Chuyện hiến đất mở rộng hẻm ở Sài Gòn:

Lòng người thảo thơm, hiện kim nhạt mùi

Thứ Hai, 21/10/2019, 23:10
Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, việc thuyết phục một hộ dân hiến một khoảnh đất để mở rộng hẻm tưởng chừng rất khó khăn lại được thực hiện đồng loạt trong sự hân hoan, phấn khởi của nhiều người.


TP Hồ Chí Minh chứa trong lòng phố vô vàn con hẻm, có những hẻm rộng rãi, ngay ngắn, xe hơi, xe tải đều đi lọt. Nhưng cũng có những hẻm nhỏ và hẹp, hẹp đến nỗi không đủ chỗ cho hai người đi bộ sánh bước. 

Có những con hẻm dài hun hút, có những con hẻm ngoằn ngoèo vào đến bên trong lại rẽ trái rẽ phải, đoạn phình ra, đoạn teo tóp lại, như lạc vào mê cung, đi lại khó khăn. 

Thời buổi “tấc đất, tấc vàng”, việc thuyết phục một hộ dân hiến một khoảnh đất để mở rộng hẻm tưởng chừng rất khó khăn lại được thực hiện đồng loạt trong sự hân hoan, phấn khởi của nhiều người.

Ông Trần Quyết Diệp những ngày nghỉ hưu trông thợ làm lại hàng rào.
Hẻm mở rộng, người dân thư thái hóng mát, nghỉ ngơi.

Chuyện một người hiến đất

Không khó khăn mấy để tìm đến nhà ông Ngô Quang Nhật (ngụ tại hẻm 62, Lý Chính Thắng, phường 8, quận 3), người mà tôi đã nghe danh từ lâu khi ông tiên phong nơi đây hiến đất làm đường và đi vận động bà con cùng hiến đất như mình. Hẻm dẫn đến nhà ông Nhật đã được mở rộng 3m, trải nhựa còn mới. 

Thời buổi "tấc đất, tấc vàng", giá mỗi mét vuông luôn gắn với một số tiền vô cùng mơ ước của những người lao động bình thường thì việc người dân hy sinh quyền lợi, tình nguyện hiến đất mở hẻm như ông Nhật ở đây rất được mọi người trân quý.

Ông Ngô Quang Nhật mở đầu câu chuyện tiên phong hiến đất là khi ông cắt đất cho con trai xây nhà ở cạnh bên, xe chở vật liệu xây dựng không thể nào vào được, phải đổ hết ngoài đường rồi huy động người đẩy xe nhỏ vào, vô cùng khó khăn. Xây một căn nhà nhỏ mà phải mất gần 3 tháng liền, vật liệu di chuyển phải đợi khi hàng xóm đi vắng để bớt bụi, tránh đụng chạm giao nhau gây ùn tắc, bởi vì con hẻm quá nhỏ, nếu 2 xe máy đối đầu thì chẳng biết phải đi như thế nào.

Đã biết đến phong trào người dân tình nguyện hiến đất làm đường từ lâu tại các phường lân cận, lòng cũng có chút nghĩ đến chuyện một ngày hẻm nơi mình sinh sống rộng hơn, thoáng hơn. Có lần ông Nhật tâm sự điều này với hàng xóm, có người đồng tình, có người tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm thậm chí chê ông “dở hơi” vì trong khi đất đai ngày càng eo hẹp lại đi tính chuyện bỏ đất “cho không”. 

Đến khi họp tổ dân phố, nghe về chủ trương mở rộng hẻm của thành phố, những hôm đầu chỉ rải rác người tán đồng, còn đa phần là từ chối quyết liệt, riêng ông Nhật cùng tổ trưởng khu phố vẫn kiên trì vận động, nói về những lợi ích lâu dài nên sau đó người dân đều đồng tình cắt một phần diện tích nhà để mở rộng hẻm.

Người dân tự làm lại cổng không cần thuê thợ.

Nhà ông Nhật có bề ngang khoảng 5,5m, dài 18m và xây sát mép đường. Khi cắt đất trước nhà, gia đình ông phải tháo dỡ một phần và xây lại "cũng phân vân và có chút gì đó tiếc nuối lắm chứ nhưng nghĩ đến khó khăn trước đây và lợi ích chung sau này, tôi thuyết phục vợ con đồng tình, mỗi người một tay, kêu thợ về phụ nữa, 10 ngày là tôi đã lo xong phần mình, nhường 1m đất để mở rộng hẻm".

Hẻm 62 có nhiều trẻ con, cháu nội cháu ngoại ông Nhật đều đang tuổi mẫu giáo. Mỗi chiều, những đứa trẻ từ nhà này băng sang nhà kia chơi, hay tụ tập trước cổng nhà với đủ thứ trò vụn vặt hồn nhiên trên con đường trải nhựa đang dần hoàn thiện, một vài đoạn thẳng tắp, phẳng lì. 

Ông Nhật ước chừng khi hoàn thiện con hẻm này có thể dài hơn 600m, rộng 3m, không chỉ tô điểm cho khu phố thêm đẹp mà còn giúp đỡ bà con kinh doanh, buôn bán trong hẻm thuận lợi hơn. Cả ông và bà con lối xóm quanh hẻm ai cũng khấp khởi hào hứng, chờ đợi đến ngày hẻm nhỏ hoàn tất, khoác màu áo mới đủ rộng cho những sinh hoạt thường nhật. 

Nhìn hai đứa cháu, mỗi chiều thường cùng bạn bè chạy nhảy tung tăng trên con đường có một phần đất của mình, của những người hàng xóm tối lửa tắt đèn thân thuộc, ông cảm thấy bằng lòng, nhẹ nhõm: “Đất của mình, đường của mình, hẻm của mình là đây chứ mất đi đâu!”.

Cách nhà ông Nhật vài căn, một tiệm thời trang second-hand cũng đang tìm người nhờ đập để thụt lùi mái hiên. Cô gái trẻ chủ cửa hàng thật tình chia sẻ: 

Đất quý như vàng thì biết vậy, mình buôn bán nữa, không mở rộng thì thôi chứ sao lại thu hẹp. Nhưng mà rồi nghĩ, nhiều năm buôn bán nơi hẻm nhỏ này, khách tìm đến cũng khó khăn, mỗi lần có kiện hàng lớn thì vô cùng vất vả trong việc vận chuyển. Thôi thì bỏ qua cái lợi trước mắt để được cái lợi lâu dài về sau. Hy vọng khi đường hẻm mở rộng rồi, buôn bán thuận lợi hơn, khách khứa lại nhiều hơn xưa, lúc tổ trưởng đến vận động, gia đình em cũng băn khoăn lắm, bây giờ mới thấy giá trị con đường mang lại.

Hẻm rộng, lòng người cũng rộng

Hẻm 443 (Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3) thức dậy từ rất sớm. Bước chân người đi tập thể dục sáng, chú xe ôm đạp máy mấy lần xe mới ì ạch nổ, cô bán nước lục đục đẩy chiếc xe gỗ vài ba chai lọ, cà phê và thuốc lá ra dựng đầu hẻm. Cô bảo, cứ chạy xe thẳng vào trong, hẻm giờ rộng lắm rồi.

Tổ trưởng tổ 21, khu phố 3 tại con hẻm 443 là ông Nguyễn Mộng Hưng. Dáng người nhỏ nhắn, nước da sạm nắng, ông vui vẻ chỉ về cuối con hẻm mà mình đã tích cực vận động bà con hàng xóm trong khu phố cùng mở rộng.

Nhớ lại trước đây, do hẻm 443 nối liền con đường Điện Biên Phủ và Nguyễn Thiện Thuật, nên mỗi sáng đi làm hay mỗi chiều tan tầm, đường lớn kẹt xe ùn ứ thì người ta lách vào hẻm để đi cho nhanh hơn. Nhưng hẻm chỉ vừa hơn 1 chiếc xe máy, nên càng dồn về đông càng dễ gây ách tắc, kẹt cứng cả con hẻm nhỏ. Người có nhà trong hẻm còn rất khó khăn khi ra khỏi nhà, trẻ con đi học trễ, người lớn muộn giờ tới cơ quan. Đó là chưa nói đến những hôm mưa lớn, nước không thoát kịp dẫn đến ướt át và bẩn thỉu. 

Chứng kiến cảnh đó, rất nhiều người cũng từng nghĩ rằng “giá mà con hẻm này rộng hơn tí nữa”. Chính vì thế, trước khi diễn ra “Ngày hội nhân dân hiến đất mở rộng hẻm” trong toàn thành phố, ông Hưng đã hoàn thành việc thuyết phục gần hết hộ dân trong tổ khu phố mình đồng tình hiến đất bằng những lời lẽ chân tình, phân tích để người dân hiểu được lợi ích của việc mở hẻm. Bằng hành động gương mẫu của mình, ông đã thuyết phục được mọi người tự nguyện hiến đất, trong đó có cả những hộ còn khó khăn, thu nhập thấp.

Chủ động tháo hàng rào thép để làm rộng hẻm.

Việc hiến đất bắt đầu từ khi các hộ phá bỏ hàng rào cũ, dịch chuyển tường rào vào bên trong từ 1-2m, những người có thời gian thì tự bắt tay vào làm còn người bận rộn thì khoán cho thợ. Nhóm thợ hết di chuyển, xây dựng hàng rào cho nhà này xong lại đến làm nhà khác theo thứ tự trước sau.

Hỏi thăm một lần phá vỡ rồi dựng lại thế này có tốn kém lắm không, ông Hưng trả lời cũng từ 5-6 triệu với những nhà xung quanh đây hoặc nhiều hơn chút nếu là những nhà lớn, tường rào kiên cố khang trang hơn. Nhà nước cũng hỗ trợ một ít kinh phí, số tiền gọi là đồng hành động viên cùng bà con chứ không thể bằng những kinh phí mọi người bỏ ra trang trải làm lại tường rào, sân nhà được nhưng ai cũng vui vẻ không ca thán gì, bởi ai cũng hiểu là lợi ích chung, là mình đang cùng chung tay làm lợi cho cuộc sống của mình.

Hơn chục năm trước những con hẻm 19 ấy không như bây giờ. Việc biến một con hẻm nhỏ thành hẻm khang trang, không phải là chuyện có thể làm ngày một ngày hai. Đó là câu chuyện vận động nhiều năm và sự đồng lòng của cư dân cùng những lợi ích cộng đồng trông thấy rõ - Bà Lê Thị Lựu (64 tuổi, ngụ hẻm 19, Cô Bắc, Phú Nhuận) kể lại.

“Từ hồi tôi còn con gái, con hẻm này một bên là nhà dân, bên kia là đất sình lầy, cỏ dại và rau muống mọc đầy. Rồi người dân khắp nơi lần lượt đổ về đây, san bằng đầm sình, xây nhà dựng cổng. Ai cũng muốn nhà lớn, vườn rộng nên lấn dần ra hẻm. Từ gần 8m, con hẻm chỉ còn lại chưa đầy 3m”.

Cùng những người ngụ cư lâu năm, ở tuổi về chiều, bà Lựu cùng mọi người bỗng dưng khát khao được bước đi trên con hẻm rộng, nhìn thấy mọi người buôn bán phát triển. Đời sống chẳng mong gì nhà cao cửa rộng nữa, chỉ mong góp cái riêng tư vào sự phát triển chung, sống trong hẻm cũng được thoải mái như bao người ở đường lớn.

"Mở rộng hẻm nhiều lợi ích lắm, cháu à! Hẻm rộng thì người ta qua lại đông đúc, nhộn nhịp, buôn bán cũng sẽ khấm khá, rồi đời sống người dân trong hẻm cứ cải thiện dần lên. Nhà nước giờ mà có bảo tôi hiến thêm vài mét đất nữa để mở đường tôi sẽ hiến ngay" - bà Lựu tươi cười, móm mén bày tỏ.

Gần 2 năm trước, người dân ở hẻm 19 (Cô Bắc, Phú Nhuận) sau nhiều ngày họp bàn, cùng nhau đồng thuận sẽ dời hàng rào, dời tường nhà lùi lại để thi công, mở hẻm rộng 4,5m. Bây giờ, con đường đã bằng phẳng, trải nhựa sạch sẽ, không to lớn sầm uất như nhiều con đường lớn trong thành phố nhưng nó là niềm tự hào của mỗi người dân sống nơi đây. 

Cạnh nhà bà Lựu, quán cà phê Cô Bông vang tiếng nhạc yên ả trong một buổi trưa nắng đổ bình yên, khách dừng chân thư giãn nghỉ ngơi như một sự chọn lựa giữa trung tâm. Nói sống trong hẻm mà thiệt thòi thì không đúng, bởi như hẻm 19 Cô Bắc thật sự là một con hẻm vừa rộng vừa đẹp lại vừa nhộn nhịp nhờ nhận thức của mọi người cũng như sự đồng lòng từ chính quyền đến từng hộ dân.

Một câu chuyện khác về hẻm nhỏ mà khi nghe kể thật buồn, đó là ở hẻm 20 (Cô Giang, Phú Nhuận). Mấy năm trước, một hộ gia đình sống cuối hẻm có cô con gái lên cơn tai biến lúc nửa đêm, người nhà gọi taxi đưa đi cấp cứu nhưng xe chỉ đỗ được ở đầu hẻm, cách 500-600m. Người nhà lại phải chạy đi nhờ thanh niên trong xóm đưa ra xe, chở bệnh nhân đến bệnh viện thì không còn kịp cứu chữa. 

“Tội nghiệp con bé tuổi đời còn quá trẻ, phải chi hồi ấy con hẻm rộng như bây giờ, taxi hay xe cứu thương có thể vào được thì có thể nó đã được cứu”. Giọng ai đấy trong quán nước thở dài nhắc lại. “Chuyện gì chứ sống trong con hẻm nhỏ hẹp, khó khăn khi di chuyển người bệnh, người già, trẻ em thì gia đình nào cũng đã trải qua nên khi chính quyền vận động hiến đất mở rộng hẻm, ai cũng đồng sức đồng lòng, sẵn sàng ủng hộ”.

“Nói phải, dân nghe”

Nói đến việc vận động người dân như thế nào để không phải gặp khó khăn hay phản đối, ông Nguyễn Sơn, một trong những người sống lâu năm ở hẻm 62 Lý Chính Thắng, cũng là tổ trưởng khu phố nơi đây chia sẻ: 

“Tôi không nói nhiều về điều khoản hay chủ trương nào cả, có vẻ như bà con trong khu phố này không quen. Nên khi đi vận động gần 21 hộ trong hẻm, tôi chỉ nói tình hình thực tế, đường nhỏ thì khổ mình chứ khổ ai. Đường trước nhà mình là của mình, do mình sử dụng. Cưới hỏi ma chay, tết nhất lễ hội còn có thể ra vào thoải mái... Cái thoải mái về tinh thần, cái sự san sẻ chút đất của mình cho bà con, rồi bà con lại san sẻ ngược lại cho mình không phải là thắm đậm tình làng nghĩa xóm, không phải là chia nhau chút tình mà sống hay sao...”. 

Ông Sơn cười, nói thêm: “Nói thiệt, cứ bảo làm đường để cuộc sống bà con sau này dễ thở hơn thì ai cũng gật đầu. Mặt khác, khi đi đến vận động từng nhà, tôi với các cán bộ cấp quận, phường luôn là người làm gương đi đầu trong việc hiến đất, hòa mình với người dân. Đặc biệt hơn nữa là khi làm đường rộng rồi giá trị nhà đất của người dân sau khi mở rộng hẻm đều tăng lên nhiều lần hiện tại. Điều đó khiến người dân thấy được những lợi ích thiết thực và đồng thuận. Nói phải thì dân nghe thôi...”.

Một đoạn hẻm 443 đã mở rộng xong.

Cũng theo ông Nguyễn Sơn, mở rộng các con hẻm, không chỉ giải quyết vấn đề giao thông mà còn nhiều chuyện như an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, chống ngập, ngầm hóa điện, viễn thông, tình nghĩa xóm giềng thắt chặt hơn. Nói chung là phải làm cho người dân tin, dân hiểu, chỉ cho họ thấy được lợi ích của việc mở rộng hẻm. 

Nếu nhà trong hẻm nhỏ thì giá trị không cao, còn hẻm được mở rộng thì giá nhà tăng lên nhiều lần. Cứ vận động bà con nhiệt tình, không đủ 100% thì 70-80% cũng được, mình tiến hành làm. Sau khi làm được một đoạn hẻm, mình lấy đó làm thực tiễn để chứng minh cho người dân chưa đồng thuận thấy. Cứ nghĩ cho lợi ích của người dân trước tiên thì họ sẽ đồng ý ngay.

Ông Trần Quyết Diệp (64 tuổi, ngụ hẻm 62 Lý Chính Thắng) thì bộc bạch nỗi lòng, con hẻm bao lâu nay hễ mưa là ngập, nước đổ ra kênh không hết có khi lại bị tràn ngược vào, bà con ở đây sống giữa quận 3 mà chẳng khác mấy so với ở vùng đồng trũng sông ngòi, mọi thứ vô cùng bất tiện. Thế nhưng, thời gian đầu khi chính quyền vận động hiến đất mở rộng đường, phần lớn người dân còn do dự. 

Hầu hết chúng tôi có tâm lý rằng đất nơi mình ở là tài sản của mình nên mất đất là mất tài sản, ai cũng xót và suy nghĩ, tính toán thật cặn kẽ. Trải qua nhiều cuộc họp với chính quyền quận 3 nói chung và từng khu phố nói riêng, chúng tôi dần nhận ra ý nghĩa, lợi ích của cuộc chỉnh trang đô thị, đã đồng loạt “rủ nhau” cùng hiến.

"Tôi suy nghĩ nhiều đêm, bàn với chồng rằng hiến đất mở hẻm thì diện tích sử dụng tuy ít lại nhưng suy cho cùng không hề ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, thế rồi cả gia đình tôi đồng ý vì thấy hiến đất mở rộng hẻm cái được nhiều hơn là mất" - một người dân tại hẻm 359 (Lê Văn Sỹ, quận 3) chia sẻ.

Thông qua việc rộng hẻm, quận 3 đã lắp đặt từ 1-2 trụ cứu hỏa ở mỗi hẻm, ngầm hóa hệ thống điện, viễn thông, lắp đặt hệ thống camera giám sát an ninh... Người dân nơi đây rất phấn khởi bởi mở rộng hẻm giúp việc đi lại của mỗi gia đình được thuận tiện, giúp giảm ngập, giảm ô nhiễm môi trường... Hẻm được mở rộng còn giúp việc tổ chức phòng cháy, chữa cháy dễ dàng hơn.

Nếu nói đến mở rộng hẻm nâng cao kinh tế và đời sống, vẫn phải nhắc đến quận Phú Nhuận. Từ khi hẻm 217 Cô Giang được mở rộng thành đường Cô Giang, đi trên con đường này sẽ thấy nhiều ki-ốt vừa vặn nối liền, đấy là hướng kinh doanh của nhiều hộ sau khi hiến đất, họ xây ki-ốt phía dưới để cho thuê, còn gia đình ở phía trên. Khoản tiền cho thuê đủ để nhiều gia đình trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, cải thiện kinh tế.

Kinh tế gia đình ông Hứa Ngọc Hậu (Hẻm 205 Trần Văn Đang, quận 3) cũng ngày một khấm khá hơn nhờ vào quán ăn gia đình. Ông Ngọc cho biết: 

“Quán ăn gia đình đã có từ lâu nhưng ngày trước hẻm còn nhỏ, tuy đông người qua lại nhưng họ chỉ mong thoát khỏi hẻm chật chội này càng sớm càng tốt, cũng không mấy ai sử dụng dịch vụ ăn uống trong hẻm cả. Giờ hẻm thành đường, rộng rãi, khang trang nên gia đình buôn bán cũng đông khách. Phía trên nhà tôi có nhiều nhà xây cho người ta thuê lại để mở công ty, thêm lượng nhân viên xuống ăn uống nên thu nhập của tốt hơn rất nhiều”.

Nếu có dịp đi qua các con hẻm trên đường Lê Đức Thọ, Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) vào dịp Giáng sinh hay tết, nhiều người không biết rằng nhiều năm trước, những con đường này cũng chỉ là hẻm nhỏ được bà con tự dời nhà lui vào để làm đường. Mỗi dịp tết, bà con tự họp nhau, gom góp tiền trang trí thắp đèn sáng, vệ sinh sạch sẽ, tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét ngay đầu hẻm, khiến không khí vô cùng vui vẻ, rộn ràng.

Thành phố Hồ Chí Minh có đến 80% cư dân sống trong hẻm nhỏ, rất nhiều hộ gia đình có đến mấy đời gắn bó với con hẻm quen thuộc của mình. Rất nhiều hẻm quy tụ những người đồng hương tới sinh cơ lập nghiệp trở thành nét đặc trưng của hẻm. Cũng không ít hẻm quy tụ người cùng nghề rồi trở thành hẻm làng nghề: Làm giày dép, lồng đèn, làm nhang, thợ mộc, bán hủ tiếu gõ, vé số,... Việc mở rộng hẻm về mặt chung hay riêng thì vẫn có nhiều lợi ích to lớn. Chỉnh trang đô thị, đường phố khang trang đảm bảo thẩm mỹ cũng như an ninh trật tự, đảm bảo mọi mặt đời sống người dân.

“Nếu cứ mặc kệ, con hẻm mãi nhỏ như vậy. Người thì cứ mãi đông lên, nhà thi nhau mọc ra thì không biết đến ngày nào đó, nhà dính liền nhà, mất hẳn lối đi và con hẻm có bỗng dưng biến mất hay không?” - một câu nói vu vơ của chú xe ôm nằm đợi khách bên đường khá thú vị nên tôi ghi lại vào cuối bài thay cho lời kết vậy. 

Ông Võ Khắc Thái, Chủ tịch UBND quận 3 thống kê: Tính từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, địa bàn quận 3 đã có 34 tuyến hẻm được mở rộng với tổng diện tích lên đến gần 9.400m2, tương ứng với số tiền gần 445 tỉ đồng.

Thành quả này có được là nhờ sự chung tay của 1.172 hộ dân cùng hiến đất để mở rộng hẻm. Ông Thái đúc kết: "Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, trong điều kiện kinh phí ngân sách còn hạn hẹp thì việc người dân chấp nhận hi sinh quyền lợi, đóng góp công sức cho cái chung là điều vô cùng đáng quý!".

Theo ông Thái, riêng với quận 3, trong thời gian tới đây, khi công trình hoàn thành, những con hẻm sẽ được xem xét, nghiên cứu trang bị hệ thống camera an ninh giám sát, trụ cứu hỏa, gia cố lại hệ thống cống, hố ga, hệ thống wifi miễn phí...

Phong trào người dân hiến đất mở đường từng bước lan tỏa ra nhiều quận lân cận, tiên phong như Phú Nhuận và tiếp đến là các quận Tân Bình, 9, 12, Tân Phú, thậm chí ngay cả trung tâm quận 1. Theo thống kê của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP HCM cho thấy, qua 15 năm tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc”, giai đoạn 2003-2018, người dân thành phố đã hiến hơn 2,2 triệu m2 đất để làm đường, giá trị đất theo giá Nhà nước thì ước tính người dân đã hiến trên 2.200 tỷ đồng.

Bùi Kiều Trang
.
.