Bao giờ chúng ta sống được... bằng lương?

Thứ Bảy, 06/03/2021, 12:19
LTS: Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực từ ngày 1-1-2021, với nhiều quy định thay đổi liên quan đến lương tối thiểu. Nhưng, có lẽ, Việt Nam cần những thay đổi mạnh hơn nữa về lương để có thể tạo ra một bước nhảy vọt thực sự.


Lương “phẩy” và con voi trong phòng

Khi còn làm việc trong cơ quan nhà nước, một trong những băn khoăn rất lớn của tôi là mọi người sống bằng lương như thế nào?

Hệ số lương khởi điểm khi ấy (cách đây khoảng 10 năm), với người có trình độ đại học như tôi là 2,34, nhân lên khoảng hơn 3 triệu. Đó là chưa trừ tiền bảo hiểm xã hội. Trong khoảng 5 năm sau đó, sau nhiều nỗ lực lên lương, tôi nhận được khoảng hơn 5 triệu đồng lương tháng. Tất nhiên, nhờ tòa soạn nơi tôi làm việc ưu ái, mức nhuận bút được chấm tốt hơn để bù vào phần lương phẩy vốn phải chờ nhiều thủ tục để có thể được lên lương.

Nhưng, cơ bản thì cũng chỉ trang trải nhu cầu tối thiểu. Khi có bạn gái, việc này bắt đầu trở nên khó khăn. Tôi thậm chí không dám suy tính đến chuyện lấy vợ mà không phải tính đến chuyện về xin tiền gia đình, chưa nói gì chuyện nuôi con sau này. Một tháng sữa cho một đứa trẻ đang lớn có thể ngốn toàn bộ tiền lương hệ số của bạn.

Nhưng, rốt cục thì khi nhìn ra xung quanh, bạn sẽ thấy rằng ai cũng phải vượt qua chuyện này và mọi người dường như đều coi đó là bình thường. Có người buôn bán kiếm thêm. Có người nhờ gia đình kinh tế tốt hỗ trợ. Có người chỉ coi công việc nhà nước như một nơi trú chân, cho có danh phận với đời, còn sống là nhờ vào nguồn thu nhập khác. Cá nhân tôi, chỉ có năng lực viết, phải “cày” thêm rất nhiều để có thể trang trải cuộc sống.

Năm 2015, một khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho thấy mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con) là 4,247 triệu đồng/tháng, bao gồm các chi phí thuê nhà, điện nước, gửi con đi nhà trẻ và lương thực thực phẩm. Trong khi đó, tiền lương trung bình chỉ là 3,8 triệu/tháng. Cuối năm 2019, một bài báo đăng trên Tuổi Trẻ giật tít đầy hy vọng: Năm 2020, người lao động có thể sống bằng lương.

Cơ sở của hy vọng này là mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tăng từ ngày 1-1-2020. Cụ thể là từ 5,1%-5,7%, quy ra tiền thì chỉ tương ứng mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng từ 150 - 240 ngàn/tháng. Trong khi đó, tỉ lệ bù lạm phát, trượt giá lên đến 4% và 93-95% doanh nghiệp trên thị trường trả lương thực tế cao hơn mức Chính phủ ban hành. Tức là thật ra, bước tiến của chúng ta chỉ khoảng vài chục ngàn đồng, tương đương thêm một bát phở trong...  một tháng. Khái niệm “sống được” ở đây, có vẻ giống một sự duy ý chí, hơn là thực tế trên con số thống kê.

Sự cải thiện theo kiểu dàn hàng ngang này không đem đến những thay đổi bước ngoặt và mang lại cảm giác thiếu công bằng: việc lên lương và có hệ số phẩy cao có thể đạt được nhờ thâm niên công tác, hơn là hiệu quả công việc. Và nó dẫn đến những giải pháp bế tắc: tăng lương cơ bản tức là “tưởng thưởng” luôn cả những người không có gì ngoài thâm niên, đơn giản vì họ đã có mặt trong hệ thống này từ đầu, chứ không phải vì năng lực của họ thúc đẩy sự tiến bộ của nó.

Nhưng, trong nhiều năm, việc có chân trong một cơ quan nhà nước là một nghịch lý: đây vẫn là vị trí được xem là “ổn định”, thậm chí rất có tương lai, nếu bạn lên được một vị trí tốt (và hầu như bạn không thể nghèo nếu có vị trí tốt). Và nếu giàu có nhờ mức lương phẩy này (trên lý thuyết), thường thì chúng ta sẽ đối diện với một lựa chọn khó khăn khi cố gắng diễn giải tài sản của mình. Hoặc, nếu cố gắng quá, một số người có thể mắc phải bẫy của chính mình, tạo ra những giai thoại kiểu bán cây cảnh nên mua được đồng hồ tiền tỷ, hay buôn chổi đót xây được biệt phủ.

Tiền chảy dưới gầm bàn

Sự “bí ẩn” này, nhìn tổng thể, được giải quyết bằng một loạt các quy ước ngầm, với một dòng tiền cũng ngầm nốt. Nếu như ai đó muốn giàu có khi làm việc trong cơ quan nhà nước mà không được gia đình hậu thuẫn và có một công việc kinh doanh trái tay thành công thì họ buộc phải đóng vai trò trung gian của quá trình bôi trơn mà thực thể ngoài xã hội cần. Như là ký tá giấy tờ, hoặc thúc đẩy một quy trình nào đó cho doanh nghiệp. Hoặc chuyện lớn hơn nữa, như là chọn một nhà thầu hoặc giải ngân một số tiền khổng lồ của Nhà nước. Những đại án bị phanh phui trong vài năm qua, thuộc một cuộc chiến thống tham nhũng khổng lồ, đã phơi bày một cơ chế bất biến trong những cuộc đổi chác dưới gầm bàn này.

Và điều nguy hiểm của những vụ đổi chác này là nó không chỉ tạo ra thiệt hại mà còn sản sinh ra một nếp nghĩ: vào Nhà nước không phải sống bằng lương, bằng những đồng tiền chính thức trong một cơ chế minh bạch, vì sự bất khả thi của cuộc sống kiểu này; mà là tiến đến những vị trí quan trọng để có thể thực hiện những cuộc đổi chác. Tất nhiên, bạn có thể cho rằng bằng một cách lắt léo nào đó, giá trị của những vị trí trong cơ quan nhà nước là không đổi: có những người thực sự làm giàu nhờ vị trí của họ.

Nhưng đánh đổi việc này là một cơ chế thiếu minh bạch, giàu màu sắc xin - cho và một người phải lưu tâm nhiều hơn đến quan hệ để có thể kiếm tiền ngoài lương, hơn là tập trung vào chuyên môn của mình. Từ những món tiền nhỏ như là phong bì bồi dưỡng khi đi họp đến chuyện to như là “màu mỡ” để bôi trơn chính sách.

Khi tra cứu sâu hơn, tôi mới biết băn khoăn này của mình không phải là câu chuyện cũ: những nỗ lực lên tiếng về cải cách tiền lương đã xuất hiện nhiều năm qua, và chính sách tiền lương thậm chí đã trải qua 4 lần thay đổi, vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Nhưng câu chuyện vẫn rất cũ: chúng ta đang có hẳn một con voi trong phòng, ai cũng biết nhưng ngại thừa nhận nó.

Và việc vượt qua những trở ngại của nó phụ thuộc vào năng lực và lương tâm của mỗi cá nhân. Người có năng lực sẽ tìm thêm việc để khỏa lấp thu nhập. Người có lương tâm có thể thừa nhận thẳng thừng sự thiếu thốn thu nhập chính quy của mình để tìm kiếm cơ hội ở những nơi chấp nhận cạnh tranh thị trường hơn. Còn người không có cả hai có thể sẽ chọn cách gây hại cho hệ thống nhất: họ trục lợi cá nhân từ những lỗ hổng trong đó và cả lời bào chữa ngầm rằng thời buổi này, không ai sống bằng lương cả.

Và tôi vẫn phải nhắc lại, điều đáng nói không hẳn chỉ là việc chúng ta thừa nhận một sự điều chỉnh dòng tiền đa số chảy dưới gầm bàn mà còn là bồi đắp hằng ngày một nếp tư duy, rằng có thể sống với một con voi trong phòng, lờ đi sự thật và làm cho những gì thiếu minh bạch sinh sôi. Khi tư duy bằng hệ thống lương phẩy, chúng ta đã tự phê chuẩn một thang giá trị đã không theo kịp thực tế từ lâu và phải mất rất nhiều thời gian cũng như sự lắt léo để làm cho dòng tiền chảy một cách “hợp lý”, theo những thang sống mà đáng ra có thể xuất hiện một cách chính quy và tường minh hơn.

Tất nhiên, điều này sẽ dẫn đến những quyết định mà hằng ngày khi đối diện với chúng, ta sẽ bắt gặp một tình huống nan giải kiểu con gà và quả trứng: bước tiếp theo quán tính của những gì đang diễn ra, dù chúng là sai hoặc cố gắng thay đổi dù biết rằng hành vi cá nhân của mình thậm chí chưa thay đổi được gì mà còn có thể mang lại rắc rối. Ví dụ đơn giản thế này: khi công việc giấy tờ cần nhanh chóng, bạn sẽ cố gắng thỏa thuận với cửa công bằng phí “bôi trơn” và tự nhủ rằng thời buổi này làm nhà nước đâu ai sống bằng lương, hay là ngồi chờ đến lượt một cách đàng hoàng, dù có thể mất thời gian rất lâu?

Nếu số đông nói là không thì chúng ta mới thực sự sẵn sàng cho một sự thay đổi lớn, từ gốc rễ vấn đề.

Phạm An

Tiêu 3 triệu một tháng

“Tôi sẽ giữ bằng lái xe của anh. Anh có thể đến đồn cảnh sát lấy lại vào Thứ hai nhưng sẽ phải chờ cả ngày, có khi lâu hơn. Anh có muốn giải quyết vấn đề luôn ở đây không?”.

Đó là một đoạn hội thoại quen thuộc. Một cảnh sát tại Mexico đã nói như vậy với một phóng viên của báo Economist (Anh) vào năm 2011. Và bạn có thể liên tưởng đến một khung cảnh ở bất kỳ quốc gia đang phát triển nào trên thế giới, bạn có thể vẫn đúng. Đoạn hội thoại đó là biểu tượng bất khuất của nạn tham nhũng.

Tham nhũng được sinh ra từ đâu?

Có một giả thuyết được chấp nhận khá đông đảo: tiền lương trong khu vực công có liên quan đến tham nhũng. Nó gần như một tiên đề không cần chứng minh và đã được các nhà ban hành chính sách nêu ra nhiều lần trong các thảo luận về tiền lương cho cán bộ nhà nước.

Theo giả thuyết này, lương cán bộ thấp sẽ dẫn đến tham nhũng gia tăng. Có vẻ rất dễ hiểu. Nhưng có một bài toán khó mà các nhà nghiên cứu khắp thế giới đã đi tìm lời giải trong nhiều thế kỷ qua: thế nào là “lương thấp”?

Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Quản lý công (Public Administration) năm 2019, hai nhà nghiên cứu Agnes Cornell và Anders Sundell đề xuất 2 loại “lương thấp” của khu vực nhà nước.

Loại “thấp” thứ nhất là thấp so với các công việc tương tự, đòi hỏi trình độ và sự vất vả tương đương trong khu vực tư nhân. Ví dụ, cùng tốt nghiệp một ngôi trường, cũng cống hiến 8 tiếng một ngày nhưng nếu một người làm việc cho nhà nước chỉ nhận được 1/3 so với cậu bạn học làm cho tập đoàn tư nhân thì vị viên/công chức này có thể nảy sinh so sánh và cảm thấy mình “xứng đáng” với một thu nhập cao hơn. Sự “xứng đáng” này sẽ được tìm cách tạo ra bằng việc cào cấu ở đâu đó - vì dẫu sao anh ta cũng đại diện cho quyền lực nhà nước.

Loại “thấp” thứ hai là khi mức lương của cán bộ nhà nước không đủ chi trả cho nhu cầu sống tối thiểu. Đó cũng là điều kiện để tham nhũng xuất hiện. Có thể đơn giản nhất, là tham nhũng thời gian khi cán bộ làm việc khác trong giờ để kiếm tiền trang trải hoặc tinh vi hơn như là những giáo viên phải tổ chức lớp học thêm để bù đắp cho mức lương mà họ không bằng lòng.

Và nghiên cứu này sau đó khẳng định: có nhiều bằng chứng cho thấy loại 2, tức là mức lương thấp hơn “nhu cầu tối thiểu” có quan hệ chặt chẽ với tình trạng tham nhũng tại nhiều quốc gia hơn.

Có thể tạm hiểu rằng đúng là con người không bao giờ biết đủ, lúc nào cũng so sánh hướng lên và vẫn sẽ luôn có trường hợp cán bộ mang lòng tham không đáy. Nhưng, nếu đảm bảo được một mức sống vừa đủ cho cán bộ, họ sẽ có ít lý do để tham nhũng hơn. Tình trạng tham nhũng sẽ giảm ở quy mô quốc gia.

Nghe có vẻ như chúng ta đã tiếp cận với một giải pháp khá triệt để (thậm chí là hiển nhiên) cho vấn đề tham nhũng. Biết rồi thì làm thôi. Hãy đảm bảo mức sống tối thiểu cho cán bộ.

Nhưng, thế nào là nhu cầu sống tối thiểu? Hiện nay, khái niệm này - và qua đó là chính sách lương của Việt Nam - dựa khá nhiều vào các điều tra mức chi tiêu bình quân của Tổng cục Thống kê.

Hãy thử xem một kết quả của cuộc điều tra gần đây, năm 2018. Tổng cục Thống kê khẳng định rằng chi trung bình cho nhà ở của mỗi nhân khẩu thành thị Việt Nam là 275 nghìn đồng. Tức là một hộ gia đình thành thị, mỗi tháng sẽ chi khoảng hơn 1 triệu cho chỗ ở (tính cả điện nước, vệ sinh). Cộng thêm 127 nghìn tiền quần áo, 173 nghìn tiền chăm sóc sức khỏe, khoảng triệu rưỡi tiền ăn uống mỗi người... trung bình tháng một nhân khẩu thành thị tiêu hết 3,28 triệu đồng và mỗi hộ hết khoảng 13 triệu.

Nếu mỗi nhân khẩu thành thị mỗi tháng tiêu trung bình hết hơn 3 triệu thì có vẻ như mức lương cán bộ hiện nay, với thâm niên đi làm không quá cao đã “được hẳn” 6-7 triệu/tháng thì hai vợ chồng nuôi 2 đứa con nhỏ ngon lành.

Sẽ rất khó phản biện các con số của Tổng cục Thống kê vì đơn vị này không công khai phương pháp điều tra. Nhưng, nếu sử dụng cảm quan thông thường, để nghĩ về việc một cư dân thành thị tiêu “tới tận” 275 nghìn đồng một tháng cho nhà ở, sẽ cảm thấy cần thêm những lời giải thích. Tức là ở mức sống trung bình hoặc người ta sẽ đi thuê nhà với 1 triệu một tháng (275 nhân 4 người) hoặc họ sẽ trả góp nhà với 1 triệu mỗi tháng hoặc cứ giả dụ phần lớn dân số được ở nhà bố mẹ để lại cho - dù chúng ta biết không phải như thế - thì trung bình mỗi năm họ sẽ tiêu hơn 10 triệu đồng cho khấu hao, sửa chữa, điện nước?

275 nghìn đồng mỗi tháng tiêu cho nhà ở thành thị. Nếu như các chính sách về lương được thiết lập trên những con số như thế này, chúng ta có quyền nghi ngại sự hợp lý của chính sách lương đó - trong việc đảm bảo mức sống thực tế của những cán bộ nhà nước.

Những cán bộ “tiêu 3 triệu một tháng” về lý thuyết có phải là người tài hay không? Liệu họ có dốc sức vì tinh thần phục vụ nhân dân không? Liệu họ có dành toàn bộ thời gian và trí lực cho sự nghiệp xây dựng đất nước?

Và câu hỏi quan trọng nhất, những cán bộ được mặc định “tiêu 3 triệu một tháng” - trong đó có 275 nghìn tiền nhà ở - có cưỡng lại được sức hút của tiêu cực hay không?

Để đi đến “liêm chính-chí công-vô tư” trong hành vi của cán bộ, để tạo ra những con người đứng thẳng lưng, có lẽ phải bàn lại về cái gốc. Rằng chúng ta đã thẳng thắn với nhau trong việc xác định mức sống và qua đó là giá trị của con người hay chưa? Nếu không công bằng ngay cả trong việc xác định thế nào là “sống” thì cũng khó bàn chuyện “sống tử tế”!

Đức Hoàng

Hãy nói về tuổi 30

Trước tết Tân Sửu cỡ một tuần, ở một địa phương lớn có buổi họp báo ra mắt một tân giám đốc sở. Câu chuyện ấy chẳng có gì là bất thường cả nếu như không có chi tiết sau. Vị trí giám đốc sở này vốn dĩ đã để trống 9 tháng và không thể kiếm tìm được ứng viên phù hợp. Cuối cùng, phải nhờ đến đảng bộ địa phương gợi ý mới có thể “so bó đũa, chọn cột cờ”. Vị tân giám đốc sở này được xem là trẻ. Anh sinh năm 1981.

Minh họa trong bài: Hùng Dingo.

Có 3 câu hỏi nên được đặt ra ở câu chuyện này. Thứ nhất, trong 9 tháng khuyết giám đốc, sở nọ vẫn hoàn thành nhiệm vụ, thậm chí là hoàn thành tốt trong khó khăn đại dịch COVID-19. Vậy thì vai trò một người lãnh đạo cao nhất của đơn vị ấy quan trọng tới đâu? Thứ hai, có phải thiếu vắng nhân tài đến nỗi 9 tháng không tìm nổi một ứng viên phù hợp nhất? Và thứ ba, 40 tuổi có phải là “trẻ” đối với vị trí lãnh đạo cấp cơ sở?

Xin trả lời ngược từ 3 trở lại 1. 40 tuổi không còn là trẻ. Xưa, các cụ có câu “Tam thập nhi lập”. Nó không chỉ đơn thuần mang nghĩa bước vào tuổi 30 là phải làm cha mà còn hàm ý ở tuổi ấy, con người phải vững vàng đủ sức để làm trụ cột gia đình. Và phổ biến hiện nay, những người ở vào tuổi 30 thường đạt được độ chín nhất của sức sáng tạo, sức lao động, tri thức và kinh nghiệm đủ đáp ứng thời đại. Lãnh đạo ở tuổi 30 có thể coi là trẻ nhưng không phải là “trẻ đột biến” trên bình diện chung toàn cầu. Rất nhiều người ở tuổi 30 đã có tầm ảnh hưởng lớn đối với cả xã hội rồi. Vì thế, 40 tuổi mới làm giám đốc một sở thì không thể gọi là trẻ nữa. Có thể gọi là “vừa đủ chín”.

Câu hỏi thứ hai, bằng quan điểm và kinh nghiệm cá nhân của mình, tôi không tin rằng một địa phương lớn như thế không có ai đủ tài năng, đủ phù hợp các tiêu chuẩn tuyển dụng để làm giám đốc một sở. 9 tháng không chọn được ứng viên có thể đến từ ngàn lý do khác, từ vặt vãnh cho tới phổ quát nhưng dứt khoát không phải do thiếu nhân tài.

Câu hỏi đầu tiên, ta trả lời bằng chính một câu hỏi khác. Tại sao không chọn trong chính những người đang vận hành công tác của sở kia trong 9 tháng thiếu giám đốc để bổ nhiệm khi mà họ vẫn hoàn thành nhiệm vụ, nếu không nói là xuất sắc.

Cơ bản, chúng ta chưa bao giờ có một cơ chế tuyển dụng lãnh đạo cấp cơ sở một cách công khai, với cam kết đôi bên ràng buộc rõ ràng về quyền lợi và nghĩa vụ, cùng các tiêu chuẩn chi tiết về kết quả công việc được đặt ra cho một nhiệm kỳ. Và trong sự thiếu vắng cơ chế này, chúng ta đang loay hoay trong một sợi xích cơ chế khác: cơ chế lương.

Tôi tin, nếu thí điểm ở địa phương nọ bằng cách công khai tổ chức thi tuyển giám đốc sở, với các đòi hỏi cụ thể đặt ra, kèm theo một mức lương thỏa thuận thay vì lương bậc ngạch như hiện nay, sẽ không ít người cảm thấy đó là một cơ hội tuyệt vời. Nhưng, chúng ta có làm được điều đó hay không khi mà đã bao thập niên trôi qua, chúng ta quan niệm, một vị trí quản trị nhà nước cấp cơ sở hoàn toàn là một nấc thang để bước chân vào con đường chính trị.

Nói thẳng, chúng ta đang không có những người thực thi chính sách chuyên nghiệp, nghĩa là những người chỉ đơn thuần phụng sự xã hội và bộ máy theo một cam kết, trọn đời hài lòng với một vị trí mình làm tốt nhất. Thay vào đó, chúng ta tạo ra một lộ trình trong bộ máy mà mỗi cán bộ trong đó nghĩ đến thăng quan tiến chức nhiều hơn là làm việc.

Tôi quay lại với tuổi 30, để làm rõ hơn về câu chuyện cơ chế lương bổng này. Theo lẽ thường, một người trẻ sẽ bước vào ngưỡng cửa đại học ở tuổi 18. Và sau 4 hoặc 5 năm học tùy ngành, họ sẽ tốt nghiệp ở tuổi 22-23. Nếu tốt nghiệp, họ đi làm ngay ở một cơ quan hành chính nhà nước, sau 9 năm làm việc, họ sẽ bước vào lứa tuổi 30, tuổi bắt đầu vào độ thăng hoa của sáng tạo. Và 9 năm ấy là gì? Là 3 lần tăng lương và cử nhân/kỹ sư này sẽ nhận được bậc lương 3/9, hệ số 3,00. Bậc lương ấy có thể mang lại cho họ tối đa thu nhập từ lương bao nhiêu tiền mỗi tháng? Dưới 10 triệu. Và với mức thu nhập từ lương dưới 120 triệu/năm, không ai có thể làm chủ một gia đình tiêu chuẩn với 1 vợ, 1-2 con. Đó là còn chưa kể đến chuyện phụng dưỡng cha mẹ, giúp đỡ em út trong nhà. Thử hỏi, với một viễn cảnh cho tuổi 30 như thế, nhân tài có dám đặt chân vào các cơ quan hành chính công?

Phi lý nằm ở chính điểm này. Ở tuổi 30, nhiều người giỏi đã nắm vai trò giám đốc bộ phận ở các tập đoàn lớn với mức lương có thể lên tới con số cả ngàn USD/tháng. Tất nhiên, chúng ta không thể yêu cầu hệ thống lương hành chính công có thể bắt kịp mức lương của khối doanh nghiệp. Trên toàn thế giới, không có lương công chức ở đâu có thể bắt kịp lương của khối doanh nghiệp cả. Nhưng, nó cũng không thấp đến mức độ thê thảm đến thế trong tương quan so sánh. Và chúng ta không phải không có giải pháp, đặc biệt là khi tỷ lệ cán bộ “vô công rỗi nghề”, cán bộ dư thừa hưởng lương trong bộ máy rất đông. Vậy mà chúng ta vẫn còn loay hoay, để rồi không dứt ra nổi khỏi nan đề “làm sao chọn được tuổi trẻ tài năng cho bộ máy nhà nước”?

Chúng ta nói nhiều về cắt giảm biên chế. Đó là việc phải làm nhưng làm như thế nào? Tôi tin rằng, nếu thay đổi cơ chế lương từ bậc ngạch sang lương thỏa thuận nằm trong quy định về sàn và trần đồng thời để tự mỗi đơn vị tự quyết định nhân sự của mình căn cứ trên ngân sách lương họ được quyền sử dụng hằng năm, chắc chắn bộ máy nhà nước sẽ toàn người được việc và luôn tuân thủ các đòi hỏi của công việc.

Sẽ không thể bắt một cán bộ trong bộ máy nhà nước yêu công việc của mình nếu họ không thể đủ sống bằng lương. Tình trạng tham nhũng vặt cũng được biện minh bằng cái gọi là lương không đủ sống này. Tình trạng lãnh đạo mắt nhắm mắt mở để cán bộ sử dụng giờ làm việc để chạy việc bên ngoài cũng phổ biến do nguyên nhân ấy.

Và nói thẳng, sau 35 năm đổi mới, mở cửa và xóa bỏ quan liêu bao cấp, chúng ta vẫn còn giữ lại dấu vết nặng nề nhất của quan liêu ở chính thứ cơ chế lương lạ thường và thiếu tính thị trường này. Nó không tạo ra được một yếu tố chủ đạo để lập nên cam kết giữa nhà nước (người trả lương, thuê lao động) và công chức (người lao động). Khi không có cam kết, công việc chắc chắn sẽ luôn cho kết quả rất mơ hồ. Và bi kịch là chúng ta vẫn tốn hàng ngàn tỷ mỗi năm cho cải cách lương. Theo như báo cáo của Bộ Tài chính về “Ước chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2020”, 3.650 tỷ là số tiền ước chi cho việc cải cách tiền lương và tinh giản biên chế. Dự toán cho cả năm 2020 cho nhiệm vụ này là 61.523 tỷ. Có lãng phí hay không?

Để kết, ta sẽ cùng quay lại với vị trí giám đốc sở. Vị trí của bất kỳ một giám đốc sở nào, ở bất kỳ địa phương nào, tùy thâm niên, sẽ được hưởng lương cộng thêm phụ cấp nhưng cũng chưa chắc được 2 chục triệu đồng/tháng. Đó là số tiền không đủ để “tề gia”. Thế thì họ sẽ “trị quốc” thế nào nếu bản thân gia đình họ chưa được họ quản trị một cách tốt nhất, hiệu quả nhất?

Hà Quang Minh

Phạm An - Đức Hoàng - Hà Quang Minh
.
.