Du lịch trong mùa dịch
Các học sinh Việt Nam nghỉ học kéo dài nên tôi không đi dạy từ trước Tết Nguyên Đán và rất muốn tranh thủ thời gian rảnh rỗi để thay đổi không khí. Hơn nữa, tôi không thể cưỡng lại ''sự cám dỗ'' trước việc giá các vé máy bay và nhiều khách sạn giảm sàn, vậy tôi cũng tham gia phong trào ''giải cứu'' hãng hàng không Việt. Và thông tin chỉ cách đây hai ngày rằng chính quyền Đà Nẵng quyết định đưa nhóm hành khách Hàn Quốc về nước sau khi họ không thống nhất việc cách ly không thực sự làm lung lay lòng quyết tâm của tôi.
Buổi sáng tôi đến sân bay Nội Bài, thận trọng bước vào bên trong, mở to mắt coi chừng vì sân bay, nơi tập trung nhiều hành khách đến từ tứ phía, vốn là khu vực rất nhạy cảm, dễ lây lan đối với virus. Tuy nhiên, trừ việc các quầy làm thủ tục đỡ đông khách hơn nhiều, tôi không thấy gì khác biệt so với thường lệ. Một số hành khách đập vào mắt vì không đeo khẩu trang.
Marko tận hưởng không khí vắng vẻ của Hội An. |
Đà Nẵng - thành phố này vốn là nơi yêu thích của tôi ở Việt Nam và mỗi lần tôi đặt chân tại đây, lòng tôi dâng trào cảm xúc phấn khởi. Tôi rất thích đi qua Cầu Rồng, ngắm sông Hàn và bầu trời Đà Nẵng hay lên Sơn Trà và chiêm ngưỡng bãi biển Mỹ Khê và dãy tòa nhà cao tầng dung mạo hiện đại dọc theo bờ biển. Và mỗi lần, như một thông lệ, tôi ngồi trên bãi biển, một quả dừa trên tay, và ngắm hoàng hôn buông xuống nhuộm đỏ bầu trời.
Trong mùa dịch, bãi biển Mỹ Khê vắng khách lắm. Ngược lại, bãi biển An Bàng gần Hội An đông đảo khách Tây nằm trên cát tắm nắng hay ngồi trên ghế bành dài, ai cũng cầm một cuốn sách trên tay. Tôi ngỡ ngàng trước cảnh này, có cảm giác mình đang trên biển Địa Trung Hải ở châu Âu.
Hội An để lại trong tôi cảm giác lúng túng chẳng kém khi đại đa số du khách đến từ phương Tây, tôi cảm giác như mình đang dạo tại phố cổ châu Âu. Nhưng điều kỳ cục nhất là gần như không khách nào đeo khẩu trang! Có lẽ vẻ đẹp rực rỡ của phố cổ Hội An khiến họ quên mất cảnh giác giữa mùa dịch!
Tôi lên cầu An Hội, nơi mang nét đẹp cổ kính luôn luôn thu hút đông đảo du khách vì đứng trên đây chúng ta có thể nhìn bao quát xung quanh, ngắm những mái ngói vàng ươm của phố cổ. Ai cũng biết rằng cầu An Hội lúc nào cũng đông kín khách đến nỗi rất khó tìm một góc riêng biệt để chụp ảnh. Tuy nhiên, cây cầu này trong mùa dịch cũng vắng vẻ, tôi thoải mái đứng một mình, sung sướng chụp nhiều ảnh selfie.
Theo những gì tôi thấy, người Đà Nẵng sợ virus COVID-19 nhiều hơn dân thủ đô. Ví dụ, khi tôi bước vào Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng, nhân viên bán vé ngồi sau quầy và đeo khẩu trang, yêu cầu tôi rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn có sẵn trên bàn trước khi tôi có thể đưa tiền vé cho cô.
Và khi tôi thăm nhà vợ Việt của một bạn Pháp của tôi, họ đón tiếp tôi một cách dè dặt rõ ràng, ngồi trong phòng khách ai cũng đeo một chiếc khẩu trang và từ chối bắt tay tôi. Người bạn Pháp của tôi chuẩn bị sẵn một chiếc khẩu trang chưa dùng đến để tôi đeo trước khi thăm vợ và con gái sơ sinh của họ. ''Họ rất sợ'', bạn Pháp thổ lộ với tôi. ''Bởi cậu đến từ miền Bắc, khu vực gần biên giới Trung Quốc''.
Du lịch an toàn?
Tôi không thuộc tuýp người chỉ thích đi du lịch theo cách an nhàn và e ngại mạo hiểm. Trong suốt mười lăm năm qua, tôi đã đi một cách độc lập gần bảy mươi nước trên thế giới và dựa trên kinh nghiệm này, tôi có thể nói rằng phần lớn con người ta không có sự hiểu biết đúng đắn về vấn đề an toàn trong du lịch và tiếp cận nó một cách rất chủ quan.
Tôi có thể chia những người đó thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất bao gồm những người trẻ non kinh nghiệm đời sống nhưng rất khao khát phiêu lưu và khám phá, có quan điểm rất tích cực về cuộc sống. Họ mạnh tay rời khỏi vùng an toàn của mình và đi du lịch ở khắp thế giới với tư cách là “Tây ba lô”, không e ngại mạo hiểm và luôn giữ lòng lạc quan.
Trong mắt họ thế giới nhuộm màu hồng cho nên họ không thấy cần thiết nghiên cứu về các rủi ro tiềm tàng của vùng đất họ đặt chân đến, sức trẻ khiến họ dũng cảm và bớt đi cảnh giác. Vì thiếu thận trọng, thi thoảng họ lâm vào cảnh nguy hiểm, ví dụ họ mất tiền của hay hộ chiếu, bị móc túi trên phố hay gặp tai nạn giao thông vì không biết lái xe máy.
Marko với những bạn Iran. |
Nhóm thứ hai (đông hơn) bao gồm những người có quan điểm rằng đi du lịch một mình là điều liều lĩnh ẩn chứa vô vàn hiểm nguy rình rập ở mọi ngóc ngách: những kẻ trộm cắp, bắt cóc, hiếp dâm và giết người chờ đợi chúng ta rơi vào hàm sắt của họ một khi rời khỏi vùng an toàn.
Nếu đất nước mà mình muốn đến không nổi tiếng và thịnh vượng (như các nước phát triển Âu Mỹ hay Bắc đông Á chẳng hạn) thì chuyến đi càng nguy hiểm. Quan điểm này không đúng. Tôi đã từng đến rất nhiều nước nghèo, thậm chí những quốc gia mang tiếng xấu vì các bất ổn chính trị mà giới truyền thông liên tục phóng sự một cách tiêu cực tạo ra một hình ảnh méo mó trong mắt công chúng quốc tế.
Ví dụ, tôi đã từng đi du lịch ở hơn một chục nước Hồi giáo như Syria (2008) và Iran (2008, 2009), và vào thời điểm đó tôi có thể nói rằng Syria và Iran là hai trong những đất nước an toàn nhất mà tôi từng đến! Bất chấp chế độ độc tài, hồi đó hai quốc gia này có tỷ lệ phạm tội tuyệt đối thấp và sự ổn định chính trị nội bộ.
Không chỉ vậy, theo kinh nghiệm của tôi, người Iran và Syria là những dân tộc giàu lòng mến khách nhất mà tôi đã từng thấy! Do đất nước rất ế du khách nước ngoài, người dân bản địa phấn khởi mỗi khi bắt gặp người nước ngoài trên phố. Họ sẽ đối xử rất tốt với khách, mời họ ăn, thậm chí mời họ ngủ ở nhà mình.
Bản thân tôi đã trải qua bao nhiêu câu chuyện tốt đẹp với những dân tộc Hồi giáo trong gần ba tháng mà tôi đi du lịch bụi khắp Trung Đông vào năm 2008, những trải nghiệm làm chất liệu của cuốn sách du ký mà tôi ra mắt ở châu Âu ba năm sau đó. Và tuy vậy, nhiều người vẫn có xu hướng lắc đầu nghi ngờ, lặp đi lặp lại ''nguy hiểm mà'' do những thành kiến của dư luận bị truyền thông áp đặt.
Chúng ta có xu hướng nhầm lẫn chính trị và văn hóa, chính quyền và người dân, phát triển kinh tế và sự an toàn, và ta bị ảnh hưởng thái quá bởi những tin tức tiêu cực trên truyền hình. Chúng ta hay e sợ những gì ta không biết. Kể cả khi tôi quyết định đến thăm Việt Nam lần đầu vào năm 2014, vẫn nhiều bạn bè châu Âu nhăn mặt, bảo ''nguy hiểm mà''!
Theo tôi, du lịch giống như việc kinh doanh: trong khi một số người chỉ thấy rủi ro, những người khác nhìn thấy cơ hội. Ví dụ, cơ hội để khám phá những vùng đất đẹp nao lòng mà ít người từng đến hay khám phá những nền văn hóa mới lạ. Tôi sẽ đưa một thí dụ nổi tiếng, là trang web CouchSurfing. Đó là một mạng quốc tế giúp kết nối khách du lịch với dân địa phương nhằm mục đích trải nghiệm văn hóa qua hình thức xin chỗ ngủ miễn phí.
Hồi sinh viên tôi không có điều kiện ngủ ở khách sạn nên tôi đã xin ở nhờ tại nhà của các thành viên CouchSurfing tại mấy chục nước châu Âu và châu Á. ''Marko chấp nhận ngủ ở nhà của những người hoàn toàn xa lạ hả?!'', có thể bạn muốn hỏi, nhíu mày đầy nghi ngờ. Nhưng nhờ CouchSurfing, tôi đã không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn khám phá cả một kho tàng văn hóa qua việc tiếp xúc với người địa phương ở mọi vùng đất mà tôi đặt chân đến.
Không chỉ vậy, tôi kết bạn với nhiều bạn bè quốc tế và luyện tập ngoại ngữ. Và tôi phải nói rằng từ xưa đến nay, tôi chưa bao giờ gặp rắc rối gì khi dùng CouchSurfing. Tất nhiên, việc tin tưởng lòng tốt và hiếu khách của người xa lạ không đủ, chúng ta cũng phải thể hiện ý thức cơ bản và óc suy xét, giữ an toàn trong mọi hoàn cảnh.
Bạn sẽ có lẽ không tin nếu tôi tuyên bố rằng sau gần mười lăm năm đi du lịch bụi ở khắp thế giới, tôi chưa bao giờ gặp rắc rối lớn gì, chưa phải đi khám bác sĩ chẳng hạn. Trớ trêu thay, tôi vẫn khẳng định rằng lắm lúc du hành ở những vùng xa xôi an toàn hơn cả nơi mình sinh sống. Phải thừa nhận, nơi mà tôi gặp tai nạn và vấn đề về sức khỏe nhiều nhất vẫn là nơi mà tôi đang ở, Hà Nội!
Vậy, tôi có thể kết luận rằng du lịch có thể dạy cho ta nhiều bài học về sự tin tưởng và những kỹ năng sống như khả năng cảnh giác hay đánh giá rủi ro, những thứ rất cần thiết trong thời điểm hiện tại.