Già néo đứt dây

Thứ Sáu, 15/11/2019, 14:10
Cuối cùng, bất chấp mọi thứ sức ép, sáng 7-11, những luồng khí urani lại đã được bơm vào các máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân ngầm Fordow. Chính thức nối lại hoạt động ấy, Iran gửi đến nước Mỹ một thông điệp mạnh mẽ: Quả thật, họ sẽ không cúi đầu.

Quyết định “nguy hiểm”

Một ngày trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thông báo rộng rãi việc nối lại hoạt động ấy trên các phương tiện truyền thông đại chúng toàn cầu. Và dĩ nhiên, phản ứng từ cộng đồng quốc tế (đặc biệt là từ các cường quốc phương Tây) là tương đối dễ tiên liệu.

Nhận tin khi đang công du đến Trung Quốc, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh rằng Tehran đã có một quyết định “nguy hiểm” và ngay lập tức vạch ra một lộ trình: “Trong thời gian tới, tôi sẽ có những cuộc thảo luận, bao gồm cả thảo luận với phía Iran, để làm rõ những hậu quả của quyết định này”.

Bộ Ngoại giao Mỹ, như chẳng chờ đợi điều gì khác, lập tức khẳng định: “Iran không có lý do chính đáng nào để mở rộng chương trình làm giàu urani của họ tại Fordow và tại bất cứ đâu”. Washington cũng không bỏ lỡ cơ hội tô đậm mệnh đề (mà họ đã và đang nỗ lực thực hiện), rằng “bước đi sai lầm” này sẽ khiến Tehran bị cô lập nhiều hơn nữa cả về chính trị lẫn kinh tế, đồng thời đề xuất Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thực hiện vai trò thẩm tra độc lập, để đưa ra những báo cáo về bất kỳ diễn biến nào trong chương trình hạt nhân của Iran.

Đại Giáo chủ Ali Khamenei - vị thủ lĩnh tinh thần tối cao của Iran.

Nước Anh thậm chí còn gay gắt hơn. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Dominic Raab đánh giá quyết định của Iran “làm giảm các cam kết đối với thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) năm 2015” và thậm chí còn “gây ra mối đe dọa với an ninh quốc gia của Anh”.

Ông “ngửa bài”: “Những hành động mới nhất của Iran rõ ràng vi phạm thỏa thuận này và đặt ra nguy cơ đối với an ninh quốc gia của chúng tôi. Chúng tôi muốn tìm một con đường hướng tới tương lai thông qua đối thoại quốc tế mang tính xây dựng, song Iran cần thực hiện những cam kết của họ và ngay lập tức trở lại tuân thủ đầy đủ”.

Đến cả nước Nga - đồng minh quan trọng nhất của Iran - cũng bị đẩy vào thế “khó ăn khó nói”. Ngày 5-11, người phát ngôn Điện Kremlin - Dmitry Peskov - phát biểu: “Chúng tôi đang lo ngại theo dõi diễn biến tình hình. Chúng tôi ủng hộ việc duy trì thỏa thuận này” (JCPOA).

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cũng vẫn có động thái “chủ trì công đạo”, khi cho biết rằng Moskva xem quyết định tự cắt giảm các nghĩa vụ của Tehran trong JCPOA là “kết quả hợp lý khi các bên tham gia ký thỏa thuận không bảo đảm được quyền lợi kinh tế của Iran”.

Quan điểm này rất khác biệt so với lập luận của những bên còn lại. Iran là “kẻ có lỗi”, ít nhất là như cách tiếp cận vấn đề của Liên minh châu Âu (EU). Theo họ, EU duy trì cam kết với thỏa thuận hạt nhân, song cũng nhất quán cho rằng cam kết của các nước tham gia ký kết văn kiện lịch sử này tùy thuộc vào sự tuân thủ đầy đủ của Iran.

Những guồng máy đã lại được nạp khí urani, sau 3 năm.

Và để làm rõ hơn, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas tuyên bố: “Việc Iran thông báo phát triển các máy ly tâm tiên tiến để đẩy nhanh làm giàu urani đã đe dọa thỏa thuận hạt nhân với các cường quốc trên thế giới”. Theo ông, Iran đã chế tạo những máy ly tâm vô cùng tiên tiến và điều này rõ ràng không phù hợp với các điều khoản của thỏa thuận. Cũng như Pháp, nước Đức kêu gọi Tehran đảo ngược tiến trình này.

Dường như, trừ nước Nga, tất cả đang sẵn lòng khoanh tay nhìn Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực, trừng phạt Iran bằng những biện pháp khắc nghiệt.

Lựa chọn nào cho Tehran?

Giữa guồng quay chóng mặt của những diễn biến dồn dập hiện tại, có lẽ có một vấn đề cốt lõi sẽ dễ dàng bị chìm lấp hơn. Đó là việc ngay từ khi đắc cử năm 2016, đương kim Tổng thống Mỹ đã đánh giá JCPOA là một thỏa thuận sai lầm và đã công khai tuyên bố sẽ làm mọi cách để ít nhất cũng buộc Iran phải đàm phán lại, hoặc thành công hơn, “khai tử” JCPOA.

Chính quyền Mỹ, 3 năm qua, đã liên tục dồn ép Iran với mục tiêu đó, bất kể phản ứng của công luận quốc tế hay những lời can ngăn của các đồng minh. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hay Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đã từng “ngọt nhạt” với ông chủ Nhà Trắng rằng: “Một thỏa thuận không hoàn hảo còn hơn là chẳng có thỏa thuận nào”. Song, tất cả những sự khuyên nhủ đó đều không có tác dụng.

Nước Mỹ có quá nhiều lý do để triệt hạ Iran. Trên bàn cờ địa chính trị Trung Đông - Tây Á, Iran là đồng minh quan trọng và hùng mạnh nhất của Nga. Tại khu vực đó, Iran là mối đe dọa tiềm tàng, là đối thủ cạnh tranh đáng gờm đối với Israel hay Saudi Arabia - những quốc gia thân hữu của Mỹ. Nếu Iran cường thịnh, không chỉ Israel hay Saudi Arabia sẽ lâm vào tình thế “nguy hiểm” mà chính nước Mỹ cũng sẽ “khó ở” với sự khuếch trương ảnh hưởng từ Nga.

Cờ Mỹ bị đốt trên đường phố Tehran.

Mà Trung Đông vẫn luôn là vậy. Là “cái rốn dầu” của thế giới, đi kèm với các tuyến hải trình mang ý nghĩa huyết mạch từ Hồng Hải tỏa đi khắp các đại dương. Và trong kỷ nguyên hiện đại, Trung Đông còn là nơi triển lãm vũ khí tối tân, là địa bàn cạnh trạnh của các cường quốc công nghiệp quốc phòng với những bản hợp đồng trị giá hàng chục tỷ USD sẵn sàng được ký. Vũ khí Nga hay vũ khí Mỹ, không phải điều đó đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ “mặt nặng mày nhẹ” với nhau suốt cả năm nay sao?

Không chỉ vậy. Iran và JCPOA còn mang những ý nghĩa biểu tượng đối với chính các cuộc “tranh bá đồ vương” trên chính trường Mỹ. JCPOA là biểu tượng hòa bình mà thế giới ca ngợi năm 2015 đó, cũng là thành tựu ngoại giao chói lọi mà cựu Tổng thống Barack Obama cùng đảng Dân chủ của ông tự hào (bên cạnh tiến trình “phá băng” trong mối quan hệ với Cuba, hay việc rút quân khỏi những “vũng lầy” Iraq và Afghanistan).

Tất cả những gì mà đảng Dân chủ xem là “thành tích” đó, đương kim Tổng thống Donald Trump và đảng Cộng hòa sau lưng ông đều đả phá. Họ nghĩ cho lợi ích của nước Mỹ theo cách khác và để phục vụ chiến lược “Nước Mỹ trên hết”, họ không ngần ngại lật đổ những “tàn dư” cũ.

Iran và JCPOA, nhìn từ khía cạnh này, trở thành một kiểu nạn nhân bất đắc dĩ. Chưa kịp ổn định và tái sắp xếp để đón các dòng đầu tư từ những cường quốc tham gia ký JCPOA (Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức), Tehran đã phải chuẩn bị sẵn tinh thần rằng đại cường số 1 thế giới nhất quyết muốn xé bỏ thỏa thuận ấy, nhất quyết làm mọi cách để ép họ phải cúi đầu.

Dư âm của “tinh thần bài Mỹ” trong những quãng thời gian đằng đẵng bị cấm vận trong quá khứ không cho phép Tehran nhún nhường. Đến cả đương kim Tổng thống Hassan Rouhani, nếu có muốn, cũng không thể mạo hiểm “đùa giỡn” với sự nghiêm khắc của vị thủ lĩnh tinh thần tối cao - Đại giáo chủ Ali Khamenei, người không ưa gì nước Mỹ, và gìn giữ cảm xúc ấy cho phe thủ cựu cũng như lực lượng Vệ binh Quốc gia.

Tehran có quá ít lựa chọn, và Washington có quá nhiều công cụ cho một ván bài lật ngửa khá dễ dàng. Đến bây giờ, những đồng minh phương Tây xem như đã chấp nhận “chọn phe”, đã đánh giá Iran là phía có lỗi và “lãng quên” những đòn trừng phạt kinh tế “tối tăm mặt mũi” mà nước Mỹ giáng xuống (bất chấp cả những lần IAEA tuyên bố Iran không vi phạm điều khoản nào). Cũng phải thôi, ai cũng phải nghĩ đến lợi ích cốt lõi của riêng mình.

Ngày 5-11, đã lại có thêm lệnh trừng phạt từ Nhà Trắng áp đặt cho nhiều cá nhân và tổ chức liên quan đến Đại giáo chủ Ali Khamenei...

Đông Phong
.
.