Đi tìm nguồn gốc bi kịch trong K-Pop

Thứ Tư, 18/12/2019, 10:27
Sáu tuần sau khi Sulli, một trong những nữ thần tượng nổi tiếng của K-pop treo cổ tại nhà riêng, người ta lại tìm thấy thi thể của Goo Hara, một nữ thần tượng khác. Cả hai đều được cho là tự sát vì căn bệnh trầm cảm đeo bám.

Phần lớn cư dân mạng đổ lỗi cho nhau. Họ cho rằng chính những chỉ trích vô tội vạ, vô lối, ác độc và nghiệt ngã của mạng xã hội, báo chí đã đẩy những thần tượng trẻ tuổi đến bước đường cùng. 

Điều đó không sai, nhưng có lẽ đó chỉ là phần nổi của một tảng băng rộng lớn hơn nhiều - một sai lầm có tính hệ thống gần như không thể sửa chữa của K-pop, chừng nào sự sai lầm ấy vẫn đang đem lại tiền và rất nhiều tiền cho các ông trùm giải trí.

Nền công nghiệp bóp chết con người cá nhân

Dù học tập rất nhiều từ nhạc Âu Mỹ, đặc biệt là các dòng nhạc rock, rap, RnB, techno, nhưng chỉ cần tinh ý chút thôi cũng nhận ra, nhạc Hàn Quốc luôn có vẻ gì đó bóng bẩy, màu mè, sặc sỡ, các ngôi sao luôn có gì đó hoàn hảo không tì vết như bước ra từ một poster quảng cáo.

Có một sự khác biệt rõ nét vào bối cảnh ra đời của nền âm nhạc Âu Mỹ và K-pop. Nếu như nền âm nhạc Âu Mỹ đã phát triển mạnh mẽ từ những năm 30-40 của thế kỷ trước thì K-pop mới chỉ phát triển vào khoảng những năm 1990, sau khi chế độ quân chủ  của Chung Doo-hwan kết thúc, nhân dân Hàn Quốc lại được quyền bầu ra tổng thống của mình và đất nước chuyển đổi sang nền dân chủ như ta biết ngày nay.

Về cơ bản, những năm 30-40, nền âm nhạc dựa chủ yếu vào đài phát thanh và đĩa ghi âm, còn những năm 90, phương thức giải trí chủ yếu là tivi - một phương tiện nghe nhìn. Vì thế, cho đến ngày nay, truyền thống âm nhạc Âu Mỹ vẫn dựa trên nền tảng cốt lõi là các bản ghi âm - tức là phần nghe - và ta có thể cảm nhận được sự tự do trong việc xây dựng hình tượng của những ngôi sao âm nhạc Âu Mỹ. 

Cái chết bất ngờ của Sulli và sau đó là Goo Hara làm rúng động nền âm nhạc K-pop.

Ngược lại, K-pop ngay từ sơ khởi đã dựa vào truyền hình, nên nó luôn đề cao phần nhìn. Bạn có thể nhìn thấy Justin Bieber bô nhếch bô nhác ngoài đường, mặc quần rách, mặt đầy mụn, nhưng các thần tượng K-pop thì luôn phải cực kỳ chỉn chu. Họ không được phép lộ ra sự mệt mỏi, xấu xí, họ phải luôn hoàn hảo.

Người ta thường nhắc tới câu chuyện thành công của công ty giải trí lớn nhất Hàn Quốc hiện nay và cũng là doanh nghiệp đi đầu trong làn sóng Hallyu (Hàn Lưu) khi họ đã lăng xê các lứa thần tượng đình đám, đầu tiên là H.O.T, Shinhwa, BoA, và sau đó là SNSD, DBSK, Super Junior, f(X), EXO, Red Velvet.

Nhưng ít ai biết rằng, nghệ sĩ âm nhạc đầu tiên mà ông có ý định biến thành ngôi sao là Hyun Jin Young, một người có công giới thiệu hip-hop vào thị trường Hàn Quốc. Đáng tiếc, thương vụ Hyun Jin Young thất bại toàn tập và khiến công ty thiệt hại một khoản không nhỏ. Kể từ đó, Lee Soo Man mới nhận ra, điều ông cần làm không phải là lăng xê một nghệ sĩ, mà còn là tạo ra một nghệ sĩ.

SM Entertainment quyết định rằng họ sẽ kiểm soát toàn bộ cuộc sống của một nghệ sĩ dưới trướng của mình. Mối liên hệ giữa nghệ sĩ và công ty quản lí không chỉ dừng lại ở công việc, mà còn trong đời tư cá nhân, thậm chí là trong việc giáo dục hình thành nhân cách. 

Các công ty giải trí tuyển mộ các cô bé cậu bé 10-14 tuổi trở thành “trainee” (thực tập sinh), độ tuổi mà họ còn là một tờ giấy trắng và rồi những công ty này toàn quyền vẽ lên tờ giấy ấy những gì mình thích. Các thực tập sinh bị tách ra khỏi gia đình, trường học bình thường để dành thời gian cho việc tập luyện ca hát, nhảy múa, chăm sóc sắc đẹp và trong nhiều trường hợp, họ phải kí cam kết sẽ phẫu thuật thẩm mỹ để đạt hình ảnh toàn bích.

Đây cũng là điểm khác biệt giữa nền âm nhạc Hàn và nền âm nhạc Âu Mỹ. Trong khi các nhóm nhạc và ca sĩ Âu Mỹ đều do tự phát, công ty quản lí chỉ tìm đến khi họ đã có sẵn một số sản phẩm thu âm trước và đã phần nào xác định cá tính âm nhạc họ đang theo đuổi, thì các ngôi sao K-pop thuần túy là một sản phẩm công nghiệp. 

Sự tư bản hóa âm nhạc biến nghệ sĩ trở thành một công cụ kiếm lợi nhuận thuần túy cho các tập đoàn giải trí. Những nghệ sĩ một khi đã kí hợp đồng nô lệ, họ phải làm việc tại đây ít nhất cho đến khi trả nợ xong mọi khoản phí đầu tư mà tập đoàn rót vào họ, và không chỉ là làm việc, mà làm việc cật lực ngày đêm.

Thậm chí, các thực tập sinh phải học cách để chịu đựng việc bị mạt sát, sỉ nhục và xúc phạm. Họ sống trong một thế giới không khác gì một phản địa đàng. Từng có những câu chuyện kinh hoàng được kể lại như việc các thực tập sinh phải xếp hàng đứng trước một chiếc cân, và cân nặng của họ được thông báo cho toàn thể mọi người, ai không giảm cân sẽ bị chê cười chế giễu, hay như Jay Park, cựu trưởng nhóm 2PM, từng tiết lộ anh đã bị đánh chỉ vì không thuộc lời một ca khúc. 

Taeyeon, nữ ca sĩ hát chính của SNSD - nhóm nhạc biểu tượng từng được gọi là Samsung thứ hai của Hàn Quốc - thì gây bất ngờ khi nói rằng nếu có con, cô không mong con mình có giọng hát hay như cô, vì cô không muốn đứa trẻ lại theo con đường ca sĩ. Taeyeon tuy không trực tiếp chỉ ra những mặt đen tối của cuộc đời một thần tượng, nhưng chỉ thế thôi cũng đã thể hiện quá nhiều.

Những nạn nhân không thể đấu tranh

Năm ngoái, đạo diễn Lee Chang Dong trở lại với Burning, một trong những tác phẩm điện ảnh hay nhất 2018, được chuyển thể từ một truyện ngắn của Haruki Murakami.

Đoạn mở đầu, nhân vật nam chính Jong-su đi qua một con phố tràn ngập những biển quảng cáo biểu hiện cho sự sinh sôi bất kiểm soát của chủ nghĩa tiêu dùng, và trong đám hỗn loạn những sặc sỡ ấy, anh gặp Hae-mi đang nhảy múa để tiếp thị cho một nhãn hàng. 

Hae-mi không phải một thần tượng Kpop, cô chỉ là một vũ công đường phố, người đang dùng thứ nghệ thuật cơ thể mình để làm giàu cho một thương hiệu nào đó. Cô bị đồng nhất với một dạng quảng cáo và danh tính của cô không còn thuộc về cô. Và điều đó cũng rất gần với thứ chủ nghĩa tư bản muộn trong K-pop.

Nhân vật Hae-mi trong Burning là hiện thân của một người phụ nữ mà cơ thể và danh tính của cô không thuộc về chính cô, nhưng thuộc về những nhãn hàng.

Vậy thế nào là “chủ nghĩa tư bản muộn”? Những năm gần đây, cụm từ này xuất hiện ở mọi lúc và mọi nơi, thậm chí trở thành một hashtag nổi bật trên mạng xã hội facebook, twitter và tumblr. Số lượng người tìm kiếm “chủ nghĩa tư bản muộn” trên Google cũng tăng gấp đôi từ năm 2016 sang năm 2017. 

Trên một bài báo của tạp chí The Atlantics, tác giả viết: “Một mẩu quảng cáo việc làm tôn vinh sự mất ngủ. Đó là chủ nghĩa tư bản muộn. Những bộ đồ tham dự lễ hội âm nhạc Coachella giống hệt nhau mà bán với giá hàng ngàn USD. Đó cũng là chủ nghĩa tư bản muộn. Cũng như thế với một chiếc máy ép nước kết nối wifi trị giá 400 USD mà chẳng khá khẩm hơn việc tự pha nước bằng tay, quảng cáo của Pepsi với hình ảnh cô người mẫu Kendall Jenner, chuyện hãng hàng không United Airlines ép buộc một hành khách phải rời cabin, sự sụp đổ lộng lẫy của lễ hội âm nhạc xa xỉ Fyre Festival. Cụm từ ấy - vừa bất tường, vừa hàn lâm, vừa tuyệt vọng, vừa mai mỉa - bỗng đột nhiên có mặt ở khắp nơi”.

Trong sách vở, “chủ nghĩa tư bản muộn” bắt đầu được phổ biến nhờ lý thuyết gia và nhà hoạt động Mác-xít Ernest Mandel. Ông dùng cụm từ này để ám chỉ giai đoạn phát triển kinh tế từ hậu thế chiến thứ II đến cuối những năm 1970, giai đoạn chứng kiến sự lên ngôi của những tập đoàn đa quốc gia, truyền thông đại chúng và tài chính quốc tế. Triết gia và nhà xã hội học nổi tiếng Theodor Adorno thì cho rằng, “chủ nghĩa tư bản muộn” có chức năng làm cùn mòn khả năng đấu tranh của những người vô sản.

Và dù hiểu theo cách nào, K-pop cũng là một thế giới nơi chủ nghĩa tư bản muộn ngự trị.

Phải hiểu rằng âm nhạc K-pop không thuần túy là âm nhạc. Nó là một dạng thức truyền thông, một cái bẫy tiêu dùng mà một khi đã sa vào thì khó lòng thoát ra nổi. Nền âm nhạc K-pop gắn liền với những trào lưu về thời trang, mỹ phẩm, lối sống, thẩm mỹ. 

Và K-pop có một sức ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả những gì giới trẻ đang sử dụng hàng ngày, và ngược lại, những nhãn hiệu đó cũng gây sức ảnh hưởng lên sự hoạt động của nền công nghiệp K-pop, rồi cùng nhau, cái vòng lặp ấy tạo ra những tiêu chuẩn về sắc đẹp, phong cách và thôi miên những người hâm mộ, buộc những người này phải chạy theo những xu thế đó nếu cũng muốn trở nên cá tính, lộng lẫy như các thần tượng của mình. 

Như thế, những nhà tư bản K-pop tự định hình nên một nền văn hóa nơi họ toàn quyền ra quyết định cái gì sẽ là mốt, cái gì sẽ là trào lưu, cái gì mà người tiêu dùng sẽ đổ tiền vào.

Cộng đồng người hâm mộ mù quáng coi K-pop là tín ngưỡng, họ không những không hề cảm thấy mình bị lợi dụng mà còn nghĩ mình được hưởng lợi từ những hoạt động giải trí, và như thế, họ trở thành những nạn nhân không còn nhu cầu đấu tranh, như quan điểm của Theodor Adorno.

Các ngôi sao K-pop còn bế tắc hơn, họ trở thành những hình mẫu cho xã hội noi theo, họ tưởng như có tất cả, nhan sắc, tiền bạc, công chúng, nhưng chính điều đó khiến họ không thể phản kháng và không có lí do chính đáng gì để phản kháng. Không phải ai cũng có khả năng đứng lên chống lại sự bóc lột của các ông chủ như 3 thành viên DBSK từng làm, thậm chí khi họ phản kháng, họ còn bị lên án là kẻ phản bội. Đa phần, họ chỉ có thể tự hủy hoại bản thân, như Sulli hay Goo Hara là ví dụ điển hình.

Và một khi K-pop vẫn còn đang bành trướng và bánh trướng hơn nữa với cùng một công thức mà SM Entertainment đã sáng tạo ra ba mươi năm trước, thì chắc chắn, những câu chuyện tương tự như Sulli và Goo Hara sẽ vẫn chưa dừng lại. 

Hiền Trang
.
.