Bí mật sau khóa học hạnh phúc tại các ngôi trường danh tiếng nhất thế giới

Chủ Nhật, 24/05/2020, 10:13
Khóa học Khoa học về hạnh phúc của trường Đại học Yale là khóa học trực tuyến thu hút lượng người đăng ký đông nhất lịch sử nhân loại khi chạm mốc 1,8 triệu lượt vào tháng 4/2020. Đằng sau những khóa học về hạnh phúc tại các trường đại học tinh hoa của nước Mỹ là những sự thật gây sốc về cách người Mỹ sống và làm việc.

Thành công đánh đổi bằng kiệt quệ và khốn khổ

Vào một buổi sáng tháng 4/2007, bà Arianna Huffington - Tổng Biên tập tờ Huffington Post nằm trên sàn nhà đầy máu - khi một cơn choáng đột ngột ập tới khiến bà đập mặt vào góc bàn, xước mắt và vỡ xương gò má. Bà mau chóng được đưa tới bệnh viện và trải qua các đợt chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm, siêu âm tim để kiểm tra xem có vấn đề nào khác về sức khỏe ngoài việc bị kiệt sức hay không. 

“Kết quả là không có gì khác cả nhưng trong phòng đợi của bác sĩ, tôi nhận ra đây là một nơi phù hợp để tự đặt ra những câu hỏi cho chính bản thân về cách mà tôi đang sống".

Đại học Yale. Ảnh: L.G.

Bà kể lại trong cuốn sách Thrive - Thành công đâu chỉ là tiền bạc và sức mạnh: ”Chúng tôi sáng lập tờ Huffington Post vào năm 2005 và 2 năm sau, tờ báo đã tăng trưởng một cách ngoạn mục. Tôi xuất hiện trên trang bìa của những tờ báo nổi tiếng và lọt vào top 100 người có ảnh hưởng nhất toàn cầu của tạp chí Time. 

Nhưng, sau cú ngã, tôi đã tự hỏi bản thân: Thành công là như thế này sao? Liệu đây có phải là cuộc đời mà mình mong đợi? Tôi đã làm việc 18 giờ một ngày, liên tiếp 7 ngày trong tuần, cố gắng xây dựng doanh nghiệp, mở rộng các lĩnh vực, mời gọi các nhà đầu tư. Nhưng, tôi hoàn toàn mất kiểm soát. 

Từ khía cạnh của kinh doanh, tôi đã rất thành công khi có nhiều quyền lực và tiền bạc. Nhưng, tôi đã thất bại trong đời sống riêng, khi luôn sống căng thẳng, kiệt quệ, bệnh tật và bất hạnh trong mối quan hệ với con cái. Tôi biết mình phải thực sự thay đổi. Không thể tiếp tục đi trên con đường này...”.

“Giàu có, thành công và khốn khổ” là tựa đề của một bài báo của tác giả Charles Duhigg đăng trên tờ The New York Times khi ông phản ánh về tầng lớp tinh hoa của xã hội Mỹ - những người làm việc trong các công ty nổi tiếng với mức lương ngất ngưởng nhưng nhiều người trong số họ không cảm thấy hạnh phúc. 

Charles Duhigg kể lại buổi họp lớp đầu tiên sau khi tốt nghiệp Trường Kinh doanh Havard - trường đại học xuất sắc nhất thế giới - là bầu không khí hứng khởi, tràn đầy năng lượng của những gương mặt vừa được nhận vào làm việc tại Mc Kensy&Co, Goldman Sachs, Google, Apple...

15 năm sau, buổi họp lớp đã vắng đi nhiều tên tuổi, “và có những sự thất vọng kéo dài, những đứa trẻ không được chăm sóc, những vụ ly hôn hao tổn tinh thần và vật chất, những công việc tầm thường, xấu xa, tẻ nhạt”. 

Người bạn học của ông làm việc cho một quỹ đầu tư ủy thác với trách nhiệm mỗi ngày phải đầu tư 5 triệu đô la - một con số không nhỏ - cho đến khi anh giải thích: “Nếu tôi chỉ đặt 4 triệu đô la vào thứ Hai thì tôi sẽ phải giành giật để đặt 6 triệu đô la vào thứ Ba, trong lúc đồng nghiệp khác liên tục phá hoại để tìm kiếm các cơ hội thăng chức tiếp theo. Đó là một công việc căng thẳng điên cuồng và làm việc với những người mà bạn không ưa thích. Tôi có thể kiếm 1,2 triệu đô la/năm nhưng lại cực ghét đến văn phòng”.

Người Mỹ vốn tự hào về “chủ nghĩa ngoại lệ” theo nghĩa: Hoa Kỳ không chỉ là quốc gia giàu có, quyền lực nhất thế giới mà còn là đất nước của những điều phi thường và khác biệt. Mỉa mai thay, Hoa Kỳ cũng là quốc gia có số người mắc chứng căng thẳng, lo âu, trầm cảm nhiều nhất thế giới. 

Theo điều tra của hãng Gallup, 55% người Mỹ trưởng thành cảm thấy ngày càng lo âu, stress nhiều hơn so với mức 35% toàn cầu. Một cuộc khủng hoảng đang diễn ra trên công sở toàn quốc: 50% nhân viên cảm thấy không gắn bó, 20% không cảm thấy hạnh phúc và đem lại thiệt hại 450 tỷ đô la mỗi năm cho kinh tế Hoa Kỳ. Năm 2019, mức độ trầm cảm, lo âu, tức giận của người Mỹ tăng mức cao nhất trong một thập kỷ đổ lại. 

Stress - dịch bệnh của thế kỷ 21 đã tiêu tốn xấp xỉ 42 tỷ đô la/năm cho hệ thống y tế Hoa Kỳ. Như nhà tương lai học Sara Robinson đã mô tả về sự biến mất của văn hóa làm việc 40 giờ/tuần của người Mỹ: ”Nếu bạn đủ may mắn để có một công việc vào thời điểm này, bạn có thể sẽ làm đủ mọi cách để không bị mất việc. Nếu ông chủ yêu cầu bạn làm việc 50 giờ, bạn sẽ làm 55 giờ. Nếu được yêu cầu 60 giờ, bạn sẽ hy sinh tất cả các buổi tối, kể cả những ngày cuối tuần, để làm 65 giờ. Điều lạ lùng là bạn đã dành nhiều tháng, nếu không nói là nhiều năm để theo đuổi điều này. Bạn trả giá bằng cách hy sinh cuộc sống gia đình, thói quen thể dục, chế độ ăn uống, sự tỉnh táo của bạn. Bạn đã kiệt sức, mệt mỏi, đau đớn và hoàn toàn bị lãng quên bởi bạn đời, con cái, chó cưng nhưng bạn vẫn cố gắng vì mọi người đều biết rằng làm việc điên cuồng hằng giờ là điều cần thiết để chứng minh rằng bạn đam mê và năng suất, bạn có thể có một cơ hội để sống sót sau vòng sa thải tiếp theo”.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ The New York Times, ngay cả doanh nhân Elon Musk cũng thấy xúc động khi miêu tả sinh nhật lần thứ 47 của ông phải ở lại nhà máy làm việc suốt đêm. "Không bạn bè, không có gì cả", ông nói. Đó có thể chỉ là một ngày đã trôi qua trong một tuần trôi qua với 120 giờ làm việc. "Để gặp được con cái, bạn bè, thực sự phải mất chi phí", ông nói thêm.

Elon Musk không đơn độc vì có hàng triệu người Mỹ đang đi trên một con tàu giống như ông.

Theo một trích dẫn từ tờ New York Times, Erin Callan, cựu Giám đốc tài chính của Lehman Brothers, người rời khỏi cương vị vài tháng trước khi công ty bị phá sản, đã viết về những bài học mà cô nhận được khi trải qua quãng thời gian kiệt quệ về sức lực: “Công việc luôn được đặt lên hàng đầu, trên cả gia đình, những người bạn và cuộc hôn nhân của tôi - điều đã kết thúc chỉ vài tháng sau đó”. 

Hay như Anna Holmes, nhà sáng lập trang web Jezebe: Được thôi, nếu làm việc ở mức 110%, mình sẽ nhận được kết quả tốt. Nếu làm việc chăm chỉ hơn một chút, mình sẽ nhận được nhiều hơn thế. Đó là dấu hiệu của sự thành công. Tuy nhiên, nó lại gây ra những hậu quả cá nhân: tôi không bao giờ được nghỉ ngơi và ngày càng căng thẳng... Tôi không chỉ gửi bài cứ 10 phút một lần trong suốt 12 tiếng mà còn làm việc thêm 2 tiếng rưỡi vào đêm muộn, trước khi bắt đầu gửi bài để chuẩn bị cho ngày hôm sau".

Hiện tượng làm việc điên cuồng của người Mỹ bắt nguồn từ nỗi ám ảnh với các báo cáo lợi nhuận hằng quý, tối đa hóa lợi nhuận ngắn hạn và vượt mức tăng trưởng kỳ vọng - là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản coi kinh tế thị trường là cốt lõi số 1. 

Với người Mỹ, sự chuyên nghiệp đồng nghĩa với áp lực cao - như hình ảnh chúng ta thường thấy trên truyền hình: bác sĩ làm việc trong phòng cấp cứu với căng thẳng tột độ; luật sư chạy như con thoi giữa vụ án này đến vụ án kia; những bài báo hoặc cuốn sách về những doanh nhân và CEO phi thường đang điều hành các công ty hàng đầu, tạo ra những cuộc cách mạng trong đời sống nhưng vẫn đảm nhiệm hoàn hảo vai trò làm cha mẹ. 

Một nền văn hóa tưởng thưởng cho sự thăng tiến, tiền thưởng, khen ngợi, giải thưởng, xếp hạng. Mỗi khi bạn hoàn thành một mục tiêu hay ký kết một hợp đồng, ông chủ - đồng nghiệp sẽ ca tụng bạn theo kiểu: “Wow, bạn đã tiêu diệt nó” hoặc “Wow, bạn  đã hủy diệt được nó”. Hậu quả là khi áp lực tốc độ cao được tôn sùng tất yếu dẫn đến những sự căng thẳng tột độ về tâm lý. 

Như Ariana Huffington đã phân tích trong cuốn sách của bà: ”Phần lớn chúng ta coi sự thành công đồng nghĩa với sự bận rộn. Chúng ta cố gắng tận dụng từng chút thời gian cho công việc: làm liên tục nhiều việc cùng một lúc, ngủ ít hơn, coi chuyện làm việc 24/7 là tiêu chuẩn sống... để rồi bị kiệt sức, căng thẳng và trầm cảm - hay nói đúng hơn, chúng ta đã mắc “căn bệnh chung của nền văn minh nhân loại” - theo cách nói của triết gia người Bỉ, Pascal Chabot.

Giáo sư Leslie Perlow, Trường Kinh doanh Havard (Havard Bussiness School), tác giả sách Ngủ với điện thoại thông minh (Sleep with Smartphone) gọi tên hiện tượng những người sống với điện thoại 24/24 đều bị mắc chứng nghiện thành công. Họ luôn sống trong nỗi sợ hãi BỊ BỎ LỠ ĐIỀU GÌ ĐÓ. Họ bị ám ảnh với việc luôn phải đứng trên đỉnh cao của các lĩnh vực, luôn phải là chuyên gia số một của kế hoạch hoặc hợp đồng tiếp theo. 

“Thật đáng buồn, những người luôn dán mặt vào điện thoại để trả lời mọi email, theo dõi mọi tin tức để đảm bảo họ không bỏ lỡ bất cứ điều gì lại là những người bỏ lỡ ánh mắt của đứa con đang khao khát nhận được sự quan tâm thực sự của cha mẹ hoặc những khoảnh khắc tuyệt vời trong đám cưới người bạn thân” - GS Lesie chia sẻ.

Cuộc đua khốc liệt để thành công không chỉ diễn ra ở New York hay Silicon Valley mà diễn ra ở khắp nơi trên thế giới. Ảnh: L.G.

Cuộc đua khốc liệt để thành công này không chỉ diễn ra ở New York hay Silicon Valley mà diễn ra ở khắp mọi nơi trên thế giới. Dù bạn là ai, một CEO hay nhân viên làm công ăn lương, bạn được khuyến khích liên tục kiểm tra danh sách những việc cần làm, tập trung vào những nỗ lực cho tương lai, đẩy bản thân đến những giới hạn tối đa để cho ra những thành tựu xuất chúng. Và sẽ luôn luôn có những đồng nghiệp làm thêm giờ, những đồng nghiệp cho bạn thấy bạn có thể làm giống như họ, thậm chí vượt mặt họ. Và bạn sẽ không ngừng ráng sức theo đuổi các mục tiêu, chơi trò cút bắt với những tham vọng.

Những con đường hạnh phúc

Cuộc đua “Rat race” - một cụm từ thông dụng trong xã hội Mỹ không chỉ diễn ra trong giới tinh hoa hay tầng lớp lao động mà còn khốc liệt trong các giảng đường đại học. (Rat race là một cuộc đua chuột vô tận, tự chuốc lấy thất bại hoặc theo đuổi vô nghĩa. Nó gợi lên hình ảnh của những con chuột trong phòng thí nghiệm đua để có được những “pho mát” - giống như con người trong xã hội, đua với nhau để tìm kiếm tiền bạc, tài chính).

Tiến sĩ Emma Seppala, Giám đốc Khoa học của Trung tâm Nghiên cứu về lòng trắc ẩn và vị tha của Đại học Stanford (Hoa Kỳ) đã mô tả trong cuốn sách Con đường đến với hạnh phúc: “Khi bạn tới thung lũng Silicon Valley - vương quốc, lãnh địa của Facebook, Google, Twitter và trường Đại học Stanford... gần như ngay lập tức bạn sẽ cảm thầy sự ồn ào trôi trong bầu không khí. Tại bất cứ một quán café nào tại khu trung tâm của Paulo Alto, bạn chắc chắn sẽ nghe thấy những cuộc trò chuyện đầy phấn khích, hứng khởi của các doanh nhân khởi nghiệp với nhà đầu tư hoặc những sinh viên xuất sắc đang ngồi trong những thánh đường đẹp như mơ hứng khởi nghe các giáo sư đạt giải Nobel giảng bài. Silicon Valley là đại diện cho những gì đẹp nhất của giấc mơ Mỹ: tuổi trẻ, năng lượng, nhiệt huyết, hoài bão, sáng tạo, thành công, giàu có”. 

Nhưng tác giả đã cảm thấy choáng váng vì tỷ lệ sinh viên tự tử tại Đại học Stanford - ngôi trường tập trung nhiều bộ óc xuất sắc nhất thế giới. Như Carole Pertofsky, Giám đốc Chương trình nâng cao hạnh phúc và sức khỏe của Đại học Stanford, người đã thiết kế lớp học hạnh phúc giải thích về hiện tượng “Những chú vịt Stanford”: “Họ là những con vịt đang thảnh thơi bơi trên làn nước xanh trong, đôi cánh sải theo ánh mặt trời rực rỡ với gương mặt tự mãn nhưng ẩn sâu trong lớp sóng ngầm kia là sự tăm tối với những cú đạp điên cuồng khi phải vật lộn để liên tục di chuyển về phía trước”.

Mô tả về áp lực phải thành công của sinh viên ngôi trường nằm trong top Ivy League,  tiến sĩ Emma Seppala dẫn ra trường hợp sinh viên tên là Jackie - một trong những sinh viên tài năng bà đã dạy. 

Cô ấy không xa lạ với thành công. Từ khi còn là thiếu niên, cô đã nhận được nhiều sự ca tụng từ cộng đồng và là tâm điểm chú ý của truyền thông. Khi 14 tuổi, cô sáng lập một tổ chức phi lợi nhuận dạy nhảy cho những đứa trẻ có hoàn cảnh thiệt thòi để chúng từ bỏ cuộc sống lang thang và phát triển sự tự tôn. Cô cũng là một học sinh xuất sắc, đạt nhiều thành tích, trong đó có giải thưởng từ cuộc thi sắc đẹp ở địa phương. Với những thành tựu đó, cô dễ dàng được nhận vào Đại học Stanford. 

Nhưng khi bước chân vào Stanford, bạn bè của Jackie đều là những gương mặt đã từng nhận nhiều giải thưởng trong quá khứ, có người là ứng viên danh sách top 20 - top 30 của tạp chí Forbes, vận động viên Olympic, học giả của học bổng Rhodes, thành viên trẻ nhất của Hội đồng bang California.  Áp lực tiếp tục phải giữ ngôi vị dẫn đầu khiến Jackie điên cuồng lao vào học tập, nghiên cứu, hoạt động xã hội để giành thêm những giải thưởng và trong một thời gian dài cô đã bị mắc chứng mất ngủ cộng trầm cảm hưng phấn.

Khóa học đông nhất trong 317 năm

Vì chứng kiến tỷ lệ sinh viên bị mắc chứng căng thẳng, lo lắng, chán nản quá nhiều, giáo sư Laurie Santos (Đại học Yale - Hoa Kỳ) đã kiến tạo lớp học tên là “Khoa học về hạnh phúc”. Đây là khóa học có số lượng sinh viên tham dự đông nhất trong hơn 317 năm lịch sử của Đại học Yale và khi xuất hiện trên trang giáo dục trực tuyến Coursera, nó đã bứt phá lên con số 1,8 triệu người đăng ký - một con số kỷ lục cho bất cứ một khóa học trực tuyến nào trong lịch sử nhân loại. 

Theo GS Santos, khóa học ứng dụng những kiến thức, kết quả mới nhất của khoa học tâm lý chuyển vào thực tế thành các bài học, kỹ năng giúp sinh viên có thể xây dựng một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa và mãn nguyện hơn. Ở một quốc gia giàu có nhất thế giới nhưng có tới hơn một nửa sinh viên sống trong tình trạng lo lắng, vô vọng đến mức không dám dành một vài giờ ít ỏi để nghỉ ngơi thì khóa học này là một cẩm nang sống vô cùng hữu ích và cần thiết. 

Trong những bài học đầu tiên, GS Santos phân tích về sự lầm tưởng của người Mỹ với hạnh phúc theo kiểu hạnh phúc là khi bạn có một sự nghiệp thăng tiến, công việc hoàn hảo với mức lương cao, trúng xổ số,  nhà to, xe đẹp, nhan sắc, hình thể... 

“Đó là những thứ sẽ dính với chúng ta nhưng sau một thời gian sử dụng, có thể chúng ta sẽ nhàm chán và không cảm thấy hạnh phúc như kỳ vọng ban đầu”. GS Santos trích dẫn thêm câu nói của GS Dan Gilbert của Đại học Havard: “Một chiếc xe hơi mới sau một thời gian sử dụng sẽ trở nên lỗi thời có thể khiến bạn thất vọng; một kỳ nghỉ ở châu Âu hay chuyến thám hiểm của châu Phi có thể biến mất nhưng nó sẽ mãi ở trong tâm trí bạn như một miền ký ức đẹp đẽ”.

“Một lời khuyên được gửi đến các sinh viên là bạn nên đầu tư cho các TRẢI NGHIÊåM chứ không phải là VẬT CHẤT hoặc công cụ. Trải nghiệm đó có thể là những khoảnh khắc đời thường khi bạn cắm một bình hoa, nấu một món ăn ngon, đọc một trang sách hay hoặc đi bộ dưới trời mưa lâm thâm ngắm những bông hoa anh đào nhẹ bay trong gió. Bạn hãy tạo cho mình một danh sách của những điều giản dị mà khi trải qua chúng, bạn cảm thấy sung sướng và mãn nguyện. Và hãy nhớ chia sẻ những cảm xúc của mình lắng đọng trong thời khắc này với bạn bè, người thân qua những bức ảnh hay dòng tin nhắn. Điều đó nhắc về giây phút bạn đang sống trong hiện tại với lòng biết ơn cuộc đời đã ban tặng cho bạn những món quà tuyệt vời đến vậy” - GS Santos chia sẻ.

Bà nhấn mạnh lời khuyên mỗi người nên tập thói quen viết ra 3 điều may mắn mỗi ngày mà mình đã được cuộc đời ban tặng. Đó có thể chỉ là một bữa ăn ngon, cơ hội gặp lại bạn cũ sau 10 năm quên lãng, được tắm nước nóng với tinh dầu thơm hoặc lớn lao hơn là có một công việc, một mái nhà, một gia đình trong lúc hàng nghìn sinh mạng đang bị cướp đi mỗi ngày bởi đại dịch COVID-19. Một bí quyết quan trọng làm nên hạnh phúc  là học thiền, tập thở, rèn luyện thể thao, uống đủ nước, ngủ đủ giờ. 

Cuối cùng, GS Santos chỉ ra, những nghiên cứu cho thấy người hạnh phúc thường xuyên dành thời gian cho gia đình, bạn bè và họ có một mạng lưới quan hệ xã hội giàu có hơn những người bất hạnh. Những nghiên cứu thậm chí còn chỉ ra rằng các hành động giản dị như nói chuyện với một người xa lạ trên phố cũng có tác dụng vun đắp tâm trạng theo hướng tích cực. 

Bà khuyên sinh viên nên dùng 5 phút mỗi ngày để trò chuyện với ai đó ở bến xe bus, ở quán ăn, với cô thủ thư hay người dọn dẹp tại trường. Hoặc là giúp bạn bè những việc nhỏ, nói những lời tử tế với người thân, hiến máu, tình nguyện, viết thư thăm hỏi và cảm ơn với một ai đó đã từng giúp đỡ bạn - một ai đó từng là nguồn cảm hứng khiến bạn thay đổi cuộc đời theo chiều hướng tích cực. 

Như bộ phim nổi tiếng Its Wonderful Life (Cuộc sống tuyệt vời) đã tiết lộ: Điều quan trọng nhất trong những giờ đen tối của cuộc đời George Bailey (nhân vật chính) là những mối quan hệ cá nhân mà anh đã xây dựng. Anh nhận ra, vào cuối phim, dù anh nghèo, cuộc đời anh vẫn giàu tình bạn - tình người. Đó là đặc ân tuyệt vời nhất mà số phận ban tặng cho mỗi sinh linh trên trái đất này.

Thu Phương
.
.