Lòng tin - Thông tin - Đối thoại và thấu hiểu
Thông tin, luôn là chiếc chìa khóa để mở toang những nghi kỵ, đồn đoán hoặc cả thái độ tiêu cực. Ai nắm giữ thông tin, người đó sẽ chiến thắng, vấn đề chính là thông tin không đơn thuần là ngày một ngày hai hay có tính thời điểm, mà thông tin là cả một quá trình xây dựng, tích lũy và kiến tạo. |
Tôi xin được trích dẫn lại một câu rất đáng lưu ý trong toàn văn bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương VI của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Bây giờ, khi Hội nghị Trung ương VII đã bế mạc được hơn 1 tháng, tức là chúng ta đang ở cách thời điểm bế mạc Hội nghị TƯ VI đã hơn nửa năm, khẳng định trên của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn còn mang tính thời sự hơn bao giờ hết.
Tôi xin quay lại với điều mà Tổng Bí thư đã nói về công tác Đảng, công tác cán bộ rằng “ta làm hợp lòng dân thì dân tin” để nói về lòng tin của nhân dân.
Phải thừa nhận rằng điều Tổng Bí thư nói chính là cái gốc của việc trị quốc đã được lịch sử đúc kết qua nhiều thời đại, chính thể, lãnh đạo… Và nếu muốn xây dựng, duy trì, bồi đắp lòng tin trong nhân dân, nhất thiết những người quản trị quốc gia phải làm cho dân thấu hiểu.
Minh họa: Ngô Xuân Khôi. |
Không phải lúc nào một quyết sách của Chính phủ cũng có thể được nhìn nhận là “hiệu quả, sáng suốt, hợp lòng dân” ở ngay từ lần đầu nó được đệ trình, công bố bởi có những thứ phức tạp, đòi hỏi người thấu hiểu phải có một trình độ tri thức và năng lực ý thức nhất định.
Vậy thì quyết sách tốt mà lòng dân chưa yên, chắc chắn sẽ không thể khiến dân tin. Do đó, để dân thấu hiểu, những người quản trị quốc gia sẽ rất cần phải cung cấp thông tin cho dân, đối thoại với nhân dân ngõ hầu từ đó, mầm thấu hiểu sẽ sinh sôi và niềm tin sẽ thành hình như cây lá.
Chúng ta có cơ chế thông tin - đối thoại để thấu hiểu đó hay không? Chúng ta có, nhưng dường như vẫn chỉ là lý thuyết, hay nói khác hơn là vẫn mang nặng tính hình thức.
Chính cái tính hình thức ấy, không những không mang lại hiệu quả, mà còn có nguy cơ mang lại hệ quả tiêu cực bởi dân bỗng dưng cảm thấy đang bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài cuộc. Và không một ai có thể lấy trọn được niềm tin của dân khi mà chính họ lúc nào cũng khiến cho dân cảm thấy bất an, dù chỉ là vô tình chứ không phải cố ý.
Tôi xin kể lại chính câu chuyện của mình, một câu chuyện mà tôi tin chắc rằng rất nhiều người trong xã hội này sẽ cảm nhận được họ cũng ở cùng hoàn cảnh.
Ở tuổi 42, nghĩa là có “thâm niên 24 năm” làm cử tri hợp pháp, tôi chưa một lần trong đời nhận được một lời mời tiếp xúc cử tri hoặc được tham dự một buổi tiếp xúc cử tri nào cả.
Tôi hiểu, không phải ở Việt Nam không có hoạt động này mà trên thực tế, việc tiếp xúc cử tri còn diễn ra rất thường xuyên, đều đặn. Song, cái cơ bản là hoạt động ấy đang được thực hiện gần như mang tính thủ tục, thiếu thông tin rộng rãi đến những cử tri mục tiêu (tức là cử tri của đại biểu).
Chúng ta hãy quay trở lại với sự kiện gây mất ổn định xã hội gần đây là các cuộc xuống đường, nguy hại hơn là đã có những điểm nóng bị kích động bởi những thế lực thù địch để biến thành bạo loạn, liên quan đến hai dự thảo luật Đặc khu và luật An ninh mạng.
Dù được công bố trên website của một số cơ quan, bộ, ngành nhưng đa số cử tri không được tham vấn, truyền đạt nội dung chính của hai dự thảo luật trước khi chúng được trình ra Quốc hội... Từ đó dẫn đến tình trạng hiểu sai lệch, mà nguy hiểm nhất là hiểu rằng đặc khu sẽ là nơi chỉ ưu đãi việc thuê đất 99 năm cho nhà đầu tư nước ngoài.
Song song đó, cũng không nhiều cử tri được biết trước dự thảo luật An ninh mạng lần này chúng ta đã có luật An toàn mạng năm 2015 và giữa dự thảo và luật có sẵn có những gì khác nhau...
Rõ ràng, chiều cung cấp thông tin đã thiếu và yếu sẽ dẫn đến việc không có đối thoại. Mà khi không có đối thoại với nhân dân, làm sao chúng ta có thể mong mỏi tìm kiếm sự thấu hiểu của nhân dân.
Trong khi đó, ở giai đoạn thế giới hiện đại và vô cùng phức tạp như hiện nay, kẻ xấu đã lợi dụng vào sự “mất liên lạc” giữa những người có thẩm quyền với dân chúng để ngụy tạo tin giả với một “thế trận tin giả” có lớp lang, tinh vi và nguy hại.
Họ đã lợi dụng sự yếu kém để thổi bùng ngờ vực, tạo sự hoang mang, mất lòng tin trong nhân dân và kết cục trước mắt là hoạt động sản xuất kinh doanh đã bị đình trệ một cách vô cùng đáng tiếc.
Rất may là Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã rất nhạy bén khi cho lùi thời hạn phê duyệt Luật Đặc khu để nhằm thu thập thêm ý kiến của nhân dân, một động thái lấy lại niềm tin một cách rất kịp thời. Điều đó cho thấy đã có sự lắng nghe tích cực từ những người hoạch định chính sách quốc gia.
Từ nay tới kỳ họp Quốc hội thứ 6 chỉ còn vài tháng, nhưng vẫn đủ thời gian để những người có trách nhiệm mời nhân dân vào đối thoại một cách cởi mở, với những thông tin rõ ràng, minh bạch, những giải thích mạch lạc và khúc chiết để kiếm tìm sự thấu hiểu. Trong đó cần có cả vai trò của báo chí.
Việt Nam là một quốc gia đang còn cần hoàn thiện luật pháp, hoàn thiện chính sách để hướng tới phát triển. Và trong quá trình này, trước rất nhiều thách thức phía trước, chuỗi “Lắng nghe - thông tin - đối thoại - thấu hiểu - tạo lòng tin” cần phải được tiến hành một cách thực chất nhất.
Có như vậy xã hội mới ổn định, lòng dân mới vững, ý dân mới thuận và những quyết sách, chủ trương mới kiếm tìm được hậu thuẫn vững mạnh thực sự và vững bền. Kẻ xấu khó đường lợi dụng.