Chuyện không có trong Vợ chồng A Phủ

Thứ Tư, 22/01/2020, 09:34
Hậu thế giờ vẫn tấm tắc là hiếm có bộ phim nào ăn ý giữa văn chương với điện ảnh, nhuần nguyễn cái tình cái tài người Nam kẻ Bắc như Vợ chồng A Phủ. Cuối năm 1959, đạo diễn Mai Lộc, quê ở Đà Lạt, được nhà văn Tô Hoài tặng cuốn Truyện Tây Bắc. Mai Lộc nghiến ngấu chỉ vài hôm rồi băm bổ đến Tô Hoài nói sẽ làm bộ phim Vợ chồng A Phủ!


Rồi Tô Hoài chuyển thể chóng vánh kịch bản phim. Lấy nguyên cốt truyện với đầy đủ nhân vật. Sau khi kịch bản được cấp trên, có cả nhà thơ Tố Hữu duyệt, đạo diễn Mai Lộc được quyền chọn thành phần chủ yếu cho tổ làm phim.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Phương, vai A Phủ (người đứng giữa) dịp kỷ niệm 55 năm Xưởng phim truyện Việt Nam.

Ông bạn thân Khương Mễ quay phim chính. Thiết kế mỹ thuật, họa sĩ Ngọc Linh. Âm nhạc Nguyễn Văn Thương. Chủ nhiệm phim là Trịnh Huệ. Đạo diễn Mai Lộc  chọn nữ diễn viên Đức Hoàn đóng vai chính Mị, nghệ sĩ Trần Phương vào vai A Phủ.

Hai ông Mai Lộc và  Ngọc Linh đi tiền trạm lên Sơn La Điện Biên, Lai Châu để tìm cảnh cho phim. Một thời gian sau lại cất công lên Tây Bắc lần nữa. Lại đưa các diễn viên đi thâm nhập thực tế.

Không hiểu sao sau chuyến đi, Mai Lộc cứ thở dài... Hóa ra cảnh cho phim ở chốn rừng rú Sơn La Điện Biên rằng hay thì thật là hay nhưng đi lại, di chuyển kích rích nhiêu khê cộng với tốn kém quá!

Rồi đạo diễn Mai Lộc cũng tìm được. Đó là cao độ 400 ở Vườn quốc gia Ba Vì ngược lên một chút. Hôm tiếp cận hiện trường, tất cả đạo diễn, diễn viên đều hoan hỉ.

Hàng loạt bài báo tư liệu cả những chuyện ngoài lề về đoàn làm phim Vợ chồng A Phủ chỉ đại loại thế. Nhưng, tịnh không có dòng nào nhắc đến một người. Người ấy là Trịnh Tiến. Cũng phải thôi, năm ấy Trịnh Tiến là chàng trai trẻ mới 24 tuổi, gần như vô danh trong đoàn làm phim. Tiếng là bộ phận phụ quay cho oách nhưng chỉ là cái anh sai vặt, chạy việc.

Nhưng, với Tiến là một vinh dự lớn lao. Bởi từ bé Trịnh Tiến đã quá mê cái nghề quay phim.

Thành phần gia đình Trịnh Tiến không thường. Là con trai của ông hoàng thủy tinh Đông Dương - nhà tư sản danh tiếng Trịnh Đình Kính. Cuốn Vua chúa và hào kiệt xứ Đông Dương (xuất bản năm 1943) đề cập đến cháu 10 đời Chúa Trịnh Căn, Trịnh Đình Kính từng được vua Bảo Đại tặng Nam Long Bội Tinh có công chế ra những mặt hàng thủy tinh mang tên Thanh Đức khiến người Việt mở mày mở mặt! 16 lần Thanh Đức được tặng huy chương vàng Hội chợ Đông Dương.

Nhà ấy có hai chị em ruột đều mê coi phim. Những năm đầu 40 mà được coi những phim như Cuốn theo chiều gió... ở xứ Hà thành phải là nhà có máu mặt, con nhà danh giá. Những bộ phim màu sử dụng tiếng Anh hồi đó là đam mê lớn nhất của cô chị Trịnh Thị Ngọ và cậu em Trịnh Tiến. Chị Ngọ được ông bố Trịnh Đình Kính bỏ 25 đồng bạc Đông Dương một tháng để bổ túc thành thạo tiếng Anh với bà Hà Văn Vượng, người Nam, từng qua trường Cambridge vì không muốn coi phim qua bản dịch phụ đề! Còn cậu em thì quyết chí sẽ tự mình quay lấy phim, làm ra phim!

Thời thế đổi thay. Nhưng cái thú được quay phim, làm phim, niềm say mê của cậu em Trịnh Tiến không hề giảm. Cạy cục mãi, Trịnh Tiến nhờ người quen xin vào Xưởng phim truyện Việt Nam. Nhưng chỉ là chân phụ  trong tổ quay phim cũng... phụ của phim Vợ chồng A Phủ. Tay máy Khương Mễ khoái và mến Trịnh Tiến lắm. Luôn cho kè kè.

Nói là vô danh cũng hơi quá.  Sau năm 1954, có một cuộc triển lãm ảnh ghi lại những ngày nổi sôi tưng bừng tiếp quản Thủ đô. Triển lãm ảnh khá độc đáo là 36 phố phường Hà thành, mỗi phố, mỗi phường có một cổng chào mà lạ không cổng chào nào giống cái nào. 5 tay máy Hà Nội khi ấy đã góp những tấm hình đen trắng về các loại cổng chào. Người coi triển lãm ảnh đã làm quen với một tay máy trẻ có cái tên Trịnh Tiến có nhiều tấm hình rất bắt mắt.

Ngày bấm máy đã gần kề. Sáng ấy đoàn làm phim có khách. Nhà văn Nguyễn Tuân không biết đi nhờ xe ai lững thững bước vào một ngôi lều căng tạm. Nhiều người trong đoàn làm phim nếu chưa biết mặt thì đều biết tiếng nhà văn. 

Với Trịnh Tiến, đây là lần đầu giáp mặt nhà văn. Ông dáng lừ đừ khật khưỡng. Một bên tay can, tay kia cái tẩu thuốc, thung thăng theo nhà văn Tô Hoài nhảo khắp phim trường. Gần trưa hai ông mới về lều. Ông dứ dứ cái tẩu lên buông thõng đắc địa, đắc địa... Rồi ông nheo nheo cặp mắt hướng về diễn viên chính Trần Phương sẽ vào vai A Phủ. 

Này anh biết gì về A Phủ nhỉ? Trần Phương  khi ấy đã gần 30 tuổi nhưng mặt thoáng đỏ lúng túng vì bị đột kích phỏng vấn, lễ phép: Dạ là người thanh niên dân tộc Mèo bị áp bức, được giác ngộ vùng lên xây dựng cuộc sống mới ạ... Đại để là thuộc làu và nhắc lại kịch bản. Nguyễn Tuân thoáng nhăn mặt: Này anh có biết cưỡi ngựa, có biết tán gái không? Trần Phương càng lúng túng trong các cung bậc cười thoải mái...

Sự xuất hiện của nhà văn Nguyễn Tuân khiến tiến độ đoàn làm phim bị chao đảo! Hóa ra nhà văn không nói chơi. Mà Trần Phương - A Phủ không chỉ biết mà còn phải thạo cưỡi ngựa! Từ đạo diễn Mai Lộc đến nhà văn Tô Hoài - tác giả kịch bản - đều chấp thuận với cái ý tưởng cứ như chơi chơi ấy của Nguyễn Tuân!

Rồi không biết ai đã mua và mua ở đâu cùng quy trình thế nào. Một chú ngựa đực lực lưỡng, sắc nâu xám đã được dẫn về. Cánh thanh niên khi ấy như Trịnh Tiến khoái lắm, sán đến ngay. Nhưng anh nào cũng ngại vì duy nhất chỉ người mua ngựa cưỡi được. Bất kỳ ai lại gần, nó đều tung vó cất lên tiếng hí như giận dữ điều gì. Không sao, ngựa chứng mới là ngựa hay. Người mua ngựa trấn tĩnh động viên. 

Trầy trật có đến cả tuần Trần Phương có giám mã bên cạnh mới leo được lên yên mà mấy lần bị nó hất xuống. Nhưng máu thanh niên như Trịnh Tiến thì cú lắm. Dù chỉ là cưỡi ké và bị hất ngã bao lần nhưng Trịnh Tiến vẫn trụ được. Khương Mễ phàn nàn giá mày có tài thì đóng A Phủ được đấy...

Con ngựa tai ách (người cưỡi là Trịnh Tiến).

Rồi Trần Phương dù mình mẩy nhừ tử và một vết sẹo to tướng trên đầu sau khi lĩnh cú ngã, non tháng sau cũng trụ vững được trên lưng ngựa. Và khoáng đạt oai vệ lẫn tình tứ như đã thấy trên phim. Bao ánh mắt thèm thuồng ngó diễn viên Đức Hoàn trong vai Mị e thẹn yểu điệu cùng Trần Phương, hai người ung dung trên lưng tuấn mã!

Việc làm phim trên cao độ 400 Ba Vì đương ngon trớn. Non trưa ấy phát hiện sắp hết phim sống, Khương Mễ giục Trịnh Tiến về cơ sở dưới chân núi Ba Vì lấy phim. Trịnh Tiến sung sướng nhảy ngay lên lưng con nghẽo... Mấy khi được một mình một ngựa thế này. Cảm giác lâng lâng vẫn đeo bám tận khi Tiến khệ nệ bê thùng phim loay hoay trèo lên lưng ngựa thì bất đồ Tiến thấy trời đất tối sầm mê man rồi không biết gì nữa...

Tỉnh dậy. Tiến thấy trời đất tối om om. Xung quanh những giọng quen quen của anh em trong tổ làm phim phụ. Tiến thảng thốt khi biết mình bị ngất đã hơn 10 tiếng đồng hồ. Mà sức trẻ là thế. Mới biết cú đá hậu của con ngựa bất kham ghê gớm đến thế nào.

Băng kín mặt, màn đêm bủa vây Tiến hơn tháng trời. Nghe giọng nói quen thuộc của anh em từng thân thiết trong đoàn làm phim, Tiến càng thêm đau và nản. Giọng nói kia là anh Dương hóa trang, anh Sơn chụp ảnh, anh Khánh Dư quay phim, anh Hà thu thanh... Anh Việt Tùng pha trò có lẽ phải sắm cho nó cái nhị (ý là thành xẩm đến nơi) khiến không khí đỡ căng...

Rồi tháo băng. Mắt bên phải Tiến hư hẳn. Mắt kia sau nhiều năm chỉ lờ mờ. Sau đó mới tàm tạm.

Đứt mộng quay phim, Trịnh Tiến đành tiếp tục cái thú chụp ảnh. Lớp cao niên hẳn nhận ra những tay máy chuyên chụp ảnh cho khách vãn hồ Hoàn Kiếm để kiếm sống những năm đầu 60 có Tiến trong ấy.

Ai rủ đi chụp, Tiến cũng đi. Cánh bạn hữu nhiều người làm văn, làm sử đã rủ rê chèo kéo Tiến. Nhà sử học Dương Trung Quốc là bạn hữu và Trịnh Tiến là cộng tác viên ruột mảng ảnh của Xưa & Nay. Tích cóp mãi nhờ vậy mà hiện ông đang sở hữu một kho tư liệu ảnh vô giá. 

Đến nhà Trịnh Tiến, căn hộ của nhà tư sản Trịnh Đình Kính thênh thang ngày nào nay chật chội tù túng còn mỗi mấy chục mét vuông. Khắp nơi,  đâu đâu cũng ảnh. Tủ lớn, tủ nhỏ vẫn không xuể, ông nghĩ ra một nơi chứa ảnh: gầm giường. Ngổn ngang những valy lớn, valy nhỏ.  Nghe có vẻ lộn xộn nhưng nói có sách mách có ảnh. 

Ông chia ra theo từng chủ đề. Chẳng hạn lịch sử từ các quảng trường xưa đến các quảng trường nay, từ các ngã tư đường phố xưa đến các ngã tư đường phố nay; người Hà Nội xưa và nay; phong cảnh, y phục, xe cộ qua từng thời kỳ của Hà Nội và đất nước.

Nhà nhiếp ảnh Trịnh Tiến đang tất tả hai việc cuối đời. Chuẩn bị xuất bản cuốn sách ảnh phong phú nhiều mảng, đề tài khác nhau. Tất nhiên là đồ sộ. Việc nữa là đương ráo riết bao việc để đòi lại Trịnh gia thế miếu. Nhà tư sản Trịnh Đình Kính những năm cuối 30 đã xây công trình thờ phụng các chúa Trịnh ở quê nhà Thanh Oai, Hà Tây rất hoành tráng. Trịnh gia thế miếu đã được xếp hạng di tích kiến trúc và lịch sử từ lâu nhưng chính quyền huyện Thanh Oai mượn hàng chục năm không trả, bây giờ đang bị để hoang phế.

Đến đây, cũng cần nói thêm, cuối năm 1989, dịp dự lễ kỷ niệm 30 năm Cục Địch vận Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, trong số những người được vinh dự tặng thưởng Huân chương Chiến công, tôi có dịp may được tiếp cận với Hannah Hà Nội danh tiếng! Đó chính là bà Trịnh Thị Ngọ, chị ruột Trịnh Tiến.

Hannah là tên lính Mỹ dùng để gọi người con gái họ Trịnh này. Hannah chỉ là một cái tên phụ nữ Mỹ thông dụng. Đừng nghe con mẹ phù thủy Hannah. Đó là nguyên văn câu trên tờ Sao và Vạch khuyến cáo lính Mỹ ở chiến trường Việt Nam như thế! Con mẹ phù thủy ấy là phát thanh viên tiếng Anh của Đài Tiếng nói Việt Nam, biệt hiệu là Thu Hương, có giọng nói chuẩn xác, ngọt ngào được binh sĩ Mỹ rất ưa thích!

Bà Ngọ đang sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh, ra Hà Nội lần ấy có 2 việc. Nhận huân chương và gửi đơn đến các vị lãnh đạo các cơ quan chức năng để đòi lại Trịnh gia thế miếu.

Nhà chưa đòi được, bà Trịnh Thị Ngọ đã phải về với cụ Trịnh Đình Kính. Bây giờ, việc ấy lại là của ông em, Trịnh Tiến.

Xuân Ba
.
.