25 năm bộ phim Titanic: Điệu nhảy của tình yêu và cái chết

Thứ Ba, 07/03/2023, 13:50

Một con tàu khổng lồ chìm một nửa xuống biển, nửa còn lại vẫn còn hếch lên trời như miệng một con cá voi, thế rồi điện tắt, những con người xấu số chỉ mới trước đó còn đang vui chơi tận hưởng giấc mơ giàu sang ở bên kia Đại Tây Dương, từng kẻ một rơi tuột xuống đại dương, họ sẽ không bao giờ tới thiên đường New York mà sẽ tới thiên đường đích thực, sàn tàu nứt ra và con tàu vỡ đôi. Thế là hết, con tàu Titanic không thể chìm, đã chìm.

Tôi và có lẽ là rất nhiều người Việt Nam khác đã xem “Titanic” lần đầu tiên nhờ những chiếc VCD mờ chiếu trên tivi màn hình cong cũ kỹ vào hơn hai mươi năm trước, và bất chấp những điều kiện bất lợi ấy, bất chấp không được xem “Titanic” trên màn ảnh rộng – nơi duy nhất xứng đáng với từng milimet của bom tấn này – ta vẫn cảm nhận được toàn bộ bi kịch lớn lao của khối hoa lệ trước hồi chuông báo tử.

titanic 1.jpg -0
Phân cảnh Jack và Rose trên Đại Tây Dương sau khi “Titanic” đắm

Tròn 25 năm “Titanic” ra đời, bao khán giả Việt năm nào còn cả gia đình mấy thế hệ chen chúc trong một căn nhà tập thể cấp 4, nay cuộc sống đã khá giả hơn gấp hàng chục lần và việc ra rạp xem phim cũng chẳng còn phải điều gì xa xỉ, giờ đây có thể xem phiên bản 3D Titanic do James Cameron dựng lại công phu trên màn ảnh tân tiến nhất, và ôn lại ký ức, không chỉ là ký ức về bộ phim, mà còn những ký ức riêng về một thời còn nhiều khốn khó.

Điện ảnh đã thay đổi. Cuộc sống đã thay đổi. Những phương cách giải trí đã thay đổi. Nhưng có một điều dường như vẫn chưa thay đổi, một điều đã vướng mắc trong chúng ta, biết bao năm qua về “Titanic”: tại sao Jack Dawson, chàng họa sĩ với gương mặt búng da sữa mà Leonardo Di Caprio thủ diễn thời trai trẻ, lại phải chết?

Có lẽ ít tác phẩm mà trải qua 25 năm sau, vẫn trở thành tâm điểm tranh cãi về chất lượng như “Titanic”. 25 năm là quãng thời gian đủ dài để người ta có thể đi đến quyết định một bộ phim là dở hay hay. Nhưng với “Titanic” thì khác, sau 25 năm, nó vẫn gây ra những cuộc bút chiến không ngừng giữa người yêu phim, rằng đó là một tác phẩm kinh điển hay chỉ là một bộ phim nhạt nhẽo ngốn tiền?

Năm 2003, một trong những tác phẩm có doanh phu phòng vé cao nhất mọi thời đại và cũng đạt nhiều đề cử Oscar nhất mọi thời đại bị bình chọn vào danh sách phim tồi tệ nhất trong một chương trình của BBC. Các nhà làm phim tác giả lừng danh như Robert Altman hay Jacques Rivette gọi nó là “rác rưởi”. Không hề quá khi gọi “Titanic” là bộ phim bị ghét nhất trong số những bộ phim được yêu thích nhất.

titanic 2.jpg -0
Cảnh phim cuối của “Titanic” - một kết thúc có hậu cho Jack và Rose trong giấc mơ

Trong kỷ nguyên hiện đại, nơi khái niệm tình yêu đã bị xơ hóa, nơi chủ nghĩa lãng mạn đã trở thành một món ăn lõng bõng, nhờn dính, khó nuốt thì ngày càng nhiều khán giả không thể cảm nổi “Titanic” cùng mối tình vượt mọi rào cản đẳng cấp giữa Jack và Rose. Muốn biết gu phim ngày nay đã khác xa thế nào ư? Hãy thử xem “Triangle of Sadness”, một tác phẩm cũng có tàu đắm, cũng có cuộc sống xa hoa của những “quý bà”, “quý ông”, cũng có một cặp tình nhân thuộc về những tầng lớp khác biệt – cô gái là KOL nổi tiếng còn chàng trai chỉ là người mẫu vô danh được đi ké cô nàng – nhưng chẳng có quái gì lãng mạn hay sẵn sàng sống chết vì nhau ở đây cả, khi tai họa ập đến, mỗi kẻ dần trở mặt và chấp thuận làm đủ chuyện ô nhục chính mình cũng phát gớm chỉ để xoay xở cho cái mạng nhỏ của mình, và họ được ta miễn thứ vì trong hoàn cảnh ấy, ai mà không... Khán giả giờ ưa chuộng những con dao phẫu thuật không chút khoan dung xẻ rạch xã hội như thế, chứ không phải những con dao văn vẻ như trong câu nói của Jack Dawson khi mô tả làn nước giá buốt của Đại Tây Dương, thứ sẽ lấy đi tương lai, giấc mơ và cuộc đời anh, chia cắt anh và người anh yêu mãi mãi: “cứ như bị những mũi dao nhỏ xuyên qua người vậy”.

Thậm chí, cảnh phim cảm động nhất của “Titanic”, cảnh phim đã lấy đi nước mắt bao người, khi nhân vật Rose của Kate Winslet nằm trên cái mảng với chiếc áo phao còn Jack thì đang sắp hóa băng dưới nước, gương mặt anh trắng bệch, rồi đến một lúc, đôi tay anh tuột dần khỏi đôi tay Rose, anh chìm xuống lòng nước sâu, gương mặt nhòe đi, rồi mất hẳn – ngay cả cảnh phim ấy buồn thấu tim gan ấy cũng không thoát khỏi những câu hỏi logic của người xem đương đại.

Tại sao Rose không nhường cho Jack cái áo phao để anh giữ ấm thêm một chút? Mà tại sao cái mảng lớn thế, đủ chỗ cho hai người, mà Rose không xê ra một chút để nhường chỗ cho Jack? Tại sao Jack lại phải chết? Cái chết của anh có phải lãng xẹt và dư thừa không? Về lý mà nói, hai người có thể cùng nhau sống sót chứ không phải âm dương cách biệt. Phải chăng, Jack chết chỉ vì James Cameron muốn Jack phải chết?

25 năm sau, cuối cùng James Cameron cũng lần đầu trực tiếp đối diện những câu hỏi ấy, trong một bộ phim tài liệu kỷ niệm “Titanic” của kênh National Geographic. Các nhà làm phim và các nhà khoa học đã thực hiện một thí nghiệm nhằm tái hiện lại phân cảnh Jack và Rose trôi nổi giữa đại dương, cho hai người thật ngâm mình trong một bể nước ở nhiệt độ -2 độ C, với một cái mảng cũng đúng bằng kích cỡ cái mảng trong phim. Điều khác biệt duy nhất là người đóng vai Jack thay vì yên vị chờ chết dưới nước, anh cũng sẽ leo lên cái mảng.

Kết quả là: dù mất nhiều công sức để trèo lên đúng tư thế, cái mảng chỉ bị chìm khoảng vài centimet khi có cả hai người lớn cùng trèo lên, trong khi nếu có mình cô gái thì cái mảng hoàn toàn nổi, nhưng nói gì đi nữa thì sự thật là Jack đáng lẽ không cần phải hy sinh tính mạng của mình. James Cameron cũng thừa nhận điều ấy. Đúng, Jack có thể sống, cùng với Rose, và tạo nên một cái kết thúc có hậu. Jack chết chỉ bởi vì kịch bản bảo anh phải chết.

Jack “cần phải chết”, nói như Cameron. Bởi vì “Titanic” là “một bộ phim về tình yêu, sự hy sinh và cái chết”. Bởi vì tình yêu được đo bằng cái chết và sự hy sinh.

Trong tác phẩm “Kính sợ và run rẩy” của cha đẻ triết học hiện sinh Soren Kierkegaard, ông đã viết thế này: “...để có được vị công nương, để sống với nàng vui vẻ và hạnh phúc ngày này qua ngày khác [...] thì mọi khoảnh khắc đều phải thấy thanh gươm treo trên cổ nàng”. Nghĩa là theo Kierkegaard, cái chết là điều không thể thiếu để làm nên một tình yêu chân thực, chính sự vắn vủi của cuộc đời và cuộc tình khiến cho nó đáng giá biết bao nhiêu. Theo cách ấy, làm sao Jack có thể sống và sống hạnh phúc vĩnh viễn bên Rose? Anh chỉ có duy một con đường là chết.

Cái chết và tình yêu giống như một đôi bạn nhảy ăn ý. Dù là tình yêu mang tính đại đồng như Chúa dành cho nhân quần hay một mối tình nam nữ thì việc chấp nhận sự hiện diện của cái chết và sẵn sàng chết khi cần chính là biểu hiện cao nhất của tình yêu. Ta thấy các vị thần trong thần thoại Hy-La thường xuyên ngoại tình và phản bội người họ yêu, ấy là vì họ không thể chết và khi không thể chết, họ chẳng có cách nào hy sinh đủ cho tình yêu, cũng chẳng cách nào giữ gìn tình yêu suốt ngàn đời. Trong khi tình yêu của những thân phận khả tử như giữa chàng Orpheus và nàng Eurydice thì vĩnh viễn xanh tươi dù họ không sống mãi.

Mặc dù con người còn lâu mới đạt đến bất tử, nhưng có khi, chính nhờ sự tiến bộ của khoa học khiến mọi công việc ngày càng được làm nhanh hơn, những hiểm họa khó lường của tự nhiên ngày càng được kiểm soát còn tuổi thọ của con người ngày một dài ra, chúng ta có nhiều thời gian dư ra để làm việc khác và bởi vậy mà ta bớt tin vào tình yêu, ta không còn rung động nổi trước những tình yêu mang tính huyền thoại như Jack và Rose nữa. Tình yêu, nếu có, dễ dàng đâm sầm vào núi băng của sự vô cảm, rồi gãy đôi.

Hẳn còn đáng để phẫn nộ hơn nếu như ngày ấy James Cameron cho Jack Dawson được sống. Nếu như vậy, bộ phim sẽ chẳng hơn gì series “Twilight” (Chạng vạng), một series đình đám mà tác giả đã không nỡ lấy mạng của ai trong cặp tình nhân Bella và ma cà rồng Edward, thậm chí đến cuối còn cho Bella trở thành bất tử để cặp đôi mãi được bên nhau. Trong khi, trời ơi, để cho họ bất tử chính là cách nhanh nhất để giết chết tình yêu của họ! Bất tử đồng nghĩa với sự mở ra của vô số khả năng, ta có thể sống mọi cuộc đời muốn sống. Nếu có thể sống mọi cuộc đời muốn sống, sao có thể mãi mãi yêu một người.

Không thể chối cãi rằng “Titanic” là một bộ phim với nhiều điểm yếu, cũng như chính con tàu đồ sộ xa hoa kia đã chết vì gót chân Achilles của nó. Kể cả khi coi Titanic là một bộ phim hay thì nó cũng không hay theo kiểu của những bộ phim tình yêu như “Casablanca”, “Đồi gió hú”... những phim tình kinh điển khiến ta rưng rưng nước mắt mà chẳng cần một bối cảnh lên gân. Nhưng “Titanic” đã có một cái kết hoàn hảo, một cái kết nhắc ta nhớ rằng sự tàn nhẫn tự nhiên của cuộc đời cũng là ân phước, khác hẳn với sự tàn nhẫn mà chính con người dùng làm keo dán các mấu nối của xã hội với nhau trong “Triangle of Sadness”. Việc Cameron buộc Jack phải chết dù những quy luật vật lý không ép buộc anh phải chết càng khiến cảnh ấy não nùng hơn, vì như thế, Cameron đã bỏ ngoài tai tất cả, chỉ để thỏa mãn một hình ảnh tình yêu lý tưởng.

Jack và Rose chỉ có thể đoàn tụ trong giấc mơ của Rose, lúc này đã rất già: nàng bước vào sảnh vũ hội của đoàn tàu Titanic năm nào, bước lên cầu thang trước sự chứng kiến của những vị khách thanh lịch nhất, và Jack đang đợi nàng ở đó, họ hôn nhau, mọi người vỗ tay vang rền.

Giấc mơ ấy không có thật: cuộc sống của Jack và của vô vàn những hành khách khác đã qua đi, Titanic đã chết, tuổi trẻ của Rose cũng không còn nữa; giấc mơ không có thật và cũng không kéo dài mãi, vì nó sẽ kết thúc khi Rose tỉnh dậy, mà kể cả bà không tỉnh dậy thì giấc mơ cũng sẽ tan biến. Nhưng chính sự hữu hạn của nó khiến cho nó trở nên vô hạn và đầy sức mạnh. Và với những đứa trẻ xem phim năm nào đã thành những người trưởng thành, đã nhận ra thật khó để yêu chân thực trong thế giới hôm nay, ta đâu cần phải yêu như họ để cảm được họ, hãy cứ hòa lẫn trong đám đông trên phim kia, vỗ tay cho họ. Vỗ tay vì một tình yêu vô lý nhất trên đời này. Vỗ tay vì sự vô lý sắp bị đánh đắm. Vỗ tay cho James Cameron và cầu ước để phim ông vẫn sẽ là chốn tị nạn dung chứa những điều vô lý.

Hiền Trang
.
.