1 quận và 7 tỉnh

Thứ Ba, 25/10/2022, 15:53

Cùng sự phát triển vượt bậc của các tỉnh, thành thì điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội cũng khiến cán cân thu nhập các vùng, miền có sự chênh lệch đặc biệt lớn. Chỉ một quận trung tâm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã có nguồn thu ngân sách hằng năm bằng 7 tỉnh miền núi cộng lại; thu ngân sách cả năm của một tỉnh như Bắc Kạn chưa bằng nửa ngày của TP Hồ Chí Minh…

Bước qua đại dịch, bức tranh kinh tế - xã hội của các địa phương đã khởi sắc thấy rõ. Theo Tổng cục Thuế, bức tranh thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2022 của 63 tỉnh, thành phố có nhiều điểm đáng chú ý như Hưng Yên thu tăng mạnh nhất, gần 165% so với cùng kỳ, Thanh Hóa thu 6 tháng gần bằng cả năm được Trung ương giao. Lũy kế 6 tháng thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 941.300 tỷ đồng, bằng 66,7% dự toán, tăng 19,9% so với cùng kỳ năm 2021. Ngân sách tăng thu nhờ thu từ dầu thô và từ các sắc thuế như thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp. Quán quân thu NSNN 6 tháng đầu năm 2022 là TP Hồ Chí Minh với 238.648 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán và tăng 17,5% so với cùng kỳ. Xếp thứ hai là Hà Nội với thu NSNN nửa đầu năm 2022 đạt 164.875 tỷ đồng, đạt 58,5% dự toán, tăng 22,8%. Đứng thứ 3 danh sách tỉnh, thành thu NSNN cao nhất là Hải Phòng với 53.969,7 tỷ đồng, tăng18,5% so với cùng kỳ năm trước. Kế đó là Bà Rịa - Vũng Tàu, thu NSNN 6 tháng đầu 2022 ước đạt 53.364,3 tỷ đồng. Bình Dương cũng lọt nhóm dẫn đầu với 34.800 tỷ, Đồng Nai đạt 23.200 tỷ...

1 quận và 7 tỉnh -0
Biểu đồ các tỉnh, thành top đầu thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022. Ảnh: Internet

Như thường lệ, các quận trung tâm của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh luôn dẫn đầu nguồn thu NSNN. Hà Nội dẫn đầu là quận Hai Bà Trưng với 14.687 tỷ đồng. Quận Hoàn Kiếm là quận nhỏ nhất Thủ đô khi có diện tích chỉ 5,29 km2 (nhỏ hơn diện tích hồ Tây), tuy nhiên năm 2021, thu ngân sách của quận lên đến 14.008 tỷ đồng, bằng 7 tỉnh thu ngân sách thấp nhất cộng lại (Đắk Nông, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, Cao Bằng, Điện Biên, Bắc Kạn).

Quận Hoàn Kiếm cũng là nơi có giá đất cao nhất Hà Nội. Theo bảng giá đất giai đoạn 2020- 2024 của thành phố thì giá đất cao nhất tại đây gần 188 triệu đồng/m2 còn trên thị trường, giá có thể lên hàng tỷ đồng mỗi mét vuông.

Tại TP Hồ Chí Minh, quận 1 cũng hội tụ những ưu điểm như quận Hoàn Kiếm và dễ hiểu khi nguồn thu NSNN của quận này dẫn đầu thành phố. Trong năm 2021, thu NSNN trên địa bàn quận 1 đạt 18.588 tỷ đồng. Với số thu NSNN của các quận nói trên đều vượt xa nguồn thu của các tỉnh bậc trung như Thái Nguyên, Hưng Yên, Cần Thơ...

So sánh câu chuyện thu ngân sách của một quận ở hai thành phố đặc biệt với các tỉnh thuộc top nghèo cả nước không phải là vấn đề mới. Ngay từ xưa, sự chênh lệch đó đã thể hiện rõ. Vấn đề là khi chúng ta tìm nhiều cách để thúc đẩy tăng trưởng, bao gồm cả thúc đẩy tăng trưởng với hàng loạt chính sách ưu tiên cho các tỉnh miền núi, nhất là các huyện đặc biệt khó khăn thì sự dịch chuyển vẫn chậm so với những bước đi của các khu vực sôi động ở đô thị đặc biệt. Có thể hiểu, khi khu vực miền núi khó khăn được cộng thêm 1, thêm 2 thì để bước đến 3, đến 4 là cả một quá trình dài hơi.

Trong khi đó, các quận trung tâm đã ở mức tiềm lực vượt cả trăm lần thì chỉ những cú "nhích chân" cũng bằng cả tháng, cả năm ở vùng khó khăn dồn sức. Bởi vậy, việc thu NSNN không phải cứ đâu thu nhiều thì dồn nhiều cho nơi đó mà phải đưa vào hầu bao chung để "cân, đong, đo, đếm" sao cho cân bằng, lấy nơi nhiều bù nơi thấp để không nơi nào rơi cảnh "kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng"!

Đương nhiên, trong sự phát triển, các địa phương không thể cứ than nghèo, kêu khó, viện dẫn thiên nhiên, địa hình khó khăn rồi chỉ chờ Trung ương dốc hầu bao cứu trợ. Điều này phụ thuộc vào sự năng động của chính đội ngũ cấp ủy, chính quyền địa phương, rằng thay cho việc giơ tay xin viện trợ bằng việc tìm các điểm nghẽn, nhận ra các thế mạnh ở địa phương để gỡ nút, thúc đẩy phát triển. Tỉnh có nguồn thu NSNN "đội sổ" là Bắc Kạn. Theo thống kê của tỉnh, kết quả thu NSNN năm 2021 trên địa bàn tỉnh đạt 760,2 tỷ đồng, hoàn thành vượt chỉ tiêu dự toán của Trung ương và tỉnh giao. Hàng chục năm qua, Bắc Kạn luôn ở vị trí "đáy bảng" trong 63 tỉnh, thành phố của cả nước về số thu ngân sách hằng năm, là tỉnh duy nhất trên cả nước có số thu ngân sách chưa đạt 1.000 tỷ đồng/năm.

1 quận và 7 tỉnh -0
Vườn dâu ven hồ Ba Bể, một hình thức vừa đem lại lợi nhuận kinh tế, vừa hút khách du lịch ở Bắc Kạn

Nhìn lại yếu tố lịch sử, địa lý thì quả thực, với xuất phát điểm rất thấp, nguồn lực thiếu thốn, để tìm nguồn thu "cho bằng bạn, bằng bè" là rất khó khăn. Sau khi tái lập tỉnh vào năm 1997, kết quả thu ngân sách năm đó của Bắc Kạn vỏn vẹn hơn 16 tỷ đồng. Đến năm 2021, với 760,2 tỷ đồng, con số này đã tăng gấp bội so với khi mới tái lập tỉnh nhưng chưa bằng nguồn thu nửa ngày của TP Hồ Chí Minh. Hằng năm, Bắc Kạn luôn hoàn thành chỉ tiêu thu mà Trung ương giao nhưng số thu ngân sách mỗi năm không thể chạm tới 1.000 tỷ đồng kéo dài mấy chục năm trời là điều thực trăn trở.

Được biết, những năm gần đây, để hoàn thành chỉ tiêu thu, Bắc Kạn phải tìm nhiều giải pháp. Tỉnh triển khai đề án ấn định thuế khoáng sản căn cứ theo khối lượng khai thác khoáng sản được duyệt hằng năm. Các huyện, thành phố thì chủ yếu thu từ tiền sử dụng đất, đấu giá đất. Năm 2022, chỉ tiêu thu ngân sách của Bắc Kạn là 820 tỷ đồng. Theo Cục Thuế Bắc Kạn, đến hết tháng 6/2022, toàn tỉnh thu được hơn 417 tỷ đồng, bằng hơn 55% dự toán.

Tiến độ thu dự kiến đạt mục tiêu theo kế hoạch nhưng vẫn còn xa mốc 1.000 tỷ! Nguyên nhân dẫn tới số thu ngân sách thấp trước hết là do hạn chế khách quan của Bắc Kạn. Tỉnh có địa hình chia cắt mạnh, không có đường hàng không, đường sắt, đường thủy liên tỉnh, chỉ có đường bộ với tuyến chính là quốc lộ 3 từ Thái Nguyên nối Cao Bằng đi qua. Nằm không xa Hà Nội nhưng giao thông cách trở nên nhiều năm liền, dù tỉnh "trải thảm" thu hút đầu tư song không đạt kết quả, không phải là địa chỉ "đất lành chim đậu, chim làm tổ"...

Đặt câu hỏi, những người "chèo lái" ở Bắc Kạn đã năng động, nhạy bén với thời cuộc để thu hút đầu tư, đưa tỉnh bứt phá lên chưa, câu trả lời là họ cũng đã tìm nhiều cách. Mà không phải một nhiệm kỳ, đến bao thế hệ thì rõ rang cũng đã trải nghiệm đủ cả. Các địa phương lân cận dù khá hơn Bắc Kạn nhưng cũng chỉ chút ít như Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang, Lai Châu, các tỉnh này vẫn xếp top cuối bảng thu NSNN và cũng nằm trong tình trạng thường xuyên xin viện trợ từ Trung ương. Rõ ràng, vấn đề địa hình, địa lý là một thách thức khách quan, là trở ngại lớn nhất.

Dù hệ thống đường sá đã cải thiện thì việc đầu tư vào những địa bàn này, việc tính toán lãi là quá mỏng so với đồng bằng, đô thị, chưa kể mức độ rủi ro không hồi vốn là rất lớn. Giai đoạn từ 2005 đến 2015, hàng chục dự án đầu tư nhà máy chế biến khoáng sản quy mô lớn ở Bắc Kạn ra đời với vốn đầu tư từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng, điển hình như Nhà máy gang Cẩm Giàng của Công ty CP Khoáng sản Tây Giang Bắc Kạn có tổng mức đầu tư hơn 434 tỷ đồng; Nhà máy luyện kim phi cốc (sắt xốp) của Công ty CP Vật tư thiết bị toàn bộ Matexim với tổng mức đầu tư hơn 500 tỷ đồng; Nhà máy điện phân chì, kẽm của Công ty TNHH Ngọc Linh có tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng... Khởi công tưng bừng và trên kế hoạch cũng đã vẽ ra những gam màu đỏ. Tuy nhiên, các dự án này đến nay không hoạt động hiệu quả, nhiều dự án chỉ nằm trên giấy. Hàng loạt dự án chế biến khoáng sản thậm chí lại trở thành gánh nợ khiến tỉnh phải vất vả xử lý hậu quả.

Để thay đổi, Bắc Kạn đã chuyển hướng từ kinh tế "nâu" sang "xanh". Đến nhiệm kỳ 2015- 2020, 2020-2025, tỉnh đã khởi công và chuẩn bị khởi công nhiều tuyến giao thông huyết mạch. Có đường thông thoáng, Bắc Kạn đón nhiều nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2016-2020, Bắc Kạn đã thu hút được 71 dự án đầu tư với tổng mức đầu tư hơn 4.397 tỷ đồng. Năm 2021, tỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký trên 1.113 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều kỳ vọng đưa du lịch Ba Bể lên tầm quốc gia, có những điểm đến sánh ngang tầm với Bà Nà Hills (Đà Nẵng) hay Sa Pa (Lào Cai); kỳ vọng đến năm 2025, khu du lịch Ba Bể trở thành khu du lịch quốc gia, đón ít nhất 32 nghìn lượt khách quốc tế và một triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng! Tuy nhiên, kỳ vọng đó có thành hiện thực hiện vẫn là dấu hỏi lớn. Những nỗ lực là rất rõ ràng, sự đầu tư khá trọng tâm, trọng điểm, tuy nhiên từ "thảm đỏ" đến "quả ngọt" còn cách xa nhau.

Có người bảo, quận giàu thế, lãnh đạo tất giỏi, vậy liệu có nên đưa "tư lệnh" quận giàu về điều hành, lãnh đạo tỉnh nghèo để giúp bứt phá lên? Chợt nghĩ, câu này có lẽ đúng trong bóng đá, ví như đưa huấn luyện viên đội tuyển giỏi sang đội tuyển khác để cứu đội này có thành tích tốt, tránh rớt hạng. Còn trong kinh tế, sự so sánh để hoán đổi như vậy là khập khiễng, khó có lời giải. Bởi vậy, câu chuyện 1 quận và 7 tỉnh không chỉ là chuyện hôm nay. Điều quan trọng là người trong cuộc khó có thể đành lòng nhìn người ta đếm và so đo một cách thụ động mà phải tự mình tìm lối lách lên...

Đăng Trường
.
.