Đi qua các thế hệ để nhận ra bản ngã của mình

Thứ Tư, 11/12/2019, 21:58
Câu nói "thời thế tạo anh hùng" hình như vẫn đúng trên nhiều phương diện với mỗi thế hệ người Việt chúng ta. Vậy "thời thế" đã có ảnh hưởng như thế nào đến các thế hệ?

Thế hệ 1x và 2x (sinh từ 1910 đến 1929): Thế hệ tinh hoa!

Đây là thế hệ được tiếp cận với một nền giáo dục tương đối tiến bộ vào thời kỳ đó, khi các chính sách về giáo dục của người Pháp dành cho công dân An Nam trở nên thông thoáng hơn. Nhiều người thuộc thế hệ này hội tụ đầy đủ các yếu tố cần và đủ, bao gồm giáo dục, sự khai phóng tinh thần, các biến động chính trị lớn trên thế giới (Chiến tranh thế giới lần 1 và 2) để có thể đón nhận và đảm trách vai trò rường cột trong Cách mạng tháng 8, kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ về sau. 

Đây có thể xem là thế hệ vàng (trăm năm mới có) của dân tộc Việt. Thế hệ này đã sản sinh ra nhiều tài năng trong các lĩnh vực khác nhau như Chính trị, Quân sự (Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng...); Khoa học (Trần Đức Thảo, Trần Đại Nghĩa,...); Văn học, thơ ca (Huy Cận, Chế Lan Viên, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng,...); Âm nhạc (Văn Cao, Phạm Duy,...), Hội họa (Trần Văn Cẩn, Bùi Xuân Phái,...) nói chung toàn thuộc diện Thái Sơn, Bắc Đẩu, rất khó vượt qua. Tóm lại đây là thế hệ sản sinh ra nhân sĩ, trí thức - theo đúng nghĩa nhiều nhất trong lịch sử Việt Nam.

Thế hệ 3x và 4x (sinh từ 1930 đến 1949): Thế hệ hào hùng!

Đây là thế hệ gặp nhiều "gian nan" hơn so với các thế hệ khác. Thế hệ này lớn lên trong bối cảnh dầu sôi, lửa bỏng của dân tộc. Về cơ bản, họ ít có cơ hội học hành, chịu cảnh thiếu thốn, đói rét, chiến tranh, chia cắt và ít nhiều bị kìm kẹp về tư tưởng. Do bối cảnh đất nước, đặc trưng của thế hệ này gắn liền với hình ảnh người lính, với các trận đánh, cùng những chiến công vang dội với những mất mát khó bù đắp về sinh mạng của hàng triệu con người. 

Thế hệ này thiệt thòi ngay từ lúc sinh ra (thiếu thốn, đói kém do Nhật Bản chiếm đóng), khi lớn lên (phải đi qua 2 đến 3 cuộc chiến), lúc hòa bình (khó khăn, thiếu thốn thời bao cấp và bị cấm vận). Họ chỉ thực sự được "đền đáp" khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nhưng tiếc là thế hệ này giờ đây đã ra đi gần hết. 

Nhìn chung đây là thế hệ tuy mang trong mình đầy khát khao, hoài bão và ngọn lửa nhiệt tình nhưng rất nhiều người trong số họ phải lên đường ra trận và mãi mãi không về. Một số khác may mắn hơn có được cơ hội học hành thì cũng chỉ tiếp cận với thế giới quan "một chiều". Đây là thế hệ được sinh ra để gánh vác trách nhiệm nặng nề nhất nhưng cũng hào hùng nhất, đưa Việt Nam chúng ta thoát khỏi ngoại xâm và giành lấy hòa bình, độc lập.

Những thế hệ tuổi trẻ Việt Nam luôn mang trong mình khát khao hoài bão và ngọn lửa nhiệt tình Ảnh: LG.

Thế hệ 5x và 6x (sinh từ 1950 đến 1969): Thế hệ có "của để dành"!

Đây là thế hệ hoàn toàn sinh ra trong chiến tranh. Phần nhiều trong số họ lớn lên và song hành với cuộc chiến 10 ngàn ngày (chống Mỹ) vĩ đại của dân tộc. Nửa đầu của thế hệ này (sinh từ 1950 đến 1959) gắn liền tuổi trẻ với giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến chống Mỹ và chiến tranh Biên giới phía bắc, trong khi đó những người thuộc nửa sau lớn lên trong muôn vàn gian khó của thời hậu chiến. Về cơ bản, những trải nghiệm và hành trang thời tuổi trẻ của thế hệ này chính là sự chuẩn bị cho vai trò và trách nhiệm gánh vác đất nước thời hậu chiến.

Về cơ hội giáo dục và kinh tế: nhằm chuẩn bị cho công cuộc tái thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, ngay từ giai đoạn cuối thập niên 60 và đầu thập niên 70 của thế kỷ trước nhiều thanh niên thuộc thế hệ 5X đã được Nhà nước đưa sang đào tạo tại các nước thuộc phe XHCN. Sau khi trở về, nhiều người trong số họ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa và giáo dục, góp phần quan trọng đưa Việt Nam hội nhập và phát triển giai đoạn sau này. 

Đối với thế hệ 6X, sự thoái trào và tan rã của khối XHCN đầu những năm 90 tuy ít nhiều gây shock và làm đảo lộn cuộc sống của họ, nhưng với một số người đây lại là một trải nghiệm bổ ích giúp họ rút ra nhiều bài học đầy thực tiễn, định hình hướng đi và phát triển sự nghiệp. Sự thành công và giàu có của những tỷ phú đô la người Việt hiện nay là minh chứng rõ rệt cho nhận định này.

Về chính trị, họ là những chủ nhân và lãnh đạo của đất nước thời mở cửa hội nhập, bên cạnh việc phải đương đầu với các thách thức nhằm duy trì sự ổn định để tập trung phát triển kinh tế và hòa nhập với bên ngoài, thế hệ này còn mang trọng trách đưa đất nước thoát khỏi mô hình kinh tế tập trung, bao cấp và định hình một nền kinh tế thị trường mang màu sắc Việt Nam.

Về kinh tế, thế hệ này may mắn có trong tay những nguồn tài nguyên rừng vàng, biển bạc rất phong phú và hầu như chưa bị khai thác sau chiến tranh cùng một nguồn lực đất đai dồi dào và chưa được quản lý một cách bài bản ở những năm 1990 và 2000. Họ chính là chủ nhân may mắn thực sự của "của để dành" trên bình diện quốc gia. Đây chính là thời kỳ định hình rõ rệt và phát triển mạnh mẽ của các nhóm lợi ích, trong đó nổi bật nhất là các tập đoàn kinh tế quốc doanh, các doanh nghiệp sân sau và một tầng lớp tập ấm thời hiện đại mà chúng ta quen gọi là 5C.

Bên cạnh những thành tựu không thể phủ nhận mà thế hệ này đã làm được, cần thừa nhận rằng tham vọng được khoác chiếc áo mang tên "khát khao, hoài bão" để "nâng tầm dân tộc" cộng với những hạn chế khó tránh về  chiến lược và trình độ quản trị do yếu tố thời cuộc đã khiến Việt Nam, trong thời kỳ thế hệ này làm chủ, tuy vẫn tiếp tục phát triển nhưng đã để lại nhiều hệ lụy rất khó cho các thế hệ sau giải quyết như lãng phí, tham nhũng, lợi ích nhóm, môi trường bị tàn phá và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên ở tất cả các cấp độ.

Thế hệ 7x và 8x (sinh từ 1970 đến 1989): Thế hệ của những vận hội!

Phần lớn thế hệ này trải qua tuổi thơ trong thời bình, đầy lãng mạn, giàu chất thơ cùng sự lạc quan. Tuy họ có gặp một vài khó khăn khi sắp trưởng thành do vấn đề thiếu ăn ở những năm cuối của thập niên 80 cùng những biến động chính trị trên thế giới đầu những năm 90 nhưng họ chính là những công dân may mắn của đất nước khi được hưởng những đặc ân mà không phải thế hệ nào cũng có được.

 Đây chính là thế hệ kết nối quá khứ và tương lai, giữa chiến tranh và hòa bình. Họ không quá thủ cựu như các thế hệ trước, nhưng cũng không quá thờ ơ hay bàng quan về chính trị như các thế hệ sau này. Tuổi thơ của nhiều người trong số họ gắn bó với văn hóa làng xã truyền thống cùng các bài vè, đồng dao, và kinh nghiệm dân gian quý báu. Họ từng lưu giữ trong ký ức rất nhiều điều về các giá trị văn hóa Việt thời trước - những thứ đã biến mất rất nhanh trong khoảng 20 năm nay. Tuy nhiên, rất nhanh chóng, họ đã lại có thể hòa nhập để đại diện cho một thế hệ mới của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hồ hởi đón nhận các cơ hội từ sự hội nhập với thế giới một cách quyết tâm và hiệu quả.

Lớn lên trong thời kỳ bao cấp vơi sự quản lý có phần quá chặt chẽ của nhà nước và thiếu thốn đủ điều, điều này đã giúp những ai thuộc thế hệ này hiểu và cảm nhận được như thế nào là tự do khi mỗi năm có một vài chính sách bị loại bỏ để tạo không gian nhiều hơn cho người dân và các yếu tố dân chủ. Họ khác các thế hệ trước ở chỗ không dễ gì bị shock (về văn hóa, chính trị) khi đi đến các nước phát triển và cũng khác luôn các thế hệ sau ở chỗ biết được những gì chúng ta có được ngày hôm nay quý như thế nào nếu chúng ta nhìn lại 20 năm về trước chứ không phải khi sinh ra đã có như vậy rồi.

 Về cơ hội học tập và việc làm, 7X và 8X là những người vừa vặn lớn lên khi đất nước mở cửa cùng vô vàn cơ hội học tập và việc làm hấp dẫn. Cơ bản họ giỏi ngoại ngữ hơn các thế hệ trước (đặc biệt là tiếng Anh) và cũng thành thạo IT hơn nên đã nhanh chóng giành lấy cho mình các ngành nghề và vị trí phù hợp và mặc dầu bây giờ các thế hệ sau có thể giỏi hơn nhưng vẫn còn phải xếp hàng chờ do yếu tố "kinh nghiệm". 

Đặc biệt, không thời kỳ nào, thanh niên dễ du học miễn phí như thế hệ 7X và đầu 8X - khi đó Việt Nam vừa mở cửa nên có rất nhiều nước cấp học bổng cho sinh viên Việt Nam và thậm chí còn châm chước phần nào cho những ai kém chút về ngoại ngữ nữa. Ngày nay đa phần các em phải đi du học tự túc và nếu có học bổng thì cũng không còn được ưu đãi như trước kia.

Về công nghệ, thế hệ này thực sự may mắn khi được tiếp xúc với máy tính, điện thoại di động và Internet khi vẫn đang còn trẻ và chưa bị sức ỳ của tuổi tác chi phối. Có thể nói chính công nghệ cùng sự hòa nhập đã góp phần giúp thế hệ này là những người "sướng nhất Việt Nam".

Thế hệ 9x và 10x (sinh từ 1990 đến 2009): Giấc mơ cường thịnh!

Bên cạnh những may mắn được sinh ra và lớn lên khi đất nước đã hoàn toàn hòa bình và được thụ hưởng cuộc sống đầy đủ hơn về vật chất, thế hệ này còn được thừa hưởng nhiều may mắn về cơ hội giáo dục và khoa học công nghệ. Sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ trong thời đại Cách mạng công nghệ 4.0, vừa là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho bất kỳ ai sinh ra trong thế hệ này. 

Cần phải có sự thay đổi triệt để và mang tính cách mạng trong cách tiếp cận và triết lý giáo dục cho thế hệ này trong bối cảnh mỗi ngày trôi qua trên thế giới lại có vô số công nghệ mới được khám phá hay triển khai cùng đà phát triển siêu nhanh của kiến thức nhân loại (cứ sau 2 năm lại tăng lên gấp đôi).

Để có thể thành công hơn và đảm trách vai trò là chủ nhân thực sự của một Việt Nam cường thịnh trong tương lai không xa, cái chúng ta cần ở thế hệ này, đó là vấn đề không phải ở việc học nhanh hay chậm để sử dụng thành thạo các thành quả mà công nghệ mới mang lại mà quan trọng hơn thay vì chỉ ngồi chờ thế giới họ đem công nghệ đến nước mình (như các thế hệ trước), họ cần dám nghĩ và sẵn sàng dấn thân hơn để một ngày không xa chúng ta mang công nghệ sang nhiều nước khác. Chỉ khi ấy đất nước mới có thể thực sự cường thịnh.

Trần Văn Tuấn
.
.