

Những lý do kể trên suy cho cùng lại xuất phát từ một nguồn gốc chung, đó là tính cách “duy tình” của người Việt. Một mặt thì cũng muốn cho điểm cao - thấp. Nhưng, mặt khác thì lại vì tình cảm với học trò - không muốn học trò bị thiệt sau này khi đi xin việc, không muốn học trò lớp chất lượng cao bị mang tiếng điểm thấp hoặc tình cảm với thầy giáo hướng dẫn - không muốn giáo sư hàng đầu bị mất mặt vì có học trò có điểm kém. Chính vậy, ba-rem điểm chính thức bao gồm 21 mức (từ 0 đến 10, bao gồm cả các điểm lẻ tới 0.5) bỗng nhiên bị mất giá trị và chỉ còn 3 mức tồn tại, là 9, 9.5 và 10.

Quay trở lại với sự việc học bạ toàn điểm 10 của ứng viên lớp 6 vào Trường Hà Nội - Amsterdam. Nguyên nhân của sự việc này có lẽ không phải vì tính cách “duy tình” như đã nói ở trên mà xuất phát từ nguyên nhân khác, liên quan đến việc thiết kế chính sách.

Bạn thử tưởng tượng nếu Trường Hà Nội - Amsterdam tổ chức một kỳ thi “công - cua” riêng, yêu cầu các ứng viên làm bài kiểm tra, ai cao thì đỗ, ai thấp thì trượt thì chắc chắn hiện tượng học bạ toàn điểm 10 kể trên sẽ chấm dứt. Thực tế, trong suốt một thời gian dài, nhiều trường cấp 2 ở nước ta, bao gồm cả Trường Hà Nội - Amsterdam đã tổ chức một kỳ thi như vậy. Nhưng, vì chính bản thân kỳ thi này cũng có những nhược điểm cố hữu như: tạo áp lực cho học sinh, tiêu cực trong quá trình thi, tiêu cực từ dạy thêm - học thêm nên cơ chế xét tuyển, dựa trên học bạ và các thành tích khác mới được đưa ra như một phương án thay thế.

Nhưng rồi phương án mới (xét tuyển) cũng lại có những nhược điểm riêng với biểu hiện “Lạm phát điểm” 10 như chúng ta đã thấy.

Vậy đâu là giải pháp căn cơ cho vấn đề này?

Đề trả lời câu hỏi này xin đưa ra một vấn đề sâu xa hơn, đó là câu hỏi: “Vậy thì, thi để làm gì?”.

Suy cho cùng, thi cử cũng chỉ có 2 loại chính:

Loại thứ nhất, kỳ thi đánh giá tương đối (hay là thi “công - cua” như đã nói ở trên). Tại kỳ thi này, thí sinh sẽ so tài cao - thấp và ai điểm cao hơn sẽ đỗ, người thấp hơn sẽ trượt. Tại kiểu thi này, việc “lạm phát điểm” sẽ khó diễn ra hơn. Việc đảm bảo sự nghiêm túc trong làm bài thi, khách quan, chính xác trong làm bài thi mới là yếu tố quyết định.

Loại thứ hai là kỳ thi đánh giá theo tiêu chuẩn. Tại kỳ thi này, thí sinh sẽ được đánh giá theo chuẩn định trước, ai vượt ngưỡng sẽ được công nhận đạt tiêu chuẩn, theo các mức nhất định. Các kỳ thi chuẩn hóa tiếng Anh như IELTS, TOEFL là những ví dụ về kỳ thi kiểu này. Kỳ thi sát hạch bằng lái xe ô tô, xe máy thực chất cũng là kỳ thi kiểu này. Các bài kiểm tra ở trường phổ thông qua từng năm, về bản chất cũng thuộc loại đánh giá theo chuẩn.

Ảnh: L.G.

Với câu chuyện Trường Hà Nội - Amsterdam, dường như những người có trách nhiệm đã chọn phương án chuyển từ sử dụng kỳ thi đánh giá tương đối sang sử dụng kết quả đánh giá theo tiêu chuẩn để chọn học viên. Và đây chính là nguồn cơn của “lạm phát điểm”. Số suất học tại trường Hà Nội - Amsterdam thì ít trong khi số ứng viên thì nhiều. Cha mẹ học sinh và các thầy, cô ở trường cấp 1 sẵn sàng tìm mọi cách để “lạm phát điểm”. Cả xã hội được chứng kiến hàng nghìn cháu học sinh hết lớp 5, sắp sửa lên lớp 6 “toàn năng”, cái gì cũng giỏi, môn nào cũng siêu.

Vậy, lời giải cho câu chuyện trên là như thế nào? Suy cho cùng cũng chỉ có 2 cách. Một là trở lại thi “công - cua” nhưng phải đảm bảo làm nghiêm minh và minh bạch. Hai là cũng dựa vào học bạ nhưng không cần thiết phải yêu cầu tất cả học sinh phải toàn năng. Có thể chỉ cần lấy các em đạt học lực khá là đủ, sau đó cho tiến hành “bốc thăm” để chọn lấy người may mắn trúng tuyển. Cách bốc thăm này, nghe thì hơi lạ nhưng thực tế đã được nhiều nước phát triển trên thế giới áp dụng trong những trường hợp không muốn thi “công - cua” nhưng buộc phải chọn lựa một số lượng học sinh nhất định.

Để kết bài, xin kể một câu chuyện cũng về thi cử khi tôi mới sang Pháp học cách đây gần 20 năm. Sau kỳ thi đầu tiên, tôi lên văn phòng khoa xem điểm, thấy điểm của mình không tốt nên hơi buồn. Đang lang thang ở bãi cỏ, tôi gặp nhóm bạn cùng lớp đang rất vui vẻ hò hét. Khi tôi đi ngang qua, một người bạn chạy ra hỏi: “Này Hiệp, bạn đỗ hết phải không?”. Tôi đáp “Vâng. Mình đỗ hết. Nhưng điểm không cao”.

Người bạn nghe vậy lại càng reo to hơn “Đỗ là tốt rồi. Bọn mình cả nhóm ai cũng vừa đủ đỗ. Ra đây nhập hội, chuẩn bị liên hoan”. Điểm đỗ trong hệ thống giáo dục Pháp là 10/20 điểm tối đa. Nhóm bạn hôm đó, thực tế ai cũng chỉ đạt trung bình 10-12 điểm. Nhưng tất cả đều vui như tết.

Giờ đây, khi đối chiếu với câu chuyện ở Trường Hà Nội - Amsterdam, tôi mới thấy ngược đời. Chúng ta có một nhóm phụ huynh và học sinh, ai cũng đạt điểm tuyệt đối 10/10 nhưng tất cả đều hồi hộp, lo âu.

Kỳ lạ thật!

Phạm Hiệp
.
.