Đừng thấy đỏ mà ngỡ là chín!

Thứ Hai, 14/09/2020, 14:17
Chính quyền của Tổng thống Trump đã can thiệp mạnh vào thương vụ bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, biến nó thành một thương vụ sặc mùi chính trị với lý do TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia vì có liên hệ với Trung Quốc...

Chiến tranh công nghệ đi vào chiều sâu

Hãng tin Bloomberg cho biết trong vụ xét xử diễn ra đầu tháng 9 tại San Jose, bang California (Mỹ), giáo sư Trung Quốc Hao Zhang bị tòa án Mỹ tuyên án 18 tháng tù, đồng thời phải trả khoản bồi thường 477.000 USD cho các nạn nhân là 2 công ty công nghệ nhỏ.

Ông Zhang, 41 tuổi, bị buộc tội năm 2015 trong chiến dịch trấn áp nạn trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Quốc, được khởi xướng dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama kéo dài đến thời Tổng thống Donald Trump. Chiến dịch nhắm tới các nhà khoa học và học giả Trung Quốc đang nghiên cứu ở Mỹ. 5 công dân Trung Quốc khác bị truy cứu cùng ông Zhang đến nay vẫn chưa bị bắt.

Đây là động thái mới nhất trong cuộc khủng hoảng quan hệ Mỹ-Trung, bắt đầu từ chiến tranh kinh tế, thương mại, rồi phát triển sang cuộc chiến công nghệ, giờ đây bắt đầu phát thiển theo chiều sâu.

Sau một thời gian hướng vào các biện pháp cạnh tranh thông qua áp thuế thương mại, Mỹ đã bộc lộ rõ ý định chọn “chiến trường” chính là cạnh tranh công nghệ. Bởi chính khả năng đuổi kịp và vượt của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ mới làm cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ lo ngại nhất.

Kịch bản Mỹ thất thế trước Trung Quốc trong cuộc đua tìm kiếm vaccine chống COVID-19 là một minh chứng rõ nét cho điều này.

Thế nên các công ty, tập đoàn công nghệ hàng đầu của Trung Quốc như Huawei sẽ còn tiếp tục phải hứng chịu những đòn đánh trực diện từ phía Mỹ. Việc Mỹ hạn chế cấp thị thực cho một số nhân viên của Huawei (lý do liên quan đến vấn đề nhân quyền) cũng như Anh, một đồng minh của Mỹ, dần loại bỏ các thiết bị do Huawei cung cấp khỏi mạng 5G của nước này cho thấy rõ ràng Mỹ không có ý định dừng lại ở những tuyên bố suông về cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử ở Tulsa, bang Oklahoma, tháng 6-2020.

Chính quyền của Tổng thống Trump đã can thiệp mạnh vào thương vụ bán lại hoạt động của TikTok tại Mỹ, biến nó thành một thương vụ sặc mùi chính trị với lý do TikTok là mối đe dọa an ninh quốc gia vì có liên hệ với Trung Quốc.

Song song với những biện pháp mang tính hành chính, Mỹ đã tiến hành hợp tác nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới nổi, quản lý chuỗi cung ứng các linh kiện quan trọng, xem xét kỹ lưỡng các dự án đầu tư và thu mua liên quan đến công nghệ.

Mỹ cũng sẽ thúc đẩy các đồng minh và đối tác cùng tiến hành cuộc “Chiến tranh Lạnh” về công nghệ với Trung Quốc, tẩy chay các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc, phối hợp với các nước châu Âu thiết lập cơ chế giám sát các công ty và nhân viên Trung Quốc trong các tổ chức như NATO...

Mỹ chuyển hướng chính sách?

Đồng thời với đẩy mạnh cuộc chiến công nghệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu, Mỹ tiếp tục mở rộng các “mặt trận”. Đúng vào lúc quan hệ Mỹ-Trung căng như dây đàn, Mỹ bất ngờ công bố giải mật tài liệu từ hồi năm 1982, trong đó trình bày chi tiết 6 đảm bảo an ninh Mỹ cam kết với Đài Loan vào năm 1982.

Đây được xem là bước cảnh cáo Bắc Kinh về việc thực hiện động thái quân sự đối với hòn đảo này.

Hồi giữa tháng 7 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bất ngờ ra tuyên bố, coi các đòi hỏi về lãnh thổ của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt của Trung Quốc nhằm thực hiện các đòi hỏi này, là hoàn toàn bất hợp pháp.

Đây là một bước chuyển rất đáng kể khi mà từ trước đến nay, Mỹ luôn tránh đưa ra lập trường cụ thể về các tuyên bố chủ quyền ở khu vực Biển Đông. Ngay cả khi Tòa Trọng tài đưa ra phán quyết vào năm 2016 liên quan đến vụ kiện của Philippines, chính quyền khi đó của Tổng thống Obama cũng chỉ kêu gọi Trung Quốc và Philippines tuân thủ phán quyết này.

Nhưng, cùng với thời gian, khi Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ những hành vi quyết đoán hơn ở Biển Đông, xây dựng các thực thể nhân tạo và quân sự hóa chúng, dùng tàu hải cảnh đâm chìm tàu cá Việt Nam và Philippines cũng như quấy rối một tàu khoan được Malaysia thuê, trong thời điểm đại dịch COVID-19 đang hoành hành tuyên bố thành lập 2 khu vực hành chính mới bao gồm các đảo của Việt Nam, tiến hành hàng loạt cuộc tập trận hải quân... thì chính sách của Mỹ dần có những sự thay đổi.

Với tuyên bố của Ngoại trưởng Mike Pompeo, có vẻ như Mỹ đã có những động thái báo hiệu rằng sẽ không chỉ dừng lại ở lời nói. Trong toàn bộ thời gian nhiệm kỳ của chính quyền Tổng thống Obama, Mỹ tiến hành tổng cộng 4 hoạt động “tự do hàng hải” (FONOP) ở Biển Đông. Cả trước và sau khi ông Pompeo đưa ra tuyên bố, hải quân Mỹ đã cử 2 tàu sân bay đi qua khu vực Biển Đông và một ngày sau khi tuyên bố, Mỹ đã tiến hành FONOP lần thứ 23 trong nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, một số lượng kỷ lục loại hoạt động này ở khu vực Biển Đông.

Không dừng lại ở lời nói, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bổ sung 24 công ty của Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại vì đã giúp Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Trong số này, có Công ty Xây dựng truyền thông Trung Quốc (CCCC) và Tập đoàn Công nghệ điện tử Trung Quốc, là những nhà thầu lớn trong Sáng kiến Vành đai - Con đường.

Ngoài việc bổ sung các công ty của Trung Quốc vào “danh sách đen” thương mại, Mỹ cũng áp đặt các hạn chế về thị thực đối với các giám đốc điều hành tại các công ty đó và đối với các cá nhân khác chịu trách nhiệm về việc xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông.

Ông Hao Zhang xuất hiện tại phiên tòa đầu tháng 9 ở San Jose, bang California (Mỹ).

Trung Quốc đang “câu giờ”

Trước những động thái leo thang căng thẳng của Mỹ, đương nhiên là phía Trung Quốc có những hành vi đáp trả, trước hết là để phục vụ mục tiêu đối nội, cho thấy Bắc Kinh không hề chùn bước trước những hành động của Mỹ. 

Ngay sau khi Mỹ ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Trung Quốc cũng ra lệnh đóng cửa Lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Hoặc khi chính quyền Mỹ can thiệp vào vụ mua bán TikTok, cuối tháng 8 vừa qua, Bắc Kinh khiến các bên bất ngờ khi cập nhật quy định kiểm soát xuất khẩu, bao gồm cả một số công nghệ quan trọng của TikTok. Động thái trên là lời tuyên bố từ Chính phủ Trung Quốc rằng họ hoàn toàn có thể sử dụng quyền lực của mình để trì hoãn hoặc cắt đứt bất kỳ thỏa thuận nào vào phút chót...

Tuy vậy, có thể nhận thấy sự trả đũa của Trung Quốc là có giới hạn. Nói cách khác, Trung Quốc không muốn đẩy tình thế đến chỗ quan hệ với Mỹ bị đổ vỡ hoàn toàn.

Bởi theo cách nhìn từ phía Trung Quốc, một khi quan hệ Trung-Mỹ ngày càng xấu đi thì chỉ càng có lợi cho Tổng thống Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng thêm một nhiệm kỳ nữa! Ít nhất, Trung Quốc muốn “câu giờ”, đợi đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào đầu tháng 11 để xem ai sẽ là chủ nhân của Nhà Trắng trong 4 năm tiếp theo với hy vọng sẽ có những bước biến chuyển trong quan hệ với Mỹ.

Để đối phó với sức ép ngày càng tăng về kinh tế của Mỹ, Trung Quốc cũng sẽ tận dụng ưu thế sớm phục hồi kinh tế sau khi đã kiểm soát tương đối dịch COVID-19, trong đó tối quan trọng là phải bảo vệ sự ổn định của chuỗi cung ứng và sản xuất, không để bị đứt gãy hoặc hạn chế tối đa việc dịch chuyển các mắt xích của chuỗi ra nước ngoài.

Bắc Kinh cũng tận dụng các khác biệt cũng như sự rạn nứt trong quan hệ giữa Mỹ với các nước châu Âu và Nhật Bản để nỗ lực ngăn chặn Mỹ lập liên minh quốc tế chống Trung Quốc.

Một mục tiêu ngắn hạn?

Chỉ còn 2 tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ. Ngoài mục tiêu không hề giấu giếm là nhằm kiềm chế Trung Quốc trong cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung đang ngày càng quyết liệt, khó có thể phủ nhận rằng sự tăng cường các hành động chống Trung Quốc toàn diện là một phần trong chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump, khi bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu tiêu cực có thể đe dọa khả năng chiến thắng của ông Trump.

Những thành tựu kinh tế mà chính quyền của Tổng thống Trump đạt được trong suốt phần lớn thời gian vừa qua của nhiệm kỳ (khoảng 3 năm), điều mà ông Trump rất muốn phô trương trước các cử tri Mỹ, đã bị cơn lũ COVID-19 cuốn trôi. Thêm vào đó, những lời chỉ trích về cách chính quyền kiểm soát dịch bệnh COVID-19 đang ngày càng tăng. Những bước tiếp theo của chiến dịch vận động tranh cử và kể cả kết quả của cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 3-11 phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến của dịch bệnh cũng như khả năng có khống chế được nó hay không.

Trong bối cảnh đó, hướng sự chú ý của công luận vào các biện pháp cạnh tranh với “đối tượng” Trung Quốc là một mũi tên hạ hai con nhạn: vừa thể hiện rằng chính quyền ông Trump rất cương quyết trong việc xử lý vấn đề Trung Quốc; vừa đánh lạc hướng cử tri khỏi những bất cập thể hiện rõ trong việc xử lý đại dịch COVID-19.

Thế nên, đừng thấy đỏ mà tưởng là chín! Nếu sự chuyển hướng chính sách của Mỹ chỉ nhằm vào mục tiêu ngắn hạn là cuộc bầu cử tổng thống, nó sẽ lịm đi sau ngày 3-11.

Yên Ba
.
.