Ấn Độ - Trung Quốc: Vì chúng ta cần nhau

Thứ Tư, 06/11/2019, 13:02
Ấn Độ cần Trung Quốc hơn hay Trung Quốc cần Ấn Độ hơn? Đến cả cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức lần 2 giữa nguyên thủ hai nước, tại thành phố nghỉ mát ven biển Mamallapuram, bang Tamil Nadu (Ấn Độ), cũng không đưa ra được câu trả lời. Song, cái chính là cuộc gặp ấy đã diễn ra.

Vì chúng ta cần nhau

Với quy mô kinh tế lớn gấp 5 lần Ấn Độ kèm theo đó là tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn, Trung Quốc có vị thế "cửa trên" trong nhiều vấn đề liên quan. Trong nhiều năm qua, Trung Quốc cũng đã chủ động đưa ảnh hưởng của mình lấn dần đến các khu vực xung quanh người hàng xóm. Tuy nhiên, bối cảnh thế giới có nhiều biến động luôn tiềm ẩn những bất ngờ, thêm bạn bớt thù dù sao vẫn là xu hướng chính trong hợp tác quốc tế. Mà Ấn Độ dù sao cũng là một “người khổng lồ”, một đối tác giàu tiềm năng.

Việc ông Modi và đảng BJP dễ dàng thắng cử nhiệm kỳ thứ hai liên tiếp cho thấy một xu hướng mới. Việc từ bỏ các mối quan tâm về dân tộc và tôn giáo để tập trung cho phát triển kinh tế xã hội của BJP đã đem lại những bước chuyển mới cho nền kinh tế. Trong 5 năm qua, nền kinh tế Ấn Độ liên tục tăng trưởng trên 7%, trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới, song song với việc GDP tăng ròng gần 1.000 tỷ USD để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới.

Trung Quốc không thể dễ dàng bỏ qua thị trường gần 1,4 tỷ dân với mức tăng trưởng chóng mặt như vậy. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra nhiều thách thức: Nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến cho những mục tiêu lớn được ông Tập Cận Bình đặt ra như “Giấc mơ Trung Hoa” vào năm 2021 hay “Sản xuất tại Trung Quốc” vào năm 2025 khó lòng đạt được. Ấn Độ với thị trường khổng lồ và cơ hội đầu tư lớn sẽ là sự thay thế không nhỏ cho những mất mát mà kinh tế Trung Quốc đang gánh chịu.

Cái bắt tay hợp tác trong bối cảnh hiện tại.

Đồng thời, mối quan hệ tốt với Ấn Độ sẽ giúp Trung Quốc giảm được sức ép lên các vấn đề ở Tây Tạng, Tân Cương trong bối cảnh những biến động chính trị ở Hong Kong đã đủ làm cho chính quyền Bắc Kinh phải đau đầu. Thêm vào đó, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ cũng luôn là mối lo ngại lớn của Trung Quốc, nếu để New Delhi đi xa hơn nữa trong quan hệ với Washington thì sẽ rất bất lợi cho Trung Quốc về tương quan chính trị toàn cầu.

Dĩ nhiên, Ấn Độ cũng muốn có được một mối quan hệ tốt với người hàng xóm của mình. Trung Quốc vừa là nước lớn, vừa là láng giềng cùng chung biên giới với thương mại hai chiều hơn 70 tỷ USD và triển vọng đầu tư lớn từ Trung Quốc, Ấn Độ hiểu rõ cơ hội kinh tế mà Trung Quốc có thể mang lại, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện nay. Ấn Độ muốn Trung Quốc coi Ấn Độ là một cơ hội đầu tư tốt để đón dòng vốn đang chảy khỏi Trung Quốc nhưng lại chủ yếu hướng về các nước Đông Nam Á và Bangladesh lân cận.

Với một Trung Quốc đang ngày càng có tầm ảnh hưởng lớn ở khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, Ấn Độ cũng muốn giữ một thế cân bằng chiến lược, đồng thời thúc đẩy đối thoại để tránh những va chạm không cần thiết trong bối cảnh họ đang tập trung phát triển kinh tế xây dựng tiềm lực của mình.

Những kỳ vọng tốt đẹp đó được hy vọng sẽ làm mờ đi phần nào những bất đồng sâu sắc giữa hai bên đã tồn tại từ lâu.

Những mâu thuẫn nóng

Mới đây, Trung Quốc đã công khai ủng hộ Pakistan sau khi Ấn Độ hủy bỏ Điều 370 Hiến pháp, chuyển quy chế tự trị của Jammu và Kashmir sang quy chế lãnh thổ trực thuộc Liên bang Ấn Độ. Một bước đi ngoại giao không hề dễ chịu với Ấn Độ khi chính quyền Bắc Kinh thay mặt Islamabad đưa vấn đề Kashmir ra Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Và ngay trước khi đến Tamil Nadu để gặp ông Modi thì ngày 8-10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tiếp đón Thủ tướng Pakistan, Imran Khan tại Bắc Kinh. Một cuộc tập trận không quân với quy mô lớn nhất từ trước tới nay giữa Trung Quốc và Pakistan cũng đã diễn ra vào tháng 8 vừa qua.

Dĩ nhiên, Ấn Độ cũng có những đòn đáp trả thích đáng. Sau tuyên bố ủng hộ Islamabad của Bắc Kinh, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã nói thẳng rằng vấn đề Kashmir là chuyện nội bộ của Ấn Độ và không cần Trung Quốc phải can thiệp vào. Ông Modi cũng vừa kịp hoàn thành chuyến thăm chính thức Mỹ hồi cuối tháng 9 vừa qua với lời kêu gọi cử tri gốc Ấn bỏ phiếu cho ông Trump, người quyết tâm đối chọi với Trung Quốc nhất trong tất cả các ứng viên Tổng thống Mỹ trong kỳ bầu cử tới.

Hai vị nguyên thủ tìm đến những chủ đề thoải mái nhất trong cuộc hội đàm của mình.

Một cử chỉ thân thiện bất thường vượt trên những mối quan hệ xã giao giữa hai vị nguyên thủ quốc gia. Và cũng trong chuyến đi đó, Ấn Độ thông báo kế hoạch sẽ tiến hành tập trận hợp đồng tác chiến 3 quân chủng lần đầu tiên với Mỹ trong thời gian tới.

Những đòn đáp trả tương ứng của cả hai phía về mặt ngoại giao, đối ngoại và quốc phòng khiến cho người ta có cảm giác về một cuộc so kè nhiều hơn là tinh thần hòa hảo. Ở góc nhìn đó, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều coi nhau như đối thủ bởi những bất đồng liên quan đến lợi ích cốt lõi giữa hai nước vẫn còn quá căng thẳng.

Mâu thuẫn lớn nhất giữa hai cường quốc láng giềng này liên quan đến những vùng lãnh thổ tranh chấp với tổng diện tích lên tới 120.000 km2 đã kéo dài gần 50 năm qua. 21 vòng đàm phán được tiến hành nhưng chưa đi đến một kết quả nào. Những căng thẳng thực địa năm 2017, 2018 thậm chí đã tiến rất gần đến một cuộc xung đột vũ trang, khi hai bên đưa lực lượng quân đội tới sát đường biên giới ở Doklam. Sự quyết đoán của Trung Quốc trong vấn đề này đẩy những nỗ lực đàm phán đi đến bế tắc, còn Ấn Độ cũng không thể nhượng bộ dễ dàng.

Cùng với những căng thẳng biên giới là áp lực mà Trung Quốc gây ra cho Ấn Độ bằng tầm ảnh hưởng chính trị ngày càng lớn của mình. Sáng kiến “Vành đai - Con đường” (BRI) cùng với hành lang kinh tế Trung Quốc - Pakistan được thúc đẩy trong thời gian qua làm gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á và Ấn Độ Dương, nơi vẫn được coi như “sân sau” của Ấn Độ. Chính vì áp lực đó mà Ấn Độ đã phải tìm kiếm những mối quan hệ đối tác mới trong khu vực như Đông và Đông Nam châu Á.

Những xung đột về tầm ảnh hưởng cũng như đường biên giới mơ hồ tồn tại mấy chục năm qua vẫn là những lợi ích cốt lõi nhất và lâu dài nhất trong mối quan hệ giữa hai nước mà không thể ngày một ngày hai có thể giải quyết được. Vì vậy, cả hai đã chọn giải pháp tạm gác tranh chấp để cùng phát triển.

Căng thẳng biên giới kéo dài giữa Ấn Độ và Trung Quốc.

Cái bắt tay của tình thế

Cũng như tính không chính thức của cuộc gặp giữa hai vị nguyên thủ hàng đầu hai nước, không có một chương trình nghị sự hay thông cáo cụ thể nào được đưa ra trước, trong và sau cuộc gặp 2 ngày ở Tamil Nadu. Khi mà lòng tin chiến lược của cả hai dành cho nhau còn hạn chế, thật khó để đưa ra một quyết định bước ngoặt.

Tuy nhiên, cả hai nước đều sẽ không muốn đẩy tình hình lên căng thẳng trong lúc này. Ấn Độ lẫn Trung Quốc đều hiểu rằng họ cần có nhau và khi gặp nhau tại Tamil Nadu, những vấn đề gây mâu thuẫn nhất giữa cả hai bên có thể tạm thời được gác lại. Giống như hình ảnh ông Modi và ông Tập Cận Bình cùng ngả lưng trên chiếc ghế tựa uống nước dừa và ngắm nhìn khu di sản ở Mahabalipuram, cả hai vị lãnh đạo đều đang cố gắng đi tìm những chủ đề thoải mái nhất cho mình trong một kỳ nghỉ.

Ông Modi sẽ muốn Trung Quốc cân bằng lại thương mại và tăng cường đầu tư. Còn ông Tập dĩ nhiên cũng sẽ muốn Ấn Độ mở cửa thị trường mạnh hơn nữa cho hàng hóa Trung Quốc thâm nhập. Hồi tháng 8, chẳng phải Ấn Độ đã từng dọa sẽ đánh thuế tới 500% vào hàng hóa Trung Quốc đó sao? Đó mới là nút thắt căng thẳng nhất lúc này mà hai bên cần giải quyết ngay lập tức, chứ không phải những đường biên giới xa xôi ở vùng núi cao tuyết phủ.

Việc nhấn mạnh vào hợp tác kinh tế - văn hóa sẽ giúp cả hai “xả hơi”. Ông Tập, vị khách được mời đến chơi lần này sẽ "né" đi những chủ đề nóng gây bất đồng giữa hai bên. Còn ông Modi, người chủ nhà hiếu khách cũng biết phải làm gì. Như thế, cả hai có thể bình thản tận hưởng bầu không khí mát mẻ của Ấn Độ Dương và chờ đợi thời cơ khác cho những vấn đề nóng bỏng hơn.

Tử Uyên
.
.