Gánh nặng di sản

Thứ Bảy, 28/11/2020, 11:51
Để có thể phác họa ra những nét cơ bản về chính sách đối ngoại của ông Biden thì trước hết phải xác định di sản đối ngoại mà ông Trump, nếu không đảo ngược được tình thế và phải rời Nhà Trắng chỉ sau một nhiệm kỳ, để lại cho chính quyền ông Biden như thế nào?

Một cuộc bầu cử kéo dài như... vô tận?

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự kiện thu hút chú ý của toàn thế giới diễn ra vào ngày Thứ ba đầu tiên của tuần đầu tiên trong tháng 11 (theo giờ Mỹ) đã kết thúc. Thế nhưng, nó mới chỉ kết thúc ở phần bỏ phiếu!

Nhiều ngày sau bỏ phiếu, trong khi các hãng truyền thông lớn ở Mỹ gọi tên ông Biden là Tổng thống đắc cử mới của nước Mỹ thì đương kim Tổng thống Donald Trump tuyên bố rằng chính ông mới là người chiến thắng, đồng thời lao vào các chiến dịch thách thức pháp lý nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

Tình thế đó rất hợp với một bức vẽ trên báo chí Mỹ, trong đó trọng tài đứng giữa hai đấu thủ quyền Anh là ông Trump và ông Biden, giơ tay ông Biden lên để báo hiệu người chiến thắng còn tay kia giữ tay ông Trump ở vị trí thấp nhưng ông Trump giơ tay còn lại lên để báo hiệu rằng chính mình mới là người chiến thắng!

Có thể ông Trump không hy vọng sẽ “đánh chiếm” lại được Nhà Trắng mà chỉ để thỏa mãn những cử tri đã nhiệt thành ủng hộ mình trong cuộc bầu cử vừa qua (hơn 71 triệu người) cũng như chuẩn bị cho những bước đi chính trị có thể có tiếp theo (một lần nữa tranh cử vào năm 2024). Nhưng, chiến dịch thách thức pháp lý do các cố vấn của ông Trump khởi xướng đã kéo dài thời gian công bố chính thức ai là Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ. Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bị cố ý kéo dài như vô tận.

Câu hỏi đặt ra là nếu như ông Biden chính thức trở thành Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ, ngoài những nhiệm vụ cấp bách phải giải quyết như ngăn chặn đại dịch COVID-19 đang tàn phá nước Mỹ với tổn thất kinh khủng, ông Biden sẽ lựa chọn chính sách đối ngoại theo chiều hướng nào? 

Để có thể phác họa ra những nét cơ bản về chính sách đối ngoại của ông Biden thì trước hết phải xác định di sản đối ngoại mà ông Trump, nếu không đảo ngược được tình thế và phải rời Nhà Trắng chỉ sau một nhiệm kỳ, để lại cho chính quyền ông Biden như thế nào?

Là phó tướng dưới thời ông Barack Obama trong 8 năm liền, ông Biden (bên phải) được đánh giá là có nhiều quan điểm về chính sách tương đồng với ông Obama.

Di sản của ông Trump

Ngay khi vào Nhà Trắng, một trong những quyết định đầu tiên của ông Trump là rút Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, một hiệp định mà những người tiền nhiệm của ông đã phải mất nhiều năm trời đàm phán mới gần đạt được kết quả cuối cùng với mong muốn nước Mỹ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới.

Không may, đấy mới chỉ là khởi đầu. Ông Trump đã nhanh chóng rút Mỹ ra khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 và Liên minh châu Âu, liên quan đến chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.

TPP lẫn JCPOA không phải là những thỏa thuận cuối cùng bị phá vỡ. Ông Trump đảo ngược chính sách của chính quyền tiền nhiệm (từ bỏ các thỏa thuận) với Cuba, xét lại Hiệp định tự do Bắc Mỹ NAFTA và thay thế nó bằng một hiệp định mới với Mexico và Canada (USMCA), rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21), tạm dừng tài trợ cho Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong thời hạn 30 ngày nhưng mới đến ngày thứ 8 đã tuyên bố chính thức rút Mỹ ra khỏi tổ chức này khiến cả thế giới chưng hửng...

Dường như chỉ có một ngoại lệ nhỏ nhoi duy nhất mang tính xây dựng khi nước Mỹ đóng vai trò trung gian để Israel và Các Tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) ký kết hiệp định bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống Trump, Mỹ và CHDCND Triều Tiên đã bước vào khoảng thời gian đối đầu có thể nói là nguy hiểm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba tháng 10-1962.

Trong sự ngạc nhiên của cả thế giới, sau thời điểm đáng lo ngại đó, ông Trump bất ngờ thay đổi, tiến hành một chiến dịch ngoại giao “thư tay” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un rồi như trong một vở diễn đầy kịch tính, đã lần lượt có tới 3 cuộc tiếp xúc trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Không dưới một lần, ông Trump tuyên bố rằng chính mối quan hệ cá nhân của ông với nhà lãnh đạo Triều Tiên đã giúp cho tình hình trên Bán đảo Triều Tiên lắng dịu lại.

Ông Trump có mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Nga Putin, bày tỏ sự tin tưởng vào Tổng thống Nga trong vấn đề Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ (hơn là tin vào quan điểm ngược lại của cộng đồng tình báo Mỹ).

Phương cách của ông Trump là đối xử với Trung Quốc như trong một “giao dịch” lớn: nếu anh nhường tôi chỗ này tôi sẽ nhượng bộ anh chỗ khác! Cuộc thương chiến Mỹ-Trung do ông Trump phát động dựa trên tinh thần “giao dịch” đó, cho dù kết quả mà nó mang lại cho nước Mỹ không như mong muốn: thâm hụt thương mại vẫn ở mức cao, việc làm không từ Trung Quốc chuyển dịch về Mỹ và bất chấp hành động diễu võ dương oai của Washington, Bắc Kinh cũng chẳng e dè gì mà vẫn tiếp tục một số hành vi “gây khó” cho những nước láng giềng.

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, sự kiện thu hút chú ý của toàn thế giới diễn ra vào ngày Thứ Ba đầu tiên của tuần đầu tiên trong tháng 11 (theo giờ Mỹ) đã kết thúc.

Kế thừa và đảo ngược

Là phó tướng dưới thời ông Barack Obama trong 8 năm liền, ông Biden được đánh giá là có nhiều quan điểm về chính sách tương đồng với ông Obama. Tuy nhiên, nếu giữ vai trò tổng thống, chắc chắn ông sẽ có những điều chỉnh chính sách (đối ngoại) nếu không muốn bị coi là bản sao mờ nhạt của ông Obama.

Chỉ có điều, gánh nặng di sản đối ngoại mà ông Trump để lại trên vai ông Biden quá lớn và nếu chính thức trở thành ông chủ của Nhà Trắng, tân Tổng thống Mỹ sẽ phải nỗ lực rất nhiều để chỉnh sửa, nếu không muốn bị nó đè bẹp.

Khi ông Trump tiếp quản Nhà Trắng 4 năm trước, người ta đã hy vọng rằng quan hệ Mỹ-Nga sẽ có sự cải thiện. Tuy nhiên, điều đó đã không xảy ra. Dù ông Trump thỉnh thoảng lại công khai tán dương ông Putin nhưng quan hệ Nga-Mỹ đã chạm đáy với những lời cáo buộc nặng nề nhằm vào nhau. Mỹ rút khỏi Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung INF và từ bỏ nỗ lực gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới START-3.

Ông Biden, người không ủng hộ quyết định Mỹ rút khỏi INF nhưng dường như sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Nga trong các lĩnh vực nhân quyền (mở rộng danh sách Magnitsky trừng phạt các quan chức Nga cao cấp), dành sự ủng hộ lớn hơn cho Ukraine, hỗ trợ phe đối lập ở Belarus... Từ đó, vấn đề đặt ra là ông Biden có thể đi xa đến đâu trong các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga để đạt được mục tiêu của mình?

Cũng trên quan điểm này, ông Biden sẽ nỗ lực tái lập quan hệ tốt hơn với các đồng minh châu Âu như Pháp, Anh, Đức, vốn đã bị tổn hại ít nhiều dưới thời ông Trump. Mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương nồng ấm hơn vừa có tác dụng gây sức ép với nước Nga, đồng thời giảm bớt sự biệt lập của nước Mỹ đối với phần còn lại của thế giới.

Nếu có điểm gì chung giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong chính sách đối ngoại thì đó là thái độ cứng rắn đối với Trung Quốc. Ông Trump khai mào thương chiến với Trung Quốc nhưng ông Biden có thể sẽ có lựa chọn khác: củng cố những liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc cả về kinh tế lẫn chính trị. “Tứ giác kim cương” Mỹ-Úc-Nhật-Ấn sẽ có vai trò lớn hơn.

Việc hình thành và củng cố những liên minh nhằm kiềm chế Trung Quốc, nếu thành công, sẽ làm cho Bắc Kinh còn “khó thở hơn” dưới thời ông Trump. Ông Biden không cần vội vã dỡ bỏ những hạn chế đối với Trung Quốc từng hình thành dưới thời của ông Trump nhưng cũng không tăng cấp độ của các biện pháp này. Không dưới một lần, ông Biden công khai quan điểm rằng Nga là “kẻ thù”, còn Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh”.

Ở Trung Đông, khó có khả năng sứ quán của Mỹ tại Jerusalem phải di chuyển ngược lại về Tel Aviv. Nhà nước Israel sẽ vẫn là một đồng minh của Mỹ dưới thời ông Biden và những nỗ lực trung gian nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao bình thường giữa Israel với các nước Ảrập sẽ được chính quyền của ông Biden thúc đẩy.

Ông Biden cũng có thể sẽ đưa Mỹ quay trở lại thỏa thuận hạt nhân với Iran nếu Tehran tiếp tục tuân thủ hiệp định này.

Ông Biden không phải là người ưa thích những cuộc trình diễn rình rang gặp gỡ cá nhân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Những cuộc gặp đó chỉ thành hiện thực nếu ông Biden biết chắc rằng chúng sẽ mang lại một tiến triển cụ thể nào đó. Thay vào đó, ông Biden sẽ nỗ lực tái lập quan hệ thân thiết với những đồng minh Đông Bắc Á là Nhật Bản và Hàn Quốc, coi đó là đòn bẩy để gây sức ép mạnh mẽ lên Triều Tiên trong vấn đề vũ khí hạt nhân...

Không ít người cho rằng, chính sách đối ngoại thời kỳ ông Trump là biểu tượng cho một nước Mỹ suy tàn, đánh mất vai trò lãnh đạo mang tính toàn cầu. Muốn phục hồi vị thế lãnh đạo này, ông Biden sẽ phải mạnh bạo đưa nước Mỹ quay trở lại những hiệp định hay thiết chế toàn cầu như TPP, WHO, COP 21...

Đó là những bước đi nhằm thoát khỏi xu hướng biệt lập của nước Mỹ đã định hình dưới thời ông Trump nhưng ông Biden rất dễ vấp ngã do “chính sách Trump” đã ăn sâu bén rễ vào hệ thống chính trị của nước Mỹ.

Yên Ba
.
.