Dầu “lạnh”!

Thứ Sáu, 15/05/2020, 10:56
Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu trên thị trường Mỹ xuống mức -30 dollar/thùng. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, mỗi một thùng dầu giao dịch trên thị trường, người bán phải trả cho người mua 30 USD!

Một hiện tượng kỳ quái

Khi giá một lít dầu mỏ thấp hơn giá một lít nước khoáng, người ta gọi đó là sự điên rồ. Nhưng khi giá dầu tụt xuống mức âm, hiểu một cách đơn giản là người bán muốn người mua thực hiện giao dịch để nhận dầu sẽ phải trả thêm tiền, thì chỉ có thể gọi đó là kỳ quái!

Ấy vậy mà sự kỳ quái đó đã xảy ra ở một thời điểm trong tháng 4 vừa qua. Lần đầu tiên trong lịch sử, giá dầu trên thị trường Mỹ xuống mức -30 dollar/thùng. Điều đó có nghĩa là về mặt lý thuyết, mỗi một thùng dầu giao dịch trên thị trường, người bán phải trả cho người mua 30 USD!

Từ một loại nhiên liệu quý báu mang tên “vàng đen” sưởi ấm hầu hết mọi nền công nghiệp của các nền kinh tế trên thế giới, thậm chí còn là nhiên liệu sôi sùng sục thổi bùng ngọn lửa nhiều cuộc chiến tranh nóng trong nhiều thập kỷ qua, dầu lửa đang trở nên “lạnh” hơn bao giờ hết, trong bối cảnh lạnh lẽo của kinh tế thế giới trải qua đại dịch COVID-19.

Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, nơi hai quốc gia thảo luận về hợp tác kiểm soát thị trường dầu thô. Ảnh: L.G.

Lý giải cho hiện tượng kỳ quái này, những giải thích ban đầu khá đơn giản: hết chỗ chứa! Trong điều kiện nền kinh tế thế giới vận hành một cách bình thường, số lượng dầu khai thác đưa ra thị trường giao dịch sẽ được dự trữ một phần nhưng chưa bao giờ lấp đầy các kho chứa. Bởi với sự vận hành điên cuồng của các nền kinh tế, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển, phần lớn lượng dầu khai thác sẽ được chế biến thành các sản phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ hằâng ngày.

Khi nhu cầu tiêu thụ đó cao hơn mức cung cấp thì điều đó có nghĩa là các nhà sản xuất dầu mỏ chiếm thế thượng phong so với khách hàng (cá nhân hay quốc gia thì cũng thế) tiêu thụ. Điều này lý giải tiếng nói cực kỳ có trọng lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC trong những năm 70 của thế kỷ trước.

Thậm chí dựa trên ưu thế nắm giữ nguồn cung, nhiều quốc gia OPEC thời kỳ đó đã sử dụng dầu mỏ như một loại “vũ khí” lợi hại để đánh đổi lấy những lợi ích chính trị.

Nhưng đấy là trong điều kiện bình thường! Còn ở thời điểm hiện tại, thế giới đang vận hành trong điều kiện hoàn toàn bất bình thường.

“Khủng hoảng thiếu” chỗ chứa!

Đại dịch COVID-19 xuất phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm đảo lộn hoàn toàn thế giới, đẩy nền kinh tế toàn cầu vào một tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có. Để tự bảo vệ mình khỏi sự tấn công chết người của COVID-19, hầu hết mọi quốc gia đều phải dựng lên những bức tường ngăn cách với nhau và với phần còn lại của thế giới.

Các biên giới đóng cửa, đường hàng không, đường bộ, đường thủy bị chặn. Máy bay đứng xếp hàng dài ủ rũ trên mọi sân bay lớn của thế giới. Việc cấm các phương tiện giao thông công cộng, yêu cầu giãn cách xã hội (một cách nói khác của “cách ly”) tất yếu dẫn tới tình trạng hàng tỷ người dân không sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hay cá nhân. Các nhà máy, công xưởng, xí nghiệp, do yêu cầu bảo đảm an toàn y tế bắt buộc, cũng phải cắt giảm năng lực sản xuất, đồng nghĩa với việc giảm thê thảm lượng tiêu thụ năng lượng, mà phấn lớn trong số chúng đến từ dầu mỏ!

Thế nên tất yếu dẫn tới một cuộc “khủng hoảng thừa” nguồn cung dầu mỏ và “khủng hoảng thiếu” chỗ chứa dầu!    

Theo tính toán của các chuyên gia, toàn thế giới có khả năng trữ được tổng cộng 6,8 tỷ thùng dầu. Khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu từ Trung Quốc kéo dài hơn 3 tháng, mức độ tiêu thụ giảm một cách đáng kể; với lượng dầu liên tục được bơm lên ước tính khoảng 100 triệu thùng một ngày, điều không tránh khỏi là các kho chứa đang dần được lấp đầy mà không có đầu ra.

Ở thời điểm giá dầu tụt xuống mức âm, ước tính gần 60% kho chứa trên toàn cầu đã quá tải. Chỉ tính riêng tại thành phố Cushing ở bang Oklahoma, một trong những trung tâm dự trữ dầu lớn nhất New York, chỉ còn dư chỗ cho 21 triệu thùng dầu trên tổng số 80 triệu thùng trong khả năng và dự tính sẽ đầy toàn bộ trong tháng 5 này.

Hầu hết các kho dự trữ dầu ở các nước vùng Caribe, Nam Phi, Angola, Brazil và Nigeria thậm chí còn bị quá tải trong thời gian sớm hơn. Dầu mỏ khai thác được tạm trữ ở các xà lan, trên các tàu chở dầu tải trọng lớn nhưng cũng sẽ không thể kéo dài được lâu.

Một câu hỏi đặt ra: nếu đã “khủng hoảng thiếu” chỗ chứa như thế, sao không ngừng khai thác, ít nhất là tạm thời trong khoảng thời gian COVID-19 hoành hành?

Không dễ dàng như thế. Bởi việc đóng một mỏ khai thác dầu, đặc biệt là các giàn khoan khai thác dầu trên biển, không hề đơn giản một chút nào. Nó đòi hỏi một khoản chi phí khổng lồ, với những quy trình kỹ thuật cực kỳ phức tạp. Kinh nghiệm trên thế giới từng cho thấy việc đóng một mỏ dầu đang khai thác, nếu có thể thực hiện được thì cũng không có gì đảm bảo là sẽ mở lại được những mỏ đó; nếu có mở lại được, sản lượng khai thác cũng không chắc bằng như trước khi đóng mỏ!

Đó chính là lý do khiến cho các nước khai thác dầu mỏ cực kỳ thận trọng khi quyết định đóng một mỏ đang khai thác nào đó.

Cuộc chiến địa chính trị - giá dầu

Nhưng, nếu chỉ truy xét nguyên nhân giá dầu tụt thê thảm xuống mức âm là do thiếu chỗ chứa thì cũng chưa nói lên được bản chất của cuộc khủng hoảng kỳ quái này.

Thực chất, nó còn là hệ quả của một cuộc cạnh tranh địa chính trị đượm mùi dầu mỏ giữa các quốc gia khai thác và xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới!

Trong vài năm qua, Nga và Saudi Arabia là hai quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn đã đạt được thỏa thuận về việc quản lý giá dầu trên thị trường thế giới bằng cách quy định tăng hoặc cắt giảm sản lượng ở một mức nào đó để duy trì giá dầu sao cho có lãi. Do Saudi Arabia là quốc gia chi phối trong OPEC nên một khi giữa nước này với Nga đạt được thỏa thuận thì các nước OPEC chỉ có nhắm mắt tuân theo. Cơ cấu này hoạt động hiệu quả đến mức nó được đặt biệt danh là OPEC+.

Khi mức độ tiêu thụ giảm một cách đáng kể do dịch bệnh COVID-19 kéo dài, với lượng dầu khai thác ước tính 100 triệu thùng một ngày, điều không tránh khỏi là các kho chứa đang dần được lấp đầy. Ảnh: L.G.

Từ trước đến nay, Nga vẫn là cường quốc xuất khẩu dầu mỏ và thực tế đó khiến một nghị sĩ Mỹ phải cay cú ví von rằng về cơ bản, Nga là “một trạm xăng được trang bị vũ khí hạt nhân”.

Đến tháng 3-2020, Nga bất ngờ thay đổi luật chơi, do những lý do bắt buộc. Mặc dù phải chịu sức ép nặng nề do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây, rất cần những khoản tiền mặt thu được từ giá dầu cao nhưng Nga thấy đã đến lúc phải sử dụng dầu mỏ như một “vũ khí” trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Mỹ. Do đó, đầu tháng 3, Nga từ chối cắt giảm lượng dầu khai thác, cho dù giá dầu vẫn đang sụt giảm.

Động thái này của Moscow nhằm bảo vệ thị trường xuất khẩu của mình trước một thực tế là Mỹ đang nổi lên như một cường quốc xuất khẩu dầu lớn trên thế giới. Không cắt giảm sản lượng, Nga tạo điều kiện để giá dầu tiếp tục giảm và bằng cách đó, giáng đòn chí mạng vào những nhà sản xuất dầu từ đá phiến của Mỹ, hất cẳng đối thủ ra khỏi những thị trường truyền thống của Nga, chẳng hạn như các khách hàng châu Âu.

Chiến lược này bước đầu tỏ ra có tác dụng khi các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ bắt đầu ngấm đòn, kinh doanh sa sút. Từ 815 máy khoan vào giữa tháng 3, số lượng của Mỹ giảm một cách rõ rệt, xuống còn 603 chiếc vào ngày 9-4, tức là giảm 26%. Lần đầu tiên, sản lượng dầu của Mỹ giảm mạnh, từ 13 triệu thùng/ngày xuống còn 12,4 triệu thùng/ngày.

Nhưng, Nga không ngờ đến phản ứng rất gắt của Saudi Arabia. Ngay sau khi biết quyết định của Nga không cắt giảm sản lượng, Riyath đã “phản ứng kép”: lập tức giảm giá dầu và thông báo tăng sản lượng khai thác thêm 2 triệu thùng mỗi ngày kể từ 1-4.

Cần biết rằng các quyết định của Nga (nhằm vào Mỹ) và của Saudi Arabia (nhằm vào Nga) đều được đưa ra trong thời điểm cả hai phía đều chưa coi COVID-19 là mối đe dọa thực sự đối với hai bên và phần còn lại của thế giới. Thế nên khi đại dịch COVID-19 quét qua toàn cầu khiến mức tiêu thụ dầu của toàn thế giới giảm tới hơn 10 triệu thùng mỗi ngày (riêng mức tiêu thụ của Trung Quốc đã giảm từ 2 đến 3 triệu thùng mỗi ngày), những quyết định (sai lầm) đó đã khiến giá dầu lao dốc không phanh, dẫn tới hiện tượng kỳ quái giá dầu “âm” trên thị trường thế giới (trong một thời gian ngắn).

Cả Nga lẫn Saudi Arabia (và phần nào cả Mỹ nữa trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống dịp cuối năm đang tới gần) nhanh chóng nhận thấy rằng khả năng nền kinh tế của họ bị phá hủy tới nhanh hơn nhiều trước khi đạt được mục tiêu trong “cuộc chiến giảm giá dầu”. Do đó, các nhà sản xuất dầu mỏ trên thế giới cam kết bắt đầu ngay từ tháng 5 này sẽ cắt giảm mức sản lượng dầu một cách đáng kể.

Tuy nhiên, tác động của những quyết định này không thể đến ngay trong một sớm một chiều. Khi dịch bệnh COVID-19 còn đang tiếp tục, nhu cầu đối với loại “vàng đen” này (giờ đây đã kém giá trị đi rất nhiều) sẽ khó mà hồi phục lại trong một thời gian ngắn, kể cả khi dịch COVID-19 đã được khống chế.

Khi dầu mỏ vẫn còn “lạnh”, kinh tế thế giới có nguy cơ lên cơn sốt cao.

Yên Ba
.
.