Xung quanh đề xuất xử lý hình sự người sử dụng trái phép chất ma tuý

Bài 1: Hậu quả nặng nề từ ma túy đá

Thứ Hai, 14/04/2025, 08:10

Trong dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Bộ Công an đề xuất xử phạt hình sự đối với người sử dụng trái phép chất ma túy. Theo đó, người nào đang trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện, cai nghiện ma túy bắt buộc, điều trị nghiện các chất ma túy bằng thuốc thay thế hoặc đã từng phải thực hiện các điều trên theo quy định của luật Phòng, chống ma túy mà bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2-3 năm. Tái phạm thì bị phạt tù từ 3-5 năm. Đề xuất này của Bộ Công an đang được dư luận đồng tình, bởi ai cũng hiểu, ma túy chính là "gốc rễ", là "cội nguồn" của các loại tội phạm khác…

Những năm gần đây, người nghiện ma túy có xu hướng chuyển từ sử dụng các chất ma túy có nguồn gốc tự nhiên như thuốc phiện, heroin sang sử dụng các loại ma túy tổng hợp như: Estasy, MDMA, Amphetamine, Methamphetamine, LSD, cần sa tổng hợp… Đây là các chất ma túy đặc tính gây nghiện cao, độc tính mạnh gây ức chế thần kinh trung ương làm cho người sử dụng bị ảo giác, mất khả năng kiểm soát và điều khiển hành vi. Người sử dụng bị loạn thần ("ngáo đá") gây những hành vi vô cùng nguy hiểm cho xã hội.

ma-tuy.jpg -0
Băng nhóm mua bán ma túy bị Công an tỉnh Bình Dương bắt giữ.

Hãi hùng những cơn ngáo đá

15 năm qua, tính từ thời điểm bãi bỏ Điều 199, Bộ luật Hình sự năm 1999 (quy định "Người nào sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, đã được giáo dục nhiều lần và đã bị xử lý hành chính bằng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc mà còn tiếp tục sử dụng trái phép chất ma túy thì bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Tái phạm tội này thì bị phạt tù từ 2 năm đến 5 năm"), những kẻ "ngáo đá" gây nên những vụ án kinh hoàng gần như năm nào cũng xảy ra.

Năm 2020, TAND TP Hồ Chí Minh tuyên phạt tử hình 2 bị cáo gây ra 2 vụ án chấn động dư luận, sát hại tổng cộng 7 người trong gia đình. Do nghiện ma túy đá bị ảo giác, Trương Tín (SN 1990; ngụ quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) lúc nào cũng nghĩ những người thân của mình là robot muốn sát hại mình nên Tín phải "ra tay trước để trừ hậu họa". Đêm 2/5/2019, sau khi sử dụng ma túy, Tín dùng 2 con dao sát hại cả 3 người thân ở cùng nhà là bà ngoại, mẹ và dì ruột của mình. Tương tự là Nguyễn Hoàng Nam (SN 1993; ngụ huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) là một đứa trẻ hư, chơi bời lêu lổng, tham gia vào một vụ cướp tiệm vàng và bị kết án 11 năm tù giam.

Cùng thời điểm này, cha Nam là ông Nguyễn Văn Đức (SN 1969) và mẹ là bà Trịnh Thị Bé Hai (tên thường gọi là Dân, SN 1965) cũng ra tòa ly dị. Bà Dân ở lại căn nhà chung, ông Đức về nhà mẹ ruột (bà Nguyễn Thị Liêng) ở xã Xuân Thới Thượng (Hóc Môn) sinh sống. Sau khi Nam ra tù, gia đình cưới vợ cho y. Nhưng do sử dụng ma túy tàn phá thần kinh, Nam thường đánh đập tàn nhẫn vợ mình. Người vợ đã rời đi sau 3 tháng chung sống. Nam làm quen với chị H.N, cháu ngoại của bà Bùi Thị Nết (ngụ huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Nhưng cũng do ảnh hưởng của ma túy nên trong đầu Nam luôn nghĩ gia đình mình và bà ngoại chị H.N đang tìm cách để ngăn cản tình yêu của mình. Từ đó, Nam âm mưu sẽ giết chết tất cả. Ngày 12/3/2019, sau khi giết chết bà Bùi Thị Nết ở Long An, Nam chạy về xã Tân Hiệp giết chết mẹ rồi sang Xuân Thới Thượng giết chết cha và bà nội. Tiếp đó y sang xã Tân Xuân với ý định tìm giết chị ruột của mình thì bị bắt giữ.

Sự tác hại ghê gớm của ma túy đá đến hệ thần kinh còn thể hiện rõ nét hơn ở vụ án Đặng Văn Tuấn giết chết em dâu trong căn nhà ở quận 1 từng gây chấn động dư luận. Sau khi thi hành xong 7 năm tù về tội "mua bán trái phép chất ma túy", Tuấn về ở với em trai là Đặng Văn Thành cùng người vợ không hôn thú của Thành là Bùi Mỹ Hạnh. Do Thành đi làm xa, còn Tuấn và Hạnh ở nhà sử dụng ma túy nên đôi bên phát sinh tình cảm. Sau một thời gian, phát hiện ra Tuấn có thêm "người khác", Hạnh ghen tuông đòi cho giang hồ "xử" Tuấn. Trong cơn ngáo đá, Tuấn bực tức sát hại Hạnh rồi ở cùng xác Hạnh suốt 2 ngày liền.

Tại tỉnh Bình Dương, từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương xảy ra hàng chục trường hợp đối tượng "ngáo đá" thực hiện hành vi vi phạm pháp luật như khỏa thân đi lại nơi công cộng, la hét đe dọa người khác, dùng dao, gậy đuổi đánh người đi đường, leo lên trụ điện cao thế, nhà cao tầng; tấn công người thân trong gia đình; gây thương tích và giết người dã man... Bùi Thiện Em (SN 1990, quê Cà Ma; tạm trú ở phường Bình Thắng, TP Dĩ An) bị "ngáo đá" ôm bình gas la hét đốt nhà trọ làm dân cư cả khu trọ bỏ chạy tán loạn.

Lê Văn Quyết (SN 1988; ngụ xã An Bình, Phú Giáo) dùng dao đâm gục mẹ ruột sau đó dùng kéo tự sát. Võ Văn Quyên (SN 2000, ngụ Bình Dương) trong lúc ngáo đá đã lấy trộm xe máy ở thị trấn Phước Vĩnh di chuyển hơn 10km đến tại xã Phước Hòa (Phú Giáo, Bình Dương) đi vào nhà cụ ông Lê Văn Đường (84 tuổi, bị bệnh tai biến nằm một chỗ) dùng gậy đánh chết và cắn đứt một số bộ phận trên cơ thể của cụ Đường. Quyên bị quần chúng khống chế nhưng đối tượng bị sùi bọt mép và sốc thuốc chết ngay sau đó…

Mới đây thôi, vụ đối tượng Hoàng Đức Thành (SN 2003, quê Yên Bái) ngáo đá dùng dao tấn công 8 người ở chung cư CT9A, Khu đô thị CEO (Quốc Oai, Hà Nội), trong đó có một người tử vong; vụ đối tượng Đặng Thanh Tùng cũng vì ngáo đá dùng kéo đâm 4 người ở TP Cần Thơ… cũng là minh chứng cho những hậu quả đau lòng mà kẻ nghiện ma túy gây nên.

Trộm, cướp giật, đua xe… cũng từ ma túy mà ra

Tại các tỉnh thành phía Nam, nhất là đối với các tỉnh kinh tế phát triển như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai… luôn là vùng trũng của tội phạm, tệ nạn mà nhất là vấn nạn ma túy. Công an tỉnh Bình Dương hiện đang quản lý gần 3.300 người nghiện ma túy trong đó có 2.122 người đang sinh sống ngoài cộng đồng, số còn lại đang trong các trại tạm giam, nhà tạm giữ và cơ sở cai nghiện. Người nghiện ở Bình Dương đang trẻ hóa về độ tuổi và đa số là người tạm trú đến từ các tỉnh, thành khắp nơi trên cả nước nên rất khó kiểm soát.

Người nghiện tập trung chủ yếu ở địa bàn có nhiều khu công nghiệp, nhà trọ công nhân là 5 thành phố gồm Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên và Bến Cát. Thời gian qua nhiều đối tượng nghiện ma túy đã tụ tập hình thành các băng nhóm hoạt động mua bán, sử dụng ma túy và thực hiện các hành vi phạm tội chiếm đoạt tài sản nhằm có tiền sinh sống và mua ma túy sử dụng.

Tại TP Hồ Chí Minh, trong năm 2024, các lực lượng chức năng của TP đã phát hiện 3.482 vụ, 8.996 đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật về ma túy. Tính đến hết năm 2024, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có 23.549 người nghiện; trong đó có mặt tại địa phương là 6.833 trường hợp, đang cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện công lập, cơ sở giáo dục bắt buộc; trường giáo dưỡng 16.485 trường hợp; người nghiện trong trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ 258 trường hợp…

Từ thực tế cho thấy, ở địa phương nào cũng vậy, các loại tội phạm xâm phạm sở hữu như trộm cắp, cướp, cướp giật phần đông do người nghiện ma túy gây ra. Khi không có tiền sử dụng ma túy, các con nghiện sẽ bằng mọi cách để kiếm tiền bất chấp thủ đoạn, hành vi. Có một thời, tại TP Hồ Chí Minh con nghiện là thủ phạm của hơn 70% số vụ cướp giật. Con nghiện cũng là những tay đua khét tiếng trong làng "quái xế" vì khi đã sử dụng ma túy chúng có thể chạy với "tốc độ bàn thờ" mà chẳng chút run tay, sợ sệt.…

Mã Hải
.
.