“Chết não”

Thứ Hai, 16/12/2019, 15:05
Chưa bao giờ, một danh từ y học, “chết não”, lại được các nhà chính trị nhắc nhiều đến thế như trong thời gian qua. Người đầu tiên nhắc đến từ này là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông không nhắc cụ thể đến một cá nhân nào, với ông, “con bệnh” ở đây là NATO!

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại

Chưa bao giờ, một danh từ y học, “chết não”, lại được các nhà chính trị nhắc nhiều đến thế như trong thời gian qua. Người đầu tiên nhắc đến từ này là Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ông không nhắc cụ thể đến một cá nhân nào, với ông, “con bệnh” ở đây là NATO!

Trong một bài trả lời phỏng vấn với tờ The Economist hồi đầu tháng 11, Tổng thống Macron nói thế giới đang chứng kiến “một NATO chết não”. Ông ví von hình ảnh như vậy khi bày tỏ sự hoài nghi về nền tảng tồn tại của NATO đang lung lay dữ dội sau 70 năm hình thành và phát triển của tổ chức này.

Lý do chính khiến Tổng thống Pháp tỏ vẻ hoài nghi chính là Điều 5 trong Hiệp định NATO về phòng vệ tập thể, theo đó quy định cuộc tấn công vào một nước thành viên NATO sẽ được xem như cuộc tấn công vào cả khối và do vậy, phản ứng đáp trả cũng sẽ phải do cả khối tiến hành. Khi được hỏi về việc liệu có còn tin vào Điều 5 này nữa hay không, Tổng thống Pháp trả lời: “Tôi không rõ nữa!”.

Căn nguyên của sự lung lay này, theo ông Macron, chính là thái độ của Mỹ đối với NATO, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump vào Nhà Trắng. Ông Macron phân tích: “NATO sẽ chỉ hoạt động khi bên đảm bảo thực hiện biện pháp phòng vệ tập thể tôn trọng cam kết của mình. Tôi cho rằng chúng ta nên đánh giá lại thực trạng hiện nay của NATO xét trên những cam kết của Mỹ”. Nói thẳng ra, theo Tổng thống Pháp, Mỹ đang có “dấu hiệu quay lưng” (với NATO) sau khi bất ngờ quyết định rút quân khỏi vùng Đông Bắc Syria mà không hề tham khảo ý kiến của các đồng minh.

Ông Donald Trump hoài nghi sự hữu dụng của NATO. Ảnh: LG.

Hành động này của Mỹ không chỉ khiến các đồng minh châu Âu bất ngờ mà nó đã “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên khác của NATO, mở chiến dịch tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng người Kurd ở Syria, vốn từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria. Một cách gián tiếp, quyết định của Mỹ đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc chiến chung chống IS, vốn từng bị Mỹ coi là một “căn bệnh ung thư” của thời đại, kẻ thù tàn bạo và nguy hiểm nhất sau Al Qaeda.

Chính nhận xét liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ này của ông E.Macron đã khiến Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nổi giận. Trong bài phát biểu tại trường đại học Marmara ở Istanbul, Tổng thống Erdogan đã phản pháo một cách quyết liệt khi nói chính Tổng thống Macron mới là người bị “chết não”.

“Tôi đang nhắn gửi tới Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và tôi cũng sẽ nói điều này tại NATO. Trước hết, ông nên kiểm tra não của mình có chết hay không. Các tuyên bố như vậy chỉ phù hợp với những người như ông, những người đang chết não”, ông Erdogan nói.

Hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại, phản ứng quyết liệt này đã làm bùng lên một vụ scandal ngoại giao giữa hai đồng minh trong NATO khi Chính phủ Pháp đã cho triệu Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Ismail Hakki Musa để yêu cầu giải thích việc Tổng thống Erdogan nói người đồng cấp Pháp Macron "chết não". Theo phía Pháp, tuyên bố của ông Erdogan là hành vi “lăng mạ” chứ không còn giới hạn ở những nhận xét thông thường nữa...

Những đòn thế của Moscow

Chưa biết vụ “khẩu chiến”giữa Paris và Ankara sẽ đi tới đâu nhưng nó phản ánh một thực tế: NATO đang đứng trước những thách thức mà tổ chức này chưa từng gặp phải trong suốt 70 năm hình thành và phát triển của mình. Thành lập năm 1949 dựa trên hiệp định ký giữa Mỹ với một số nước châu Âu, NATO, thoạt đầu là một tổ chức chính trị, trở thành liên minh quân sự sau chiến tranh Triều Tiên với mục tiêu đối chọi lại Liên Xô.

Tuy nhiên, trong suốt nửa thế kỷ Chiến tranh Lạnh,  giữa NATO với Tổ chức hiệp ước Warsaw do Liên Xô đứng đầu không có lần nào đối đầu trực tiếp ngoại trừ những lần cả hai bên “nắn gân” nhau như 2 vụ phong tỏa Berlin hay các cuộc tập trận khiến cả hai phía mấp mé bên lằn ranh của chiến tranh.

Phải đến sau khi Liên Xô tan rã, NATO mới lần đầu tiên có hành động can thiệp quân sự vào Bosnia và Herzegovina thời kỳ 1992-1995. Tiếp đó là cuộc “hành binh hướng Đông”, đẩy không gian ảnh hưởng của NATO đến sát đường biên giới Nga bằng cách chiêu nạp nhiều nước từng trong thành phần Liên bang Xôviết trước đây.

Mỹ rút quân khỏi vùng Đông Bắc Syria. Ảnh: LG.

Đương nhiên là nước Nga đời nào chịu ngồi yên nhìn kẻ thù cũ thời Chiến tranh Lạnh lấp ló ở ngay cửa ngõ nhà mình. NATO tập trận thì Nga cũng coi đó là điều kiện thực tế để các lực lượng vũ trang Nga thực hành tác chiến trong môi trường sát thực tế nhất! Nga cũng tăng cường sự hiện diện quân sự ở khu vực Kaliningrad, đặc biệt là lực lượng tên lửa được triển khai ở đây đủ khả năng vươn tới hầu hết các mục tiêu ở châu Âu.

Ngoạn mục nhất là cú “đưa” vùng lãnh thổ Crimea trở lại Nga năm 2014, một động thái mà NATO hoàn toàn bất lực khiến cho tổ chức quân sự này nuốt không trôi nỗi thất vọng bị “qua mặt” ở ngay khu vực đang bành trướng ảnh hưởng sát với Nga. Sau sự kiện này, NATO đùng đùng cắt đứt quan hệ với Moscow!

Song song với những hành động đáp trả trên thực địa ở gần biên giới lãnh thổ của mình, Nga còn tiến hành những đòn thế ở ngoại biên không gian ảnh hưởng mà điển hình nhất là bất ngờ trực tiếp tham gia vào cuộc nội chiến diễn ra ở Syria, bảo vệ thành công chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad trước những đòn “bề hội đồng” của Mỹ và NATO đứng sau các lực lượng đối lập tại nước này.

Nỗi đau đầu mang tên Thổ Nhĩ Kỳ

Nhưng đòn thế tinh tế nhất của Nga khiến NATO đau đầu chính là việc Moscow đã thành công trong việc xây dựng mối quan hệ ngày càng trở nên khăng khít với Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những thành viên quan trọng của NATO ở châu Âu.

Những tưởng vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga tại chiến trường Syria năm 2015 sẽ gây nên sự rạn nứt nghiêm trọng trong quan hệ giữa Moscow với Ankara được gây dựng từ trước đó nhưng mọi sự thay đổi đến chóng mặt. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhanh chóng giải quyết êm thấm vụ khủng hoảng, đồng thời có những bước tiến nhằm thiết lập một mối quan hệ gần gũi.

Đỉnh cao của quan hệ hợp tác Nga-Thổ là bất chấp mọi sự từ dỗ ngon dỗ ngọt đến đe dọa trừng phạt (thực tế đã xảy ra) của Mỹ, Ankara vẫn quyết ý mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cực kỳ hiện đại của Nga. Với vai trò thành viên NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, hành động này chẳng khác nào kề một thanh kiếm cong vào bên hông của liên minh quân sự vốn từng được coi là hết sức bền vững này.

Mới nhất, Thổ Nhĩ Kỳ cũng thẳng thừng từ chối ký kế hoạch của 29 quốc gia thành viên nhằm bảo vệ Ba Lan, Litva, Latvia, Estonia trong trường hợp Nga tấn công nếu Ankara không nhận được sự ủng hộ của NATO trong việc coi Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurrd (YPG) ở miền Bắc Syria là khủng bố. Theo nguyên tắc, chỉ thiếu chữ ký của một thành viên là kế hoạch này đổ bể, thế nên hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác mũi dao đâm vào lưng NATO.

Sự hoài nghi của ông Trump

Có một yếu tố then chốt nữa khiến cho NATO ngày càng cảm thấy lo ngại trước  tương lai bấp bênh: ông Donald Trump. Đúng hơn là sự hoài nghi của Tổng thống Mỹ đối với sự hữu dụng của NATO. Ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, ông Trump đã liên tục nhắc đi nhắc lại yêu cầu của Mỹ về việc các thành viên NATO cần phải nâng mức đóng góp tài chính lên (tỷ lệ trên GDP) cho tương xứng với sự bảo vệ mà Mỹ lâu nay vẫn dành cho châu Âu.

Trước sức ép liên tục từ phía Mỹ, quả thật một số thành viên NATO đã nhúc nhích, chịu nâng mức đóng góp của mình vào quỹ chung của NATO. Tuy nhiên, những chuyển động này còn lâu mới làm ông Trump hài lòng.

Thêm vào đó, quyết định bất ngờ của ông Trump rút quân Mỹ khỏi Syria cũng mang lại những hệ lụy không ngờ, trong đó quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ giống như con lắc đồng hồ, hết từ cực này lại chạy sang cực kia. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tận dụng thời cơ nhanh chóng mở chiến dịch đánh vào lực lượng người Kurd ở bên trong lãnh thổ Syria, trước sự chỉ trích dữ dội của cả hai đảng Dân chủ và kể cả Cộng hòa, ông Trump lập tức thực hiện một loạt hành động trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ nhằm buộc Ankara chấm dứt chiến dịch. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, những biện pháp trừng phạt này được bãi bỏ! Khi ấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã kết thúc chiến dịch sau khi đạt được thỏa thuận với... Nga!

Chính những đòi hỏi về tiền bạc của ông Trump cùng quyết định rút quân ở Syria của Mỹ đã dẫn tới các phát biểu của Tổng thống Pháp liên quan đến tình trạng “chết não” của NATO. Tổ chức này đang đứng trước những câu hỏi hóc búa chưa có lời giải đáp: cần có giải pháp gì sau khi Mỹ, rồi đến Nga, rút khỏi Hiệp ước lực lượng tên lửa tầm trung INF? Làm thế nào giải quyết ổn thỏa mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, xử lý những hành động “gây rối” do Ankara gây ra?

Theo ông E.Macron, “chừng nào những câu hỏi này còn chưa được giải quyết, chúng ta không nên bàn về đóng góp chi phí và chia sẻ gánh nặng hoặc những vấn đề khác". Khi đã bất đồng, mâu thuẫn với nhau thì lời nói trở thành gươm giáo. Đấy là căn nguyên dẫn tới cuộc “khẩu chiến” dữ dội giữa Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ thời gian qua.

Yên Ba
.
.