Diễn viên Thân Thúy Hà: Dù không còn tình cũng nên nghĩ đến con
- Vũ khí của người phụ nữ là sự dịu dàng và sự nhường nhịn, nhưng Thân Thúy Hà là một gái mạnh mẽ, cá tính nên vì thế mà trong mắt Hà lúc nào cũng xem chồng cũ là “con nít”, có phải vì Hà đặt tiêu chuẩn quá cao về người bạn đời của mình nên khi cuộc sống vợ chồng không như ý muốn nên Hà quyết định chia tay không hề nuối tiếc?
- Bản thân Hà từ xưa đến giờ có cá tính mạnh mẽ như con trai. Lúc nào cũng bộc trực, thẳng thắn. Hà thích làm những gì khó, không thích làm những gì quá dễ dãi. Hà nghĩ, không có việc gì mình làm không được cả. Trong giới người mẫu, làm phim ai cũng biết rõ tính cách của Hà là nhanh, gọn. Cảm nhận được thời gian của mình rất quý nên Hà tận dụng nó, không muốn việc gì phải chần chừ phí thời gian.
Nếu như Hà đặt tiêu chuẩn cao về người đàn ông bên cạnh thì Hà đã không lấy chồng cũ của mình. Vì xung quanh Hà không thiếu những người có tiền, có quyền, và Hà không khó để tiếp cận những người như thế. Nhưng Hà chọn cho mình một người hiểu mình nhiều hơn. Thật sự Hà không đưa ra một tiêu chuẩn nào hết, nhưng khi gặp một người mà Hà cảm nhận được người đó sẽ gắn bó với mình suốt đời, và khi thức dậy mỗi ngày, Hà muốn được nhìn người đó bên cạnh thì lúc đó Hà sẽ muốn cưới người đó làm chồng. Quyết định đi đến hôn nhân là cả một quá trình tìm hiểu. Cũng có người tìm hiểu cả đời mà không thể hiểu rõ về người bạn đời của mình thế nào, đừng nói chi Hà mới lấy chồng cũ hơn hai năm. Lỗi không do ai, chỉ có lỗi là hai người không thể cùng đi chung một con đường nên khi ly hôn Hà không đổ lỗi cho chồng mình. Chồng “con nít” nhưng đó không phải là cái lỗi, vì trước khi lấy anh ấy, Hà đã biết được cái tính của anh ấy rồi, và Hà nghĩ mình sẽ thay đổi bản thân để hòa hợp và Hà tin chắc mình sẽ làm được điều đó. Nhưng Hà đã không làm được thì đó là lỗi của Hà chớ không phải do chồng mình.
Diễn viên Thân Thúy Hà. |
Hà không bao giờ hối hận hay tiếc nuối những gì mình quyết định. Hà không thích khi làm điều gì đó lỡ không như ý muốn thì ân hận ngồi chắc lưỡi tiếc nuối, phải chi mình thế này, thế kia. Hà sẵn sàng chấp nhận đối diện với sự thật, đối đầu với nó để tìm ra hướng giải quyết. Khi nào Hà muốn khóc thì khóc cho cạn nước mắt, sau đó tìm cách đứng dậy để giải quyết sự việc, Hà không ủy mị hay tìm sự thương hại của người khác.
- Một đứa trẻ khi thiếu đi sự chăm sóc của ba sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý rất nhiều? Hà quyết định ly hôn đó là sự mạnh mẽ hay sự yếu đuối của con tim khi không giữ được hạnh phúc cho mình? Và bản thân Hà đã rút ra kinh nghiệm gì để mình không phạm thêm sai lầm cho cuộc sống hôn nhân kế tiếp?
- Cuộc sống có cả ba lẫn mẹ thì lúc nào cũng khác hơn cuộc sống thiếu đi sự chăm sóc của ba hoặc mẹ. Nhưng với thời buổi hiện tại như thế này thì Hà sẽ cho con mình biết chắc chắn rằng không phải chỉ gia đình mình là rơi vào hoàn cảnh ấy, mà có rất nhiều trường hợp như thế. Nhưng không vì sự thiếu tình cảm ấy mà con có suy nghĩ khác. Con phải biết chấp nhận đây là cuộc sống của con không thể thay đổi được. Con trai của Hà chỉ thiếu một điều là không ở chung với ba nhưng còn tình thương và sự dạy dỗ từ cha mẹ thì đầy đủ. Thường, con người ta không biết trân trọng những gì có trước mắt, nhưng khi thiếu hụt rồi mới biết quan tâm, cố gắng bù đắp. Chuyện gì đến sẽ đến, Hà tiếp nhận nó như trong cuộc sống phải gặp những bước ngoặt mà dù có tránh né mình cũng phải chấp nhận bước qua để tiếp tục bước tiếp và tồn tại.
Quyết định ly hôn là suy nghĩ thoáng của giới trẻ hiện nay, bản thân Hà cũng vậy. Ngày xưa sống không hạnh phúc nhưng ông bà ta vẫn cố nhẫn nhịn sống vì con, cháu. Họ không cần niềm vui, chấp nhận hy sinh hạnh phúc đời mình để con cháu hạnh phúc. Chớ ông bà không nghĩ sâu xa khi con cháu mình chứng kiến cảnh hục hặc xảy ra hàng ngày trong gia đình thì có thật sự hạnh phúc không? Hà không tán thành những suy nghĩ đó. Gia đình Hà cũng tán thành với quyết định ly hôn của con. Vì gia đình đã can thiệp nhiều, hòa giải, làm đủ mọi cách để hàn gắn hai đứa nhưng không được. Gia đình hai bên chấp nhận để hai đứa tìm hướng đi mới, giải thoát cho cả hai để con Hà sau này không nhìn thấy cảnh hục hặc của cha mẹ nó.
Điều Hà rút ra được là dù có tìm hiểu người bạn đời mình thì cũng không thể nào hiểu hết được. Trước khi kết hôn phải thay đổi bản thân mình trước. Để làm được điều đó thì đòi hỏi người bạn đời phải phối hợp, chớ không thể nào chỉ một người mà thay đổi mà xây dựng được hạnh phúc gia đình bền lâu được.
- Nhiều cặp vợ chồng khi đường ai nấy đi thì họ quay sang xem nhau như kẻ thù hai bên chiến tuyến, con cái thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, Hà và chồng cũ của mình giải quyết chuyện “hậu hôn nhân” như thế nào?
- Vợ chồng khi không còn đi chung con đường thì đâu còn gì để luyến tiếc, nhưng dù đã dứt hết tình thì cũng nên nghĩ tới những điều tốt đẹp cho con. Người lớn phải biết đối xử với nhau như thế nào để con cái nhìn vào đó mà nghĩ về cha mẹ của mình ra sao? Hà nghĩ cha mẹ phải làm tấm gương cho con noi theo, để con còn hãnh diện với bạn bè về cách cư xử của cha mẹ chúng. Hà là một người mẹ, nên những gì không hay, không vui của quá khứ, Hà sẽ không mang theo vào cuộc sống phía trước của mẹ con mình. Hà và chồng cũ vẫn coi nhau như bạn, cùng nghĩ về con và cho con những gì tốt đẹp nhất