Tài sản cán bộ cao cấp

Cần những bàn tay sắt

Thứ Bảy, 24/06/2017, 08:35
Để quy định mới của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát tài sản cán bộ cao cấp thật sự mang lại hiệu quả, có ý kiến cho rằng cần phải có những bàn tay sắt vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, không nể nang, không vùng cấm.


Lâu nay, tài sản của cán bộ lãnh đạo cao cấp đều là một vùng nhạy cảm, ngoại trừ những trường hợp cá biệt bị phát hiện sau khi đã về hưu.


Quy định mới của Bộ Chính trị về việc tiến hành kiểm tra, giám sát tài sản của một ngàn cán bộ ở các cấp lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đang khiến dư luận đặt nhiều kỳ vọng và trông chờ kết quả của đợt kiểm tra, giám sát này. 

Bà Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã khẳng định trước công luận rằng: "Sẽ không có vùng cấm". Bà nói, quy định kiểm tra, giám sát lần này là quy định của Bộ Chính trị nên sẽ được thực hiện nghiêm túc, không né tránh, không nể nang.

Dư luận đang rất đồng tình ủng hộ quy định này, nhất là trong thời gian gần đây khi mà nhiều thông tin nghi vấn về khối tài sản khổng lồ bất thường của một số quan chức đương nhiệm và nghỉ hưu xuất hiện nhan nhản trên các báo.

Nóng nhất có lẽ là vụ "khu biệt thự quan chức" ở Lào Cai mà báo chí thông tin gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Và theo kết quả tìm hiểu của báo chí, những vị quan chức sở hữu những ngôi biệt thự này đã trúng thầu mua đất vì đã trả giá cao hơn giá khởi điểm khoảng 19.000 đồng/m². 

Minh họa: Lê Phương.

Xin khẳng định lại là không có sự nhầm lẫn hay "lỗi đánh máy" nào về những con số "0" ở đây cả. Chính xác nhất là mười chín nghìn đồng. Và có lô được đấu giá cao hơn giá khởi điểm nhất thì cũng chỉ chênh lệch 100.000 đồng/m2.

Và việc đấu giá những lô đất này được đại diện UBND tỉnh Lào Cai khẳng định là đúng quy trình, đầy đủ thủ tục.

Đầu năm nay, dư luận cũng từng đặt nghi vấn về việc bà Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa thân làm quản lý nhà nước nhưng bà và gia đình lại đang sở hữu số tài sản lên đến hàng trăm tỷ tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang. Là công chức làm công ăn lương, nhưng bà kinh doanh gì, nộp thuế ở đâu mà hình thành nên nhiều cổ phiếu cổ phần như thế? 

Và liệu ở vai trò, vị trí của mình, bà Thoa có tạo ra những biện pháp nhằm đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, từ đó tạo ra những sai lệch về chính sách, làm cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cạnh tranh không công bằng, bình đẳng? Đó chính là những nghi vấn dư luận đặt ra xuất phát từ khối tài sản khổng lồ mà bà Thoa đang sở hữu tại Công ty Điện Quang.

Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, "chắc không có vấn đề gì" bởi hằng năm Bộ Công thương đều tiến hành kiểm tra kê khai tài sản, thu nhập của lãnh đạo Bộ và không phát hiện gì bất thường. Và đây cũng chính là kết quả mà ta có thể dễ dàng nghe thấy từ các báo cáo về kê khai, minh bạch tài sản của cán bộ quan chức nhiều nơi khác.

Thật ra không phải đợi đến khi Bộ Chính trị ra quy định về kiểm tra, giám sát tài sản thì tài sản của quan mới bị "đụng" đến. Trong Luật phòng, chống tham nhũng hiện hành, quan chức buộc phải kê khai, minh bạch tài sản. Tuy nhiên quy định này đã không phát huy được tác dụng. Có thể một phần do nó khá nửa vời, như chỉ công khai phạm vi hẹp, công khai nhưng không gắn với trách nhiệm giải trình. 

Theo tính toán thì ở nước ta, tỷ lệ xác minh tài sản đối với tổng số bản kê khai là 0,057%. Có nghĩa là 12.000 người kê khai thì chỉ có 6 người được tiến hành xác minh tài sản thu nhập.

Chính điều này lý giải vì sao mà trong những năm qua, trong báo cáo tham nhũng tại các địa phương đều là con số 0 hay tài sản không có gì bất thường. Trong khi đó thì Chính phủ đánh giá là tình trạng tham nhũng đang diễn ra ở nhiều cấp ngành với phạm vi rộng và tính chất phức tạp. 

Vậy hóa ra, sự thật là do tính chất tham nhũng phức tạp nên bằng cách kiểm tra giám sát có nhiều "lỗ hổng" như hiện nay không phát hiện ra chứ không phải là "không có" như trong các báo cáo.

Thật ra, đã qua rồi thời mà quan chức phải sống thanh bần trong cái nhà chẳng khác nào thảo am thì mới được gọi liêm chính, trong sáng. Quan chức hiện tại vẫn có thể làm giàu một cách chính đáng, chẳng hạn như kiếm tiền bằng nghề tay trái, ngoài lĩnh vực phụ trách. Bởi suy cho cùng, cán bộ đảng viên mà không biết cách làm giàu cho mình thì cũng khó lãnh đạo được quần chúng cách làm giàu.

Song vấn đề nhức nhối liên quan những khối tài sản bất thường của một số quan chức mà dư luận phản ánh thời gian qua thì khác. Đó là dấu hỏi về một thực trạng nhức nhối trong xã hội hiện nay: là tham nhũng, là sự lạm quyền, tác động dưới những cách thức tinh vi. Đơn giản đó có thể là một cú điện thoại, một thông tin,... chứ chưa nói đến sự liên kết chặt chẽ, lợi ích nhóm.

Có thể nói, trước những hạn chế của quy định kê khai, minh bạch tài sản hiện tại trong Luật phòng, chống tham nhũng thì quy định của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát tài sản của một ngàn cán bộ cao cấp là một bước đột phá thật sự liên quan đến minh bạch tài sản quan chức, đấu tranh với tiêu cực, tham nhũng. 

Với tiêu chí không nể nang, không vùng cấm, thực hiện nghiêm túc, dư luận đang kỳ vọng quy định này sẽ làm sáng tỏ được những nghi vấn, xử lý trước công luận.

Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến băn khoăn rằng, liệu quy định của Bộ Chính trị có thật sự mang lại hiệu quả hay không, nhất là đối với những cán bộ đương quyền, giữ quyền lực lớn? 

Có thể thấy, sự vào cuộc quyết liệt của Đảng mà người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là đã rõ ràng trong thời gian qua, song để có thể làm ra tấm ra món với quy định mới này, Đảng cần có một đội ngũ tham mưu, thực hiện đủ mạnh, đủ tinh túy; hay nói cách khác, Đảng cần có những bàn tay sắt và bàn tay ấy phải sạch - như lời đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân nói.  

Cần những bàn tay sắt đấy để sự vào cuộc chống tiêu cực được diễn ra một cách mạnh mẽ, quyết liệt, không có sự dè dặt hay ngại "đụng chạm" nào, từ đó mang lại kết quả thực sự. 

Hay nói cách khác, chúng ta cần có những bàn tay sắt và sạch đó để góp phần làm sạch bóng tham nhũng, lợi ích nhóm, tiến tới xây dựng một chính phủ kiến tạo phát triển như chủ trương của người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn đang thực hiện.

Hoàng Lãm
.
.