HDBank
Mobifone

2022: Hồi phục từ đâu?

Thứ Bảy, 12/02/2022, 13:49

LTS: Năm 2022 là năm chúng ta kỳ vọng sự hồi phục ở mọi lĩnh vực, mà đặc biệt nhất là ở lĩnh vực kinh tế. Đó là xương sống, là mạch máu của cơ thể xã hội. Nhưng hồi phục như thế nào và hồi phục từ đâu thì vẫn luôn là câu hỏi quá lớn cho tất cả, nhất là những người hoạch định chính sách.

Nến xanh phục hồi

Chị Nga là một chủ quán bia ở Hà Nội đã ba lần cố mở cửa quán, rồi phải ngậm ngùi đóng lại chỉ sau vài ngày trong đại dịch. Hiện giờ, chị đã bỏ hẳn việc kinh doanh để đi làm kế toán cho một công ty truyền thông. Các chi phí cố định khủng khiếp đã buộc chị phải từ bỏ mộng kinh doanh.

Cuộc sống của gia đình chị đã bị ảnh hưởng nặng nề: Căn nhà rộng rãi trước đây đã bị bán để trang trải chi phí trong thời gian khủng hoảng. Hai đứa con phải chuyển trường ra gần ngoại ô. Và chị rời bỏ công việc tự chủ để trở về làm thuê. "Mãi mãi mình không thể nghĩ rằng chỉ hai năm mất hết những gì làm trong 10 năm" - chị bần thần.

Những cú sập tài chính như thế không phải là hiếm, và nó có thể đến với bất cứ ai trong đại dịch. Vợ chồng ông Thi (Cần Thơ) có lẽ trong mơ cũng không mường tượng ra được một ngày mình sẽ ra nông nỗi này: phải sống bằng các suất cơm từ thiện và đi thuê nhà.

Họ đã từng là chủ một đội tàu du lịch ở bến Ninh Kiều, với tài sản tích lũy mà chưa bao giờ hai ông bà nghĩ rằng có một ngày chúng sẽ bốc hơi nhanh đến thế. Trước đây, ông bà có 20 nhân công, giờ thì hàng ngày chỉ có hai vợ chồng, thêm người con thi thoảng ra phụ trông thuyền. Từ tầng lớp có của ăn của để, giờ họ rơi xuống gần đáy: Hai căn nhà và mảnh đất đã phải gán để trả lãi ngân hàng vay mua tàu. "Mất hết rồi, chú ạ" - Ông nghẹn ngào nói. "Giờ tàu thanh lý cũng chưa ai muốn mua lại, khách du lịch cũng chưa quay lại, có ai muốn đi vào lúc này đâu?".

Hãy xuống thấp hơn một chút nữa, để thấy dư chấn thực sự của đại dịch. Anh Cường đang chuẩn bị hồ sơ để đi xin việc ở quê nhà Vinh (Nghệ An). Anh là một trong dòng người ồ ạt vượt hàng trăm cây số để trở về từ thành phố Hồ Chí Minh trên xe máy cách đây vài tháng. Trước đại dịch, anh làm công nhân trong một nhà máy ở khu công nghiệp Linh Xuân, với mức lương tám triệu đồng mỗi tháng, dè sẻn thì tạm đủ ăn và dành dụm 1-2 triệu gửi về nhà. Anh chưa từng vào rạp chiếu phim, hay đi Đầm Sen, thậm chí còn chẳng bao giờ dám uống cà phê.

Nhưng sự tằn tiện không giúp anh thoát khỏi… cái đói, theo đúng nghĩa đen, trong những ngày kẹt lại Sài Gòn. "Cũng có người này người kia đi phát gạo, rau, nhưng vài ba ngày là hết rồi à" - Anh nói. Khi không còn hy vọng, anh đánh cược và một cuộc hành hương, với mấy ngày chạy xe không ngừng nghỉ, mệt quá thì lả đi bên vệ đường. "Thôi giờ ở nhà, kiếm việc rau cháo, chứ sợ quá rồi" - Anh kể lại với đôi mắt thất thần.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trung bình mỗi tháng có 10 ngàn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, hơn 52 ngàn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước và gần 40 ngàn doanh nghiệp khác ngừng hoạt động chờ giải thể. Riêng tại TP HCM, trung tâm kinh tế của cả nước, Hiệp hội doanh nghiệp thành phố đánh giá rằng hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực đều rơi vào tê liệt, đóng cửa trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đại dịch "không chỉ lấy đi sinh mạng con người mà còn cả sinh mạng doanh nghiệp Việt".

2022: Hồi phục từ đâu? -0
Năm 2022, hình ảnh này chỉ là quá khứ.  Ảnh: S.t

Nhưng dòng tiền, dù cạn kiệt chỗ này, vẫn chảy không ngừng ở chỗ khác. Chỉ trong vòng 10 tháng đầu năm 2021, có một triệu tài khoản chứng khoán mới được mở, cao hơn số lượng trong 4 năm 2017-2020 cộng lại. Ngày 3-11, thanh khoản toàn thị trường đạt mức cao kỷ lục 52 ngàn tỷ, chỉ trong MỘT NGÀY. Hãy nhớ là vào giữa năm, gói hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ COVID-19 chỉ có quy mô 26 ngàn tỷ.

Tức là tiền vẫn có nhiều, nhưng nó không thực sự ưu tiên đi về những giếng khoan của nền kinh tế sản xuất. Các doanh nghiệp liêu xiêu và người nghèo bị đẩy xuống đáy do mất đi sinh kế, nhưng chứng khoán, bất động sản vẫn gây sốt, tăng giá không ngừng. Chính các doanh nghiệp, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn lớn có lẽ cũng đẩy tiền về những kênh dễ dàng này, hơn là chịu rủi ro cá nhân với canh bạc sản xuất. Theo kết quả khảo sát về tình hình các doanh nghiệp vào đầu năm nay, có 46% doanh nghiệp chỉ đủ dòng tiền duy trì sản xuất trong 1-3 tháng, và 40% đã phải tạm dừng kinh doanh vì không đủ tiền duy trì tối thiểu một tháng. Trong khi đó chỉ trong 9 tháng đầu năm 2021, thị trường chứng khoán đã huy động được hơn 292 ngàn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không khó để nhận ra rằng đây là một bong bóng, khi các kênh huy động vốn online và giàu màu sắc thao túng (hãy nhớ lại vụ bán chui của ông Trịnh Văn Quyết) áp đảo dòng tiền đáng ra phải đưa vào sản xuất. Hãy nhớ lại thời điểm năm 2008, khi thị trường chứng khoán đổ vỡ vì ngân hàng không thể tiếp tục giải ngân cho các dự án bất động sản vô hình nữa. Thời ấy, người ta đua nhau dùng đòn bẩy tài chính để mua đất và chơi chứng khoán, và các ngân hàng giải ngân chỉ vì tài sản thế chấp là bất động sản.

Năm 2022, nếu bạn có chơi chứng khoán, thì hẳn đã và đang nghe dân chứng trong các hội nhóm "phím" với nhau rằng thị trường sẽ còn tăng trưởng khủng khiếp nhờ vào gói cứu trợ 800 ngàn tỷ sắp được triển khai. Không cần phải quá thông kim bác cổ và lịch sử thị trường để đoán được ra rằng phần lớn số tiền này sẽ được triển khai như thế nào: doanh nghiệp sản xuất đã quá kinh sợ với những gì đã diễn ra trong đại dịch, còn cơn điên bất động sản và chứng khoán thì đủ hấp dẫn với bất kỳ ai muốn gia tăng tài sản của mình. Chính tôi cũng là một trong số đó, và đây dường như là quy luật tự nhiên.

Ngày 25-1, khi chúng ta vẫn còn đang băn khoăn xem nền kinh tế sẽ hồi phục như thế nào, thì một cây nến xanh lét bao phủ đầy lực của VN-Index đã đi một mạch và đóng nến tăng 40 điểm từ đáy 1424 trong đúng phiên ngày hôm đó. Các "chứng thủ" thở phào vì không "mất Tết", và tất cả tiếp tục được ra tín hiệu rằng đây chỉ là khởi đầu của những cái đích mới, có thể là 1700-1800 trong tương lai gần.

Nỗi ám ảnh của những người như chị Nga, vợ chồng ông Thi, anh Cường… thì sẽ mất rất lâu, và thậm chí là mãi mãi, để nguôi ngoai. Câu hỏi chính xác nhất trong bối cảnh này, có lẽ không phải là hồi phục từ đâu, mà là chúng ta thực sự muốn quá trình ấy bắt đầu từ đâu? Nền kinh tế, rốt cuộc, không thể chỉ là một cây nến xanh được lái lên đúng lúc của VN-Index.

Phạm An

Hồi phục cách nào?

Có hai dấu ấn trong suốt thời gian 2 năm dịch COVID-19 hoành hành vừa qua và chúng để lại rất nhiều suy ngẫm. Thứ nhất là sự tụt giảm một cách chóng mặt về số lượng các doanh nghiệp. Rất nhiều hộ kinh doanh nhỏ, lẻ phải đóng cửa; nhiều công ty phải giải thể và dù không được công bố rộng rãi nhưng chắc chắn số lượng doanh nghiệp tuyên bố phá sản cũng không hề nhỏ. Thứ hai là sự tăng trưởng đến chóng mặt của số lượng nhà đầu tư trên các sàn giao dịch chứng khoán hai miền. Sự tăng trưởng về số lượng này cho thấy nhu cầu đầu tư trong dân là rất lớn, sức đầu tư trong dân vẫn sẵn và nó cũng thể hiện việc rất nhiều người đã không còn việc gì để làm và họ tìm kiếm chứng khoán như một cơ hội trong lúc khó khăn, đặc biệt là ở những ngày giãn cách xã hội.

hanh1_assa.jpeg -0
Ảnh: S.t

Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam lại cho thấy một diện mạo cực rõ rệt của nền kinh tế Việt Nam. Nói đúng như "sách vở" vẫn rao giảng, TTCK đúng là phong vũ biểu của nền kinh tế. Song ở đây, nó không thể hiện những tăng giảm đơn thuần mà còn thể hiện căn cốt của kinh tế Việt Nam thông qua xu hướng đầu tư, đầu cơ.

Tham gia vào TTCK tưởng như một kênh để mở rộng thêm nguồn thu nhập nhưng cuối cùng, rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ đã khóc dở mếu dở. Kết luận, họ phải thốt lên trên mạng (mà ta có thể tìm kiếm dễ dàng ở facebook hay các nền tảng tương tự) rằng "Đấy là cuộc chơi của các anh tay to" hay "Sòng bài này không dành cho chúng ta". Tất nhiên, của đau con xót, "thua chứng khoán" thì người ta có thể tìm mọi nguyên do để đổ lỗi và không phải tất cả những nhà đầu tư vãng lai trong dân cư đều "không thể về bờ". Song cũng không thể phủ nhận rằng chính TTCK đang là một thứ thể hiện cán cân quyền lực của những người có tiền,  những người sẵn sàng phá luật coi như bỏ vài tỷ tiền phạt để mang lại một lợi ích chớp nhoáng cả ngàn tỷ.

Câu chuyện lùm xùm ở TTCK Việt Nam thì không cần nhắc tới nữa, vì trước sau gì thì nhà nước cũng chấn chỉnh mạnh tay mà thôi. Nhưng điều đáng ngẫm chính là câu hỏi "Các nhà đầu tư có xu hướng đầu tư vào đâu?". Chính xu hướng đầu tư này mới là thứ vẽ ra diện mạo chân thực nhất của kinh tế Việt Nam. Và đáp án thì quá dễ nhận biết: họ đầu tư vào ngành Bất động sản và ngành Ngân hàng.

Việc đầu tư vào hai ngạch này không phải là xu hướng tạm thời của 1-2 năm qua mà thực tế là xu hướng kéo dài kể từ khi các sàn giao dịch chứng khoán ở Việt Nam đi vào hoạt động. Tất nhiên, cũng có những nhà đầu tư lựa chọn các cổ phiếu của các ngành khác, nhưng xu hướng đại trà thì vẫn là BĐS và Ngân hàng. Còn nhớ, cơn sóng cổ phiếu Ngân hàng hồi cuối 2020, đầu 2021 đã mang lại nhiều lợi nhuận cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ đến mức nào. Chính điều đó kích thích một lượng nhà đầu tư mới tham gia ồ ạt để đến mức độ nhiều kẻ "sập hầm" ở giai đoạn cuối 2021 vừa rồi.

Năm 2022 này, việc hồi phục kinh tế là một nhiệm vụ cấp bách thực sự nhưng câu hỏi hồi phục như thế nào lại là chuyện rất khác. Nếu tính đến cuối năm 2022, chỉ số Vn-Index mà "đẹp", nó cũng không thể hiện rõ rệt rằng chúng ta có một cú hồi phục ngoạn mục với một nền kinh tế lành mạnh. Dễ hiểu, đó sẽ vẫn chỉ là những hồi phục ở hai mảng chính: Ngân hàng và BĐS, những thứ không mang lại lợi ích gì nhiều cho đại đa số dân chúng, đặc biệt là những người dân ở nông thôn. Chúng ta cần thực sự vực dậy kinh tế bằng những ngành nghề khác, gắn liền thiết thực với đời sống dân cư hơn và những điều kiện tự nhiên, xã hội Việt Nam hơn.

Nhiều người nhìn nhận đại dịch COVID-19 mang lại khủng hoảng lớn nhưng thực tế, trong cái nguy ấy cũng tiềm ẩn một số cơ hội mà cơ hội lớn nhất là tái thiết lại nền kinh tế theo cách khác. Cuộc đình trệ mà COVID-19 mang lại cho thấy rõ ràng một sự thật về năng lực sản xuất của Việt Nam và hơn nữa, nó đánh động về việc một nền kinh tế lấy tài chính và BĐS làm xương sống là rủi ro đến mức độ nào. Không thể đánh giá sức mạnh của nền kinh tế bằng những đô thị hào nhoáng, với những thị dân chi tiêu xa xỉ mà bỏ qua sự lầm than có thật của vô vàn cư dân nông thôn, nhất là ở vùng sâu vùng xa. Đặc biệt, khó có thể nào chấp nhận được việc đánh đổi lấy hào nhoáng đó bằng cách thu hẹp dần đất canh tác cũng như những nguồn lực lâu bền vốn dĩ đã được hình thành từ xa xưa.

Gần đây, báo chí có đăng tải thông tin đại khái Cambodia đăng ký chỉ dẫn địa lý và thương hiệu hạt tiêu Kampot với giá hạt tiêu của họ vượt xa giá hạt tiêu Việt Nam. Rồi song song đó là câu chuyện xuất khẩu gạo chính ngạch qua thị trường Trung Quốc của Lào nhờ vào tuyến đường sắt xuyên biên giới. Trong khi đó, ở Việt Nam chúng ta có gì? Quế và hồi ở Yên Bái đang được xem là đắt giá hơn các gia vị cùng chủng loại từ các thị trường khác. Phát triển quế và hồi ở Yên Bái theo cách nào để duy trì được sức mạnh về giá ấy? Mở rộng đến quy mô nào? Đăng ký chỉ dẫn địa lý ra sao? Các xúc tiến xuất khẩu để giúp người canh tác quế, hồi không nằm trong tình trạng bấp bênh của thanh long, hạt điều, cafe… cần được tiến hành ra sao?

Nó là một tổng hợp các câu hỏi về trách nhiệm của từng cá nhân trong từng mắt xích. Và còn rất nhiều ngành hàng sản xuất trong nước đang thực tế bị "thả nổi" theo kiểu "tự sinh tự dưỡng" như thế. Điều đáng nói, những ngành này lại gần như không niêm yết trên thị trường chứng khoán và do đó, chúng ta càng khó nhận diện chúng trong tổng thể bức tranh kinh tế.

Chúng ta cũng nói nhiều đến chuyển đổi số trong thời gian vừa rồi, với quan điểm tìm con đường hồi phục tốt nhất qua nền kinh tế số. Có một ví dụ mà tất cả nên tham khảo. Đó là một nền tảng OTT khá đình đám 2-3 năm trở lại đây, nhờ vào những nội dung mang tính đại chúng mà nó cung cấp với đỉnh cao lên tới cả trăm triệu CCU (người xem trực tuyến đồng thời điểm) cho 1 chương trình. Những nhà đầu tư cho nền tảng OTT này thực chất muốn tạo ra sản phẩm để bán lại cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng họ đã trượt cơ hội khi không bán dứt điểm ngay từ đầu năm 2021, khi nền tảng của mình vừa vọt lên như một ngôi sao.

Và ở vào thời điểm cuối 2021, đầu 2022, khi họ "cần bán lắm rồi" thì sức quan tâm của những nhà đầu tư nước ngoài đã sút giảm rất nhiều do nhiều lý do. Ví dụ ấy cho thấy tham gia vào kinh tế số không phải là chuyện đơn giản. Nó cũng chỉ là việc đặt mình như một toa tàu lên cái đường ray có sẵn của thế giới, tức là đi theo lối người khác đã khai phá và thậm chí khai thác gần hết dư địa. Kinh tế số cần sáng tạo và đột phá. Mà thực tế xã hội hiện nay cho thấy người Việt Nam thừa khôn vặt nhưng thiếu sáng tạo. Với thuộc tính chung ấy, chúng ta có thể làm gì được để cạnh tranh trong một cuộc chiến đường dài?

Và tất cả những gì được nói ở trên lại bắt đầu có vẻ mang nhiều mối lo hơn là tìm ra được hi vọng nào đó. Thực tế luôn có vị đắng của nó mà ta buộc phải chấp nhận. Nhưng chấp nhận theo cách nào lại là câu chuyện khác. Sức hồi phục thực sự sẽ nằm ở sức chịu đựng cơ bản. Và bài toán để hồi phục cho Việt Nam một cách đúng đắn và đứng đắn sẽ không thể nằm ở những con tính thời vụ kiểu "đầu tư chứng khoán" như hiện nay.

Có lẽ, đã đến lúc cần phải nghĩ đến chuyện dám chấp nhận vài ba năm khốn khó để xây dựng lại hành vi và thái độ của cộng đồng trước khi nghĩ tới hồi phục theo con đường kinh tế nào. Tất cả những gì mà các quốc gia lân cận chúng ta hơn chúng ta không phải chỉ nằm ở tiềm lực của họ đơn thuần mà trước hết nằm ở thái độ và hành vi xã hội của họ. Ý thức trách nhiệm cộng đồng, ý thức phát triển bền vững, tư duy lựa chọn chiều sâu và đường dài, thái độ sống và làm việc có văn hoá chính là nền tảng lớn nhất để nghĩ đến chuyện tạo dựng một nền kinh tế lành mạnh.

Người nông dân Việt Nam không muốn sống trong một môi trường hào nhoáng bên ngoài với giá đất cao hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực mà kết cục cúa họ vẫn là không biết làm cái gì để thoát nghèo. Người thị dân Việt Nam thà sống vất vả một chút nhưng họ không bị ám ảnh bởi nan đề "làm mấy trăm năm không đủ tiền mua căn nhà" còn hơn là có thể hưởng thụ bên ngoài đấy nhưng không biết là sẽ "sập hầm" bất kỳ lúc nào chỉ vì một biến cố tự nhiên, xã hội. Và thị trường phải là bên ngoài biên giới chứ không phải chỉ nhìn nhận trong một giới hạn kiểu "nước mình trăm triệu dân, khai thác hết thị trường này đủ giàu rồi".

Giàu một mình không tạo ra nền kinh tế mạnh. Nước có chục tỷ phú USD không thể bằng nước có những nông dân thu nhập vài chục ngàn USD/năm. Đó là một thực tế không thể phủ nhận được bao giờ.

Hà Quang Minh

Đừng đọc báo khi khởi nghiệp

Có một nhan đề của truyền thông: Rất nhiều doanh nghiệp lớn, tạo ra hàng tỷ USD cho nền kinh tế không xuất hiện trên báo. Bạn không biết đến sự tồn tại của họ. Vì họ không kiếm tiền từ thị trường trong nước.

Đó là những công ty làm giàu nhờ xuất khẩu. Xuất khẩu mà thành công thì tất nhiên là có nhiều tiền. Nhưng vì họ chỉ làm việc với thị trường quốc tế, nên cũng chẳng có nhu cầu làm PR, marketing hay thương hiệu tại Việt Nam. Họ không mấy khi tổ chức họp báo, không mua bài PR, không giăng áp phích ở ngã tư Cửa Nam. Thậm chí các nhà báo kinh tế còn chẳng biết mặt họ nữa là độc giả.

pexels-photo-2226458.jpeg -0
Ảnh: S.t

Đó là một người phụ nữ trung niên đang ngồi ôm máy tính ở một xưởng chế biến quế hồi tại Yên Bái. Thị trường quế toàn cầu ước tính trị giá 1,4 tỷ USD và quế Yên Bái của chị vốn nổi tiếng là loại tốt nhất thế giới. Khách nước ngoài tự tìm đến chỗ chị, và chị chốt đơn nhoay nhoáy bằng Whatsapp (với khách Âu Mỹ) hay WeChat (với khách Trung Quốc). Chỉ có lãnh đạo huyện thì chị chat bằng Zalo: họ rất yêu quý chị, người tìm đầu ra cho mấy nghìn hecta quế trên địa bàn.

Đó là một công ty cà phê ở Tây Nguyên, có tên được đặt bằng tiếng Jrai mà công chúng dưới xuôi đọc lên còn khó. Họ cũng thu 4-5 triệu USD mỗi năm từ việc xuất khẩu cà phê, và thương hiệu của họ tỏa sáng ở các sàn giao dịch quốc tế, chứ không được người Việt Nam biết đến.

Đó là một nhà thầu của Nike, The North Face, Lululemon và Patagonia ở Thái Bình. Anh có 16.000 công nhân, tổng quy mô các nhà máy bằng một khu công nghiệp nhỏ, có phòng thí nghiệm để chế biến những loại vải hiện đại nhất thế giới. Nhưng cả đời anh chưa từng lên báo.

Đó là những công ty mà nếu lên sàn ngày mai, giá trị thị trường của họ sẽ đạt một hai nghìn tỷ trong tích tắc. Nhưng những công ty này thậm chí còn chẳng có phòng truyền thông.

Xuất khẩu là một điểm sáng của năm 2021, là hy vọng của nền kinh tế trong đại dịch. Năm ngoái, xuất khẩu của chúng ta đạt gần 331 tỷ USD và tăng trưởng 17%. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước (tức là trừ đi các ông lớn FDI như Samsung hay Formosa) cũng đạt hơn 90 tỷ USD và tăng trưởng 14%. Năm 2021, nước ta có đến 37 ngành hàng đạt giá trị xuất khẩu hơn 1 tỷ USD.

Xa hơn, nhan đề "càng nhiều đô la càng ít nổi tiếng" này tạo ra một nghịch cảnh trong tâm lý đám đông: chúng ta nắm bắt xã hội thông qua những gì được truyền tải đến mình. Và nếu chỉ nhìn vào truyền thông, ta có thể sẽ có vài định kiến: 1. Người giàu tại Việt Nam là những người làm việc trong ngành tài chính và bất động sản; 2. Bức tranh sản xuất tại Việt Nam, đặc biệt là nông sản, trong đại dịch khá tối ám; 3. COVID là một giai đoạn nên đầu tư tài chính để giữ tiền hơn là đầu tư cho sản xuất.

Ở mệnh đề đầu tiên, đúng là những người giàu nhất Việt Nam thường làm việc trong ngành tài chính hoặc bất động sản. Nhưng đó là thiểu số được biết đến (nếu tính "người giàu" là những người có thu nhập thuộc top 1% xã hội thì họ khá đông). Và những người giàu nhất này thường xuyên lên báo, vì họ bán hàng cho khách hàng trong nước, và có trách nhiệm phải lên báo.

Ở mệnh đề thứ hai, có một điểm yếu của báo chí và truyền thông được bộc lộ: báo chí chỉ có xu hướng lan tỏa các vấn đề khác biệt, gây chú ý. Những hàng dài xe tải ở Lạng Sơn, kẹt lại vì chính sách chống dịch của Trung Quốc, không thể đưa hàng hóa qua cửa khẩu; khung cảnh những người lái xe phải lấy nông sản ra ăn hoặc đổ bỏ, vì tắc nghẽn ở biên giới. Đó đều là những câu chuyện buồn, và chúng tràn ngập trên truyền thông. Nhưng đó chỉ là câu chuyện của con đường xuất khẩu tiểu ngạch (đi đường bộ qua biên giới phía Bắc). Còn xuất khẩu chính ngạch, như đã nói, đang thăng hoa. Và chúng thăng hoa là bởi rất nhiều người đã đầu tư vào sản xuất, thu mua, chế biến, lắp ráp… và tích cực tìm kiếm trên thị trường quốc tế.

Và nếu chỉ nhìn vào những cơn sốt đất hay làn sóng chứng khoán, nhìn vào sự tang tóc của ngành dịch vụ, ngành vận tải… một thị dân Việt Nam - như chính tác giả bài viết này - cũng sẽ dễ dàng mang định kiến thứ 3. Mình có chút tiền tiết kiệm, phải tìm mua lấy mảnh đất ngoại thành đi thôi, bây giờ thì làm ăn gì. Nhưng những con số đang nói rằng vẫn còn rất nhiều cơ hội khác đang được mở ra cho nền kinh tế.

Những cơ hội vẫn luôn ở đó. Cách đây vài ngày, trong bữa tất niên trà dư tửu hậu, chúng tôi tâm sự với nhau về thời thơ ấu đầu thập kỷ 90. Và chúng tôi kinh ngạc phát hiện ra một điều.

"Cái kẹo C chua chua hình trái tim đựng trong cái hộp nhựa bé bé màu vàng kim là của ai sản xuất ấy nhỉ, phải của Việt Nam không" - "Thái Lan ông ạ" - "Kẹo cao su con vẹt cũng là Thái Lan nhỉ" - "Ừ, cả cái bánh bông lan nhân kem trứng tròn tròn nữa, cũng hàng Thái Lan, bây giờ thấy ít bán rồi".

Bằng việc ôn lại quá khứ của mình, chúng tôi bàng hoàng nhận ra nền sản xuất của nước bạn đã đi xa đến cấp độ nào, từ 30 năm trước. Mà đó là Thái Lan, chứ không phải Nhật Bản. Những người sống ở Thái Lan lâu năm đều nhận ra rằng dân xứ này có một niềm đam mê với khởi nghiệp, đặc biệt là chế biến thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh nói chung, nhờ lợi thế của nền nông nghiệp.

Có lẽ nhiều người nhớ cái bánh bông lan kem trứng đựng trong chiếc hộp màu vàng kim pha xanh lá năm xưa. Bạn có thể tìm thấy ảnh nhà máy của họ trên Google Maps, và nhận ra rằng nó không to, không lộng lẫy như bạn trông đợi ở một thương hiệu đã phủ sóng khắp Đông Nam Á suốt 30 năm.

Niềm yêu thích khởi nghiệp đó, và nền kinh tế hùng mạnh đó, có lẽ đã đến từ niềm tin và khả năng nhìn vào các cơ hội, đón nhận những tín hiệu tích cực. Có lẽ, một trong những giải pháp để phục hồi sau COVID, là tạm gác lại những âu lo bằng việc… bớt đọc báo đi.

Đức Hoàng

Phạm An - Hà Quang Minh - Đức Hoàng

.
.