Chuyện làng quê, chuyện thành thị

Bên dưới vẫn nguội

Thứ Bảy, 12/05/2018, 08:24
Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định tinh thần chống tham nhũng loại trừ cán bộ thoái hóa biến chất đã biến thành một phong trào sâu rộng. 

Chưa bao giờ có nhiều chuyện dồn dập đến vậy diễn ra trong đời sống ở quãng thời gian này. Gần như bất cứ ngày nào cũng có thông tin nóng, thông tin gây chú ý trong dư luận.

Từ chuyện con bò ăn cỏ phải đóng phí, con vịt chạy đồng ăn lúa mót phải đóng phí cho đến chuyện đất công, chuyện lạm quyền bán công sản cho doanh nghiệp, chuyện thất lạc bản đồ quy hoạch 1/5.000 – cơ sở quan trọng nhất để tiến hành quy hoạch..



Sự dũng cảm cứng rắn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã truyền được lửa cho đông đảo quần chúng nhân dân, bất cứ ai cũng đã dám lên tiếng trước cái xấu, cái sai, bất cứ ai cũng đều ủng hộ Tổng Bí thư với những hành động quyết liệt, không có vùng cấm.

Tuy nhiên, trong một chừng mực nào đó, đáng tiếc lại đúng như phát biểu của Tổng Bí thư tại Hội nghị của ngành Kiểm tra Đảng vào năm 2017: “Không ít địa phương, cơ quan, đơn vị, kiểm tra, giám sát còn chiếu lệ, hình thức, chưa quyết liệt; đấu tranh với những vi phạm vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, đùn đẩy, không nghiêm túc”.

1. Câu chuyện về con bò ăn cỏ phải đóng phí ở Thanh Hóa, con vịt chạy đồng mót lúa phải đóng phí ở Bình Định... là hai câu chuyện mà cá nhân tôi cho rằng rất đáng báo động về sự lạm thu cũng như tư duy của cán bộ địa phương.

Mặc dù trước đây, đã rất nhiều lần tôi có các bài viết về tình trạng này. Nó cũng hệt như chuyện UBND xã Tân Nhuận Đông, huyện Châu Thành, Đồng Tháp tự nhiên một hôm đẹp trời gắn biển cấm quay phim chụp ảnh tại trụ sở của UBND vậy, bất chấp như vậy là sai luật, là sai quy định của Chính phủ. 

Hay là những cơ quan ban ngành của xã, của huyện mải mê tiếp khách mà chấp nhận ghi sổ nợ để chủ quán kéo đến tận cơ quan đòi rồi báo giới phản ánh vậy.

Công cuộc trường chinh chấn chỉnh Đảng, có lẽ vẫn chưa được các địa phương hưởng ứng nhiệt liệt. Nói chính xác là những cán bộ lãnh đạo tỉnh vẫn chưa đi cùng một nhịp, nhìn về một hướng cùng với Trung ương. 

Hàng loạt sai phạm hoặc những bất hợp lý diễn ra tại các địa phương, lãnh đạo tỉnh vẫn tỉnh bơ như không, nếu không tỉnh bơ như không thì cũng trả lời rất chiếu lệ, sẽ xem xét xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không cả nể. Nhưng xử lý thế nào chắc dư luận cũng đã thấy, tôi nghĩ, không nhất thiết phải dẫn chứng ra thêm.

Trường hợp của bà Phan Thị Mỹ Thanh, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai là một ví dụ điển hình.

Tỉnh Đồng Nai có đầy đủ ban bệ từ kiểm tra cho đến thanh tra, vậy mà không ai biết gì cả, cũng không ai làm gì cả. Có kết luận Thanh tra Chính phủ cũng không làm, có kết luận của Ủy ban Kiểm tra cũng không làm, mãi cho đến khi Ban Bí thư ra quyết định kỷ luật thì bà Phan Thị Mỹ Thanh mới thúc thủ. 

Điều này cho thấy rằng có vẻ như cả một hệ thống từ Đảng cho đến chính quyền của tỉnh Đồng Nai đã tê liệt hoàn toàn trước sai phạm rõ như ban ngày của bà Phan Thị Mỹ Thanh, và bà Phan Thị Mỹ Thanh như một bất khả xâm phạm tại nơi này.

Giả mà Trung ương không nghiêm khắc, có lẽ bà Thanh vẫn cứ làm Phó Bí thư Tỉnh, vẫn cứ làm Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội. Bà Phan Thị Mỹ Thanh không phải là trường hợp duy nhất, còn rất nhiều trường hợp khác khi bị công bố vi phạm, lãnh đạo tỉnh gần như không có bất cứ phối hợp nào với Trung ương, chỉ im lặng xem đó là việc của Trung ương còn tỉnh không có trách nhiệm gì.

Trích một đoạn trong kết luận của Ban Bí thư: “Ban Bí thư nhận thấy trong thời gian làm Giám đốc Sở Công nghiệp từ năm 2003 đến tháng 1-2009, bà Phan Thị Mỹ Thanh đã thiếu trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, công vụ; không chỉ đạo xây dựng cơ sở hạ tầng của Dự án Khu tập thể Nhà máy dệt Thống Nhất trong khi đã thu tiền của các hộ dân; đồng ý để kế toán Sở Công nghiệp gửi số tiền còn lại của Dự án vào Công ty Gỗ Tân Mai. 

Khi chuyển công tác, bà Thanh đã không bàn giao Dự án cho người kế nhiệm, dẫn đến khiếu kiện đông người, kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự của địa phương, gây hậu quả nghiêm trọng, làm giảm uy tín của cơ quan quản lý nhà nước”.

Một cán bộ như vậy, tại sao lại được đề bạt vào những vị trí quan trọng hơn, tôi thật sự không thể nào có câu trả lời toàn vẹn được.

2. Ủy ban nhân dân TP. HCM vừa tuyên bố ráo hoảnh: “Thất lạc bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000”, tuyên bố xong im lặng, không một chỉ đạo, không một phát ngôn thêm.

Thủ Thiêm là nỗi nhức nhối của thành phố kéo dài bao nhiêu năm, lần đối thoại gần nhất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP HCM với nhân dân bị mất đất tại nơi này là vào giữa năm 2016. 

Cũng chỉ với bao nhiêu chất vấn: “Vì sao đất của chúng tôi không nằm trong quy hoạch mà chính quyền vẫn cưỡng chế thu hồi”. 

Lại hứa xem xét, lại hứa rà soát, nhưng mọi thứ vẫn trôi vào im lặng. Gần hai năm rồi, mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở lời hứa. Và cái mới duy nhất là cái mới mà nhân dân không trông đợi, ấy chính là thất lạc bản đồ quy hoạch.

Phú Yên cũng mất sổ họp vụ phá rừng làm dự án, Thanh Hóa mất hồ sơ của hot girl Quỳnh Anh, Bộ Nội vụ mất hồ sơ bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh… Những vụ mất hồ sơ rất đúng thời điểm, rất hợp lý. 

Những vụ việc ấy đích thực là những thách thức cho công cuộc chống tham nhũng mà lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ đang kiên trì theo đuổi với quyết tâm cao độ. Và nếu những thách thức này bị đánh gục, thì chắc chắn sẽ không còn rào cản hoặc sự chống đối nào nữa, thì khi ấy con đường cho hy vọng, cho tương lai sẽ trở nên thênh thang hơn rất nhiều. 

Ngô Nguyệt Lãng
.
.