Điền vào chỗ trống

Thứ Ba, 14/01/2020, 08:58
…Gần như ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự xuyên biên giới mang tên “Mùa xuân hòa bình”, đưa quân xâm nhập lãnh thổ Syria và tấn công mãnh liệt nhằm chủ yếu vào lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ chống IS tại Syria.

Một biểu tượng

Tháng 8-2019, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí với nhau về việc thiết lập “vùng an toàn” trên biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Syria. Tiếng là nằm trên biên giới nhưng thực chất, “vùng an toàn” này là một dải đất dọc biên giới nằm hoàn toàn bên trong lãnh thổ Syria ở khu vực Đông Bắc của nước này, về lý thuyết sẽ do Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn kiểm soát.

Thế nhưng, làm thế nào để Thổ Nhĩ Kỳ có thể kiểm soát được “vùng đệm” này, trong khi ở đây rất nhiều lực lượng khác nhau: Quân đội Quốc gia Syria (SNA), nhóm nổi dậy chống chính quyền Tổng thống Bashar al Assad, với thành phần cơ bản là Quân đội Syria Tự do (FSA) do Thổ Nhĩ Kỳ chống lưng; Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) được Mỹ hậu thuẫn cũng chống Chính phủ Syria; các đơn vị Bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), đồng minh chủ chốt của Mỹ trong việc đánh dẹp tổ chức Hồi giáo tự xưng IS; tàn quân của IS sau khi tổ chức này bị đập cho tan nát vẫn lẩn khuất trong khu vực; quân Chính phủ Syria cùng lực lượng đồng minh Nga, sau khi Nga chính thức can thiệp quân sự vào Syria vào năm 2015; và khoảng 1.000 đặc nhiệm Mỹ.

Đấy là cả một cái “nồi lẩu” hầm bà lằng các lực lượng khác nhau, với những mục tiêu, lợi ích đan xen chằng chịt và thậm chí trái ngược nhau như nước với lửa. Trong số đó, 1.000 đặc nhiệm Mỹ đóng vai trò như một chất trung hòa cực mạnh khiến cho các bên, mặc dù lúc nào cũng chỉ hằm hè ăn tươi nuốt sống nhau, vẫn không dám xuống tay bạo liệt bởi vì đụng đến 1.000 quân này là đụng đến nước Mỹ với tiềm lực quân sự hùng hậu phía sau...

Rồi một ngày đẹp trời, Tổng thống Mỹ Donald Trump hạ lệnh rút toàn bộ 1.000 đặc nhiệm Mỹ khỏi vùng Đông Bắc Syria! Gần như ngay lập tức, Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch quân sự xuyên biên giới mang tên “Mùa xuân hòa bình”, đưa quân xâm nhập lãnh thổ Syria và tấn công mãnh liệt nhằm chủ yếu vào lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ chống IS tại Syria.

Sự rút lui mang tính hệ thống của Mỹ đem đến những hệ quả to lớn, định hình lại một thế giới mà Mỹ không còn đóng vai trò dẫn hướng nữa. Ảnh: LG.

Khi ấy, người ta chứng kiến một diễn biến thật khó tin: quân Mỹ rút đến đâu, quân Thổ Nhĩ Kỳ cùng lực lượng Quân đội Syria Tự do tiến tới đó, buộc người Kurd phải rút sâu vào trong lãnh thổ Syria; đồng thời, quân cảnh Nga cùng với lực lượng của chính quyền Tổng thống Bashar al Assad cũng tiến vào tiếp quản các vị trí mà người Kurd rút đi, trong đó đặc biệt quan trọng là các thị trấn chiến lược nằm gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, điều mà họ đã không thể làm được kể từ năm 2012.

Vậy là chỉ một thời gian ngắn sau khi Mỹ rút quân khỏi vùng Đông Bắc Syria dẫn tới hệ quả là người Kurd không kịp trở tay trước sức tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ, cả Thổ Nhĩ Kỳ cùng với các lực lượng Chính phủ Syria và Nga đã triển khai quân “điền vào chỗ trống” trên suốt một dải biên giới rộng 32 km, dài 444 km, chính là “vùng đệm” nằm bên trong lãnh thổ Syria mà phía Thổ Nhĩ Kỳ luôn muốn có để đẩy các lực lượng người Kurd ra xa khỏi biên giới của mình.

Điều đáng nói là cái biểu tượng “điền vào chỗ trống” ấy không chỉ xảy ra ở Syria mà còn ở hầu khắp trên các vùng lục địa của thế giới trong năm 2019.

Những “chiến lợi phẩm” cho Nga ở Trung Đông

Có thể hiểu được nguyên do dẫn tới quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria khiến người Kurd chới với, phải rút sâu vào nội địa Syria, để lại khoảng trống trên thực địa dẫn tới việc các lực lượng khác lấp vào. Khi mà quân đội của chính quyền Tổng thống Bashar al Assad, với sự hỗ trợ của Nga, đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria thì Mỹ không có lý do gì để lưu luyến ở nước này nữa.

Quyết định này sai lầm hay không, thời gian sẽ trả lời nhưng dường như sự rút lui của Mỹ ở Syria chỉ là một một mảnh ghép trong bức tranh tổng thể về sự thoái lui toàn diện của Mỹ, không chỉ ở khu vực Trung Đông mà còn trên phạm vi toàn thế giới.

Ngay ở khu vực Trung Đông, người ta đã chứng kiến một sự đổi ngôi ngoạn mục, khi mà cả Mỹ và Nga (trước đây là Liên Xô), lần lượt “đánh chiếm” vị thế bá chủ về mặt ảnh hưởng trong khu vực. Thập niên 60 của thế kỷ trước, Liên Xô đóng vai trò là nhà bảo trợ chính ở Trung Đông, chỗ dựa vững chắc của phòng trào Palestine cũng như các nước Ai Cập, Syria, Libya chống lại Israel có sự giúp đỡ của Mỹ.

Cuối những năm 80, đầu thập niên 90, với sự suy yếu và tan rã của Liên Xô, Mỹ nhanh chóng tiếp quản, mở rộng tầm ảnh hưởng, trừng phạt những chính phủ không được Washington ưa thích bằng những cuộc chiến tranh. Hai cuộc chiến tranh Vùng Vịnh rồi tiếp đó là hàng loạt hành động can dự vào nội tình các nước Ảrập cho thấy Washington dường như đã quen với tình trạng “múa gậy vườn hoang”, mặc sức áp đặt tầm nhìn chính trị của mình cho khu vực này. 

Tình thế đó đột ngột thay đổi khi tháng 9-2015, Nga đưa quân tham chiến trực tiếp ở Syria để bảo vệ chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad bị các lực lượng đối lập do Mỹ bảo trợ đánh “hội đồng”. Sự tồn tại và sau đó vươn lên chiếm quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ Syria của chính quyền Tổng thống Bashar al Assad đã làm thay đổi hoàn toàn chiều hướng các sự kiện, đồng thời đánh dấu sự trở lại ngoạn mục của nước Nga với vai trò và tầm ảnh hưởng không thể chối cãi ở Trung Đông. Nga đã thành công ở nơi Mỹ thất bại. Có thể nói cuộc nội chiến Syria với hành động can thiệp quyết đoán của Moscow, ít nhất là trên bình diện quốc tế, đã làm nước Nga vĩ đại trở lại!

Không chỉ nước Nga mới là đối tác duy nhất thu được chiến lợi phẩm ở Trung Đông nhờ chính sách thoái lui của Mỹ. Vụ tấn công các cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia tại Abqaiq với phản ứng hết sức chừng mực của Mỹ cũng cho thấy thật sự vùng ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực này đã bị thu hẹp một cách đáng kể. Mà đương nhiên là khi một vùng ảnh hưởng này bị thu hẹp thì một vùng ảnh hưởng khác lại nở ra!

Những đồng minh (lâu năm) của Mỹ trong khu vực như Saudi Arabia, hoặc đồng minh (tạm thời) như người Kurd, sau những trải nghiệm không mấy dễ chịu về cách ứng xử của Mỹ, tất yếu sẽ phải tìm đến những nhà môi giới quyền lực mới mà họ có thể tin tưởng. Đó là nước Nga.

“Quà” cho Trung Quốc

Nổi bật nhất trong đời sống chính trị quốc tế của năm 2019, chắc chắn lại là một sự kiện có vẻ như mang tính kinh tế: thương chiến Mỹ-Trung. Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất của sự kiện này, nó không hoàn toàn đơn thuần chỉ là về kinh tế. Ẩn chứa đằng sau nó là cuộc cạnh tranh địa chính trị Mỹ-Trung, được đẩy lên thành các “mặt trận”: chiến tranh thương mại, chiến tranh công nghệ và có thể là chiến tranh tiền tệ.

Dường như với việc chủ động khai mào cho thương chiến Mỹ-Trung, Washington thể hiện một quyết tâm sắt đá nhằm kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc, giờ đây đã không còn được coi là “hòa bình” nữa, nếu như xét đến các hành vi ngày càng quyết đoán của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông.

Con bài chủ đạo để Mỹ có thể thực hiện tham vọng này chính là việc đề ra chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” mà cốt lõi là xây dựng một tứ giác kim cương hình thoi với 4 đỉnh là Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ nhằm hạn chế ảnh hưởng của Trung Quốc về mặt an ninh trong khu vực.

Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) của người Kurd và binh sĩ Mỹ trong một cuộc tuần tra ở thành phố Hasakah, Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hồi tháng 11-2018. Ảnh: LG.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc lẫn nhau về mặt kinh tế của các thành viên trong tứ giác này với Trung Quốc đã hạn chế khá nhiều mức độ tác động của hoạt động kiềm chế, không những thế còn khiến cho Trung Quốc có những bước tiến nhằm “điền vào chỗ trống” do Mỹ để lại.

Cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn ở trạng thái giằng co và còn lâu Mỹ mới có khả năng buộc Trung Quốc chấp nhận những cái cách về mặt cấu trúc nền kinh tế để tự trói buộc sự phát triển của chính mình.

Tình hình Đông Bắc Á hầu như không có gì tiến triển nếu không nói là đang lâm vào trạng thái “đóng băng” nguy hiểm. Những cuộc gặp gỡ thượng đỉnh hào nhoáng hầu như không giúp ích gì cho quá trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, trong khi người ta đang chứng kiến sự kết nối ngày càng chặt chẽ giữa Bắc Kinh với Bình Nhưỡng, cho thấy bất cứ một thỏa thuận nào ở khu vực này đều không thể thiếu vai trò của Trung Quốc.

Hơn nữa, những đòi hỏi về “phí đóng quân” của chính quyền ông Trump (bị coi là quá đáng) đối với Hàn Quốc đã làm tổn thương không ít mối quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, đồng thời tình trạng căng thẳng Hàn-Nhật chưa được tháo gỡ đã làm xói mòn đáng kể tác động can dự của Mỹ ở Đông Bắc Á.   

Với Nhật Bản, thay vì là một chiến lược, “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở” giờ đây trở thành một “khái niệm”, hướng tới sự phát triển ngoại giao song phương, hơn là một công cụ để kiềm chế Trung Quốc.

Có thể thấy kể từ khi ông Trump vào Nhà Trắng, sự rút lui mang tính hệ thống của Mỹ đã đưa lại những hệ quả to lớn, định hình lại một thế giới mà Mỹ không còn đóng vai trò dẫn hướng nữa.

Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP thì đã có Nhật Bản thay thế nhận lãnh vai trò chủ đạo để đạt được một hiệp định mới CPTPP. Mỹ rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân của P5+1 với Iran đã buộc các nước châu Âu trong thỏa thuận phải gồng mình gánh đỡ, tìm mọi cách để thuyết phục Iran duy trì thỏa thuận... Bằng việc rút lui trên các mặt trận ở Trung Đông, châu Phi hay Đông Bắc Á, xu hướng này đã diễn ra trên thực địa.

Quá trình “điền vào chỗ trống” vẫn tiếp tục.

Yên Ba
.
.