Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc: Dò dẫm cùng luật pháp
Nghệ sỹ Việt Nam vốn tránh chuyện tiền bạc. Mọi người đều âm thầm ấm ức, hoặc nếu có, cũng là chửi toáng lên trong một cuộc nhậu rồi thôi. Ấy thế mà Phó Đức Phương xuất hiện. Ông nói ông đòi tiền giúp các nhạc sỹ. Thế nên, tên ông nóng trên báo. Ông chỉ trích những đơn vị kinh doanh mà không chịu trả tiền. Nhưng rồi ông cũng hứng chịu đủ điều tệ hại từ dư luận. Và rất nhiều khi ông bị các nhà báo quay... như dế!
Phó Đức Phương nói, sức viết của ông có thể coi là dồi dào, nhiều bài ông viết theo đơn đặt hàng, nhưng vẫn đều là những bài nghe được, không bao giờ sống sít minh họa kiểu "tỉnh ca". Sáng tác của ông đã đi vào tâm thức nhiều thế hệ, điều này dù người yêu hay kẻ ghét ông cũng đều phải công nhận. Nhưng hơn ba năm nay, ông đã ngừng viết. Không nốt nhạc nào ngân lên trong đầu ông nữa. Bởi ông đang dò dẫm với "nàng luật pháp", đau đầu cũng vì "nàng luật pháp". Bản quyền âm nhạc ở Việt Nam có thể coi ông là người khởi xướng, tự ông tìm đường đi cũng được 5 năm. Tôi trộm nghĩ, có thể lợi lộc ông được từ đâu đó trong chuyện này. Nhưng 5 năm đó vẫn là 5 năm cay đắng với đời một nghệ sỹ, vì ông đã lạc sang một lối khác, tưởng vẫn là âm nhạc nhưng lại chẳng hề âm nhạc...
1. Còn nhớ, khi Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập, trên các phương tiện truyền thông, cái tên Phó Đức Phương còn "hot" hơn cả tên những ngôi sao ca nhạc. Lúc ấy, cả ông và các cộng sự mới bắt đầu làm quen với chuyện bản quyền. Và từ đó, bước từng bước một trên con đường nhiều chông gai này.
Ở một đất nước mà nhiều năm người ta vẫn nghĩ nhạc sĩ sinh ra là để sáng tác, ca sỹ sinh ra là để hát cho khán giả, còn tiền bạc chỉ như là thứ động viên tinh thần, thì chuyện một ngày đẹp trời có ông trung tâm bản quyền tới... đòi tiền quả là chuyện khó tin. Không nhạc sỹ nào sống bằng tiền sáng tác bài hát cả. Nhiều người được phát sóng bài hát đã mừng húm, gọi điện khắp nơi báo bạn bè người thân cùng thưởng thức.
Tất nhiên, cũng có những nhạc sỹ sống bằng nghề, bằng những đơn đặt hàng giá vài chục ngàn USD. Giới làm nhạc vẫn có tin đồn rằng, những nhạc sỹ như Nguyễn Cường, Trần Tiến... luôn nhận được những đơn đặt hàng lớn như thế. Nhưng ở Việt Nam chỉ có vài người như thế, của hiếm thì không thể đem ra làm cái phổ biến được. Cho nên, về cơ bản, các nhạc sỹ đều có một công việc khác để nuôi nấng công việc sinh hạ những đứa con tinh thần. Tư duy đó ăn sâu vào trong cách ứng xử của giới văn nghệ. Nhạc sỹ cũng là những người thường dĩ hòa vi quý.
Nghệ sỹ Việt Nam vốn tránh chuyện tiền bạc. Mọi người đều âm thầm ấm ức, hoặc nếu có, cũng là chửi toáng lên trong một cuộc nhậu rồi thôi. Ấy thế mà Phó Đức Phương xuất hiện. Ông nói ông đòi tiền giúp các nhạc sỹ. Thế nên, tên ông nóng trên báo. Ông chỉ trích những đơn vị kinh doanh mà không chịu trả tiền. Nhưng rồi ông cũng hứng chịu đủ điều tệ hại từ dư luận. Và rất nhiều khi ông bị các nhà báo quay... như dế!
2. Đến tận lúc này, tôi vẫn nghĩ rằng Phó Đức Phương không phải là người giỏi về luật. Nhưng ông lại đang làm công việc liên quan mật thiết đến luật pháp, đó là luật Bản quyền. Trung tâm của ông có các trợ lý và có cô luật sư rất sắc sảo và phát ngôn đanh thép lắm. Nhưng tất cả những điều ấy chỉ là hành lang. Còn cái chính, ông là người phát ngôn, ông phải là người nắm chắc hơn ai hết những điều mình nói. Nhưng với Phó Đức Phương thì không hẳn vậy. Lần nào tôi tới gặp ông phỏng vấn, cũng có cô luật sư ngồi cạnh.
Cô luật sư thường hay cắt ngang lời sếp để giải thích những khái niệm hoặc những điều khoản mà đôi khi cô tự nghĩ là nó mơ hồ với người nghe mà ông nhạc sỹ giám đốc lại không nắm chắc.
Hôm tôi đến gặp ông về vấn đề bản quyền trên sóng phát thanh và truyền hình, Phó Đức Phương bảo, hôm qua mình mới biết là truyền hình kỹ thuật số họ không có được cái quyền phát sóng như VTV hay VOV. Họ là đơn vị kinh doanh và là truyền hình qua đầu thu, nên họ phải xin phép nhạc sỹ trước khi dựng chương trình. Mình nói chuyện với anh em luật sư họ mới cho biết thế, chứ trước mình cũng cứ nghĩ là nó giống nhau. Anh em mình từ khi mở trung tâm cũng phải đi học suốt, năm nào cũng phải học thêm. Làm cái này quá khó mà mình đâu có biết hết được!
Dù có đi học thì trong cái đầu chứa "đô rê mi" nhiều hơn những thuật ngữ pháp lý của ông cũng khó lòng mà hệ thống được các văn bản, nghị định, văn bản dưới luật về việc thực hiện bản quyền tác phẩm âm nhạc ở Việt Nam. Dường như bất cứ văn bản luật nào ở Việt Nam khi ban hành ra cũng vấp phải những cái bất hợp lý cần bổ sung, sửa đổi.
Các kỳ họp Quốc hội, nặng đầu nhất chính là chuyện kiện toàn các loại luật, mà luật nào cũng cần thiết, cấp bách nhưng vẫn đang bộn bề những vấn đề chưa được quán triệt, khai thông. Với Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam cũng vậy, chỉ sau hai tháng khi có hiệu lực, văn bản luật này đã phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp với thực tế. Vậy nên, việc vênh nhau trong cách thực thi các văn bản luật cũng là điều dễ hiểu. Và trong hồ sơ của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do ông ký, luôn phải kèm theo các "phụ lục" rất dài nhằm tạo cho đơn vị sử dụng âm nhạc bị "thuyết phục" hơn.
Sở dĩ tôi vẫn nghĩ ông không giỏi luật, bởi trong quá trình yêu cầu các đơn vị sử dụng chi trả tác quyền âm nhạc, ông và các cộng sự của mình thường đưa ra những yêu cầu quá cao và rất đúng với những văn bản pháp luật về bản quyền của quốc tế. Nhưng với tình trạng chung ở Việt Nam, điều đó giống như một vụ kiện mà anh giành phần thắng, nhưng khả năng thi hành án không cao. Nghĩa là anh rất đúng, nhưng anh rất khó "đòi tiền", vì nó quá cao và nó làm người ta hoảng sợ. Chế tài xử phạt ở Việt Nam còn quá nhẹ.
3. Tất nhiên, sau 5 năm, không thể phủ nhận rằng, Phó Đức Phương là người đặt nền móng cho việc thu bản quyền âm nhạc tại Việt Nam. Và cái quan trọng nhất là đã xác lập được trong suy nghĩ của đại bộ phận người sử dụng âm nhạc rằng, cần phải trả tiền tác quyền như một cách bù đắp lại công sức của các nhạc sỹ. Điều đó đang trở thành thông lệ tốt. Nhưng chính ông cũng đang rơi vào tình trạng dở dang của rất nhiều vấn đề âm nhạc.
Tháng 6 có thể coi là một cuộc "đòi tác quyền" rầm rộ khi gần 400 nhạc sỹ cùng ký vào đơn do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thảo, gửi đến các đơn vị sử dụng, cụ thể là VOV, VTV, VTC và một số đơn vị khác. Và vụ việc lại một lần nữa trở nên ầm ĩ khi nhạc sỹ Phan Tuyết Minh, người đại diện cho VOV phản hồi một cách dữ dội. Bà Minh còn nêu ra nhiều bất cập trong quản lý của trung tâm.
Trong bài viết đăng trên VOV News bản điện tử ngày 18-6, bà Minh viết: "Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc do ông Phó Đức Phương tự lập ra, và nói như nhạc sĩ Lương Nguyên: "Một mình ông Phương tự tung tự tác với những việc làm không thể tin được. Những người có tư cách cộng tác với ông đều đã bỏ đi. Trong Trung tâm này chỉ còn hai, ba người, không có ai biết luật, có người còn không biết cả sử dụng máy tính. Làm việc rất lộn xộn. Một lần xuất tiền mà có đến mấy giấy hóa đơn.
Hiện số tiền còn tồn đọng lên đến dăm, sáu tỷ (như nhạc sĩ Lương Nguyên, người đã từng là Phó Giám đốc của trung tâm này, đã tiết lộ trên Báo Đài Tiếng nói Việt Nam) mà ông Phương chưa trả, vì không biết ai mà trả... Cũng theo nhạc sĩ Lương Nguyên, ông Phương còn giữ khoảng từ 5 đến 6 tỷ tiền tác quyền mà chưa trả cho các nhạc sĩ. Số tiền ấy nếu để ở ngân hàng với lãi suất từ 17 đến 18% một năm như hiện nay thì số tiền dôi ra sẽ là bao nhiêu? Và số tiền ấy sẽ vào túi ai nếu có ai đó làm việc không minh bạch? Chúng ta không thể không nghi ngờ"...
Nếu đây là sự thật thì thực sự Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc đang trở thành một trong những trung tâm "tồn đọng tài chính" nhiều nhất. Và đây là điều hoàn toàn không có lợi với nhạc sỹ Phó Đức Phương khi bị dư luận quá chú tâm đến khoản tiền lớn này. Và sự nghi ngờ của các nhạc sỹ về sự minh bạch của trung tâm là hoàn toàn không tránh khỏi. Và họ có lý do để nghi ngờ. Và tôi cứ thầm lo, một khi xảy ra tình huống không nên có nhất xảy ra và các cơ quan tư pháp vào cuộc, thì liệu mọi sự sẽ ra sao?
4. Nhạc sỹ Phó Đức Phương tâm sự, ông chấp nhận hy sinh việc sáng tác để toàn tâm toàn ý cho công việc của Trung tâm. Đó là một thiệt thòi cho những người yêu nhạc. Nhưng thiệt thòi hơn cho chính ông. Bởi ông đã không còn những tháng ngày đam mê cùng âm nhạc, mà đổi vào đó là những văn bản, kiến nghị, hợp đồng. Tất cả là cơm, áo, gạo, tiền, lo cho sự tồn tại và yên ổn của Trung tâm.
Dường như người nghệ sỹ khi lao vào trường cơm áo đều thấy mình mỏi mệt. Mỗi lần gặp, dường như thấy Phó Đức Phương già hơn và mặt ông như nhàu thêm. Nếu làm nhạc sỹ, có lẽ ông là người được hàng triệu người yêu mến. Còn khi làm Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, ông rơi vào vòng xoáy của công việc và người yêu kẻ ghét quá nhiều, có cảm giác những người hậm hực với ông ngày càng nhiều hơn. Có thể sau này, ông sẽ lại viết sung sức. Nhưng những ngày tháng vừa qua, tôi vẫn nghĩ với Phó Đức Phương là những ngày thua thiệt. Bởi âm nhạc mới chính là cái bộc lộ con người ông chứ không phải bất cứ điều gì khác...