Bất đồng ngáng trở nỗ lực chia sẻ bản quyền vaccine ngừa COVID-19

Thứ Năm, 29/07/2021, 08:25
Các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) chưa đạt được đồng thuận về đề xuất đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, trong động thái khiến nhiều chuyên gia lo ngại có thể làm chậm nỗ lực sớm tiêm chủng đầy đủ cho người dân toàn cầu.

Đại Hội đồng WTO trong hai ngày 27 và 28/7 nhóm họp tại trụ sở ở Geneva, Thụy Sĩ để tiếp tục xem xét thỏa thuận miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh ở hầu hết các quốc gia, Economic Times đưa tin.

Phát biểu với báo giới sau ngày làm việc 27/7, người phát ngôn WTO Keith Rockwell cho biết, cuộc thảo luận ở Geneva tập trung vào một số nội dung như thời hạn miễn trừ áp dụng bản quyền, phạm vi dược phẩm áp dụng và cách thức vận dụng các điều khoản. Ông Rockwell khẳng định, tất cả 164 quốc gia thành viên WTO đều đồng tình rằng việc tăng sản lượng vaccine ngừa COVID-19 là điều cần thiết, nhưng lại bất đồng về cách thức để đạt được mục tiêu đó. Trong khi phần lớn các quốc gia tin việc miễn trừ bản quyền sẽ giúp các nước nhanh chóng sản xuất lượng lớn vaccine phục vụ chủng ngừa quy mô lớn, thì một số nước lại quả quyết rằng, bản quyền không phải rào cản chủ chốt trong việc gia tăng sản lượng.

Bất đồng giữa các quốc gia về vấn đề chia sẻ bản quyền vaccine có thể ảnh hưởng đến nỗ lực thúc đẩy tiêm chủng toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Ý tưởng về miễn trừ sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19 lần đầu được Ấn Độ và Nam Phi đưa ra các diễn đàn toàn cầu hồi tháng 10/2020. Đến nay, hơn 100 quốc gia, bao gồm Nga, Mỹ, Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ủng hộ ý tưởng này và kì vọng việc miễn trừ bản quyền vaccine sẽ mở đường để các nước có nhu cầu và năng lực, đặc biệt là các nước đang phát triển, tự sản xuất vaccine. Tuy nhiên, các "đại gia" ngành dược và một số nước chủ nhà của các nhà sản xuất vaccine chưa ủng hộ ý tưởng vì lo ngại việc miễn trừ bản quyền có thể triệt tiêu động lực đổi mới, sáng tạo.

Ông Rockwell tiết lộ, đề xuất trên hiện đang vấp phải sự phản đối của một loạt quốc gia châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc. "Đây là một vấn đề nhạy cảm", ông Rockwell nói, cho biết thêm các thành viên WTO sẽ tiếp tục gặp gỡ vào tháng 9 và tháng 10 tới để thảo luận về chủ đề tăng cường phân phối vaccine ngừa COVID-19.

Số liệu từ Our World in Data chỉ ra rằng, tới ngày 28/7 (giờ Việt Nam), gần 4 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu, nhưng chưa đến 1% trong đó được tiêm cho người dân ở 29 quốc gia nghèo nhất, vốn chiếm 9% dân số thế giới, trong khi các quốc gia phát triển hơn đã chủng ngừa cho phần lớn công dân trưởng thành. Giới quan sát đánh giá, tuy các nước giàu đang cố gắng chia sẻ vaccine với các quốc gia nghèo khó hơn, nhưng quá trình này diễn ra còn chậm vì thiếu hụt nguồn cung.

Trong khi đó, theo người phát ngôn WTO Rockwell, một số nước như Ấn Độ, Nam Phi, Thái Lan, Maroc, Ai Cập hay Senegal và  hiện đang dư thừa năng lực sản xuất dược phẩm, nhưng lại chưa được tiếp cận đầy đủ với công nghệ và bí quyết điều chế vaccine ngừa COVID-19. Ông Rockwell nhấn mạnh vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao khai thác nguồn lực chưa được sử dụng đó càng sớm càng tốt.

Được biết, cách đây vài ngày, WHO đã trấn an các hãng dược phẩm rằng đề xuất tạm thời đỉnh chỉ bản quyền đối với vaccine ngừa COVID-19 không đồng nghĩa với một nỗ lực "giật" quyền sở hữu trí tuệ mà chỉ nhằm kiểm soát dịch càng sớm càng tốt. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine chỉ cần được áp dụng trong một khoảng thời gian ngắn từ một đến hai năm chứ không phải vĩnh viễn.

"COVID-19 đã khiến hơn 4 triệu người tử vong và con số này có thể tiếp tục tăng", ông Tedros cảnh báo. Người đứng đầu WHO nhấn mạnh, việc tạm thời từ bỏ bản quyền vaccine sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu có được 11 tỷ liều vaccine để tiêm cho khoảng 70% người dân toàn thế giới vào giữa năm 2022.

Theo Reuters, ngay trước thềm cuộc gặp ở Geneva, Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai cũng lên tiếng xác nhận Washington đang tham gia đối thoại với các nước nhằm cải thiện việc cung cấp và phân phối vaccine ngừa COVID-19, bao gồm đề xuất đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ vaccine. "Đây là thời điểm quan trọng để WTO cho thấy tổ chức này có thể đẩy lùi cuộc khủng hoảng toàn cầu và hành động hiệu quả để cải thiện cuộc sống của người dân", bà Tai nói.

Nguy cơ xuất hiện biến chủng đáng sợ hơn Delta

Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 trên toàn cầu chưa lắng dịu, CNN ngày 28/7 (giờ Hà Nội) dẫn lời bà Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục đột biến vào tạo ra biến thể mới nguy hiểm hơn.

"Các loại vaccine hiện nay có hiệu quả tốt trong việc bảo vệ chúng ta không mắc bệnh nghiêm trọng và hạn chế tử vong do COVID-19, nhưng mối lo ngại lớn là biến chủng tiếp theo sẽ xuất hiện và có khả năng kháng vaccine", bà Rochelle Walensky nói.

Cùng ngày, CDC Mỹ xác nhận, những người nhiễm biến chủng Delta của virus SARS-CoV-2, dù đã tiêm vaccine hay chưa, đều có tải lượng virus cao hơn so với nhiễm những biến chủng khác. Delta hiện được xác định là "tác giả" của phần lớn số ca nhiễm mới được ghi nhận trên toàn cầu. Đáng lo ngại, một số quốc gia gần đây đã phát hiện biến chủng Delta cũng đang biến đổi theo hướng dễ lây lan và nguy hiểm hơn.

Theo CNN, phiên bản mới của biến chủng Delta, được định danh là Delta Plus (tên gọi khác là B.1.617.2.1 hoặc AY.1) đang có dấu hiệu lan rộng ở Anh, Mỹ và Ấn Độ và Nepal.

Thái Hà
.
.