Châu Phi, chiến trường mới của nước Mỹ
Vùng đất bị lãng quên
Với lịch sử bi đát của mình, châu Phi vốn được coi như vùng ảnh hưởng truyền thống của các nước châu Âu nắm giữ nhiều thuộc địa ở đây. Nghèo đói, bệnh dịch, chiến tranh, chia rẽ khiến cho “lục địa đen” trở thành con tin của những ông chủ phương Tây giàu có. Bằng nhiều cách khác nhau, các đời Tổng thống Mỹ cũng cố gắng gây ảnh hưởng, để mở đường cho các công ty Mỹ xâm nhập thị trường châu Phi.
Dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, nước Mỹ giữ tiếng nói quan trọng tại lục địa đen trong nhiều vấn đề. Kế nhiệm ông, Tổng thống George Bush với sáng kiến hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người dân châu Phi cũng gây được tiếng vang lớn khi cứu sống rất nhiều người, tạo hình ảnh tích cực cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, kể từ thời cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama với chính sách "xoay trục" sang châu Á, tiếp đến sự “chối bỏ” của Tổng thống Donald Trump đã khiến khu vực này dần rời xa vòng tay của nước Mỹ. Chính quyền ông Trump mải mê với việc đòi lại quyền lợi của nước Mỹ ở khắp nơi trên thế giới, nhắm vào đối thủ chính là Trung Quốc và rút dần những khoản đầu tư, tài trợ tại các khu vực không cần thiết. Điều này đã tạo nên một khoảng trống lớn.
Cho đến thời điểm này, sau gần 4 năm nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa từng đặt chân đến châu Phi. Suốt 18 tháng qua, cũng chưa từng có thành viên chính phủ nào của Mỹ tới châu lục này. Khó tin hơn, trong suốt 3 năm liền, vị trí Đại sứ Mỹ tại Nam Phi, quốc gia có nền kinh tế lớn nhất lục địa đen hoàn toàn bị bỏ trống. Các đại diện của Mỹ về kinh tế, văn hóa, chính trị và cả quân sự tại châu Phi cũng đều bị hạ cấp trong khoảng thời gian đó.
Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Zimbabwe Emmerson Mnangagwa tại Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi. |
Sự xuống cấp trong mối quan hệ Mỹ - châu Phi đến từ quan điểm của Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump là ông Jonh Bolton. Việc đánh giá thấp vị trí của châu Phi khiến rất nhiều khoản viện trợ cho châu lục này bị cắt bỏ. Ông Bolton từng mô tả vai trò của châu Phi đối với Mỹ không phải là các đối tác tiềm năng. Một cách tiếp cận phiến diện cho thấy thay vì hợp tác, Mỹ chỉ muốn làm người ra lệnh tại châu lục này. Đó rõ ràng là một góc nhìn lạc hậu.
Châu Phi có thể chưa bước vào giai đoạn bùng nổ của mình nhưng, cũng không còn quá xa với thời điểm đó nữa. GDP của châu lục đen vẫn đang tăng trưởng đều đặn khoảng 3% một năm trong gần một thập niên qua. Trong năm 2020, dù kinh tế thế giới dự báo nhiều khó khăn, châu lục này vẫn được đánh giá có thể đạt tăng trưởng tới 4% so với mức trung bình 2% của toàn thế giới. Với dân số tăng chóng mặt ước tính lên tới 1,7 tỷ người vào năm 2030 cùng chi tiêu tiêu dùng ước đạt 6.700 tỷ USD, khu vực ấy sẽ sớm trở thành một thị trường khổng lồ trong tương lai gần. Một thị trường như thế, nếu Mỹ bỏ quên, sẽ có những tay chơi khác thay thế.
Ngư ông đắc lợi
Trái ngược với những khoản viện trợ bị cắt bỏ hoặc thắt chặt quá mức của chính quyền Mỹ là những khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào châu Phi trong gần một thập niên qua. Từ chỗ chưa có gì, bây giờ Trung Quốc hiện diện ở mọi ngõ ngách trong đời sống lục địa đen. Những công trình khổng lồ về hạ tầng giao thông, bến cảng, trường học, sân vận động... và kéo theo chúng là những nhà máy, xí nghiệp, công sở, hàng hóa và cả người Trung Quốc ở khắp nơi.
Góp phần vào tốc độ đô thị hóa nhanh nhất thế giới trong 3 năm qua của châu Phi (hơn cả Ấn Độ và chính Trung Quốc) là khoản viện trợ 60 tỷ USD của đất nước này. Cùng với đó là khoảng 300 tỷ USD đầu tư đến từ giới doanh nhân Trung Quốc, kéo kim ngạch thương mại hai chiều lên tới 200 tỷ USD vào năm 2018, thời điểm Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi vượt trên cả Mỹ và EU. Gần đây, Trung Quốc chính thức ra mắt quỹ Vành đai - Con đường hướng tới phát triển hạ tầng châu Phi trị giá 1 tỷ USD/năm.
Dĩ nhiên, con số đầu tư khổng lồ đó cũng hút ngược 1/3 lượng dầu và 20% vải sợi bông cho đất nước này. Đó là chưa kể đến những mỏ đồng, cobalt và mangan lớn nhất thế giới nằm ở đây đang ngày ngày cung cấp đơn hàng cho các đối tác đến từ Trung Quốc. Nước Mỹ dĩ nhiên đã mất đi những khoản lợi ích này trong khi châu Phi trở thành một đối tác cung cấp nguồn nguyên liệu thô lớn nhất phục vụ cho Trung Quốc phát triển.
Không chỉ Trung Quốc, nước Nga cũng đang trở lại đó. Với cách tiếp cận thiên về hỗ trợ quân sự và hoạt động truyền thông, nước Nga thời Putin đang lấy lại ảnh hưởng của mình tại những đất nước từng có quan hệ thân thiết từ thời Liên Xô. Nga hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất cho châu Phi với 21 thỏa thuận quân sự cùng các quốc gia tại lục địa này. Moscow còn duy trì các quan hệ đối tác năng lượng hạt nhân với Ai Cập, Rwanda, Ethiopia, Uganda và Zambia. Sự giúp đỡ của Nga nhằm giải quyết căng thẳng ở Mozambique, Tanzania hay Sudan đem đến những kết quả tích cực.
Sự đầu tư khổng lồ của Trung Quốc trong những năm qua giúp quốc gia này giữ vị trí hàng đầu trong quan hệ với các nước châu Phi. |
Thành quả của mối quan hệ gắn bó đó là tăng trưởng ấn tượng trong kim ngạch thương mại giữa Nga và châu Phi, từ mức 17,4 tỷ USD năm 2017 lên 20,4 tỷ USD năm 2018. Tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Nga - châu Phi lần đầu tiên ở thành phố Sochi (Nga), nhằm giới thiệu những thành quả trong nỗ lực của Nga ở lục địa này và hướng tới kết nối chặt chẽ hơn với châu lục này. Hội nghị đã thu hút tới 43 trên tổng số 55 nguyên thủ quốc gia châu Phi tới tham dự.
Trong những diễn biến gần đây ở Libya, một cái tên mới cũng được nhắc đến là Thổ Nhĩ Kỳ. Đất nước ở ngay sát lục địa đen này cũng đang muốn vươn cánh tay của mình tới, trong bối cảnh Mỹ và các quốc gia phương Tây đang dần mất đi tầm ảnh hưởng. Các nước châu Âu cũng không thể làm ngơ trước những diễn biến tại châu Phi được nữa. Năm 2016, Pháp từng phải đưa quân trực tiếp đến tham chiến tại Mali. Những hoạt động can thiệp tại Libya của Anh, Pháp và Đức trước đó cho thấy châu Âu cũng phải mạnh tay hơn để bảo vệ “cứ địa”.
Một chiến trường mới
Báo cáo "Tầm nhìn châu Phi 2020-2030" của Viện Brookings (Mỹ) mới đây đã khẳng định lục địa đen sẽ mang đến một cơ hội lớn, đồng thời cũng cảnh báo những rủi ro tiềm tàng đối với sự ổn định và thịnh vượng toàn cầu nếu bị các đối tác bỏ qua.
Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Phi (AU) lần thứ 33 diễn ra tại Addis Abbas, Ethiopia mới đây với chủ đề “Im tiếng súng: Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của châu Phi” đã thể hiện quyết tâm chấm dứt bạo lực lan rộng và kéo dài nhiều thập kỷ tại lục địa này.
Ý thức được vai trò của mình trên bản đồ thế giới vài thập kỷ tới, châu Phi đang cố gắng đoàn kết lại, nhằm khuếch trương tiềm năng của châu lục có thể chiếm tới 50% lao động của thế giới vào giữa thế kỷ. Vì thế, chỉ 5 ngày sau khi Thượng đỉnh châu Phi kết thúc, Ngoại trưởng Mỹ đương nhiệm Mike Pompeo đã lập tức lên đường thăm 3 nước ở vùng Hạ Sahara là Senegal, Angola và Ethiopia.
Mục đích của chuyến đi này rất rõ ràng: Chính phủ Mỹ muốn thể hiện sự ủng hộ với châu Phi, thúc đẩy Khu vực Thương mại tự do châu Phi và tái lập Diễn đàn Doanh nghiệp Mỹ - châu Phi. Hay nói chính xác hơn, Mỹ cũng muốn giành lại chỗ đứng của mình ở lục địa đen, nơi mà sau những toan tính sai lầm họ đã để lỡ mất nhiều cơ hội.
Một mặt trận mới đã được mở ra với nước Mỹ, ở nơi mà họ đang có phần thất thế. Liệu sự trở lại này có là quá muộn màng?