Cam go cuộc chiến chống ma túy ở TP Hồ Chí Minh

Bảo vệ học sinh, sinh viên trước vấn nạn ma túy (Kỳ 2)

Thứ Sáu, 24/05/2024, 07:45

Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, người sử dụng ma túy chủ yếu là thanh thiếu niên, có độ tuổi từ 18-35 chiếm đến 60%. Những trường hợp này đa số thích cách sống đua đòi, thể hiện “đẳng cấp” nhưng nhận thức mơ hồ về ma túy.

Nhiều học sinh, sinh viên đang học tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ về vấn nạn ma túy học đường, trong đó, có em cho rằng vì trên mạng xã hội hay bắt gặp các bài đăng bán về ma túy, thuốc lá điện tử… nên tò mò, click vào tìm hiểu xem đó là gì. Có em cho biết, từng nghĩ hút thuốc rất “ngầu” nên muốn thử...

Học sinh sử dụng chất gây nghiện - một thực trạng đáng lo ngại

Giữa tháng 5/2023, Bệnh viện Nhi đồng thành phố (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết đã tiếp nhận nam sinh T.H.L (SN 2009, học lớp 9, Trường THCS N.T, quận Bình Tân) nhập viện cấp cứu khẩn trong tình trạng tim đập nhanh, cơ thể tê dại, xuất hiện ảo giác, nôn ói liên tục...

Khai thác bệnh sử của bệnh nhân, bác sĩ ghi nhận, khoảng 2h trước khi nhập viện, sau khi kết thúc giờ học, bệnh nhân đến một quán cà phê gần trường uống nước cùng bạn tại phường Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân). Tại đây, nam sinh này đã mua và hút một loại chất màu xanh có tên gọi là “cỏ Mỹ” từ người quen với giá 20.000 đồng.

Bảo vệ học sinh,sinh viên trước vấn nạn ma túy (Kỳ 2) -0
Công an TP Hồ Chí Minh tăng cường tuyên truyền phòng ngừa ma túy cho học sinh.

Sau khi hút khoảng 10 phút, nam sinh rơi vào tình trạng sốc thuốc nên được người dân gọi xe cấp cứu chuyển vào bệnh viện. Khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành truyền dịch tăng thải độc chất ra khỏi cơ thể, đồng thời theo dõi sát chức năng các cơ quan khác. Hơn 2 ngày nhập viện, bệnh nhân tỉnh táo dần. Các bác sĩ đã hỗ trợ điều trị, can thiệp tâm lý cho bệnh nhân.

Cách đây không lâu, hình ảnh những nữ sinh một trường THCS ở quận Tân Bình hút “cỏ Mỹ” lan truyền trên mạng xã hội. Theo đó, một nhóm nữ sinh bày “cỏ Mỹ” dưới nền nhà vệ sinh rồi quấn hút, một em bị choáng, phải tựa vào tường trong trạng thái mơ màng. Sau đó, các nữ sinh xịt nước hoa để hạn chế mùi hôi trước khi vào lớp…

Theo các bác sĩ, người hút “cỏ Mỹ” sẽ bị ảo giác mạnh, loạn thần, giãn đồng tử, kích động, căng thẳng và có thể xuất hiện những tư tưởng cực đoan, gây hại cho mình và người khác. Cỏ Mỹ là một chất tổng hợp, không có nguồn gốc tự nhiên, không phải là cần sa nhưng khả năng gây nghiện và tác hại trên hệ thần kinh, gây loạn thần (ảo giác, hoang tưởng) của cỏ Mỹ mạnh hơn cần sa.

Trước đó, tại quán cà phê trước cổng một trường THCS ở quận 4, sau giờ tan học, 3 nam sinh lớp 8 tụ tập với nhóm bạn cùng lớp phì phèo thuốc lá điện tử (TLĐT). Một em trong nhóm cho biết đã dùng gần nửa năm nay và từng thử qua các loại TLĐT từ liều nhẹ đến nặng. Đa phần các em hút TLĐT không phải vì nghiện mà do thích cảm giác “hay hay” khi dùng, muốn bắt chước khi bạn bè xung quanh sử dụng nhiều.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh, cùng với cỏ Mỹ, trên thị trường còn có sự biến tướng của TLĐT sử dụng chất gây nghiện, bên cạnh đó là các loại bánh kẹo tẩm ướp chất ma túy, chất gây nghiện… Hiện nay một bộ phận người trẻ có nhận thức sai lầm về ma túy khi nghĩ các chất Amphetamine, Heroin, thuốc phiện mới là ma túy, còn những loại cây như cỏ Mỹ là thảo dược, không phải chất gây nghiện hay không có hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, cũng như các bác sĩ đã nói trên, cỏ Mỹ thực chất chính là cần sa tổng hợp được phun trên thực vật khô rồi băm nhỏ. Đây là một loại ma túy cực mạnh, gây nghiện và gây nguy hại gấp nhiều lần so với cần sa - một loại ma túy cũng rất nguy hiểm.

“Có nhiều nhãn hiệu đang tồn tại như Joker, K2, Black Mamba, Kronic, Kush, Spice... Các hóa chất có trong cỏ Mỹ vô cùng độc hại và có khả năng gây nghiện rất cao. Tuy nhiên, bằng những chiêu trò tinh vi, người sản xuất đã lách luật bằng cách thay đổi các thành phần có trong hỗn hợp. Điều này khiến không ít người lầm tưởng cỏ Mỹ không gây hại”, Thượng tá Lê Mạnh Hà khuyến cáo.

Ở tuổi đang lớn, các em học sinh dễ bị dụ dỗ, sa đà vào các chất cấm như cỏ Mỹ, cần sa, ma túy tổng hợp, ngoài ra còn có các biến tướng khác của ma túy (ma túy núp bóng). Các loại chất gây nghiện này có thể trà trộn vào TLĐT hoặc được pha trộn vào các loại bánh, kẹo, nước uống... bán gần các trường học.

Tình trạng học sinh sử dụng chất cấm, chất gây nghiện đang là thực trạng đáng lo ngại và có nguy cơ bùng phát bên ngoài khuôn viên trường học tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài TLĐT, đối tượng tiêu thụ nhiều “cỏ Mỹ” thời gian qua chính là học sinh bởi giá thành rẻ, chỉ cần vài chục ngàn đồng là có thể mua về sử dụng dễ dàng, dù ẩn chứa rất nhiều nguy hại.

Làm sao bảo vệ học sinh, sinh viên trước vấn nạn ma túy?

Thực tế, với quy mô dân số đông hơn 10 triệu người, TP Hồ Chí Minh trở thành thị trường béo bở cho việc mua bán và tiêu thụ các chất gây nghiện, trong đó có nhiều loại ma túy núp bóng kể trên. Đặc biệt, các loại ma túy này có thể xâm nhập vào các trường học qua nhiều hình thức khác nhau, trong khi một bộ phận không nhỏ học sinh chưa hiểu về tác hại của ma túy.

Bảo vệ học sinh,sinh viên trước vấn nạn ma túy (Kỳ 2) -0
Ma túy “thế hệ mới” với nhiều hình thức bắt mắt.

Theo Công an TP Hồ Chí Minh, qua phân tích các loại ma túy được lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ từ đầu năm 2020 đến nay, ma túy tổng hợp chiếm phần lớn với tỷ lệ 73,38%. Điều nay cho thấy xu hướng dịch chuyển nguồn ma túy truyền thống sang ma túy tổng hợp. Đáng chú ý, các loại ma túy mới “núp bóng” thực phẩm, đồ uống, thảo mộc, TLĐT xuất hiện và xâm nhập vào thị trường, vào giới trẻ, học đường... Nếu ở lứa tuổi tiểu học, tội phạm ma túy dụ dỗ bằng cách cho sử dụng các chất gây nghiện “núp bóng” thì đối với trẻ thành niên hay sinh viên, chúng thường lợi dụng tâm lý thích trải nghiệm những cái mới, thích thể hiện bản thân để dụ dỗ, lôi kéo, rủ rê các em vào con đường nghiện ngập.

Theo thống kê của Công an TP Hồ Chí Minh, số lượng học sinh sử dụng ma túy khá thấp. Tuy nhiên, có những trường hợp sử dụng ma túy trong thời gian dài nhưng gia đình và nhà trường không hay biết. Nhiều học sinh đang học tại TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng vì trên mạng xã hội hay bắt gặp các bài đăng bán về ma túy, thuốc lá điện tử nên tò mò, click vào tìm hiểu xem đó là gì. Có em cho biết, từng nghĩ hút thuốc rất “ngầu” nên muốn thử...

Em Lê Nguyễn Tường Vân, Trường THPT Võ Trường Toản cho biết: “Trên mạng bây giờ tụi em cũng như nhiều bạn học sinh khác có thể dễ dàng thấy các mẩu quảng cáo trên mạng về TLĐT và các loại bánh kẹo có chất kích thích… Và nhiều bạn tò mò vô xem đó là cái gì…”. Em Đoàn Huỳnh Minh Đạt cũng chia sẻ bản thân có nghe nói về việc một số bạn học sinh thường dùng các loại TLĐT có mùi hương, màu sắc dễ chịu…

Theo Thượng úy Nguyễn Khắc Anh, cán bộ Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, việc tuyên truyền tác hại của các chất cấm là vô cùng quan trọng. Trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, các thầy cô cần nhấn mạnh về tác hại của ma túy (đặc biệt là các loại ma túy mới), phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy, bằng hình ảnh trực quan, những số liệu đáng báo động, những nhân vật thực tiễn để các em biết sợ, biết ám ảnh mà tránh xa...

Trong khi đó, phụ huynh cũng cần chú ý giáo dục, khuyến cáo con em mình không tham gia tàng trữ, sử dụng TLĐT, các dạng thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc... cũng như quan tâm, sớm phát hiện những biểu hiện bất thường để kịp thời có biện pháp động viên, ngăn chặn...

Theo Trung tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh, công tác phòng, chống ma túy trong trường học cần sự chung tay phối hợp của ban giám hiệu các trường học, các giáo viên, gia đình học sinh và chính quyền địa phương, với nhiều giải pháp linh hoạt và đi vào chiều sâu. Đây cũng là nhiệm vụ cần thực hiện thường xuyên, liên tục, quyết liệt và đồng bộ.

Các trường cần thực hiện tích hợp, lồng ghép nội dung giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy vào các hoạt hoạt động giáo dục ở tất cả các bậc học dưới các hình thức phong phú, đa dạng... nhằm giáo dục kỹ năng phòng, chống ma túy cho học sinh… Đặc biệt, chính quyền các cấp cũng phải vào cuộc với các đơn vị trường học, để tạo ra một sức mạnh tổng hợp trong công tác phòng chống ma túy ở trường học nói riêng, địa bàn nói chung.

“Ma túy có thể rình rập tiếp xúc với học sinh, sinh viên qua rất nhiều con đường: đôi lúc là một vài con tem giấy, vài ly nước, vài viên kẹo hay vài điếu thuốc khi được bạn bè rủ rê... Nếu các bạn trẻ không làm chủ được bản thân mà để rơi vào ma túy thì sẽ không tránh khỏi những tai họa, sức khỏe suy giảm, học hành sa sút, thậm chí đi vào con đường phạm tội... Để tránh tình trạng này, các em phải trang bị các kiến thức cơ bản về phòng, chống ma túy, không nên thử ma túy dù chỉ một lần”, Trung tá Võ Thị Vân Anh, cán bộ Đội Tuyên truyền Công an TP Thủ Đức nhấn mạnh.

Phú Lữ
.
.