Cơn “sóng thần” chết chóc
- Kinh hãi cảnh biển người bất chấp COVID-19 tham dự lễ tang tại Ấn Độ
- Nỗi lo "thảm kịch" Ấn Độ lan ra châu Á
Thảm cảnh nơi tiểu lục địa Ấn Độ
Cơn “sóng thần” chết chóc mang tên COVID-19 đang quét qua tiểu lục địa Ấn Độ, để lại những thảm cảnh khiến cả thế giới kinh sợ.
Cứ mỗi ngày qua đi, Ấn Độ lại ghi nhận thêm những kỷ lục tang thương về số người lây nhiễm COVID-19 cũng như số lượng tử vong vì con virus chết chóc này kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc hơn một năm trước đây. Trong nhiều ngày liên tiếp, số lượng người nhiễm COVID-19 đều đạt kỷ lục thế giới, vượt mức 300.000 ca, trong khi số lượng tử vong cũng đều đặn vượt ngưỡng khủng khiếp 3.000 người mỗi ngày. Hệ thống y tế của quốc gia Nam Á này đã có những dấu hiệu không chịu đựng nổi sức tấn công hung hãn của COVID-19.
Các bệnh viện từ chối tiếp nhận bệnh nhân mắc COVID-19 vì đã hoàn toàn quá tải. Báo chí đưa tin có những bệnh nhân đến được cổng bệnh viện rồi chết tại đó vì không được nhập viện. Nhiều bệnh viện cạn kiệt nguồn cung cấp oxy khiến cho số lượng bệnh nhân tử vong cao một cách bất thường.
Ảnh: L.G |
Cá biệt có những bệnh viện như ở Gorakhpur đã phải thực hiện lựa chọn đau lòng là sau khi nhận được sự đồng ý của gia đình bệnh nhân, rút máy thở của những bệnh nhân lớn tuổi không có tiến triển sau thời gian dài cứu chữa để nhường dưỡng khí cho những bệnh nhân trẻ tuổi có cơ hội sống lớn hơn.
Các lò hỏa táng gần như bị nung chảy do không tắt lửa trong 24 giờ đồng hồ mỗi ngày. Và cho dù chạy hết công suất, các lò hỏa táng vẫn không sao đáp ứng nổi việc xử lý số tử thi do COVID-19 gây ra khiến người ta phải tổ chức thiêu xác ngay tại các khu vực lộ thiên. Những bức ảnh chụp các giàn thiêu xác dã chiến đỏ lửa ngày đêm giống như quang cảnh trong những bộ phim kinh dị về địa ngục.
Thế giới kinh hoàng trước cảnh tượng tang thương, trước hậu quả khốc liệt do đại dịch COVID-19 gây ra ở Ấn Độ.
Điều đáng sợ là dường như những cảnh tượng chết chóc đó chưa phải là đỉnh điểm của đại dịch. Nhiều chuyên gia đưa ra những dự đoán u ám về số lượng người nhiễm bệnh và tử vong ở Ấn Độ sẽ còn tiếp tục tăng lên và đạt đỉnh trong những ngày tháng 5-2021.
Trong khi đó, lượng oxy tiếp tục thiếu hụt tạo áp lực cực lớn lên các nhà máy sản xuất oxy. Từng được coi là hiệu thuốc của thế giới, là nguồn cung cấp vaccine chống COVID-19 cho các nước khác, giờ đây, chính Ấn Độ đang lâm vào tình trạng thiếu hụt vaccine, phải nhập khẩu...
Tất cả báo hiệu một tương lai u ám trước đại dịch ở quốc gia Nam Á này.
Chuỗi sai lầm
Vì đâu mà một quốc gia mới chỉ vài tuần trước còn tự tin cho rằng đã bước vào giai đoạn cuối của cuộc chiến chống COVID-19 và khống chế thành công đại dịch, giờ bỗng dưng lại bị nhấn chìm trong cơn “sóng thần” chết chóc này?
Tháng 3-2020, Ấn Độ là một trong những quốc gia hiếm hoi trên thế giới thực hiện phong tỏa toàn quốc để chống đại dịch, một biện pháp khắc nghiệt không dễ thực hiện với một quốc gia có tới 1,3 tỷ dân. Biện pháp này có thể đã gây nên những hệ quả nghiêm trọng cho nền kinh tế Ấn độ cũng như đời sống của người dân. Thế nhưng, với chính quyền Ấn Độ khi ấy, mối đe dọa của COVID-19 là nguy cơ lớn nhất, hiện hữu và cần phải ngăn chặn bằng mọi giá, không để nó lây lan.
Biện pháp mạnh này đã mang lại kết quả tích cực. Số lượng người tử vong thấp hơn nhiều so với mức dự đoán của các chuyên gia. Số ca nhiễm hằng ngày cũng giảm mạnh sau khi đạt tới đỉnh điểm 100.000 ca mỗi ngày vào hồi tháng 9-2020.
Chính vào thời điểm đó, đã bắt đầu một loạt sai lầm khiến cho Ấn Độ phải trả giá cực đắt sau này.
Đầu tiên là niềm tin sai lầm về việc Ấn Độ có thể đạt tới tình trạng miễn dịch cộng đồng để dễ dàng vượt qua đại dịch COVID-19. Niềm tin này xuất phát từ những nghiên cứu cho rằng đa phần người dân Ấn Độ, ngoại trừ tầng lớp nhà giàu và trung lưu, do làm việc ngoài trời nhiều nên hấp thụ một lượng lớn vitamin D, do đó cơ thể tăng khả năng chống chịu các loại virus. Những người theo lý thuyết này cho rằng tỷ lệ tử vong thấp trong khoảng thời gian cuối năm 2020 chứng minh cho luận điểm này.
Nhưng, họ đã không học được bài học đắt giá từ những nước như Thụy Điển hay Anh, vốn đã từng có thời gian đặt niềm tin sai chỗ vào khả năng miễn dịch cộng đồng và do vậy, đã phải hứng chịu những hậu quả đau đớn do đại dịch COVID-19 gây ra.
Sau một thời gian “thả lỏng” xã hội với niềm tin vào khả năng miễn dịch cộng đồng và kết quả là số lượng nhiễm bệnh cùng tỷ lệ tử vong cao vọt so với các quốc gia có cùng điều kiện xã hội xung quanh, giới chức các nước này buộc phải chính thức thừa nhận sai lầm về mặt chính sách, dẫn tới những hậu quả tang thương cho xã hội.
Những sai lầm của các nước này trong giai đoạn đầu của đại dịch COVID-19 chứng tỏ rằng trong những thời điểm then chốt, một chính sách đúng đắn là cần thiết và có giá trị hơn là một liều vaccine (khi ấy còn chưa được chế tạo ra). Nếu chính sách sai lầm, không phải chỉ một vài cá nhân mà toàn xã hội sẽ phải trả giá.
Nhưng, sai lầm thứ hai mới là nguyên nhân chính yếu dẫn đến thảm kịch nhân đạo hiện tại ở Ấn Độ.
Cho đến đầu năm 2021, các nhà chức trách Ấn Độ đã hành động như thể đại dịch COVID-19 không còn tồn tại. Các cuộc mít-tinh đông người, với quy mô lớn, được phép diễn ra. Đặc biệt, bất chấp các nguy cơ truyền bệnh COVID-19 trong môi trường đông người, giới chức Ấn Độ đã cho phép hàng triệu tín đồ tham gia vào các lễ hội tôn giáo với chủ trương “niềm tin vào Thượng đế sẽ chiến thắng nỗi sợ virus”.
Một điển hình của hiện tượng này là lễ hội Kumbh Mela, một trong những lễ hành hương thiêng liêng nhất của người theo đạo Hindu đã diễn ra bên bờ sông Hằng với hàng triệu người tham gia. Đa phần trong số hàng triệu người tập trung vào một chỗ này không đeo khẩu trang, không giãn cách, biến những lễ hội như vậy thành sự kiện “siêu lây nhiễm”, môi trường lý tưởng để virus lây lan với tốc độ chóng mặt, gieo rắc cái chết vô hình sẽ biến thành thảm kịch trong nhiều ngày sau đó...
Chuông nguyện hồn ai!
Thế giới đã không đánh giá đúng tầm mức nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 ở Ấn Độ. Đến khi thảm kịch xảy ra, viễn cảnh về một tai họa mang tính toàn cầu bắt nguồn từ đại dịch đang hoành hành ở Ấn Độ hiển hiện.
Được coi là nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới, Ấn Độ đã tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine cho các quốc gia nghèo, đang phát triển trên thế giới. Hiện tại, thống kê sơ bộ cho thấy có tới 92 quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào nguồn cung vaccine từ Ấn Độ.
Đại dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ trên diện rộng tạo môi trường thuận lợi để virus đột biến hình thành những biến chủng mới.Ảnh: L.G |
Đến khi Ấn Độ bị dìm vào giữa cơn bão COVID-19 dẫn tới tình trạng thiếu thốn vaccine cũng như tốc độ tiêm chủng vaccine diễn ra quá chậm chạp, đương nhiên là nhà chức trách Ấn Độ siết chặt lại nguồn xuất khẩu vaccine chống COVID-19 ra nước ngoài. Trước khi đại dịch bùng nổ, Ấn Độ đã tham gia chương trình COVAX nhằm cung cấp khả năng tiếp cận công bằng với vaccine COVID-19. Đến khi bị cơn “sóng thần” COVID-19 tấn công, Ấn Độ đóng băng xuất khẩu vaccine, kể cả cho chương trình COVAX, để dành vaccine sử dụng đáp ứng nhu cầu trong nước. Kết quả là chuỗi cung ứng vaccine trên toàn thế giới chịu một sức ép cực lớn; ít nhất là 92 nước nghèo nhận vaccine từ chương trình COVAX bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), việc Ấn Độ rút khỏi chương trình để lo chuyện trong nước đã khiến COVAX thiếu 90 triệu liều vaccine dự kiến dành cho 60 quốc gia có thu nhập thấp trong tháng 3 và tháng 4.
Một mối lo ngại khác, đáng kể hơn, chính là việc đại dịch COVID-19 bùng phát ở Ấn Độ trên diện rộng, với nhiều người không được chữa chạy kịp thời, đã là môi trường thuận lợi để virus đột biến, tạo ra những biến chủng mới, độc lực mạnh hơn, “thông minh” hơn để thích nghi với những loại vaccine mà con người chế tạo ra.
Điều đáng nói còn nằm ở chỗ người ta đã phát hiện ra những biến thể mới của virus COVID ở Ấn Độ đã xâm nhập vào hàng chục quốc gia trên thế giới, đặt ra một thách thức không nhỏ cho mạng lưới y tế toàn cầu cũng như bản thân các nước có hệ thống y tế còn yếu kém.
Nhận thức rõ những nguy cơ đó, thế giới đã điên cuồng lao vào giúp Ấn Độ khắc phục hậu quả của đại dịch.
Mỹ, Anh, Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) gấp rút gửi máy thở và nguyên liệu vaccine trong khi một loạt quốc gia khác cũng cam kết hỗ trợ để giúp Ấn Độ vượt qua khủng hoảng. Pháp, New Zealand và Tây Ban Nha cam kết chia sẻ một số liều lượng của họ cho chương trình COVAX để giúp làm giảm căng thẳng thiếu hụt vaccine cho các nước nghèo do sự rút khỏi chương trình này của Ấn Độ.
Ngay cả Trung Quốc, quốc gia đang trong tình trạng tranh chấp biên giới với Ấn Độ, cũng tuyên bố sẽ gửi vaccine cho nước láng giềng nhưng không nói chi tiết sẽ gửi bao nhiêu và khi nào gửi.
Dường như, trong lúc này, giúp Ấn Độ cũng là giúp mình! Xin đừng hỏi chuông nguyện hồn ai, chuông nguyện hồn anh đó!