An ninh con người

Thứ Ba, 13/07/2021, 15:32
Khái niệm an ninh con người lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, thể hiện tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia mà trọng tâm là vấn đề an ninh con người. An ninh con người trở thành một nhân tố, điều kiện quan trọng để thực hiện cũng như bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu.


Nhiệm vụ thứ 7 trong định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương. Chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; phát hiện sớm và xử lý kịp thời những yếu tố bất lợi, nhất là những yếu tố nguy cơ gây đột biến; đẩy mạnh đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch”.

Về nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ Đại hội XIII, Nghị quyết nhấn mạnh: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; có chính sách cụ thể phát triển văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

An ninh con người là tổng hợp các yếu tố đảm bảo cuộc sống an ninh, an toàn cho người dân.

Như vậy, trong định hướng và nhiệm vụ trọng tâm nói trên, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh yếu tố “an ninh con người”. Khái niệm này lần đầu tiên được đưa vào Nghị quyết Đại hội Đảng, thể hiện quan điểm, tư duy mới trong đảm bảo an ninh quốc gia mà trọng tâm là vấn đề an ninh con người. Vậy, cần hiểu vấn đề an ninh con người như thế nào trong mối quan hệ với an ninh quốc gia và những nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh con người trong giai đoạn mới. 

Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu trong Báo cáo Phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) năm 1994. Theo UNDP, khái niệm an ninh từ lâu được các nước hiểu theo nghĩa hẹp là an ninh quốc gia, trong phạm vi các mối đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hay các vấn đề gắn liền với sự sinh tồn của một quốc gia như chiến tranh, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí giết người hàng loạt...

UNDP đã đề xuất khái niệm an ninh con người với 7 nhân tố cấu thành gồm: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh sức khỏe, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng và an ninh chính trị. Ủy ban An ninh con người của Liên Hợp quốc còn đưa ra định nghĩa về an ninh con người là phải bảo vệ các giá trị cơ bản quan trọng nhất trong cuộc sống của tất cả mọi người theo hướng tăng cường khả năng tự do lựa chọn và hưởng thụ của con người, bảo vệ con người khỏi những mối đe dọa, nguy hiểm ở khắp mọi nơi trên thế giới.

Theo nghĩa đó, cần phải tạo dựng cùng các hệ thống chính sách xã hội, môi trường, kinh tế, quân sự, văn hóa... để chúng giúp con người được an ninh, an toàn.

Ủy ban An ninh con người của Liên Hợp quốc đã đưa ra khuyến nghị 10 điểm: (1) Bảo vệ con người trong các cuộc xung đột bạo lực; (2) bảo vệ con người khỏi việc phổ biến vũ khí; (3) trợ giúp về an ninh cho những người đang trên đường di dời khỏi quê hương; (4) thành lập các quỹ tạm thời về an ninh con người trong các tình huống hậu xung đột; (5) khuyến khích giao thương công bằng và tiếp cận thị trường đem lại nguồn lợi cho những người nghèo khổ; (6) bảo đảm mức sống tối thiểu cho con người ở khắp mọi nơi; (7) chú ý ưu tiên tiếp cận dịch vụ chăm sóc y tế cơ bản và đồng đều; (8) phát triển một hệ thống các quyền phát minh sáng chế có hiệu quả và công bằng; (9) bảo đảm quyền con người bằng hệ thống giáo dục phổ cập thông qua các nỗ lực toàn cầu cũng như của từng nước; (10) bảo vệ sự cần thiết của những chuẩn mực chung toàn cầu về con người, đồng thời phải tôn trọng tự do lựa chọn của các cá nhân, các dân tộc để duy trì sự đa dạng bản sắc.

Khái quát lại, an ninh con người là sự an toàn của con người trước những mối đe dọa như nghèo đói, bệnh tật, đàn áp và những biến cố bất ngờ, bất lợi trong cuộc sống hằng ngày. An ninh con người được đặt ra trong mối quan hệ mật thiết với những nội dung an ninh khác, an ninh con người có mối quan hệ với thời đại, xã hội và môi trường tự nhiên. An ninh con người trở thành một nhân tố, điều kiện quan trọng để thực hiện cũng như bảo đảm an ninh xã hội, an ninh toàn cầu. 

Vấn đề an ninh con người đã được Liên Hợp quốc và nhiều nước trên thế giới tiếp nhận như một tư duy mới có sức thuyết phục và có giá trị thực tiễn cao. Con người đặt ở vị trí trung tâm của thời cuộc, của xã hội là mang tính khách quan bởi xã hội suy cho cùng là xã hội của con người và vì con người. Thực hiện an ninh con người sẽ bổ sung và làm phong phú cho an ninh quốc gia và an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, từ khái niệm chung về an ninh con người lại có cách hiểu cụ thể khác nhau, dẫn tới những chính sách và hành vi rất khác nhau.

Thể chế chính trị Việt Nam coi trọng an ninh con người, đề cao vai trò của quần chúng nhân dân, coi nhân dân là người chủ thực sự của xã hội. Do đó, các chính sách và an ninh xã hội, công bằng xã hội, bình đẳng xã hội, xóa đói giảm nghèo... được coi trọng và thực hiện cũng chính là nhằm bảm đảm an ninh con người. Chính việc bảo đảm được an ninh con người làm cho an ninh quốc gia được ổn định, đất nước phát triển bền vững, hài hòa.

An ninh con người không tách rời an ninh quốc gia và bảo đảm an ninh con người chính là bảo đảm an ninh quốc gia. Thực tiễn cho thấy, xã hội được bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn chính là thước đo quan trọng hàng đầu phản ánh chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của người dân. Dù cho người dân có thu nhập tốt, mức sống cao nhưng nếu xã hội bất ổn về chính trị, bị đe dọa về nạn khủng bố, xung đột, bạo loạn... sẽ gây đảo lộn cuộc sống, làm cho tâm lý người dân hoang mang, lo sợ và cuộc sống chung của toàn xã hội sẽ bất an, nguy hiểm.

Ngược lại, xã hội được bảo đảm an ninh không chỉ loại trừ được sự nguy hiểm đe dọa sinh mạng, sức khỏe mà còn đòi hỏi sự bảo đảm cho cuộc sống bình thường của mỗi con người, sự ổn định, hạnh phúc trong cuộc sống.

An ninh con người là một phần của an ninh quốc gia, chính trật tự, kỷ cương mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân và từ môi trường đó càng củng cố niềm tin của người dân đối với Đảng, chế độ, củng cố niềm tin vào cuộc sống an lành. Điều này cũng nhằm phản bác lại một số luận điệu muốn tách an ninh con người khỏi an ninh quốc gia, đặt an ninh con người trên an ninh quốc gia, từ đó lấy cớ nhân quyền, dân chủ để thực hiện các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, vu cáo Đảng, Nhà nước vi phạm quyền con người, quyền công dân.

Đây thực chất là hành vi lợi dụng vấn đề an ninh con người để chống phá đất nước, gây nguy hiểm đến an ninh quốc gia. Thực chất, bảo đảm an ninh con người trước hết phải là bảo đảm chủ quyền, an ninh quốc gia của cả cộng đồng sinh sống, đó là chủ quyền thiêng liêng nhất, bao hàm an ninh con người và phục vụ cao nhất cho an ninh con người.

Về vấn đề này, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đặt nhân tố con người, an ninh con người làm trung tâm của mọi hoạt động, xác định bảo vệ an ninh con người vừa là mục tiêu phấn đấu, vừa là động lực bảo đảm cho sự ổn định chính trị xã hội và xây dựng, phát triển đất nước trường tồn, thịnh vượng. Chú trọng an ninh, an toàn là một trong những yếu tố hàng đầu trong cuộc sống của người dân, do vậy bảo vệ an ninh quốc gia cũng chính là bảo vệ cuộc sống của người dân. An ninh con người là trạng thái người dân được sống ổn định, an toàn, không bị đe dọa bởi các nguy cơ xâm hại.

“Bảo vệ an ninh con người là bảo đảm và thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013, bảo đảm mọi người dân được sống ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, lành mạnh” - Bộ trưởng Tô Lâm nêu rõ.
An Nhi
.
.