Trọng tài nội, chuyện đau đáu tại V.League

Thứ Hai, 01/05/2023, 09:45

Ngay sau khi Liên đoàn Bóng đá (LĐBĐ) Việt Nam có Ban chấp hành mới khóa IX, cơ cấu của Ban Trọng tài lập tức có sự thay đổi. Không phủ nhận những nỗ lực đến từ các "ông vua áo đen", nhưng một số sai lầm cộng thêm tranh cãi khi xử lý khủng hoảng trong và ngoài sân cỏ khiến trọng tài Việt Nam chưa nhận được sự nể phục đến từ CLB V.League.

Trọng tài Trương Hồng Vũ sai hay đúng?

V.League một lần nữa tạm dừng để nhường chỗ cho hoạt động của các ĐTQG Việt Nam. Dẫu sao, 2 đợt thi đấu hối hả cũng giúp cho mùa giải 2023 đi qua được 7 vòng đấu. Ở cuộc họp Thường trực BCH LĐBĐ Việt Nam mới đây, những số liệu xoay quanh công tác tổ chức, điều hành tại V.League 2023 cũng được đem ra mổ xẻ.

Trọng tài nội, chuyện đau đáu tại V.League -0
Trọng tài Hồng Vũ gây tranh cãi lớn sau quyết định cho Nam Định được hưởng phạt đền trước Khánh Hòa.

Một trong số đó là công tác điều hành của các trọng tài. Bởi ngay khi có Ban chấp hành mới khóa IX, nhiệm kỳ 2022 - 2026, Ban Trọng tài đã thay đổi Trưởng ban, khi ông Đặng Thanh Hạ lên thay vị trí của ông Dương Văn Hiền. Sự điều chỉnh đến từ người đứng đầu Ban Trọng tài cộng thêm việc lên kế hoạch nghiêm túc để ứng dụng VAR vào V.League cho thấy rõ quyết tâm "thay máu" chất lượng trọng tài Việt Nam, đặc biệt tại giải VĐQG vốn lặp đi lặp lại những sự cố đến từ các quyết định tranh cãi của "Vua áo đen" mùa này qua mùa khác.

Về cơ bản, sai lầm đến từ quyết định của trọng tài ở V.League 2023 sau 7 vòng vừa qua là không nhiều. Nhưng có một thống kê thú vị được nhắc đến liên quan đến những quyết định ở các tình huống bản lề trận đấu. Đó là 24 lần trọng tài phải xử lý ở những pha bóng nhạy cảm như vậy. 13 trong 24 lần đó, trọng tài xử lý đúng. Gần một nửa còn lại là chưa thật sự ổn. 2 trong 11 lần đó dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả trận đấu. Và theo tìm hiểu, 1 trong 2 lần đó chính là khi trọng tài Trương Hồng Vũ cho Nam Định được hưởng quả đá phạt đền dẫn đến trận hòa chung cuộc 1-1 của đội bóng thành Nam trước Khánh Hòa. Tình huống đó nảy ra tranh cãi từ trong lẫn ngoài sân, từ khi trận đấu vẫn còn đang ở những giây cuối cùng với sự bức xúc đến từ cầu thủ Khánh Hòa cho đến vài ngày sau đó khi trận đấu kết thúc. Lúc bấy giờ, tiền đạo Xuân Quyết của Nam Định lao vào thủ môn Võ Ngọc Cường của Khánh Hòa trong vòng cấm địa. Nhiều trọng tài nhận định, Xuân Quyết đã mắc lỗi cao chân với thủ thành đối phương. Nhưng khi ấy, trọng tài Trương Hồng Vũ lại cho Nam Định được hưởng phạt đền và rút thẻ vàng với thủ môn Ngọc Cường. Đương nhiên, HLV Võ Đình Tân của Khánh Hòa không khỏi bức xúc với quyết định ấy của trọng tài Trương Hồng Vũ.  Và không chỉ HLV Võ Đình Tân, nhiều CLB của V.League đương nhiên cũng không thể hài lòng, nếu sai lầm ấy của trọng tài hiện diện trong trận đấu mà họ tham dự.

Phương án nào giúp nâng tầm trọng tài ở V.League?

Câu chuyện xử lý sau khủng hoảng của Ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam sau đó cũng là điều cần phải thay đổi. Ở thời điểm ấy, sự khẳng định đúng hay sai sau quyết định của trọng tài Trương Hồng Vũ đến từ Ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam là điều mà giới truyền thông và mộ điệu ngóng chờ. Nhưng đáp lại điều đó, Ban Trọng tài LĐBĐ Việt Nam lựa chọn cách im lặng khi không có một phát ngôn chính thức.

Thay vào đấy, trọng tài Trương Hồng Vũ không còn hiện diện trong 2 vòng 6 và 7 của V.League, như một sự thừa nhận âm thầm về quyết định sai sót của vị "Vua áo đen" này từ phía Ban Trọng tài. Tất nhiên, trước những câu hỏi thẳng thắn đến từ đại diện các CLB, Ban Trọng tài cũng khẳng định đó là sai sót dẫn đến ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định trận đấu của trọng tài Vũ.

Câu chuyện sai lầm thì cũng đã là quá khứ. Vấn đề in hằn trong tư tưởng các đội bóng và giới mộ điệu xoay quanh quyết định của các trọng tài mới là câu chuyện đáng nói. Sự hiện diện của VAR trong tương lai gần là một nỗ lực của LĐBĐ Việt Nam và Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nhưng suy cho cùng VAR cũng được điều hành từ các trọng tài. Và việc điều hành từ phòng VAR đến trọng tài chính cũng chưa hẳn đã đảm bảo tính chính xác tuyệt đối.

Nội lực từ trình độ của trọng tài suy cho cùng là yếu tố quyết định. Nhưng không phải trọng tài nào (trong số khoảng 24-28 trọng tài ở giải chuyên nghiệp) cũng có thể toàn tâm toàn ý để sống với nghề, khi mức thu nhập có thể chỉ dao động khoảng 30-40 triệu đồng trong đợt cao điểm V.League. Nhưng nếu trong thời gian giải đấu không diễn ra, họ sẽ phải trở lại với những nghề nghiệp khác để có thêm thu nhập.

Đó là một trong những điều hạn chế sự tập trung tối đa với nghề đối với các trọng tài. Và mới đây, một CLB thậm chí còn mạnh dạn đề xuất tăng gấp đôi chế độ hiện tại với trọng tài, trợ lý trọng tài nhằm giúp họ chuyên tâm hơn trong công tác cầm còi. Thậm chí, một đội bóng còn mạnh dạn đề xuất LĐBĐ Việt Nam để tự mời trọng tài ngoại về cầm còi các trận đấu có liên quan tới mình. Tất nhiên theo quy định của FIFA, không thể có chuyện một CLB tự mời trọng tài về cầm còi. Nhưng điều đó cũng cho thấy đau đáu từ phía các đội bóng, về một V.League minh bạch hơn, chuyên nghiệp hơn.

Chưa giải quyết xong án phạt với Văn Quyết

Ở vòng 7 V.League 2023, Văn Quyết của Hà Nội FC có phản ứng lại với trợ lý trọng tài Nguyên Vũ. Theo quyết định của Ban Kỷ luật, Văn Quyết bị phạt kịch khung với án treo giò 8 trận cùng 40 triệu đồng. Một ngày sau đó, Hà Nội FC gửi đơn khiếu nại lên Ban giải quyết khiếu nại LĐBĐ Việt Nam. Nhưng cho đến hiện tại, Ban giải quyết khiếu nại vẫn chưa chốt án phạt với Văn Quyết. Theo quy định, Ban giải quyết khiếu nại có 1 tháng để xử lý đơn từ phía Hà Nội FC.

An Khánh
.
.