Cờ thế

Thứ Hai, 12/07/2021, 15:46
Khi Tổng thống Nga V.Putin và Tổng thống Mỹ J.Biden gặp nhau trong căn phòng đầy sách cổ ở biệt thự La Grange tại Geneva, Thụy Sĩ vào trung tuần tháng 6 vừa qua, một nhân tố không có mặt trong phòng nhưng vẫn luôn hiện diện ở thượng đỉnh Nga-Mỹ lần này: Trung Quốc!


Tránh kịch bản xấu

Chẳng phải ngẫu nhiên mà ông Biden, sau một quãng thời gian gần nửa năm vào Nhà Trắng, đã chủ động đề xuất gặp ông Putin, bất chấp một thực tế là quan hệ Nga-Mỹ đang ở mức rất thấp do những tổn thương trong suốt nhiệm kỳ của ông Trump để lại. Ngoài lý do chính yếu là ông Biden muốn “cài đặt” lại quan hệ với Nga, đưa quan hệ hai bên vào tình trạng “ổn định và có thể dự đoán trước được” thì còn một lý do khác không kém phần quan trọng: Trung Quốc.

Hay nói cho chính xác hơn là ông Biden muốn cấp thời cải thiện quan hệ với Nga để tránh một kịch bản xấu: Nga và Trung Quốc bắt tay nhau chặt chẽ để đối phó Mỹ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Geneva, Thụy Sỹ. Ảnh: L.G

Mà đấy là điều hoàn toàn có thể, trong bối cảnh Mỹ xác định Trung Quốc là "đối thủ duy nhất có tiềm năng kết hợp tổng thể sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để duy trì thách thức lâu dài đến trật tự quốc tế ổn định và cởi mở".

Một mối quan hệ ổn định với Nga trong bối cảnh Mỹ-Trung vẫn đang trong tình trạng đối đầu căng thẳng kể từ khi ông Trump khơi mào thương chiến từ đầu năm trước, sẽ giúp Mỹ dồn các nguồn lực để đối phó với đối thủ chiến lược mới nổi lên là Bắc Kinh. Với việc đề xuất và nhanh chóng thực hiện cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva, rõ ràng Washington không hy vọng nhiều vào việc kéo Nga vào “chiến tuyến” cùng với mình chống Trung Quốc nhưng ít ra cũng cố gắng tác động không để cho Moscow đi cùng một quỹ đạo với Bắc Kinh.

Tình thế “1 chọi 2” sẽ rất bất lợi cho Mỹ trong chiến lược kiềm chế Trung Quốc vươn lên thành một siêu cường và cạnh tranh vai trò đứng đầu thế giới, một vai trò mà nước Mỹ vẫn nắm giữ bấy lâu nay kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Ông Biden có đạt được mục đích đó không?

Trục “đối tác ưu tiên”

2 tuần sau thượng đỉnh Nga-Mỹ ở Geneva, một “thượng đỉnh” khác đã diễn ra, không phải trực tiếp mà dưới hình thức trực tuyến: thượng đỉnh Nga-Trung. Trong cuộc gặp này, Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gia hạn Hiệp ước Láng giềng tốt đẹp và hợp tác thân thiện, theo đó đôi bên đồng ý gác lại tranh chấp biên giới và không tuyên bố chủ quyền với những vùng lãnh thổ tranh chấp.

Tuy nhiên, một trong những nội dung quan trọng của cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến này đã nằm trong tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc gặp. Tuyên bố chung có đoạn: “Một số quốc gia sử dụng ý thức hệ để vạch ra ranh giới, can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương, làm lung lay nền tảng pháp lý của hệ thống quan hệ quốc tế, bao gồm cả lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Thế giới càng rối ren, Trung Quốc và Nga càng cần tăng cường hợp tác chiến lược”.

Không hề nhắc đến một cái tên cụ thể nào nhưng chỉ cần đọc đoạn này thôi là người đọc cũng có thể nhanh chóng xác định được “kẻ-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó”: Hoa Kỳ.

Hai bên ca ngợi mối quan hệ song phương "trưởng thành, ổn định và vững chắc", đồng thời nhấn mạnh đối phương luôn là "đối tác ưu tiên" của mình. Hai bên cũng cho rằng cần củng cố hợp tác về chính trị, an ninh, quân sự, kinh tế, năng lượng và công nghệ, "bảo vệ các lợi ích chung trên trường quốc tế", đồng thời "tiếp tục theo đuổi chủ nghĩa đa phương" nhằm duy trì cán cân quyền lực toàn cầu.

Trong việc hình thành một trục “đối tác ưu tiên” Moscow-Bắc Kinh, mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa Tổng thống Nga Putin với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đóng vai trò rất quan trọng. Hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ít nhất 25 lần, một tần suất gặp gỡ phải nói là hiếm hoi trong bối cảnh mối quan hệ giữa những người đứng đầu hai quốc gia khó có thể coi là “người bạn thân thiết nhất”.

Với sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ cả về tiềm lực kinh tế lẫn quân sự, Trung Quốc biết điều chỉnh các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện tham vọng trở thành một trong những siêu cường hàng đầu thế giới. Ảnh: L.G

Với sự vươn lên ngày càng mạnh mẽ cả về tiềm lực kinh tế lẫn quân sự, biết điều chỉnh các mục tiêu cụ thể nhằm thực hiện tham vọng trở thành một trong những siêu cường hàng đầu thế giới, Trung Quốc đã lấn dần ảnh hưởng vào khu vực Trung Á, vốn từng là nơi tập trung các đồng minh thân cận của nước Nga. Hàng loạt nước ở khu vực này hiện trở thành một phần quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc dẫn dắt.

Trong khi đó, Nga rất dè dặt với các khoản vay Trung Quốc để tránh nguy cơ mắc phải “bẫy nợ”. Chắc chắn Nga không muốn đi vào “vết xe đổ” của Sri Lanka hay Montenegro, những quốc gia đang chìm trong núi nợ và phải chấp nhận trao quyền kiểm soát một số bến cảng, vị trí chiến lược cho các công ty Trung Quốc.

Một số nhà sản xuất quốc phòng Nga cũng thường xuyên không hài lòng trước những hiện tượng đối tác Trung Quốc sao chép công nghệ vũ khí quân sự của Nga mà không xin phép...

Bất chấp tất cả những điều đó, trục “đối tác ưu tiên” Bắc Kinh-Moscow vẫn hình thành và được củng cố, bởi vì cả hai bên cần nhau nhằm chống lại sức ép đến từ bên ngoài. Nga “xoay trục” hợp tác kinh tế sang Trung Quốc kể từ khi phải chịu hàng loạt lệnh cấm vận từ phương Tây và Mỹ do các sự kiện xảy ra ở Crimea; còn Trung Quốc thì đương nhiên cần Nga sau hàng loạt đòn trừng phạt, trước tiên là thuế quan thương mại rồi sau đến lĩnh vực công nghệ mà chính quyền của cựu Tổng thống Trump đã giáng vào nền kinh tế cũng như công nghệ của Trung Quốc.

Như vậy, cũng giống như thời Chiến tranh Lạnh, đang diễn ra một bàn “cờ thế” với 3 đấu thủ sừng sỏ: Mỹ-Nga-Trung. Trong mối quan hệ tam giác này, Mỹ căng thẳng với cả Nga và Trung Quốc.

Với Nga, chính quyền của Tổng thống Trump, tiếp đến là chính quyền của ông Biden luôn cáo buộc Moscow “can thiệp” vào các cuộc bầu cử ở Mỹ, tổ chức tấn công mạng, “đàn áp” các nhân vật đối lập, tình hình nhân quyền, “lấy” Crimea của Ukraine...

Cả hai bên cũng đã tiến hành các đòn trả đũa nhằm vào các nhà ngoại giao với việc đại sứ của hai bên rời nhiệm sở quay về nước (sắp quay lại sau thượng đỉnh Geneva).

Với Trung Quốc, cũng vẫn là cáo buộc tấn công mạng, xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ, trợ cấp cho các công ty nhà nước để cạnh tranh không bình đẳng với các công ty của Mỹ, ép buộc các công ty công nghệ của Mỹ phải chuyển giao công nghệ trong các dự án đầu tư hợp tác, điều tra nguồn gốc của virus SARS-CoV-2...

Mỹ xác định cả Nga và Trung Quốc đều là các đối thủ trong cuộc cạnh tranh chiến lược nhằm nắm giữ vị thế siêu cường số 1 thế giới.

Trong khi đó, sức ép từ chính sách thù địch của Mỹ đã buộc Nga và Trung Quốc phải xích lại gần nhau. Dẫu còn có những bất đồng trong việc tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Trung Á, về bản quyền sản xuất vũ khí, cả Nga và Trung Quốc đều tìm thấy những lợi ích trong việc gắn kết với nhau trên nguyên tắc “kẻ thù của kẻ thù là bạn”, phát triển mối quan hệ đối tác chiến lược chưa từng có tiền lệ.

Trong bối cảnh liên minh phương Tây do Mỹ dẫn dắt ngày càng đối đầu gay gắt với cả Trung Quốc và Nga, việc hai nước "nhận thấy tính cấp bách của việc tăng cường mối quan hệ" là lẽ tự nhiên. Mối quan hệ này sẽ càng được củng cố nếu như thế đối đầu Nga-Mỹ và Trung-Mỹ tiếp tục căng thẳng.

Cải thiện

Sau cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ, đã có một số cải thiện, dù nhỏ, để quan hệ hai bên tránh đi tới chỗ leo thang, không kiểm soát được.

Đã nhất trí được về việc đại sứ của hai bên quay về nhiệm sở ở thủ đô của phía bên kia để tiếp tục công việc, chấm dứt các biện pháp trả đũa ngoại giao theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. Hai bên cũng thống nhất thiết lập cơ chế đối thoại thúc đẩy ổn định chiến lược song phương, đặt nền tảng cho việc kiểm soát vũ khí và quản lý rủi ro.

Trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh ở khu vực miền Đông và miền Nam Ukraine, cả Mỹ và Nga đều thừa nhận vai trò cơ bản của Thỏa thuận Minsk.

Trong khi đó, sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến Nga-Trung, hai bên khẳng định quan hệ đối tác Nga-Trung không phải "một liên minh chính trị - quân sự như thời kỳ Chiến tranh Lạnh". Hai bên cũng đồng ý gác lại tranh chấp biên giới và không tuyên bố chủ quyền với những vùng lãnh thổ tranh chấp.

Do những hạn chế nhất định của mối quan hệ Nga-Trung, vẫn còn quá xa vời khi nhắc tới một liên minh quân sự Bắc Kinh-Moscow chống Mỹ. Thay vào đó, Trung Quốc và Nga có thể thúc đẩy hợp tác phát triển vũ khí công nghệ cao nhằm tạo đối trọng với Mỹ. Sẽ có các cuộc tập trận quân sự chung, đặc biệt là những cuộc tập trận tầm xa của lực lượng hải quân hoặc không quân, nơi họ có thể tiến vào các vùng không gian mà trước đây đôi bên hiếm khi xuất hiện...

Như vậy, có thể thấy 3 bên trên bàn cờ thế không chỉ là đối thủ của nhau, mà còn có những mối quan hệ song phương thân thiết nhằm hóa giải sức ép của một bên thứ ba. Những lực đẩy - hút như vậy giúp cho 3 bên tiếp tục có mối quan hệ phức tạp, không đi tới tình trạng căng thẳng cực đoan, dễ dẫn tới các cuộc xung đột vũ trang có thể đẩy toàn bộ nhân loại vào tình thế vô cùng rủi ro.

Yên Ba
.
.