Phẩm chất doanh nhân

Chuyện của một thương hiệu

Chủ Nhật, 19/11/2017, 09:49
Có nhiều thương hiệu truyền đời của chúng ta đã mất đi hoặc mờ nhạt theo năm tháng, những Rừng Hương, những Tribeco, những Bibica…

Câu chuyện gian dối của doanh nhân Khải Silk không phải là câu chuyện quá cá biệt ở chốn thương trường của nước mình. Đáng tiếc là những câu chuyện tương tự như vậy thường được xuề xòa cho qua. Và nếu doanh nhân ở một quốc gia không đủ tầm để trở thành lực lượng tiên phong kéo theo sự phát triển kinh tế xã hội, thì sẽ rất khó cho quốc gia đó trong quá trình tích tụ nội lực, uy tín…

Cao Sao Vàng xuất hiện trên trang mua bán trực tuyến quốc tế Amazon, lập tức biến thành một thông tin thú vị.

1. Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không ngừng tạo điều kiện cho thương nhân trong kinh doanh, Bộ Công thương của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh không ngừng xóa bỏ những quy định để cởi trói cho thương nhân trong kinh doanh. Có thể đưa ra nhận định rằng, thương nhân đang được sự hậu thuẫn tích cực của Chính phủ, của các bộ ngành trong công việc của mình.

Ba mươi năm là một chặng đường dài, ba mươi năm đủ để hình thành một thương hiệu và người tạo ra thương hiệu ấy hoàn toàn có thể thản nhiên đón nhận sự tụng ca, tán thưởng của đám đông.

Chiếc khăn Khải Silk trở thành một tặng phẩm ngoại giao, một món quà biếu thể hiện tình cảm, một sự thanh cảnh không chỉ dành cho người có tiền. Để rồi, tất cả những điều long lanh ấy, phút chốc đổ sập vì cái mác Made in China được cắt xén cẩu thả để đóng vào cái mác Khải Silk.

Ba mươi năm tươi đẹp phút chốc biến mất, ba mươi năm đáng tự hào bỗng biến thành điều trơ trẽn bẽ bàng, ba mươi năm đằng đẵng hóa thành ngọn lửa thiêu trụi một thương hiệu Việt.

Minh họa: Lê Phương.

Có nhiều ý kiến bênh vực Khải Silk, những ý kiến ngụy biện. Lúc nào cũng vậy, luôn có một kế hoạch truyền thông lập lờ đánh lận con đen mỗi khi có sự sai trái hiện hữu.

Tôi có viết điều này trên trang cá nhân: “Truyện cổ tích đầu tiên mà tôi đọc có tựa, “Quả cân thủy ngân”, bây giờ có đổi tên hay không thì tôi không rõ nữa.

Câu chuyện đại ý hai vợ chồng gian thương, đổ thủy ngân vào đầu cân để khi mua hàng thì lắc cho thủy ngân chạy về phía khách nhằm lợi cho mình, bán hàng thì lắc thủy ngân về phía mình nhằm bất lợi cho khách. Mấy năm sau trở nên giàu có, sinh được hai con. Hai con không may vắn số, chùa chiền miếu mạo khắp nơi, bói toán thuật số. Thầy bảo, về chẻ cân ra. Chẻ cân ra, thấy thủy ngân hoá thành hai hòn máu. Ý rằng oán khí của người bị lừa lọc tụ lại.

Tự xa xưa, người ta đã ghét trò mua gian bán lận.

Nhiều anh chị đang cố biến câu chuyện Khải Silk thành một câu chuyện nhỏ, câu chuyện không đáng bàn. Nhiều anh chị lại xem đó là một tai nạn, một sơ suất.

Nhiều anh chị lại bảo, nhà giàu bị lừa đáng đời. Có biết bao nhiêu cá nhân gian lận chứ có phải mỗi Khải Silk đâu. Lại bảo, mọi người đang đấu tố Khải Silk để hả hê trả thù người có của.

Yêu ghét là rất riêng của mỗi cá nhân, tôi không lạm bàn, nhưng ngụy biện luôn là thứ nguy hiểm và tôi nghĩ cần phải nói lại vài điều.

1. Một cá nhân từ khăn lụa mà đi lên như Khải Silk, tuyệt đối không thể có sơ suất trong cắt nhãn mác Trung Quốc để gắn vào thương hiệu của mình. Đó là hành vi cố tình lừa đảo.

2. Lừa của người giàu hay người nghèo gì thì cũng là hành vi đáng lên án. Bởi bản chất chính là gian thương.

3. Phản ứng trước một cái sai là cần thiết, đó là cảnh báo cho những cá nhân khác đang lọc lừa hoặc có ý định đánh lận con đen.

4. Đã là hung thủ thì không thể hoá trang thành nạn nhân.

5. Cuối cùng, hôm nay xuề xoà khăn lụa, mai sẽ là điều gì khác. Khi ấy, cũng đừng trách móc gì nữa.

Là lựa chọn để thỏa hiệp và tìm cớ dung dưỡng cho cái sai, đó là thứ mà nhiều anh chị sẽ nhận lãnh trong tương lai gần”.

2.  Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thừa nhận vụ việc của Khải Silk “làm tổn hại đến lòng tin, lợi ích của người tiêu dùng, cũng tức là tổn hại trực tiếp đến giá trị thương hiệu Việt. Quan trọng hơn, nó làm tổn thương đến tình cảm, lòng tự tôn dân tộc của người Việt chúng ta”.

Bộ trưởng cũng nói thêm rằng: “Doanh nghiệp cần phải nhận thức rằng đạo đức, văn hóa… là yếu tố mang tính sống còn với doanh nghiệp”.

Câu chuyện đạo đức doanh nghiệp không phải là một câu chuyện mới, đó là nền tảng của một sự phát triển bền vững, không chỉ đối với một doanh nghiệp mà đối với một cá nhân cũng vậy. Cụm từ “phát triển bền vững” cứ tưởng xa xăm nhưng thực tế thì lại rất gần, cứ nhìn vào câu chuyện Khải Silk sẽ thấy.

Khải Silk trả giá cho hôm nay không phải là do xui rủi, mà đó là quá trình kinh doanh gian dối bị phanh phui, cái gì được xây dựng từ sự tạm bợ, từ trò gian trá phải trả giá, dưới ánh mặt trời luôn có chỗ cho sự thật là vậy.

Sẽ thật chẳng vui vẻ gì khi chứng kiến một thương hiệu Việt bị phát hiện bịp bợm người tiêu dùng, bị vạch mặt. Nhưng đó lại là điều cần thiết để những doanh nghiệp khác đang manh nha ý định vì lợi nhuận mà bất chấp đạo đức, vì doanh thu mà bất chấp chất lượng, vì sự phát triển mà bất chấp không cần giữ gìn cho tương lai.

Doanh nhân là đầu tàu hướng đến sự phồn vinh của xã hội, chúng ta cần những Vinamilk, Điện Quang, VietJet… Nhưng chúng ta không cần đến những thứ nhập nhoạng giả kim.

Doanh nhân là những người dám nghĩ dám làm, doanh nhân thành công là những người ngoài nghĩ và làm còn có cả sự khôn ngoan, toan tính, văn minh và chân thành.

Doanh nhân tạo nên thương trường, mà có thương trường nào lại tốt đẹp nếu không phân định được đạo đức văn hóa và sự lọc lõi con buôn.

Ngô Nguyệt Hữu
.
.