Dền dứ

Thứ Tư, 02/10/2019, 09:08
Bởi vì mâu thuẫn cơ bản dẫn tới quá trình dền dứ dằng dai giữa hai bên vẫn chỉ là không bên nào chịu đi trước trong việc “phi hạt nhân hóa” hay “nới lỏng cấm vận”.

Mời đối thoại trước, bắn tên lửa sau!

Vài giờ sau khi thông báo sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân và kêu gọi Washington mở lại các cuộc thương lượng, CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) đã bắn 2 quả tên lửa từ thành phố Kaechon, thuộc tỉnh Nam Pyongan, miền Trung nước này.

Hai tên lửa được phóng về hướng biển Nhật Bản và đã bay được 330km. Cả tình báo Mỹ và Hàn Quốc đều hết sức chăm chú theo dõi động thái này của Triều Tiên...

Đây đã là lần phóng tên lửa thứ 10 của Bình Nhưỡng kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, việc nó diễn ra chỉ vài giờ sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui nói Bình Nhưỡng sẵn sàng có các cuộc thảo luận sâu rộng với Mỹ về vấn đề hạt nhân, cho thấy có một sự liên hệ không thể rõ ràng hơn giữa hai vấn đề này.

Hàn Quốc đóng vai trò quan trọng dẫn tới việc giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Trong ảnh: Chủ tịch CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở vùng phi quân sự liên Triều. Ảnh: L.G.

Nói cách khác, Triều Tiên đã liên tiếp thực hiện các vụ phóng thử tên lửa trong thời gian qua không chỉ để phản đối cuộc tập trận Mỹ-Hàn (đã kết thúc) mà còn muốn gây sức ép để Mỹ quay lại bàn thương lượng. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên, Bình Nhưỡng muốn gặp gỡ trực tiếp các đại diện của Mỹ để thảo luận. Thời gian cụ thể là vào cuối tháng 9, địa điểm do hai phía thống nhất lựa chọn.

Ông Choe Son Hui còn nói rõ rằng Washington nên trở lại bàn đàm phán “với một đề xuất mới có thể chấp nhận được”. 

Đây là những tuyên bố mới nhất trong cả một chuỗi những hành động dền dứ của cả hai bên nhằm hướng tới những cuộc đàm phán mới, sau cuộc gặp thượng đỉnh bất ngờ giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại khu phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên vào tháng 6 vừa qua.

Cuối tháng 8, Bộ Ngoại giao Mỹ từng tuyên bố sẵn sàng đàm phán với Triều Tiên, sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo rằng những kỳ vọng đàm phán với Washington đang dần tiêu tan, đồng thời đe dọa sẽ rút lại các biện pháp phi hạt nhân hóa.

Ngay sau lời đe dọa này, đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên Stephen Biegun được Bộ Ngoại giao Mỹ dẫn lời, nói nếu muốn đạt được kết quả thành công, Triều Tiên “cần gỡ bỏ các rào cản đối với đàm phán và tìm kiếm cơ hội đối thoại khi còn có thể”. Ông Stephen Biegun nói Mỹ “luôn tích cực phản hồi” mỗi khi nhận được thông tin từ Triều Tiên.

Cũng theo ông Stephen Biegun thì Mỹ có thể có nhiều hành động đáp ứng yêu cầu của Triều Tiên, tuy nhiên ông không đồng tình với việc Bình Nhưỡng đòi hỏi nới lỏng cấm vận trước khi nước này phi hạt nhân hóa.

Vậy là câu chuyện lại quay về với chủ đề tranh cãi muôn thuở: quả trứng có trước hay con gà có trước?

CHDCND Triều Tiên đã bắn 2 quả tên lửa chỉ vài giờ sau khi thông báo sẵn sàng nối lại đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân. Ảnh: L.G.

“Đóng băng hạt nhân”?

Bởi vì mâu thuẫn cơ bản dẫn tới quá trình dền dứ dằng dai giữa hai bên vẫn chỉ là không bên nào chịu đi trước trong việc “phi hạt nhân hóa” hay “nới lỏng cấm vận”. Lối tiếp cận này đã chứng tỏ là chỉ dẫn tới hoàn toàn bế tắc, không có bất cứ một triển vọng tìm ra lối thoát nào sau một quá trình dài, bất chấp việc đã diễn ra những cuộc gặp thượng đỉnh gây náo động cả thế giới, những bức thư qua lại cùng những lời nói tốt đẹp mà lãnh đạo của hai bên dành cho nhau.

Do vậy, không phải là vô lý khi mà Triều Tiên, không chỉ một lần, kêu gọi Mỹ cần có những “lối tiếp cận mới”, với những đề xuất mới có thể chấp nhận được.

Vậy lối tiếp cận mới có thể là gì?

Ở thời điểm hiện tại, buộc phải thừa nhận một thực tế rằng Triều Tiên không đời nào lại chịu từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân nếu như không có sự chắc chắn về việc bãi bỏ các biện pháp cấm vận cũng như những đảm bảo về mặt an ninh đối với nước này. Do đó, việc đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên trong khi các biện pháp cấm vận đối với Bình Nhưỡng vẫn còn tiếp tục và các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn vẫn diễn ra dường như là điều bất khả thi.

Khi mà mục tiêu đặt ra cao quá và chưa thể đạt được trong thời gian ngắn, sẽ là khả dĩ hơn nếu như đặt ra một mục tiêu thấp hơn. Nói cách khác, trong tình thế dền dứ bế tắc hiện nay, thay vì đòi hỏi phi hạt nhân hóa hoàn toàn trong một khung thời gian nhất định, Mỹ có thể cân nhắc một giải pháp ít tham vọng hơn, đó là “đóng băng hạt nhân”.

Vậy “đóng băng hạt nhân” là gì?

Nó có nghĩa là bảo toàn nguyên trạng hiện nay, một sự ngầm thừa nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân, ít nhất là trong tương lai gần. Nó cũng bao gồm việc Triều Tiên “dừng sản xuất hạt nhân”, hạn chế sản xuất các nguyên liệu phân hạch cần thiết dùng chế tạo vũ khí hạt nhân để đổi lại những nhượng bộ về phía Mỹ trong việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nghiệt ngã kéo dài nhiều năm qua.   

Dĩ nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên trên lộ trình tiến tới phi hạt nhân hóa trong một khoảng thời gian nhất định, có kiểm chứng. Lộ trình này phức tạp, kéo dài, diễn ra theo từng giai đoạn và chỉ có thể giải quyết theo từng phần, tùy thuộc vào các cuộc đàm phán của hai bên hay nhiều bên.

Nói cách khác, Mỹ cần có một cách tiếp cận mới, khác biệt với đường hướng tiếp cận cứng rắn như cũ, vốn đã được chứng minh là chỉ dẫn tới bế tắc. Một thỏa thuận tạm thời trong thời điểm hiện nay là điều khả thi hơn là muốn có một hiệp ước toàn bộ, một lần cho tất cả.

Việc Cố vấn an ninh của Tổng thống Trump, ông John Bolton, một người nổi tiếng có quan điểm cứng rắn, bất ngờ rời khỏi ê-kíp của ông Trump, hẳn nhiên cũng sẽ tạo điều kiện để Mỹ có thể linh hoạt hơn trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên sắp tới.

Cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên. Ảnh: L.G.

Triều Tiên sẽ nhận được gì?

Đổi lại, nếu đạt được một thỏa thuận tạm thời với Mỹ dựa trên nguyên tắc “đóng băng hạt nhân”, Triều Tiên sẽ được gì?

Nới lỏng cấm vận, tất nhiên rồi. Với một thỏa thuận “đóng băng”, dừng sản xuất nguyên liệu phân hạch theo từng giai đoạn, hẳn nhiên phía Triều Tiên cũng hiểu rằng việc đạt được yêu cầu xóa bỏ hoàn toàn cấm vận cũng là một mục tiêu quá tham vọng, khó khả thi.

Tuy nhiên, Triều Tiên cũng sẽ không chỉ hài lòng với những động thái khích lệ ở mức độ vừa phải như phía Mỹ từng nêu ra, chẳng hạn như viện trợ nhân đạo, mở rộng các cuộc trò chuyện giữa nhân dân hai nước hay thậm chí là sự hiện diện của văn phòng liên lạc ở thủ đô của mỗi nước.

Trong khi không một ai có thể định lượng được rằng đòi hỏi của Mỹ về việc nới lỏng cấm vận phải đi kèm với “những tiến bộ lớn và hữu hình hướng tới phi hạt nhân hóa” (của phía Triều Tiên) là như thế nào thì cũng không một ai có thể xác quyết được rằng đổi lại, phía Mỹ sẽ nới lỏng bao nhiêu phần trong số những “sức ép tối đa” mà Mỹ đã áp đặt lên kinh tế Triều Tiên!

Nói cách khác, nếu đạt được một thỏa thuận tạm thời thì phía Triều Tiên cần phải nhận được những đảm bảo về việc tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (vốn đã thực sự chấm dứt cách đây hơn nửa thế kỷ), thiết lập văn phòng liên lạc ở thủ đô mỗi nước, hạn chế quy mô các cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn, không theo đuổi các biện pháp trừng phạt mới, viện trợ nhân đạo, cấp phép cho những dự án liên Triều nhất định, đình chỉ một số biện pháp trừng phạt nhất định của Liên Hiệp Quốc, chẳng hạn như việc Triều Tiên nhập khẩu các sản phẩm dầu mỏ...

Liệu Mỹ đã sẵn lòng cho một thỏa thuận tạm thời như vậy chưa?

Cần có sự tham gia của các đối tác

Do lẽ một thỏa thuận tạm thời như vậy, nếu hai bên Mỹ và Triều Tiên mong muốn đạt được nó trong các cuộc đàm phán sắp tới, có liên quan không chỉ đến hai nước mà còn với nhiều nước khác (chẳng hạn như tập trận Mỹ-Hàn), nên hiển nhiên là tham gia vào thỏa thuận này cần có các đối tác khác.

Nước có lợi ích liên quan trực tiếp với Triều Tiên là Trung Quốc cũng như Nga đã có nhiều động thái tái thiết quan hệ với Triều Tiên trong hai năm 2018-2019, bởi vậy khó có thể phớt lờ sự hiện diện của hai nước này trong một thỏa thuận tạm thời trên Bán đảo Triều Tiên.

Ngay cả EU, mặc dù có không gian địa lý không gắn chặt với Bán đảo Triều Tiên nhưng có vai trò lớn trong quá trình phi hạt nhân hóa cũng như tham gia vào các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, cần phải là một bên đối tác trong một thỏa thuận như vậy.

Tất nhiên, Hàn Quốc, vốn đóng vai trò tối quan trọng dẫn tới việc giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên hiện nay, cũng sẽ phải có sự hiện diện trong một thỏa thuận tạm thời.

Sự tham gia của các đối tác lớn vào một thỏa thuận tạm thời có lẽ là cách tốt nhất để đảm bảo nó sẽ được tôn trọng và phát huy hiệu quả nhằm duy trì tình trạng hòa dịu, tạo tiền đề cho những bước tiếp theo nhằm hướng tới một thỏa thuận có tính rộng khắp hơn, để giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. 

Còn nếu tiếp tục duy trì cách tiếp cận nhằm đạt những mục tiêu quá tầm, khó khả thi sẽ chỉ dẫn tới bế tắc, không lối thoát và buộc các bên tiếp tục phải duy trì những nguồn lực tốn kém, duy trì tình trạng căng thẳng, mất ổn định ở khu vực Đông Bắc Á. Không ai được hưởng lợi trong một quá trình như thế, cho dù là siêu cường hàng đầu thế giới như Mỹ, hay một quốc gia đã phải trải qua vô vàn những khó khăn do cấm vận kinh tế như Triều Tiên.

Yên Ba
.
.