Con đường của một nghệ sỹ
Tôi đã nói với anh ấy hãy cứ viết như anh ấy không thể không viết. Có thể đến một ngày nào đó, một cô bé trong nỗi tuyệt vọng đã vô tình rút tập thơ của nhà thơ trên một giá sách phủ nhiều bụi. Cô bé đọc những câu thơ trong tập thơ và rồi ngước mắt nhìn ra ô cửa đang rực nắng.
Trên gương mặt buồn bã bỗng tràn ngập ánh sáng và những giọt nước mắt của hạnh phúc đẹp như những viên ngọc lăn trên đôi má. Sáng tạo thơ ca giống như làm những việc tốt mà chúng ta không cần mọi người phải biết đến. Khởi nguồn của sự sáng tạo là nhu cầu tự thân của nhà thơ. Emily Dickinson, nhà thơ danh tiếng nước Mỹ chỉ được mọi người biết đến khi bà đã qua đời.
Tranh: Nguyễn Quang Thiều. |
Bà sống khép kín trong ngôi nhà của mình cả cuộc đời. 1.800 bài thơ bà viết chỉ là những cuộc độc thoại trong cô đơn, trong bất trắc của bà cùng một cái nhìn xuyên qua cuộc đời mình. Sau khi mất, người ta đã tìm thấy những bài thơ của bà chất đầy trong căn phòng nhỏ bé và cô độc.
Và những bài thơ đó đã đưa bà đứng vào những nhà thơ lớn nhất nước Mỹ. Lúc còn sống, có dăm ba bài thơ của bà được in trên một tờ báo nhỏ nào đó và không ai để ý. Bà cũng không để ý. Bởi bà không ngồi xuống viết những câu thơ đầy số phận với một thèm khát rằng thiên hạ phải cúi đầu kính phục và tôn vinh bà. Bà chỉ là người đối thoại với chính con người mình. Và bà đã hạnh phúc vì điều đó.
Tôi thường nghĩ về con đường sáng tạo thơ ca thông qua cuộc đời của Emily Dickinson. Nếu và nghĩ bà sáng tạo những bài thơ để thiên hạ phải cúi đầu hay để bà có thể đứng trên đầu tất cả những nhà thơ khác thì những bài thơ sẽ chết theo bà mà không để lại dấu tích gì trong đời sống.
Thơ ca hay nghệ thuật thật kỳ vĩ nhưng luôn chọn một lối đi lặng lẽ và giản dị nhất. Thơ ca hay bất cứ một tác phẩm nghệ thuật nào trước tiên nó phải là và chỉ là đời sống riêng của con người nghệ sỹ đó. Chỉ như thế chúng ta mới có những nhà thơ ở mọi thời đại.
Nếu làm thơ hay sáng tạo nghệ thuật chỉ để tranh giành cao thấp thì chỉ có những kẻ liều lĩnh và không hiểu biết mới tiếp tục sáng tạo khi nhân loại đã có biết bao những vĩ nhân được sinh ra trước đó. Cũng như những bông hoa dại nhỏ bé ven chân đê không dám sinh ra và không dám nở hoa khi bên cạnh nó là những cái cây khổng lồ.
Cũng như một điều đơn giản là mỗi chúng ta có một gia đình riêng và chỉ chúng ta mới cảm nhận được chúng ta hạnh phúc hay bất hạnh trong gia đình của mình. Tại sao những người bố người mẹ lại tràn ngập yêu thương và hạnh phúc với những đứa con không trở thành thiên tài như con cái của một gia đình khác?
Tại sao cả những người bố người mẹ yêu thương và hạnh phúc với cả những đứa con tật nguyền của mình? Nếu nói họ hãy đổi đứa con tật nguyền của mình để lấy một đứa trẻ khác lành lặn họ sẽ không bao giờ đổi. Sáng tạo nghệ thuật mang bản chất như vậy.
Chỉ người nghệ sỹ mới biết mình hạnh phúc đến nhường nào. Trong trường ca Nhân chứng của một cái chết, tôi có viết về một nhà hát trong một trận mưa bão mà tất cả các khán giả bỏ về. Sân khấu trống rỗng người xem. Nhưng người nghệ sỹ vẫn bước lên và thực thi phận sự của mình:
''Cả nhà hát chỉ còn lại mênh mông một sa mạc ghế. Chiếc áo khoác của ai đó bỏ quên giống như một con đà điểu. Nhưng anh không thể nào bỏ dở vở diễn này. Vì cảnh cuối kẻ tàn tật là anh sẽ phải chết. Dù không ai chứng kiến và giám sát cái chết của anh. Anh vẫn phải bước xuống cái huyệt sâu đào sẵn.
Anh xem đồng hồ, tự bật đèn, tự gióng trống và tự kéo ròng rọc mở màn. Và từng bước anh bước ra sân khấu. Không tiếng nguyền rủa, không tiếng kêu sợ hãi. Không ánh mắt người thân đau khổ, không tiếng khóc òa ra.
Không lệnh ân xá được đọc lên đột ngột. Anh bước về phía huyệt sâu vẽ bằng phấn trên sàn diễn. Không ai nhìn thấy cái chết của anh. Nhưng anh phải chết và anh không lưỡng lự. Và đấy là thiên chức của anh.
Anh bước xuống cái huyệt giả và anh thấy đất rơi trên người anh. Anh thấy hơi lạnh dâng lên từ từ trong người anh như nước dâng lên trong nhà hát. Và lúc này chỉ mình anh biết được cái chết của mình. Và cũng chỉ anh biết được trái tim anh đau đớn và kiêu hãnh biết nhường nào'' (Nhân chứng của một cái chết - Khúc 15)
Không ít lần, báo chí hỏi tôi đến bao giờ Việt Nam sẽ có nhà thơ đoạt giải Nobel. Tôi không trả lời được câu hỏi đó, bởi tôi không nhận thấy những dấu hiệu nào cho thấy có những nhà thơ viết như chỉ để chống lại nỗi cô độc và khám phá thế giới trong chính con người mình.
Quả thực, trong hầu hết các câu chuyện của các nhà thơ trong các cuộc gặp gỡ ở quán cà phê, quán rượu…. chỉ là để chê bai một nhà thơ khác có vẻ nổi tiếng hơn mình hoặc để nói thơ mình hay như thế nào.
Có những nhà thơ mới dịch được vài chùm thơ hoặc một tập thơ ra nước ngoài thì nghĩ mình đã thành nhà thơ của thế giới, còn những nhà thơ khác thì lại tuyên bố rằng nếu thơ họ được dịch ra nước ngoài thì thế giới sẽ phải nghiêng mình trước họ. Tôi nói những điều này ra không phải để chế giiễu bất cứ nhà thơ nào ở trong một hai trường hợp trên. Tôi chỉ nói để chúng ta thấy rằng: các nhà thơ xứ Việt đang đi lạc đường trong cái gọi là sáng tạo thơ ca mà thôi.
Niềm hạnh phúc lớn lao nhất đối với một nghệ sỹ là thời gian người nghệ sỹ đó đang sáng tạo. Bởi văn bản sau khoảnh khắc sáng tạo đó có thể chẳng bao giờ là một văn bản nghệ thuật hoàn thiện hoặc không phải là một văn bản nghệ thuật.
Trong lúc sáng tạo, người nghệ sỹ đã đọc được một văn bản quan trọng nhất ở bên trong tâm hồn mình. Khi nhà thơ viết xong một bài thơ thì nhà thơ đã có một văn bản thực sự kỳ diệu trong chính cảm nhận của anh ta về đời sống.
Khi một người viết một bài thơ về mẹ mình, về con mình, về một người thương yêu của mình thì người đó đã có một tình yêu chảy trong máu của mình cho dù cái văn bản chữ vừa sinh ra chẳng mang lại chút gì đáng giá cho người đó và đặc biệt những người xung quanh.
Khi chúng ta đứng trước phần mộ của một người thân yêu đã khuất với những ký ức đẹp đẽ về người đó thì người đã khuất lại trở về và sống trong ký ức của chúng ta. Nếu chúng ta thấu hiểu được điều này thì chúng ta thấu hiểu được sự sáng tạo nghệ thuật. Chưa một nhà thơ danh tiếng nào hay một nghệ sỹ nào lại có thể dự định được vị trí hay giá trị của tác phẩm của mình trong đời sống xã hội như thế nào.
Nhưng anh ta biết được anh ta đang hạnh phúc, đang đắm mê trong sáng tạo và anh ta nhận ra những biến động mỹ học trong tâm hồn của chính anh ta. Bản chất của sáng tạo nghệ thuật là như thế. Còn số phận của cái gọi là tác phẩm không phụ thuộc vào bất cứ dự định ban đầu nào của anh ta và đặc biệt của những kẻ đầu ngập tràn ảo tưởng.
Danh họa Van Gogh chỉ vẽ như không thể không vẽ với cảm giác nếu ông dừng vẽ là mọi ý nghĩa sống của ông kết thúc. Ông đâu biết đến một ngày nhân loại đã đón chào những tác phẩm của ông như thế. Chúng ta sau này than khóc cho số phận nghèo đói của ông. Chúng ta đã hoàn toàn sai lầm.
Ông là một người thực sự hạnh phúc. Bởi ông đã được sống với toàn bộ trí tưởng tượng phi thường, được tới những vương quốc của cái đẹp và những giấc mơ khổng lồ mà chúng ta không bao giờ tới được. Sự sai lầm này vẫn kéo dài mãi. Và điều tồi tệ nhất là sự sai lầm này lại ở trong quá nhiều những người mang danh nghệ sỹ. Thượng đế cho họ một khả năng giống như cho họ một chiếc chìa khóa để bước vào thế giới của cái đẹp, của tự do.
Nhưng họ lại dùng chiếc chìa khóa đó loay hoay cả đời tìm một ổ khóa để săn lùng một căn phòng nhục dục nhiều bóng tối của hư danh và những điều phù phiếm, của những tranh giành cao thấp. Chủ nghĩa thực dụng không phải chỉ là sự thèm khát vật chất vô độ mà là sự thèm khát danh tiếng đến rồ dại. Hiện thực cho thấy, có không ít nghệ sỹ khi sống chỉ dồn hết thời gian vào việc xưng hùng xưng bá. Nhưng khi họ tan vào cát bụi thì những người sống đã lãng quên họ ngay lập tức.
Thị xã Hà Đông, 6/12/2019