Cái tâm của người thầy
Năm xưa thầy mất, học trò chịu tang, dựng lều cạnh mộ thầy để đền đáp ơn dạy dỗ. Năm nay bảy học sinh lập group kín trên mạng xã hội, lạm bàn về thầy cô. Thầy cô đọc trộm tin nhắn phát hiện ra bèn lập hội đồng đuổi học bảy học sinh kia. May mà, Sở Giáo dục và Đào tạo Tỉnh đã kịp thời hủy quyết định đuổi học học sinh của Trường Trung học phổ thông Nguyễn Trãi (Thanh Hóa). |
Vào một ngày nọ, Phật và tôn giả A-Nan đang đi khất thực thì bỗng dưng một nhóm người cả nam lẫn nữ xông ra chửi, họ đua nhau chửi. Đức Phật vẫn thản nhiên đi như không có việc gì, nhưng ngài A-Nan thì chịu không nổi nên mới thưa với Phật rằng: Bạch Thế Tôn, thôi chúng ta đi chỗ khác khất thực vậy.
Đức Phật hỏi: Đi đâu A-Nan? - Bạch Thế Tôn, chúng ta qua nước Đề-Xá. Phật lại hỏi: Nếu đến nước đó mà dân chúng cũng cư xử giống như dân ở đây thì ông nghĩ sao? - Bạch Thế Tôn, chúng ta qua thành Hoa Thị. - Nếu đến đấy mà dân chúng cũng cư xử như thế này thì ông nghĩ sao? - Bạch Thế Tôn, chúng ta đến nơi nào mà người ta không bạc đãi chúng ta như ở đây, như là về thành Tỳ-Xá-Ly hay là thành Vương Xá chẳng hạn.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Khi đó, Đức Phật liền đặt câu hỏi với A-Nan rằng: Tại sao dân chúng thành Vương xá, thành Tỳ-Xá-Ly lại ưu đãi chúng ta? - Bạch Thế Tôn, vì dân chúng ở đó đã từng nghe Thế Tôn dạy, họ biết rõ chánh pháp và họ có trí tuệ phân biệt được hành động nào là thiện, hành động nào là tội lỗi, do đó họ rất chiêm ngưỡng đức Thế Tôn, nên thôi chúng ta về đó đi.
Đức Phật mỉm cười và nói: A-Nan, giả sử có người thầy thuốc giỏi bậc nhất có thể đăng bảng trước cổng rằng: Ở đây chỉ trị bệnh cho những người bệnh nhẹ và không bệnh, còn ai bệnh nặng xin mời đi nơi khác, có như vậy không A-Nan? - Bạch Thế Tôn, không. - Tại sao? - Vì thầy thuốc hay cần trị cho những người bệnh nặng, nếu thầy thuốc có lương tâm mà bệnh nặng không trị giùm, chỉ trị bệnh nhẹ và không bệnh thì thật là vô lý.
Phật nói tiếp: - Này A-Nan, vì sao dân chúng ở xứ này lại đối đãi tệ bạc với chúng ta như vậy? - Bạch Thế Tôn, vì ở đây họ chưa từng nghe Phật thuyết pháp, họ không biết hành động nào là thiện, hành động nào là ác, nên họ mới xử tệ với chúng ta. - A-Nan, Như Lai ra đời vì làm lợi ích cho mọi người, vì cứu khổ chúng sanh, cũng như người thầy thuốc hay là cốt để trị những người đang đau khổ vì bệnh trầm trọng.
Dân chúng ở đây như những người bệnh nặng, Như Lai cần phải có mặt để giáo hoá họ, còn dân chúng ở thành Tỳ-Xá-Ly hay Vương Xá giống như những người bệnh nhẹ không cần đến Thế Tôn, chỉ những đệ tử của Thế Tôn cũng đủ để giáo hóa họ rồi; nơi này nếu Thế Tôn không đích thân đến thì ai dám đến đây giáo hóa?
Nghe như thế ngài A-Nan liền thưa: Bạch Thế Tôn, ở đây đâu có ai cần nghe Thế Tôn giảng, họ xử sự quá tệ bạc thì làm sao giáo hóa? Đức Phật giải thích thêm: Ví như người bệnh nặng, thân thể và tâm hồn họ bị giày xéo đau khổ nên tư cách và ngôn ngữ họ không bình thường, vì thế họ có những lời nói xúc phạm đến thầy thuốc, nếu người thầy thuốc thương bệnh nhân như con thì phải bỏ qua những điều đó để trị lành bệnh cho họ.
Cũng như thế, dân chúng đây là những người bệnh nặng nên họ có những thái độ bất thường, chúng ta nên giáo hóa họ chớ không nên bỏ họ.
Nghe Phật nói đến đó những người côn đồ liền thức tỉnh, họ đồng thưa: Bạch Thế Tôn, chúng tôi xin lỗi Ngài, chúng tôi thật là người bệnh nặng, mong Ngài ở lại đây giáo hóa chúng tôi. Đức Phật và ngài A-Nan ở lại, chỉ hơn một tuần lễ họ đã quy y rất đông, không kém thành Tỳ-Xá-Ly hay Vương Xá bao nhiêu…
Đó là câu chuyện về quá trình Hoằng pháp của Phật được Kinh sách ghi lại. Tôi đọc cũng được một số bộ Kinh, và chưa bao giờ cảm thấy những gì trong đó là cao siêu, thoát tục mà thậm chí rất đời, rất gần gũi với cuộc sống, với cách đối nhân xử thế hằng ngày của mỗi con người. Đoạn Kinh trên cũng vậy.
Tôi tự hỏi, trong nền giáo dục của chúng ta hiện tại, còn có bao nhiêu người thầy có một tư tưởng giáo dục vì trò như thế? Có lẽ không ai dám chắc về điều này, nhất là trước những thông tin về thầy trò trên mặt bằng truyền thông hôm nay.
Mới đây nhất, 7 học sinh một trường THPT ở Thanh Hóa từng phải nhận quyết định đuổi học 1 năm vì có hành vi xúc phạm thầy cô trên mạng xã hội facebook. Rất may là quyết định đó đã được thu hồi, rút xuống còn 1 tuần thay vì 1 năm, trước sự phản ứng của dư luận.
Chúng ta không thể biết cụ thể những em học sinh đó đã xúc phạm thầy cô ra sao, nguồn cơn, bối cảnh xảy ra việc đó là như thế nào nhưng tước đoạt quyền học của học sinh tận 1 năm trời không phải là cách làm hay ở môi trường sư phạm, nó thể hiện sự bế tắc, thất bại của nhà trường trong giáo dục. Học sinh có thái độ cố ý xúc phạm thầy cô chắc chắn là điều không được chấp nhận, cần có những hình thức giáo dục và kỷ luật nghiêm khắc.
Nhưng rõ ràng, ra một quyết định đuổi học là chuyện vô cùng dễ dàng, nó đơn giản hơn rất nhiều so với chuyện tìm ra nguyên nhân và phương pháp giáo dục những học sinh đó. Phải chăng vì thế mà phương pháp này đã được lựa chọn?
Sẽ có người nói rằng, câu chuyện làm thầy mà tôi kể trên chỉ có ở Đức Phật, trong Kinh sách. Nhưng hẳn chúng ta phải thừa nhận rằng, có những thực tế luôn có giá trị với thời gian dù ngàn năm trước thời Phật tại thế hay bây giờ, đó là người thầy thuốc chỉ chữa bệnh cho người ốm, ốm nặng chứ chẳng bao giờ chữa cho người lành cả, cũng như thầy không chỉ tiếp nhận những học sinh ngoan hiền trong khi những học sinh “cá biệt” mới thật sự cần dạy dỗ.
Để làm được những điều tưởng chừng là “lẽ ra phải như thế” đó, bây giờ lại trong đợi tất cả vào cái tâm của người thầy!