Đạo nghĩa thầy trò

Chúng ta không thể đào thoát khỏi sự thật cay đắng ấy

Thứ Tư, 14/11/2018, 10:00
Đến tận hôm nay, tôi (và cả các bạn học cùng khóa thời trung học phổ thông của Trường Hoàn Kiếm - Hà Nội) vẫn không thể nào quên thầy chủ nhiệm 3 năm cấp 3 của mình, thầy Phi Công Việt.

Năm xưa thầy mất, học trò chịu tang, dựng lều cạnh mộ thầy để đền đáp ơn dạy dỗ. Năm nay bảy học sinh lập group kín trên mạng

xã hội, lạm bàn về thầy cô. Thầy cô đọc trộm tin nhắn phát hiện ra bèn lập hội đồng đuổi học bảy học sinh kia. May mà, Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh

đã kịp thời hủy quyết định đuổi học học sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thanh Hóa).


Sau khoá lớp tôi, thầy không còn chủ nhiệm bất kỳ khoá nào nữa, và cũng chỉ dạy thêm 1-2 năm gì đó, rồi chuyển sang công tác ở NXB Giáo dục. Nhưng thầy trò chúng tôi vẫn giữ mối liên lạc suốt gần 30 năm qua. 

Với lũ chúng tôi, thầy không chỉ là một đỉnh trong tam giác lễ giáo “quân - sư - phụ” mà thầy còn như một “đại ca”, một “ông chú”. Và tất cả chúng tôi còn nhớ chuyện chúng tôi đùa vui thời lớp 12, ở tháng cuối cùng trước khi thi tốt nghiệp. Mỗi giờ của thầy, thay vì chỉ đứng lên cúi chào thầy như thông lệ, lũ quỷ chúng tôi đồng thanh hô vang “sếp Việt muôn năm”.

Không chỉ có “sếp Việt muôn năm”, thời ấy, lũ đầu trò chúng tôi mà tôi là một trong những đứa giật dây, đã luôn hô vang câu ấy với mỗi giáo viên bộ môn, từ cô Xuân dạy Hoá cho tới thầy Phụng dạy Toán hay thầy Tứ dạy văn. Tất cả đều là “sếp” hết, và muôn năm hết. Trò tếu táo ấy không mất dạy chút nào, nhưng nó cũng không phải là thứ mực thước. 

Vui thì vui đấy, nhưng rõ ràng trong môi trường mô phạm, nơi cần biết “lễ nghĩa”, biết “tôn sư trọng đạo”, chuyện mang thầy cô giáo ra để đùa rõ là không chấp nhận được. Nhưng các thầy cô chỉ cười, và nhắc rất nhẹ: “Các anh các chị đùa quá. Một lần thì vui, nhiều lần thì nhảm lắm”.

Rồi chúng tôi ra trường, thầy Việt thi thoảng vào TP. HCM công tác, và luôn nhớ đến 3 thằng học trò cũ (có tôi) ở đó. 3 đứa chúng tôi thuộc diện 3 thằng nghịch nhất. Thầy mang theo ít quà, nào là nem chua, bánh gai, hay dăm quả hồng… Thầy nói đó là quà của thầy cô cho mấy đứa xa nhà (vợ thầy cũng dạy chúng tôi môn tiếng Anh). 

Rồi thầy trò ngồi với nhau 1 bữa, dăm chai bia, ôn chuyện cũ, nói chuyện mới. Giữa chúng tôi với thầy gần như không có khoảng cách nào. Nhắc chuyện ấy, lại nhớ cậu bạn học cùng cũng đang định cư ở TP. HCM, tên Long. 

Bác ruột của Long ngày ấy là thầy Châu Điểm, Hiệu phó Trường Hoàn Kiếm. Chính thầy Châu Điểm bắt quả tang Long hút thuốc lá phì phèo sau khi tan học khi đang đạp xe ở Cửa Nam. 

Minh họa: Ngô Xuân Khôi

Thầy lôi Long từ Cửa Nam quay về trường, lập biên bản thằng cháu ruột mình, kỷ luật nó ở mức nặng nhất. Thầy Việt lại là đứa cứu Long khỏi án kỷ luật ấy. Nhưng thầy kể cho chúng tôi nghe câu chuyện thời thầy mới đi dạy, ở miền núi, thèm thuốc lá tới mức nửa đêm nghe mùi khói thuốc mà đi theo về hướng ấy những mong xin được 1 điếu.

Vậy mà thầy bỏ thuốc được, suốt mấy chục năm, vì thầy biết nó chả bổ béo gì. Chúng tôi ngày xưa cứ nghĩ đó là chuyện giáo điều nhưng càng lớn càng hiểu, nó là thực tế mà người thầy muốn sẻ chia.

Nhắc chuyện thầy Châu Điểm, năm nào ở lễ bế giảng, chia tay học sinh lớp 12, thầy cũng đọc 1 diễn từ xúc động, và ứa nước mắt. 

Đến lứa chúng tôi ra trường, chúng tôi đã rất “mất dạy” khi ngồi dưới sân trường, đứa thì thì thào: “Sắp khóc này, sắp khóc này”; đứa thì hỗn hào hơn nói rất to “tua đi thầy ơi, tua qua đoạn khóc đi” trong tiếng cười hô hố của bạn bè. 

Nhưng thầy Châu Điểm nổi tiếng nghiêm khắc thế, với biệt danh chúng tôi đặt là “Nato bốn mùa”, lại hiền bất chợt. Thầy không trách mắng, thầy thậm chí còn coi những lời ấy không tồn tại. 

Chỉ có chúng tôi, bây giờ ở tuổi ngoài 40, mới thấy mình thật đáng xấu hổ và ước gì được làm lại, sẽ không nói những lời như thế. Và quan trọng nhất, cả lứa chúng tôi luôn nhớ các thầy, các cô.

Mấy năm trước, kỷ niệm 20 chúng tôi tốt nghiệp, cả khoá tổ chức hội ngộ ở trường cũ. Mỗi thầy cô chủ nhiệm đều lên nói mấy câu chia sẻ kỷ niệm với học trò của mình. Thầy Việt của chúng tôi đã nói rất ngắn gọn và nhắc đến tên tôi, điều khiến tôi vô cùng tự hào. 

Thầy nói “niềm vui lớn nhất là học trò của mình nói rằng điều lớn nhất mà thầy dạy chúng em, đó là phải trở thành những người tử tế”. Hôm ấy tôi không về trường vì phải công tác xa. Bạn bè gửi video lời thầy nói, tôi đã ứa nước mắt.

Dông dài kể chuyện của chính mình chỉ để muốn khẳng định một điều: ở cái tuổi ngông nghênh của học trò cấp 2, cấp 3; được coi là “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò”, chúng ta luôn luôn có những hành vi, lời nói vô thức không đúng mực theo tinh thần “tôn sư trọng đạo”. 

Đừng phủ nhận rằng nhiều người trong số chúng ta, thay vì gọi “thầy A, cô B” thì sau lưng họ, chúng ta toàn nói “ông A, bà B” thậm chí còn dùng những đại từ nhân xưng nặng nề hơn. Đó là cái ngông cuồng, hỗn hào của lứa tuổi bắt đầu bước vào cái giai đoạn “con sư tử” của đời người (theo Nietzsche). 

Con sư tử sẵn sàng chống lại mọi thứ, mọi giáo điều, để khẳng định mình, để đòi hỏi cái tự do quá trớn của mình. 

Trước những con sư tử như thế, người thầy giỏi không phải là người cầm roi xiếc thú, mà phải như thầy tôi: có thể là nước, có thể là cỏ, có thể là núi, có thể là đất đai và sẵn sàng là con mồi của con sư tử cũng như biết cách làm voi để con sư tử ấy phải hiểu “ngoài trời luôn có trời cao hơn”.

Tâm lý giáo dục là một trong số ít ỏi những yếu tố quan trọng nhất của giáo dục. Tôi may mắn được ngồi hầu rượu người học trò mà báo chí bảo là “người mà thầy Hồ Ngọc Đại yêu mến nhất”. Hoá ra, qua hình dung báo chí, anh không phải là một ông thợ sửa xe bình thường. Anh thành đạt trong niềm đam mê cơ khí, xe cộ của anh. 

Điều đó lý giải vì sao thầy Đại tự hào vì anh đến thế. Và tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy trong cơn bão dư luận vừa qua, rất nhiều cựu học sinh của thầy Đại lên tiếng bảo vệ thầy của mình, một cách mãnh liệt. Đó chính là di sản của giáo dục, của người thầy.

Bây giờ, tôi mới nói đến chuyện đương thời, là câu chuyện học sinh nói xấu thầy cô ở Thanh Hoá và bị kỷ luật. Thực sự, chúng ta không một ai được đọc những dòng các em nói về thầy cô cả. Song, để đến mức thầy cô giận đến thế, chúng không thể là kiểu đùa tếu táo hơi hỗn hào mà rất có thể là những lời xúc phạm, miệt thị. Có đau không, nếu con cái chúng ta nói về chúng ta như vậy? 

Có đau không, nếu chúng ta là thầy và học trò nói về mình như vậy? Đau lắm chứ. Trước nỗi đau phải có phản ứng chứ. Không phản ứng sao còn là con người.

Nhưng cách chúng ta nhìn thấy họ giải quyết có đúng với tâm lý giáo dục, có vẹn toàn hay chưa? Rõ ràng, chiếc điện thoại là phần riêng tư, không thể tự tiện lấy điện thoại của người khác để xem khi họ chưa cho phép. Và khi con sư tử bị xâm phạm quyền riêng tư, nó sẽ trở thành con sư tử điên không cách gì khuất phục. Tại sao không cấm học trò mang điện thoại thông minh đến trường? 

Chỉ cách đây hơn 2 tháng thôi, chính Tổng thống Pháp đã ra sắc lệnh cấm học sinh dưới 15 tuổi mang điện thoại thông minh tới trường. Tất nhiên, cấm mang điện thoại không đồng nghĩa học sinh sẽ không nói xấu giáo viên. Nhưng không nhìn thấy thì sẽ không bực mình và học trò rồi chúng sẽ hiểu thầy cô thực sự có giá trị thế nào với mình, nếu thầy cô thực sự yêu thương chúng, và yêu nghề.

Rồi khi chúng bị kỷ luật. Dư luận ồn lên, án kỷ luật lại bị thay đổi, rút ngắn lại, giảm nhẹ lại. Điều đó càng khiến sự tự mãn của những con sư tử kia lớn hơn. Nguy hiểm là chúng sẽ không coi giáo viên của mình ra gì nữa. Như thế, coi như mục đích của giáo dục đã sụp đổ hoàn toàn.

Nhìn vào chúng, nhớ lại chúng tôi, chúng ta hiểu rằng thời nào cũng có “thế hệ sư tử” cả. Đối diện thế hệ ấy như thế nào là cả một nghệ thuật, thứ nghệ thuật rất cần phát xuất từ nhân bản, từ trái tim. Đuổi học thì thời nào cũng có, nhưng tại sao cái án đuổi học thời này lại bị coi là nặng nề đến thế? 

Tại sao chúng ta không đặt ra câu hỏi rằng: “Chính chúng ta, trải qua một thời được các thầy các cô dạy dỗ tử tế, chúng ta tự cho mình là hiểu đời, mà chúng ta lại phó mặc con mình cho nhà trường, để khi chúng hình thành một thiên hướng nhân cách xấu, chúng ta sẵn sàng kết tội nhà trường nếu như chúng xứng đáng bị kỷ luật ở mức đuổi học?”. 

Tại sao chúng ta không đặt ra câu hỏi nữa rằng “Chính chúng ta, đã thấm tình các thầy các cô đến thế, mà bây giờ, khi chúng ta là thầy là cô, chúng ta lại không hành xử được đẫm tình người như thầy cô mình từng làm, để “lũ sư tử con” kia ngày càng hoang dã hơn, bất trị hơn, và lệch hẳn qũy đạo tếu táo học trò để sang với lãnh địa của mất dạy?”.

Và suy cho cùng, chúng ta không thể thoát khỏi sự thật cay đắng rằng: “Gần 3 thập niên nay, giáo dục đã đổ vỡ các giá trị nền tảng một cách trầm trọng, bao gồm cả giáo dục học đường lẫn giáo dục gia đình”. Đó mới chính là căn nguyên của một xã hội xuống cấp về đạo đức đến kinh ngạc. 

Hà Quang Minh
.
.