Công tư - tư công

Thứ Hai, 06/01/2020, 12:34
Lại là một câu chuyện cũ, một vấn đề cũ, của công là để phục vụ cho công việc, là phương tiện để giúp công việc có thêm điều kiện thuận lợi nhằm thu được thành quả tốt hơn, thu được lợi ích nhiều hơn, thậm chí nhanh hơn.


Như xe biển công vụ là giúp người ngồi trên xe ấy được hưởng các quyền ưu tiên hơn những người đang cùng tham gia lưu thông, người có trọng trách thì thời gian quý báu hơn những người không được giao trọng trách vậy.

Cũng như nhà công vụ, tiền nhân dạy an cư lạc nghiệp, ở nhà công vụ đã xong, phần khó nhất là an cư. Vậy thì lạc nghiệp chính là phục vụ nhân dân, lại vẫn câu cảm thán, "Đáng tiếc!".

Không thiếu gì cả

Quốc gia còn nhiều khó khăn, Chính phủ còn bộn bề lo toan, công tác phòng chống tham nhũng vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt... Tuy nhiên, có thể nhìn nhận không ngại ngần là quốc gia không để cho bất cứ quan chức nào thiếu thốn gì cả.

Muốn xe công có xe công, muốn nhà công vụ có nhà công vụ, muốn giúp việc có giúp việc, muốn thư ký có thư ký, muốn đi máy bay hạng thương gia có máy bay hạng thương gia... Hẳn nhiên, phải theo đúng tiêu chuẩn,  vị trí được quy định.

1. Nhưng rồi, sau khi hết nhiệm kỳ, xe công thành xe riêng. Nhưng rồi, sau khi đến lúc nghỉ hưu, nhà công vụ biến thành nhà tư vụ. Mà quan chức ở quốc gia mình có nghèo không, sòng phẳng với nhau thì là không có. Có thể là vì tư duy hay quan niệm xưa, một người làm quan cả họ được nhờ hay phụ mẫu chi dân hoặc đơn giản chỉ là cha chung không ai khóc, cấu được miếng nào lời miếng ấy, thêm được miếng nào hay miếng ấy.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Làm quan chức không phải là một nghề, lại càng không phải là cơ hội để vinh thân phì gia, tôi nghĩ vậy - mà có lẽ chắc mỗi tôi nghĩ như vậy. Bởi với những gì mà tôi biết, với những gì mà tôi chứng kiến, chỉ cần làm đúng pháp luật thì bổng lộc đã khiến quan nhân sống phong lưu được, ơn nghĩa mà nhân dân nhớ đã có thể giúp quan nhân lưu truyền sử sách được. Biết là thế, nhưng rồi cũng biết là làm sao.

Tôi sẽ không đưa ra những dẫn chứng cụ thể, thứ vốn đầy trên mặt báo chính thống về những công vụ phục vụ cho tư vụ nữa. Tuy nhiên, có những câu chuyện mà đến trí tưởng tượng thượng thừa nhất, đến những cây bút trào phúng xuất sắc nhất mà tôi đã từng đọc vẫn khó có thể hình dung đến. Trí tưởng tượng bao giờ cũng không theo kịp hiện thực, trước đây tôi vốn không tin điều này.

Một vài tỉnh miền Trung có chính sách rất hay khi cử con em ở tỉnh đi du học để rồi trở về phục vụ tỉnh nhà bằng tiền ngân sách. Thế giới giao thoa, họ có gì hay thì mình học, mang cái tinh hoa của họ về giúp cho nơi chôn nhau cắt rốn của mình thì còn gì bằng.

Nhưng rồi thì thành phần con em của cán bộ tỉnh vẫn chiếm suất du học nhiều, học xong lại bỏ địa phương mà đi. Quan chức nào lên báo nói cũng hợp lý về sự lý giải vì sao con em của chính họ rời bỏ quê hương mà đi, mặc cho dưới sự lãnh đạo của họ mà con em của họ vẫn rời bỏ quê hương tìm chốn có nhiều cơ hội tốt hơn thì họ không nhắc đến, họ cứ hệt như người vô can.

Và có một điều không khó để nhận ra, họ rất nhiều tiền. Số tiền bồi hoàn cho những cá nhân đi học bằng tiền ngân sách là không hề nhỏ, lại phải bồi thường gấp đôi nhưng họ vẫn phát ngôn sẽ bồi hoàn như không, toàn tiền tỷ cả. GDP bình quân cho mỗi người ở nước ta vào năm 2018 là 2.587 USD/người, tương đương 55 triệu. Cứ mỗi suất quan chức bù cho con họ sau khi đi học về có trường hợp gần 2 tỷ, có trường hợp hơn 2 tỷ.

Thật kỳ lạ là không có ai nhắc đến câu chuyện vì sao cha làm quan tỉnh này nhưng con lại bỏ tỉnh này mà đi tìm nơi chốn tốt hơn, đến con quan còn bỏ tỉnh mà đi thì nhân dân trong tỉnh đó sẽ ra sao?

Mà sát hạch thi tuyển lựa chọn kiểu gì mà con em cán bộ lãnh đạo lọt vào số nhân tài đi du học lắm vậy.

2. Lâu lắm trước tôi có đọc bài viết rất hay của Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, bài viết có đoạn "Ở Thụy Điển có một dinh thự dành riêng cho thủ tướng, nhưng hầu như không một thủ tướng nào chịu vào đó ở cả. Họ phần lớn vẫn sống trong căn hộ của mình, và nhiều người hàng ngày vẫn đến cơ quan làm việc bằng tàu điện. Ở Hà Lan, Thủ tướng thậm chí hàng ngày đi làm bằng xe đạp, không có xe dẫn đường cũng không có người bảo vệ. Chi phí cho hoạt động điều hành chính phủ ở Thụy Điển và Hà Lan nhờ đó được cắt giảm rất nhiều".

Thụy Điển giàu hơn chúng ta, Hà Lan cũng giàu hơn chúng ta, nhưng họ không cần thụ hưởng những điều từ ngân sách mà lý ra họ đáng được hưởng theo quy định. Thật khó để hiểu được tư duy của họ, nhưng mạo muội đoán định thì vật chất với họ chỉ là phương tiện chứ không phải là mục đích.

Ngay giữa Thủ đô, ngày trước có ông Chủ tịch kiên quyết không trả nhà công vụ, nhắc cũng không trả, đòi cũng không trả. Báo giới vào cuộc loạn lên cũng không trả, rồi không hiểu ai đủ sức tác động ông này mới chịu trả. Mà đã là gì đâu khi hứng chí lên ông ấy sắm cả xe Lexus với giá 5 tỷ thời điểm đó chỉ để "tiếp khách quốc tế cho oai". Tiếp được vài lần, xe ném một chỗ, mang ra đấu giá còn được 2,5 tỷ.

Cũng ngay giữa Thủ đô, một ông Bộ trưởng học tập ông nguyên Chủ tịch kiên quyết không trả nhà công vụ. Báo giới loạn xới một thời gian, ông ấy mới hứa sẽ chấp hành.

Không bàn đến đóng góp của các quan chức thích biến công vụ thành tư vụ, mặc dù cá nhân lấy công làm tư thì rất khó để hy vọng sẽ vì cái chung, bởi tầm nhìn và tư duy của họ chỉ chăm chăm phục vụ cho chính họ,

3. Những quan chức ấy có lẽ chỉ gói gọn trong một chữ, mà chữ gì thì tôi không viết ra. Dẫu cho tiền nhân có dạy, "Tham thì thâm, gieo gió thì gặt bão".

Cái gì họ cũng không thiếu, thiếu mỗi cái nhân dân cần mà thôi. May mà, họ không phải là tất cả. 

Ngô Nguyệt Lãng

Lợi ích riêng và trách nhiệm chung

Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp, có một câu khá phổ biến “tại giang hồ, thân bất do kỷ”. Còn trong các bộ phim tranh đoạt, có một câu rất thông dụng “người không vì mình, trời tru đất diệt”. 

Xưa nay, cái bản năng sinh tồn khi va đập với ganh đua xã hội, thì luôn phơi bày mọi sắc thái của sự hẹp hòi, sự ích kỷ, sự tham lam… Đặc biệt hơn, cá nhân có chút quyền lực càng dễ bộc lộ sự lấp liếm, sự vơ vét, sự hống hách… 

Vì vậy, phẩm giá của một con người thường bị đặt vào thử thách nghiệt ngã trước lợi ích riêng và trách nhiệm chung. Nếu dung hòa được hai yếu tố ấy, thì sự tốt đẹp được biểu hiện, được ca tụng. Và ngược lại, sự đê hèn không thể giấu giếm, không thể thứ tha!

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Con người, không phải thần thánh. Ai cũng có những khuyết điểm, ai cũng có những hạn chế, ai cũng có những yếu nhược. Lãnh đạo, chưa bao giờ là một nghề đơn giản. Chức vụ càng cao, danh vọng càng lớn, thì càng đòi hỏi sự hy sinh. 

Tất nhiên, hy sinh không có nghĩa… liều mạng xông lên nhắm mắt làm bừa. Hy sinh ở đây là bớt cái riêng để được cái chung, tránh tư lợi để được công vụ. Làm lãnh đạo mà thích tâng bốc, thèm hư vinh, khoái nịnh bợ, ưa khoe mẽ… thì sớm muộn cũng gieo rắc mối họa khôn lường. 

Không phải ngẫu nhiên Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch tổ chức phong trào “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở giai đoạn 2019-2025”. Bởi lẽ, lãnh đạo không mẫu mực thì quyền lực không được kiểm soát và sẽ là mầm mống cho những hậu quả đau lòng.

Để lợi ích riêng không chi phối trách nhiệm chung, thì văn hóa công sở cần được phát huy sâu rộng. Nếu phải chọn lựa giữa trách nhiệm chung và lợi ích riêng, thì lãnh đạo thực sự phải chọn vế trước. Và nếu cần thiết, cũng phải can đảm từ chức để nhường ghế cho người có trí tuệ hơn mình, có uy tín hơn mình, có đạo đức hơn mình. 

Một nhân vật phụ trách công tác tổ chức, đã có ý kiến khá thú vị, rằng: "Nhiều khi cán bộ vi phạm, họ xin thôi việc thì đó là một hình thức xử lý vi phạm rồi. Hoặc cán bộ, công chức thấy không đủ năng lực, uy tín, tôi tin là nhiều người sẵn sàng chủ động xin thôi chức. Nhưng gia đình, dòng họ lại vẫn bị nặng nề quá, căng thẳng quá thì rất khó để những cán bộ này chủ động xin thôi chức. Họ sợ bị đánh giá, ảnh hưởng đến danh dự gia đình". 

Nghe qua thì có lý, nhưng nghĩ lại thấy buồn cười. Liệu áp lực danh vọng có cản trở văn hóa công sở, mà cụ thể là văn hóa từ chức không? Chắc chắn không, nếu công chức thực sự xem công việc được giao như một trách nhiệm với cộng đồng, chứ không phải mưu cầu riêng tư. Khi đã nhận sự phân công của đơn vị có quy mô dù lớn dù nhỏ khác nhau, thì tiêu chí cống hiến và phụng sự phải được đặt lên hàng đầu. 

Văn hóa công chức được xây dựng trên nền tảng văn minh của những cá nhân được trao gửi quyền lực. Văn hóa công chức không thể đổ lỗi cho người khác, và cũng không thể phiền lụy vì thèm khát của thân nhân hoặc ham hố của dòng họ. Văn hóa từ chức không hề làm ảnh hưởng đến danh dự gia đình, mà chỉ khiến làm gia đình thêm tự hào vì có một thành viên biết tự trọng!

Làm người có chí hướng, ai cũng có nhu cầu thăng tiến và vinh hiển. Thế nhưng, văn hóa công sở nhất định phải bắt đầu từ sự tự trọng. Một công chức biết gìn giữ nhân phẩm thì cũng thừa khả năng để đánh giá tài lực bản thân ra sao. Khi mình không đảm đương được công việc, thì phải biết lui ra để người khác gánh vác kỳ vọng của bá tánh. Đó là điều bình thường để góp phần thúc đẩy sự ổn định và sự tiến bộ của một đoàn thể và của một dân tộc. 

Cái áo cà sa chưa bao giờ làm nên thân phận thầy tu. Nhìn thật khách quan và thật nghiêm túc, chỉ có con người làm sang trọng cho cái ghế, chứ không có cái ghế nào có thể làm sang trọng cho con người. Nếu cố chấp thị phi và lạm dụng che đậy, cứ gắng gượng níu giữ danh vọng miễn cưỡng thì biểu hiện “y phục bất xứng kỳ đức” càng lộ rõ, sai lầm càng nghiêm trọng.

Trong thời đại hội nhập, mỗi hành vi cá nhân đều được giám sát và điều chỉnh từ môi trường xung quanh. Vì vậy, đã đến lúc kiến thiết văn hóa công sở như một vẻ đẹp của đời sống hiện đại. Để làm được điều ấy, không thể không tuyệt đối xóa bỏ quan niệm lệch lạc “một người làm quan cả họ được nhờ”. 

Phải hình thành suy nghĩ tích cực và đúng đắn rằng, người nhận lãnh chức vụ phải biết hy sinh những lợi ích cá nhân! Giá trị của một công chức nằm ở yếu tố đóng góp vào thành quả chung, chứ không phải nằm ở mức lương thưởng định kỳ và số bổng lộc bí mật mà cá nhân nhận được. Cố bám chức vụ để thu vén cho người thân là một tệ nạn đáng xấu hổ. Mặt khác, văn hóa công sở càng không thể tồn tại trên ý thức lem nhem “hy sinh đời bố củng cố đời con”.

Thành đạt trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng khó, mà sự thành đạt trên quan trường càng khó gấp bội, thậm chí khó gấp trăm, khó gấp ngàn. 

Bởi lẽ, một người đã làm lãnh đạo thì không thể chỉ biết nghĩ cho bản thân, mà phải biết nghĩ cho tập thể, mà phải biết nghĩ cho xứ sở, mà phải biết nghĩ cho dân tộc. Lãnh đạo dù cấp thấp hay cấp cao, nếu mải mê chăm lo ngọt lạt đủ đầy cho nồi canh niêu cơm nhà mình, và tệ hại hơn là dang tay che chắn cho vợ con lẫn phe cánh ăn trên ngồi trốc, thì sớm muộn cũng xảy ra bi kịch. 

Nặng, có thể là bi kịch tù tội. Nhẹ, có thể là bi kịch tai tiếng. Thế nhưng, dẫu nặng hay nhẹ, thì cái bi kịch mà người lãnh đạo tự chuốc lấy kia cũng khiến những người xung quanh bị tổn thương sâu sắc. 

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn

Nghệ thuật thay áo

“Vào ngày 6-9-2019, Hội cựu chiến binh Việt Nam và các Mạnh thường quân đã trao tặng căn nhà nghĩa tình cho ông Lê Văn Tuấn (ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) giá trị 250 triệu đồng. Cùng với căn nhà, ông Tuấn còn nhận được một sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng. Theo phản ánh của người dân, căn nhà ông Tuấn được nhận có diện tích 80m2, xây theo kiểu Thái và có cả chỗ để đậu xe hơi”.

Đó là nguyên văn những gì mà báo giới loan tin mấy ngày giữa tháng 12 vừa rồi. Và những chi tiết đọng lại là diện tích (80m2), là kiểu Thái và có chỗ đậu xe hơi. Sở dĩ chúng đọng lại ngay trong đầu người đọc là bởi một lý do rất đơn giản. Cái ông cựu chiến binh Lê Văn Tuấn ấy chính là Phó chủ tịch HĐND huyện Châu Thành. Sự mỉa mai có lẽ được đẩy lên đến tận cùng cũng bởi lẽ đó.

Minh họa của Ngô Xuân Khôi.

Thực tế, tặng một căn nhà cho một cựu chiến binh là chuyện rất đáng làm. Xương máu người lính đã đổ xuống là vô giá. Có những ngày hòa bình mà chúng ta được sống từ mấy chục năm nay cũng là nhờ vào máu xương của những người lính cả. Ghi nhận công lao của những người lính hi sinh cả tuổi xuân, hi sinh máu xương, hi sinh khát vọng riêng tư cho đại nghiệp là nghĩa cử cần phải có. 

Nhưng, trên dải đất này có biết bao nhiêu người cựu binh còn chưa có một đời sống ở mức “cận nghèo” chứ đừng nói là đủ ăn. Tại sao họ không được nhận những nghĩa cử kia trước ở một phong trào mà sự ưu tiên phải dựa trên mức sống thực tế trước nhất chứ không phải dựa trên những vẽ vời nào đó mà chúng ta khó có thể tưởng tượng ra.

Phải chăng, cùng là lính với nhau, nhưng áo của những người lính vô danh và những người lính có địa vị xã hội như ông Tuấn là khác màu?

Trong cuốn sách “Đừng kể tên tôi” của nữ nhà văn Phan Thúy Hà, có rất nhiều cựu binh Trường Sơn đang sống một đời sống khổ cực mà không ai có thể hình dung ra nổi. Cuốn sách ấy cũng tạo nên tiếng vang một thời gian dài và tôi tự hỏi, có ai đã xây cho họ được một căn nhà, với yêu cầu đơn giản thôi là kiểu Việt Nam và không cần bãi đỗ xe hơi mà chỉ cần chỗ để buộc con trâu là đủ.

Người có công tất nhiên phải được tưởng thưởng nhưng khi công của mình không phải là lớn nhất mà đời sống của mình vẫn còn sung túc hơn nhiều người, việc leo lên hàng đầu nhận quà tình nghĩa nó vô cảm kinh khủng. Có chăng, câu hỏi “Sao tôi quên, sao tôi quên?” mà nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn viết ngày nào chính là một dự báo cho những việc như cách ông Lê Văn Tuấn thản nhiên nhận căn nhà tình nghĩa kiểu Thái và có chỗ đậu xe hơi kể trên?

Tôi quay trở lại với câu hỏi màu áo ở trên. Chúng ta không thể phủ nhận được đang tồn tại một thực tế đắng ngắt là có quá nhiều quan chức bây giờ đổi màu áo nhanh quá, chỉ vì cái lợi riêng cho mình. Như ông Lê Văn Tuấn chẳng hạn. Khi cần là một quan chức thì ông mặc áo Phó chủ tịch HĐND. Khi cần thêm một tài sản thì ông lại cởi áo quan để mặc chiếc áo lính đã bạc màu, mà cái bạc nên bỏ vào ngoặc kép nó mới đủ nghĩa.

Xa hơn câu chuyện ở huyện Châu Thành kia là câu chuyện của con quan chức ở Quảng Ngãi đi du học nước ngoài bằng tiền ngân sách mà không quay về phục vụ quê hương theo đúng quy ước nhận học bổng tài trợ. Học bổng vốn dĩ được tạo ra cho nhân tài và tôi đang tự hỏi: cả tỉnh Quảng Ngãi, trong cùng một thế hệ chẳng lẽ không còn ai tài hơn con cái của 4 quan chức đầu tỉnh sao? Nếu chỉ có họ là giỏi bậc nhất thì cái giỏi của họ liệu mang lại lợi ích thực tế nào khi cái đòi hỏi cơ bản nhất trước khi nhận tiền tài trợ từ ngân sách là “phải quay về địa phương” mà họ cũng không hiểu? Nó là một cam kết mang tính hợp đồng. Không đủ nhận thức để tôn trọng một cam kết, giỏi đến mấy cũng vứt.

Khó có thể hình dung nổi ở đâu lại có sự lạm dụng quyền lực đến mức như thế ở Việt Nam. Những chiếc xe biển xanh chiếm mọi quyền ưu tiên khi chở quan chức và người nhà quan chức đi làm việc riêng là điển hình cơ bản nhất của cái lạm dụng quyền lực ấy. Thậm chí, nhiều khi cái xe hơi là tài sản cá nhân của gia đình quan chức thôi nhưng cũng cố “đổi áo” để khoác cái biển xanh ưu tiên vào và sử dụng quyền lực đó để hù dọa những chiến sĩ cảnh sát giao thông (CSGT) phơi mưa dãi nắng trên đường.

Các cụ xưa hay nói về bậc quân tử bằng một câu trong Luận ngữ là “Chiếu trải không vuông vức không ngồi. Thịt thái không vuông miếng không ăn”. Nhưng những điều chúng ta phải chứng kiến bao lâu nay đang cho thấy cái tham lam lạm dụng quyền lực nó manh mún và thảm hại vô cùng. 

Từ những thứ nhỏ nhặt, vặt vãnh nhất (như kiểu tránh bị CSGT thổi phạt nếu vi phạm) cho tới những thứ to lớn, hoành tráng, lòng tham ấy vẫn trải ra không ngừng. Đã có những quan chức đã không chỉ mất đi cái liêm chính cần có ở chốn quan trường mà còn mất luôn cả những phẩm hạnh cuối cùng của một con người quân tử.

Trong thế giới của những điệp viên, những ai tài ba xuất sắc vẫn luôn được cộng đồng thần tượng. Nhưng cũng trong thế giới ấy, những điệp viên hai mang dù xuất chúng đến mấy cũng không chiếm được cảm tình. Cơ bản, con người ta sống cần cái sĩ diện và không thể nào lật mặt, thay áo liên tục như con tắc kè hoa chỉ để phù hợp với tiêu chuẩn của một quyền lợi nào đó. 

Nhưng điều đáng buồn là cái “nghệ thuật thay áo” ấy ngày càng phổ biến và điệu nghệ ở chốn quan trường xứ mình. Thoáng một cái họ đã màu trắng. Chớp mắt qua họ lại màu xanh. Miễn sao, họ thể hiện được quyền lực và nhận về quyền lợi là được. 

Còn nghĩa vụ ư? Dường như họ dễ quên. Thế nên mới bảo, nhiều quan chức Việt Nam hôm nay chỉ là quan chức một nửa. Tức là họ chỉ có nửa quyền lợi mà thôi, nửa nghĩa vụ, họ bỏ đâu mất rồi. 

Hà Quang Minh

Ngô Nguyệt Lãng - Lê Thiếu Nhơn - Hà Quang Minh
.
.