Ma túy - không phải là đẳng cấp

Cơn ác mộng

Chủ Nhật, 30/09/2018, 09:45
Thỉnh thoảng chúng ta vẫn hay thấy báo chí, truyền hình đưa tin về những người dùng ma túy đá và bị ảo giác. Họ có những hành động kỳ quái như leo lên nóc nhà, lên cột điện, hành động gây rối trật tự công cộng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng người khác. 

Vụ việc 7 thanh niên tử vong và nhiều người khác hôn mê do sốc ma túy tại Lễ hội âm nhạc “Trip to the moon” diễn ra tại Hồ Tây (Hà Nội) vừa qua, thật sự là hồi chuông cảnh báo không thể to hơn, vọng hơn về thực trạng người trẻ sử dụng ma túy tổng hợp ở nước ta.

Ma túy chưa bao giờ là một đẳng cấp để khẳng định chính mình.


Thực tế là đã có những cái chết một cách rất vô cớ, thương tâm do người dùng ma túy tổng hợp gây ra cho cộng đồng.

Và mới đây nhất, tại đại nhạc hội ở Hồ Tây, Hà Nội, 7 thanh niên đã tử vong, 5 người hôn mê nghi vì sốc ma túy. Theo kết quả xét nghiệm, tất cả đều dương tính với ma túy tổng hợp. Có thể nói đây là một thông tin gây sốc với cộng đồng, ở Việt Nam, chưa bao giờ một đại nhạc hội lại trở nên tang thương vì ma túy tổng hợp như vậy.

Minh họa:  Ngô Xuân Khôi

Nạn nhân là những thanh niên còn rất trẻ, tuổi đời từ 18 và ngoài đôi mươi. Cái tuổi thường thấy của ngông cuồng và nhiều dại dột. Rất dễ hiểu rằng, ma túy chính là chất kích thích để đám bạn trẻ “cháy” hết mình trong đêm nhạc điện tử sôi động đó. 

Và kết quả là, có thể họ đã dùng quá liều nên bị sốc và không kịp cứu chữa. Chính vì thế mà ở các lễ hội âm nhạc tương tự ở nước ngoài, người ta khuyến cáo không dùng bất cứ thứ gì được cung cấp tại lễ hội vì nó có thể chứa chất kích thích.

Các thống kê của ngành y tế cho thấy rằng, hiện nay, ma túy đá (ma túy tổng hợp) là một trong những nguy cơ đáng sợ nhất đối với giới trẻ: Dễ mắc, dễ kiếm, dễ sử dụng nhưng khó cai. Và hậu quả của các loại ma túy tổng hợp gây ra là không thể lường trước được và người nghiện ma túy tổng hợp đang gia tăng rất nhanh, đặc biệt là ở giới trẻ.

Như đã nói, tuổi trẻ ai cũng có những lúc ngông cuồng và dại dột. Và trong một xã hội, hay gần nhất là một gia đình không được quản trị tốt thì những người trẻ dễ phải trả giá đắt cho sự ngông cuồng của mình.

Ở phạm vi xã hội, có thể thấy rằng tình hình tội phạm ma túy diễn biến rất phức tạp, từ vận chuyển, mua bán đến người sử dụng ma túy. Bản thân lực lượng chức năng phòng chống tội phạm ma túy cũng có những hạn chế nhất định mà chưa thể khắc phục được để đáp ứng những diễn biến trong tình hình mới. 

Và điều dễ thấy nhất chính là công tác tuyên truyền về phòng chống ma túy còn yếu; nhiều địa phương thiếu kinh phí, không thực hiện hoặc có tuyên truyền cũng chỉ là hình thức, qua loa vào tháng hành động phòng chống ma túy.

Cụ thể là ngay tại đại nhạc hội âm nhạc ở Hồ Tây vừa qua, câu hỏi đặt ra là cơ quan chức năng cấp phép và chịu trách nhiệm về an ninh trật tự, an toàn của lễ hội đã ở đâu, làm gì khi hàng loạt thanh niên sử dụng ma túy tổng hợp, nhiều loại ma túy khác nhau dẫn đến sốc mà không phát hiện để cấp cứu kịp thời?

Cho nên theo người viết, ở một góc nhìn khác, việc lãnh đạo Hà Nội đến tận giường bệnh thăm các thanh niên đang điều trị là cần thiết chứ không có gì là phản cảm như một bộ phận dư luận đang công kích. Vì sao? 

Ở một sự kiện do mình quản lý, cấp phép biểu diễn và chịu trách nhiệm trị an thì khi để xảy ra sự việc nhiều người chết, bản thân cán bộ chính quyền Hà Nội phải có trách nhiệm và chịu trách nhiệm.

Kế đến là yếu tố gia đình, yếu tố quan trọng nhất đối với sự trưởng thành của mỗi người, lại đang có nhiều biểu hiện bất ổn. Cuộc sống hiện tại tất bật, bon chen ngoài xã hội khiến sự gắn kết trong mỗi gia đình hiện nay trở nên lỏng lẻo vô cùng. 

Những bữa cơm gia đình trở nên thưa thớt, sự quan tâm với nhau giữa các thành viên thưa vắng dần. Và đã có bao nhiêu bạn trẻ trưởng thành trong bối cảnh bị-bỏ-rơi từ trong chính cái nôi của mình như thế?!

Chúng ta dễ dàng thấy rằng, nhiều gia đình hiện nay vì quá bận rộn mà phó mặc con cho nhà trường, cho xã hội. Nhiều bậc cha mẹ lầm tưởng rằng cho con đầy đủ vật chất là đã đủ rồi.

Nhưng kỳ thực là rất thiếu, thiếu sự quan tâm, nhất là đối với những bạn trẻ hay có những rối loạn tâm lý. Khi người trẻ thiếu sự quan tâm của người lớn, bị cô đơn trong chính hành trình trưởng thành của mình, cộng chút dại dột và ngông cuồng sẵn có của độ tuổi, những sai lầm từ đó dễ đến hơn và sự trả giá cũng đáng tiếc hơn!

Chúng ta rất cần có những nghiên cứu xã hội học, những cảnh báo thật sự nghiêm túc về vấn đề này.

Nỗi lo về ma túy chưa bao giờ yên, nếu không nói là ngày càng nặng nề hơn; ngày xưa là nghiện ma túy truyền thống như heroin còn bây giờ là cơn ác mộng mang tên ma túy đá, ma túy tổng hợp. Mọi lời cảnh báo suông có lẽ đã thừa cho tới khi 7 cái chết xảy ra tại đại nhạc hội Hồ Tây vừa qua. 

Đó không chỉ là lời cảnh báo với giới trẻ mà còn là sự thức tỉnh thật sự của xã hội về tệ nạn này. Hy vọng qua đó, chính quyền, cơ quan chức năng sẽ nhìn nhận vấn đề về giới trẻ và ma túy với góc nhìn thiết thực, sâu sắc hơn!

Hoàng Lãm
.
.